• MỤC ĐÍCH CUỐI CÙNG CỦA DOANH NGHIỆP LÀ GÌ?

    Nếu ai hỏi bạn: MỤC ĐÍCH CUỐI CÙNG CỦA DOANH NGHIỆP LÀ GÌ? Bạn sẽ trả lời thế nào?

    Tôi đã đặt câu hỏi này cho nhiều doanh chủ. 

    Đa số trả lời (một cách thật thà) là tìm kiếm lợi nhuận. 

    Các giám đốc tài chính (và nhiều chuyên gia tài chính) cũng thường nói vậy. 

    Các giám đốc chức năng khác cũng thường trả lời na ná - làm gì làm, cũng phải có lời, chứ hổng lẽ làm cho lỗ? 

    Sự tranh cãi giữa giám đốc marketing và giám đốc tài chính cũng thường xoay quanh chuyện lời lỗ.

    Giám đốc tài chính luôn nhìn vào dòng cuối cùng (bottom line), tức dòng lợi nhuận sau thuế để đánh giá mọi hoạt động marketing; và trong nhiều trường hợp, các chương trình marketing bị ách tắc vì 2 chữ profit (lợi nhuận) mà giám đốc tài chính sử dụng như bảo bối để nắm quyền "phủ quyết".

    Ít ai hiểu được mục đích cuối cùng của doanh nghiệp KHÔNG PHẢI LÀ LỢI NHUẬN, tức không phải lấy doanh thu trừ chi phí xem còn lại bao nhiêu.

    Lợi nhuận để làm gì, nếu giá trị cổ phiếu không tăng, hoặc tăng rất ít? Có nhiều công ty đâu có lời, thậm chí báo cáo lỗ, nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng. Nếu là cổ đông, tức những đồng sở hữu công ty, bạn muốn giá cổ phiếu tăng hay giảm (cho dù công ty có lời)?

    Giá trị của công ty không chỉ nằm ở khía cạnh tài chính (lời, lỗ), dù tài chính là rất quan trọng. Giá trị công ty còn nằm ở nhiều khía cạnh khác như tầm nhìn, chiến lược, thương hiệu, khách hàng, nhân lực, công nghệ, hệ thống, năng lực lõi, tiềm năng phát triển... Thế cho nên mới có công cụ có tên là BSC - Balanced Scorecard (Thẻ cân bằng điểm), đánh giá nhiều khía cạnh của doanh nghiệp chứ không chỉ có tài chính.

    Mà nếu chỉ đơn thuần chọn khía cạnh tài chính, mục đích cuối cùng của doanh nghiệp cũng không phải là lợi nhuận. Mục đích quan trọng hơn là tối đa hóa giá trị tài sản cổ đông. Nói nôm na, tài sản của cổ đông sẽ tăng lên mức tối đa mới là kỳ vọng của họ chứ không phải là việc công ty có lời nhiều (lời nhiều mà tồn kho nhiều, nợ khó đòi nhiều, tài chính kém lành mạnh, làm ăn chụp giật, thiếu tầm nhìn... thì cũng rất nguy hiểm!)

    Tối đa hóa giá trị tài sản cổ đông, chứ không phải lợi nhuận, là mối quan tâm hàng đầu của mỗi cổ đông.

    ---

    @ Câu hỏi dành cho các cổ đông, những người nắm quyền sở hữu doanh nghiệp: Mục tiêu cuối cùng của DN là gì? Nếu hỏi NV thì cũng vậy! Cần hiểu mục tiêu cuối cùng của DN (nhấn mạnh cuối cùng và của DN) cũng là tối đa hóa giá trị tài sản của cổ đông vì họ lập ra hay đầu tư vào cty đều với mong muốn đạt điều này! Còn mục tiêu của mỗi NV có thể khác!

    Chẳng cần đâu xa, ngay chính tại DN mà anh có CP. Khi cty có lời, nhưng nhìn vào công nợ, hàng tồn kho, dòng tiền, giá cổ phiếu chẳng hấp dẫn. Nhưng khi tái cấu trúc gọn gàng lại, cắt bỏ những mặt hàng không bán được, cắt bớt khách hàng chây ì, công ty lỗ chút đỉnh, nhưng nhờ tài chính lành mạnh, chiến lược rõ ràng, giá CP lại tăng!

    Anh ko nói bỏ qua chỉ tiêu lợi nhuận? Anh chỉ nói giá trị tài sản cổ đông còn quan trọng hơn lợi nhuận. Nếu lợi nhuận giúp giá cổ phiếu tăng và giữ mức cao bền vững thì ok. Còn nếu lợi nhuận ko làm giá cp tăng thì cần phải lưu ý đến các yếu tố khác!

    Long Nguyen Huu - Gr.PTDNV

    Ngày đăng: 13-05-2019 11,094 lượt xem