• CHIẾN LƯỢC NHÂN SỰ Ư? XƯA RỒI!

    Nhân sự (personnel), và quản lý nhân sự (personnel magament) là khái niệm cũ xưa, chỉ cung cách quản lý con người thông qua các hoạt động tính công, trả lương, thưởng phạt, theo dõi hợp đồng (hay giao kèo) lao động và tính toán các chế độ cho người lao động (C&B).

    Nếu nội hàm nhân sự chỉ có vậy thì chiến lược nhân sự (personnel strategy) cũng chẳng có gì để mà hoạch định, triển khai, và cũng chẳng làm thay đổi được gì đáng kể hoạt động quản lý con người.

    Đã từ nhiều chục năm nay, người ta đi vào khái niệm “nguồn nhân lực” (Human Resources) và “quản lý nguồn nhân lực” (Human Resource Management).

    Và gần đây, còn có khái niệm mới hơn là “vốn con người” (Human Capital) và quản lý vốn con người (Human Capital Management).

    Và cũng từ đó, các chiến lược phát triển nguồn nhân lực (Human Resource Development Strategy) và phát triển vốn con người (Human Capital Development Strategy). Đây mới thực sự là mối quan tâm của nhiều tổ chức, doanh nghiệp.

    Các công ty hãy cẩn trọng khi được mời chào các dịch vụ xây dựng chiến lược nhân sự vì nó đã quá cũ xưa, và chẳng có gì đáng để … làm chiến lược. Sẽ có bài viết cụ thể về chiến lược phát triển nguồn nhân lực và vốn con người, ở đó, thành viên sẽ thấy sự khác xa giữa các chiến lược này với cái gọi là “chiến lược nhân sự”. Trust me!

    VẤN ĐỀ QUẢN LÝ CON NGƯỜI

    Các lý thuyết về quản lý con người đều nhắc đến trách nhiệm của nhà quản lý đối với hành vi của nhân viên. Một nhân viên làm việc trách nhiệm, tự giác tuân thủ kỷ luật, tôn trọng khách hàng, hay vô trách nhiệm, vô kỷ luật, hỗn láo với khách hàng đều có phần trách nhiệm của cấp quản lý trực tiếp, và cao hơn là lãnh đạo doanh nghiệp, nơi nhân viên làm việc.

    Vì sao, cùng là nhân viên bảo vệ, mà bảo vệ của ngân hàng V. thì vừa phì phèo thuốc lá, vừa hất hàm, chỉ tay cho khách dắt xe vào, ra nơi gửi xe; trong khi bảo vệ của ngân hàng A. thì lịch sự, lễ phép, dắt xe cho khách tận nơi, lấy giùm mũ bảo hiểm, đưa tận tay cho khách, miệng luôn mỉm cười? Chắc chắn là do quá trình tuyển dụng có sàng lọc, và do quá trình huấn luyện đào tạo, trong đó, rất quan trọng là phần đào tạo kỹ năng và giáo dục ý thức.

    Nhiều doanh nghiệp chỉ coi trọng kiến thức và kỹ năng nhân viên mà coi thường thái độ.

    Khi tuyển nhân viên đầu vào, họ chú trọng kiểm tra (cho làm bài tập, phỏng vấn trực tiếp…) kiến thức, bằng cấp, lịch sử làm việc và đánh giá kỹ năng. Ít có doanh nghiệp nào cho làm bài test hay dùng các phương pháp chuyên môn để đánh giá thái độ.

    Trong quá trình phân công, giao việc, doanh nghiệp lại chú trọng kiến thức, kỹ năng, và tập trung vào đào tạo kiến thức, kỹ năng hơn là giáo dục thái độ.

    Rồi khi đánh giá phần kết quả công việc, được đo lường bằng những con số cụ thể (doanh số bán hàng, năng suất lao động, sản lượng làm ra…), cũng chiếm ưu thế gần như tuyệt đối. Ít ai quan tâm kết quả đó có được từ thái độ nào.

    Một lái xe taxi có thể có được doanh thu hàng ngày rất cao nhờ vào thái độ phóng nhanh, vượt ẩu để tranh giành khách với đồng nghiệp. Một lái xe đường dài có thể đến sớm hơn giờ quy định, bất chấp kẹt xe hay đường xấu, nhờ vào thái độ lạng lách, chạy đua với các lái xe khác hoặc chạy đua với thời gian. Một nhân viên bán hàng có thể vượt chỉ tiêu bán hàng trong ngắn hạn nhờ vào các chiêu trò dụ, ép, lừa phỉnh khách hàng, hoặc bán lấn sang khách hàng/địa bàn của đồng nghiệp…

    Kết quả tốt hoàn toàn có thể có được nhờ thái độ xấu. Và những nhà quản lý thiếu kinh nghiệm hoặc thờ ơ, thường có thể bị mắc bẫy.

    Những vụ tai nạn thảm khốc từ thái độ của lái xe chính là ví dụ rõ ràng nhất cho sự coi thường khía cạnh này.

    Các doanh nghiệp nước ngoài thường đánh giá nhân viên bằng năng lực (competency), không phải chỉ bằng kiến thức (knowledge) hay kỹ năng (skill). Năng lực bao gồm ba thứ - kiến thức, kỹ năng và thái độ (attitude), trong đó thái độ chiến tỷ trọng từ 65 -75%, một tỉ lệ rất cao! Một nhân viên tài năng, nhưng có thái độ xấu sẽ là một kẻ phá hoại lão luyện và sẽ gây ra những hậu quả khó lường. Ngược lại, một nhân viên kém tài năng hơn, nhưng có thái độ tốt, hoàn toàn có thể được đào tạo để làm việc hiệu quả.

    Nguyễn Hữu Long - Gr.PTDNV

     

    Ngày đăng: 07-05-2019 1,458 lượt xem