• SỰ KHÁC BIỆT GIỮA GIÁM ĐỐC TÀI CHÍNH VIỆT NAM VÀ NƯỚC NGOÀI

    Khi các công ty đa quốc gia, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng lớn mạnh, quy mô của các doanh nghiệp không ngừng mở rộng với hoạt động tài chính phức tạp hơn thì cũng là lúc vai trò của Giám đốc tài chính (CFO) là rất quan trọng đối với hoạt động quản trị doanh nghiệp.

    Sự khác biệt giữa giám đốc tài chính Việt Nam và nước ngoài.

    Khác biệt về nhận thức nhiệm vụ của Giám đốc tài chính

    Trong cách quản trị của các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài, tồn tại một khoảng cách lớn về nhận thức khi bàn đến những nhiệm vụ của Giám đốc tài chính.
     
    Điển hình là tại Việt Nam, nội dung công việc của CFO đa phần giống như một kế toán trưởng, kiểm soát các quy trình liên quan đến thu chi tiền, hoạt động thuế, chiết khấu dòng tiền hay thậm chí là lập bảng lương…

    Trong khi đó tại nước ngoài, nhiệm vụ của CFO bao gồm 4 mảng chính:

    (1) Hoạt động đầu tư – tìm phương án đầu tư tiền của doanh nghiệp một cách hiệu quả;

    (2) Hoạt động tài trợ – tìm và đảm bảo nguồn tiền cho các phương án đầu tư;

    (3) Hoạt động chia lợi tức – góp vốn và phân chia lợi nhuận;

    (4) Hoạt động truyền thông – tạo dựng niềm tin, uy tín của doanh nghiệp trong cộng đồng tài chính, kinh doanh và báo chí.

    Cụ thể hơn, CFO ở nước ngoài là người đứng đầu bộ máy quản lý tài chính, phân tích – xây dựng các kế hoạch tài chính, khai thác và hoạch định chiến lược sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính – quản lý cấu trúc vốn, dòng tiền, cảnh báo và kiểm soát các nguy cơ và dự báo tình hình tài chính trong tương lai.

    Thiếu tư duy chiến lược

    Cũng vì đang bị nhầm lẫn về nhiệm vụ, trách nhiệm mà tại Việt Nam, các CFO đang thiên về hướng tác nghiệp, thực thi công việc, thiếu hụt nền tảng tư duy chiến lược để hoạch định các kế hoạch tài chính lâu dài. Trước thực tế môi trường kinh doanh biến đổi nhanh, tiềm ẩn nhiều rủi ro, CFO cần phát triển hơn nữa khả năng phân tích lĩnh vực kinh doanh và thị trường – điều mà một kế toán trưởng không thể đảm nhận.

    Một CFO chuẩn quốc tế phải có vai trò chiến lược gắn với tầm nhìn dài hạn của công ty, đòi hỏi am tường thị trường tài chính, ngân hàng, kế toán, thuế, hải quan… nắm vững chính sách kinh tế quốc gia và các vấn đề tài chính quốc tế.

    Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam đang có những thay đổi tích cực trong vấn đề quản trị tài chính khi ngày càng nhiều hội thảo, diễn đàn có sự góp mặt của các Giám đốc tài chính quốc tế được tổ chức. Đây là bước đi tất yếu, thể hiện sự quan tâm và tìm kiếm nghiêm túc một thế hệ CFO đúng nghĩa, phù hợp với xu hướng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế bền vững.

    Chức danh còn nằm “ngoài vòng pháp luật”

    Nếu như có thể dễ dàng tìm kiếm những quy định về CFO trong các văn bản luật doanh nghiệp, thương mại, kinh doanh, quản lý tài chính của nước ngoài và trong các thông lệ quốc tế thì ở Việt Nam vẫn chưa có luật điều chỉnh. Vậy nên, các CFO ở Việt Nam dường như gặp nhiều khó khăn khi hoạt động trong môi trường thiếu minh bạch, còn nhập nhằng các khái niệm, không được phân công nhiệm vụ hợp lý để phát huy tối đa năng lực. Đây cũng là tiền đề dễ dẫn đến tình trạng gian lận, trốn thuế, chuyển giá… trong hoạt động kinh doanh.
     
    Khi các công ty đa quốc gia, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng lớn mạnh, quy mô của các doanh nghiệp không ngừng mở rộng với hoạt động tài chính phức tạp hơn thì cũng là lúc các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế đề xuất việc xây dựng điều luật cụ thể về CFO. Nếu được thông qua, đây chắc chắn sẽ là cơ hội giúp các hoạt động tài chính – đầu tư của doanh nghiệp tại Việt Nam diễn ra thuận lợi và mang lại hiệu quả nhiều hơn.
     
    Viện kế toán & quản trị DN

     

    Ngày đăng: 17-04-2019 1,100 lượt xem