• LỄ GIA TIÊN

    Trong phong tục đám cưới của người Việt, các bậc phụ huynh, và cô dâu chú rể, phải thực hiện nghi thức thắp hương lên bàn thờ tổ tiên, báo cáo việc thành lập gia thất, mong muốn nhận được sự phù hộ may mắn và hạnh phúc, bày tỏ sự biết ơn đối với các đấng sinh thành, đồng thời giúp cặp vợ chồng thêm phần gắn kết và trách nhiệm trong cuộc sống hôn nhân trong tương lai. Vì thế, nghi lễ này được gọi là Lễ Gia Tiên.

     
    Theo truyền thống, lễ gia tiên được tổ chức trong cả lễ ăn hỏi và lễ cưới tại gia đình nhà trai và nhà gái, tuy nhiên lại có sự khác biệt về thời điểm làm lễ gia tiên giữa hai gia đình. Cụ thể:
     

    1- Lễ gia tiên ngày ăn hỏi: chỉ được tổ chức tại nhà gái.

    Theo phong tục, trong ngày ăn hỏi, lễ gia tiên chỉ được tổ chức tại nhà gái theo trình tự như sau : 

    • Sau khi nhận các lễ vật và đồng ý lời xin dâu của nhà trai, đại diện nhà gái – thường là bố mẹ cô dâu sẽ mang một số sính lễ của nhà trai đặt lên bàn thờ gia tiên để thực hiện nghi lễ.
    • Cô dâu chú rể sẽ cùng nhau thắp hương lên bàn thờ tổ tiên nhà gái để ra mắt ông bà tổ tiên nhà cô dâu, theo sự hướng dẫn của người lớn.

     

    2- Lễ gia tiên ngày cưới: được tổ chức tại cả hai bên gia đình.

    2.1 Trình tự tổ chức lễ cưới tại nhà gái:

    - Lễ nhóm họ: Trong lễ nhóm họ, gia đình nhà gái sẽ làm mâm cơm cúng bái. Trình báo với tổ tiên, ông bà về hỉ sự của con cháu trong gia đình và xin tổ tiên phù hộ cho cô dâu được hạnh phúc.

    Sau là họ hàng thân thiết tụ họp nhau lại dùng bữa cơm thân mật với gia đình để bàn công việc chung cho buổi lễ vu quy. Cha mẹ của cô dâu sẽ có lời nhờ vả đến bà con họ hàng như: “Mai là con gái lấy chồng. Vợ chồng tui nhờ bà con nội ngoại và các con cháu mình ở đây đến phụ giúp cho gia đình tui 2 ngày. Bữa đầu là đãi tiệc vu quy, bữa sau là làm lễ xuất giá đưa nó về nhà chồng…”.

    - Lễ vu quy:

    Lễ vu quy là tên gọi dùng riêng cho gia đình nhà gái, đây là nghi lễ để báo với ông bà và quan khách bên nhà gái, trước khi đưa nàng dâu về nhà chồng. Tên của lễ vu quy sẽ được treo trước cổng rạp cưới tại gia đình nhà gái. Thời gian diễn ra lễ vu quy sẽ trước ngày đưa cô dâu về nhà chồng.

    Khi tổ chức nghi lễ này, nhà gái sẽ đãi tiệc chiêu đãi họ nhà gái, và đại diện từ nhà trai. Tối đến là làm lễ xuất giá.

    - Lễ xuất giá:

    Nhà gái sẽ làm lễ này cho cô dâu vào buổi tối sau lễ vu quy hoặc trong lễ cưới chính thức tại nhà gái trước khi tiến hành lễ rước dâu và thỉnh họ.

    Nghi thức lễ xuất giá đầy đủ chính xác nhất:

    Vào buổi tối tầm khoảng 7 giờ – 8 giờ tối, cha mẹ của cô dâu sẽ mời bà con đến dự. Đặc biệt là các vị trưởng tộc như ông bà, cô chú, bác… Đây là một buổi lễ vô cùng quan trọng đối với người Miền Nam.

    Người có vai vế như ông bà, cha chú, trưởng tộc sẽ hướng dẫn cho cô dâu làm lễ. Trong lễ này, cô dâu sẽ phải bái lạy bàn thờ gia tiên để báo cáo và xin phép cho mình đi lấy chồng, và xin tổ tiên phù hộ độ trì cho hôn sự được tốt đẹp, hạnh phúc. 

    Địa điểm được chọn sẽ là trước khu vực bàn thờ tổ tiên hoặc phòng khách, tại nhà cô dâu. Không khí của buổi lễ thường cởi mở và vui vẻ, nhưng cũng đôi khi sẽ là những giọt nước mắt đầy hạnh phúc của cô dâu, người thân trước khi con gái đi lấy chồng.

    Trước tiên, cô dâu thắp hương bàn thờ cửu huyền theo đúng phong tục. Xá lạy 3 cái để tỏ lòng hiếu kính. Đó là lý do nó còn được gọi là lễ lạy xuất giá. Cha mẹ sẽ dâng rượu, trà, để báo cáo, xin phép ông bà cho con gái họ đi xuất giá về nhà chồng. Theo thứ tự từ lớn đến nhỏ, mời hết bên nội, rồi tới bên ngoại.

    Thường thì cha mẹ, ông bà và người thân cũng nhân dịp này mà trao quà tặng cho cô dâu. Gửi lời chúc đến cô dâu trong ngày trọng đại. Cha mẹ tặng quà cho cô dâu làm của hồi môn sau này cũng trong lễ xuất giá này.

    Thường thì những người tham dự sẽ gửi lời chúc phúc và dặn dò đối với cô dâu. Những người như bà, mẹ, cô, dì, chị... sẽ chỉ dạy cô dâu cách cư xử, hiếu kính với nhà chồng, lòng thủy chung, sự nhường nhịn, lòng vị tha trong đời sống vợ chồng… ăn ở có hiếu với cha mẹ. Về làm dâu phải thiệt ngọt chớ đừng có chua; một sự nhịn là chín sự lành; một sự nhịn là chín sự huề để gia đình vui vẻ nha con; chồng giận thì vợ bớt lời; chồng nhậu thì vợ bớt lời là hạnh phúc hoài đó con; có chồng chỉ thẳng một đường mà đi nha em…

    Trong buổi lễ này thường sẽ có không ít giọt nước mắt nghẹn ngào, hạnh phúc đầy xúc động của cô dâu.

    Đây là một nét đẹp ᴠăn hóa đẹp хuất hiện ở một ѕố ᴠùng Nam Bộ, ѕau khi nhận quà cô dâu sẽ rót rượu hoặc trà để dâng lên gọi là lу rượu mời để bàу tỏ lòng tri ân của mình.

    Nhóm họ nhà gái có chú rể không ?

    Lễ xuất giá còn có một tên gói khác ít dùng là nhóm họ nhà gái, hay lễ nhóm họ nhà gái. Và tất nhiên trong nhóm họ nhà gái sẽ không có chú rể. Vì chú rể đã làm một lễ tương tự tại nhà trai.

    -------

    2.2 Trình tự tổ chức lễ cưới tại nhà trai:
     
    - Lễ gia tiên: Theo phong tục, trước ngày đón dâu, thì trong nhà chú rể phải tiến hành nghi thức: lễ gia tiên.
     
    Nếu là bên nhà gái buổi lễ sẽ gọi là lễ xuất giá.
     
    Nếu là nhà trai thì được gọi là lễ Công cô. 
     
    Nhưng từ này ít người dùng mà hầu hết bên nhà trai chỉ gọi là lễ gia tiên. Còn họ hàng thì gọi nôm na bằng từ thân mật là lễ chịu lạy.
     
    Theo như xưa giờ thì chịu lạy thường tổ chức vào buổi tối khoảng 6-7 giờ. Trễ nhất là 8 giờ. Nên họ hàng bên nhà trai nhà gái hay hẹn nhau "tối nay nhớ tới chịu lạy nghen!".
     
    Riêng chủ nhà, phải mời từng gia đình họ hàng bà con cô bác bên nội và ngoại cho đầy đủ thì mới đúng phép tắc.
     
    Buổi lễ diễn ra long trọng, nhưng vì trong không khí gia đình dòng tộc nên rất ấm cúng thân tình.
     
    Nếu có điều kiện thì ăn mặc nên đúng theo trang phục truyền thống, càng làm tăng phần long trọng của buổi lễ. Và vì vậy ngữ cảnh và người càng thêm đẹp đẽ nhờ có sự chuẩn bị chỉn chu.
     
    Trình tự buổi lễ nào giờ là thắp hương dâng rượu, lạy ông bà cửu huyền thất tổ. Sau đó cúi chào toàn thể bà con hai bên nội ngoại, trình bày lý do, rồi rót rượu mời từng người bà con. Bắt đầu từ bên nội là bên được ưu tiên hàng đầu. Sau cùng là mời rượu và bái lạy song thân.
     
    Khi được mời ly rượu mừng, thì bà con sẽ gửi lại thiệp cho chú rể (nếu bên nhà trai), hoặc cô dâu (bên nhà gái), với món quà mừng ngày cưới bằng trang sức hay hiện kim đều tùy hỷ người cho.
     
    Khi mời rượu, bên nội xong hết mới tới mời rượu bên ngoại.
     
    Riêng anh em của cô dâu/chú rể hai bên nội ngoại, sẽ được mời rượu sau cùng. Từ nào giờ vẫn diễn ra như vậy. Thiết nghĩ chắc vì cô dâu/chú rể luôn được mang họ cha. Nên bên nội được ưu tiên mời rượu trước.
     
    Lễ xuất giá của cô dâu sẽ rất cảm động vì sự lo lắng, dặn dò của ba mẹ với đứa con sắp gả đi xa. Rời khỏi vòng tay cha mẹ, như đánh dấu ngày từ giã tuổi ngây thơ. Cô dâu sẽ được cha mẹ tặng của hồi môn như tiền, vàng, hay các vật dụng có giá trị.
    Ngày nay do kinh tế nhà nào cũng khá giả, ít con, nên con cái như ngọc như ngà. Có chỗ tặng tiền vàng cho con gái đeo đầy cổ. Có người đùa "Ai đó nhớ đỡ hong thôi cô dâu đeo nặng quá coi chừng xỉu!".
     
    Có nhà gái vẫn cho con tiền vàng trong lễ xuất giá, nhưng khi qua nhà trai hôm sau vẫn tặng thêm quà cho cô dâu. Điều đó nhằm mục đích nâng giá trị con gái mình. Có ý như ngầm bảo với bên đàng trai: "Con tui có của đấy đừng có mà ăn hiếp nó nhé!. Nhà trai cũng ngầm hiểu. Thông thường nhà trai chỉ vui vẻ làm thinh đứng xem.
    Bên họ hàng nhà trai sẽ nhìn nhau mỉm cười hoan hỷ.
     
    Người thích đùa sẽ nghĩ ngay đến từ tiếng lóng là nổ hay còn gọi là khè. Người hiểu chuyện sẽ gật gù mừng cho đôi trẻ có nước đồng nước sông mặc sức vẩy. Người hay xem bóng đá gọi góm hỉnh bằng từ: Là đá lộn sân.
     
    Tuy nhiên ở đây tôi chỉ nói tới phong tục nơi quê tôi chứ không phải tất cả. Bởi dù ở miền Tây nói riêng và miền Nam nói chung, cũng có những phong tục khác nhau chứ không thể giống hết. Ví như ở thành phố, thì người ta không thể mời hết bà con dòng họ chịu lạy bởi ai cũng có công việc giờ giấc khác nhau và không phải ai cũng ở gần nhau như ở dưới quê và nhà ở thành thị cũng giới hạn diện tích.
     
    Ở miền tây quê tôi, xưa nay của hồi môn bao giờ cũng cho hết trong buổi lễ xuất giá. Khi cô dâu được rước vào nhà trai, thì mọi nghi thức đều tuân thủ theo phía nhà trai hướng dẫn. Cha mẹ cô dâu chỉ đưa con sang là xong nhiệm vụ.
     
    Ngày nay, có thêm dịch vụ Mc nhận làm buổi lễ lạy gia tiên. Những Mc giỏi thì không nhận những "sô" nhỏ như vầy. Nên chỉ những Mc trung bình mới nhận làm. Sở dĩ buổi lễ diễn ra lâu lắc là do Mc nói quá nhiều. Nói nhiều riết đâm lạc đề. Có Mc thì đọc thơ trôi chảy, có MC thì không, thời gian kéo dài thêm lê thê. Qua văn phong và cách xổ thơ thì người ngoài dễ dàng nhận ra ngay Mc này có trình hay không. Mc càng muốn khoe chữ thì người có học thức nghe càng chán. Bởi nó cũng giống như dốt mà học đòi làm sang vậy.
     
    Nên trong buổi lễ gia tiên cần nói những gì ngắn gọn súc tích là thiết thực nhất. Vì đó là giây phút người thân chúc phúc con cháu. Trao nhau những tình cảm đầm ấm, thân thưong và chân thật nhất. 
     
    Mc mà thao thao bất tuyệt sẽ làm giảm đi ý nghĩa của buổi lễ đầy cảm động nầy. Chưa kể MC pha trò để mọi người cười nhộn quá trớn làm mất đi sự trang trọng của buổi lễ.
     
    Tôi nhớ ba tôi gả mấy chị em tôi. Ba đều chủ trì buổi lễ. Ba tôi rót rượu từ khay trầu, rồi tôi lần lượt mời rượu. Ba tự bưng khai trầu đứng kế con. Mời rượu bên nội xong, rồi tới bên ngoại rành rẽ, long trọng đàng hoàng, không bao giờ lộn xộn như nhiều đám tôi từng đi dự. Cứ hồi bên nội, hồi bên ngoại, loạn cào cào, không phân biệt bên nào.
     
    Thật ra cô dâu hay chú rễ gì, thì bên nội vẫn là bên làm gốc chánh, bởi họ tộc mang trong người là họ tộc bên nội. Bên ngoại bao giờ cũng chịu thiệt một chút phải ngồi chờ sau. Dù bên ngoại có đông hơn gấp bội cũng phải chờ.
     
    Có lần trong 1 đám kia, mc thấy bên ngoại lớn tuổi hơn, nên đang mời rượu bên nội rồi vội nhảy qua bên ngoại, còn lên mặt dạy cô dâu nên "kính lão đắc thọ". Trong nghi lễ, thì nguyên tắc phải rành rẽ, đâu ra đó, có trên có dưới, có trước có sau. Không phải vì bà ngoại cao tuổi hơn bà nội mà mời bà ngoại trước. Dùng từ cũng phải tùy trường hợp. Kính lão đắc thọ là dạy trẻ đối nhân xử thế trong đời sống, biết áp dụng cũng tùy nơi.
     
    Lễ gia tiên chỉ có 3 phần, có gì khó khăn đâu mà phải mượn người chủ trì hay mướn mc. Cha mẹ ai cũng rành rẽ cả vì ngày đó họ đã từng trải qua, là ngày đặc biệt trong đời họ. Và họ đi chịu lạy rất nhiều đám trong thân tộc. Họ thừa biết trình tự phải làm sao.
     
    Ngày xưa, khi được mời uống ly rượu mừng, thì người lớn tuổi như: ông bà, cha mẹ, cô bác, cậu dì, đều được cô dâu chú rể lạy. Nên mới gọi là ngày chịu lạy.
     
    Với người lớn tuổi, thì chỉ cần ngồi nâng ly, không cần đứng dậy, vì mình đáng bậc cha chú cô bác cậu dì. Có người không để ý, khi con cháu mời rượu còn kính cẩn đứng dậy nhận và bưng uống bằng 2 tay. Như vậy chẳng khác nào xem vai vế đứa nhỏ lớn hơn mình. Trong họ tộc gia đình, nên chú ý tôn ti trên dưới mà hành lễ cho đúng.
     
    Giờ đây cái lạy được chế thành xá. Bàn thờ cũng xá, cha mẹ cũng xá, họ hàng cũng xá.
     
    Có những thứ chế quá làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng. Như lạy tổ tiên ông bà là bắt buộc phải lạy mới đúng lễ. Với song thân nên lạy cho tròn nghĩa ân. 
     
    Công lao của ông bà tạo dựng cơ ngơi. Công ơn của cha mẹ sinh thành dưỡng dục. Không đáng phải lạy hay sao mà đi chế. Cái lạy hay cái xá thời gian tốn kém không đáng kể, nhưng khi lạy cảm xúc sẽ trào dâng khác với cái xá rất nhiều.
     
    Cũng giống như khi bạn lạy bàn thờ ngày giỗ tết, trong đầu luôn tưởng nhớ kính trọng bậc tiền nhân. Khi vào chùa, quỳ lạy Phật, thời khắc trong lòng tín ngưỡng thiết tha. Cái lạy tổ tiên và song thân trong ngày thành gia thất cũng mang nhiều cảm xúc thiên liêng như vậy, đó là: sự biết ơn, sự lưu luyến khi sắp rời gia đình, sẽ là những giây phút cảm xúc khó quên trong đời của con cái lẫn cha mẹ và người thân.
     
    Ngày 21/10/2022, tôi chủ trì buổi lễ lạy gia tiên cho con và phá lệ thay vì làm vào buổi tối thì tôi tổ chức xế chiều. Lạy song thân thay vì cuối lễ thì tôi cho con lạy cha mẹ ngay sau lạy ông bà. Chồng tôi bảo tôi ương bướng muốn đảo lộn cái gì thì làm không giống ai. Tôi thì quan niệm khác. Xưa nay cô dâu chú rễ đều mời rượu cha mẹ sau cùng buổi lễ đó là điều sơ sót. Vì đối với đứa con người mà nó mang ơn nhiều nhất chính là cha là mẹ nó. Nên phải kính cẩn mời cha mẹ trước hết rồi mới tới cô bác họ hàng. Tôi nghĩ đó là điều nên làm. Rất vui là các anh chị em tôi đều đồng cảm.
     
    Nên khi nói lời tri ân Cha mẹ và cô bác họ hàng Tân không kềm được cảm xúc. Lễ gia tiên của Tân là buổi lễ mà chắc cả đời Tân không quên vì Tân đã trải lòng tri ân ba mẹ và những người đã luôn yêu thương con. Tân đã lấy nước mắt cả hai bên họ hàng trong niềm xúc cảm chân thành.
     
    Mong con luôn mãi là đứa con sống giàu tình cảm như hiện tại. Biết gìn giữ mối quan hệ thâm tình như nào giờ. 
     
    ------
    Phạm Thu Thảo | tuonglamphotos

     

    Ngày đăng: 31-10-2024 60 lượt xem