• NHỮNG LỜI KHEN ẨN CHỨA CẠM BẪY

    Hỡi một nửa nhân loại, hãy cảnh giác với lời khen! Theo quan niệm từ xưa đến nay, công dung ngôn hạnh được xem là thước đo phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam. Theo thời gian các chuẩn mực này cũng cần phải thay đổi để phù hợp hơn với vai trò phụ nữ trong sự phát triển của xã hội hiện nay.

     
    Năm 1859, một phụ nữ bỗng ngã lăn ra chết 2 ngày sau đêm khiêu vũ. Trong đêm này bà ta được ca tụng là người có tấm lưng ong đẹp nhất. Thủ phạm là chiếc corset thắt quá chặt.
     
     
    Chuyện này thì không mấy xa lạ gì. Còn nhớ cô nàng Scarlet trong Cuốn theo chiều gió phải nghiến răng kìm tiếng rên đau đớn để cho bà vú mạnh tay siết chặt eo chiếc váy khi nàng chuẩn bị đi dự dạ hội khiêu vũ. Khổ chưa, cái giá phải trả thật quá đắt để được cánh đàn ông khen đẹp!
     
     
    Khi người Trung Quốc khen những phụ nữ có gót sen nhỏ nhắn, cũng là khi người phụ nữ xứ họ phải chịu cực hình trong tục bó chân tàn bạo, mỗi đôi chân là một sự tàn phế man dại.
     
     
    Khi người Nhật khen những người phụ nữ xinh đẹp trong chiếc áo Kimono, cũng là khi người phụ nữ Nhật phải chịu làm hình nộm cứng đờ, đau nhức các khớp xương gần như là mãn tính. Vì khi nhắc đến Kimono, nhiều người ắt hẳn sẽ nghĩ đến từ “duyên dáng”, bởi lẽ bộ Kimono ôm sát thân hình, được bao phủ bởi nhiều lớp vải (có thể gần 20 lớp, với đủ loại dây thắt) sẽ khiến cho người mặc phải cẩn trọng hơn khi bước đi, họ không thể chạy, nhảy, nô đùa mà chỉ có thể đi một cách nhẹ nhàng, khoan thai để trở nên dịu dàng và thanh tao hơn. 
     
     
    Khi người đàn ông khen chiếc áo dài Việt: "Áo em trắng quá nhìn thâu da", hay "Trời Sài Gòn anh đi mà chợt thấy".../ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông. Thấy hết, và kệ cái nóng cái lạnh, nhất là khi gặp trời mưa.
     
     
    Trong xã hội phong kiến Việt Nam, người phụ nữ không được học hành qua sách vở và trên ghế nhà trường, nhưng họ được giáo dục từ trong gia đình, dòng tộc, theo quan niệm đạo đức Nho giáo, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng “tam tòng, tứ đức”, để chấp thuận thân phận làm vợ với vị trí rất thấp trong gia đình và xã hội. Nhiều phụ nữ chẳng may góa chồng từ khi còn trẻ, họ tuân thủ phương châm “thủ tiết thờ chồng” và chịu rất nhiều thiệt thòi cho chặng đời còn lại. Nhà nước phong kiến từ thời Lê đã tôn vinh những phụ nữ này, ban cho họ danh hiệu “Tiết phụ”, “Tiết hạnh khả phong” với chế độ tiền, vật chất theo các mức.
     
    Châu bản triều Tự Đức có ghi chép:
     
    - Từ nay phàm những tiết phụ, người nào từ 20 tuổi trở xuống mà ở vậy, bất luận có con hay không mà thủ tiết đến ngoài năm mươi tuổi, có sự trạng xuất sắc như tự vẫn để thủ tiết đều xin chiếu theo lệ hạng ưu thưởng bốn mươi lạng bạc, hai tấm lụa màu, một tấm biển ngạch.
     
    - Hoặc người nào từ 20 tuổi trở xuống, không có con, tuy sự trạng không được như loại trên nhưng chỉ lấy một chồng, không tái giá, làng xóm đều khen là thủ tiết, xin nên chiếu lệ hạng trung, thưởng ba mươi lạng bạc, một tấm lụa màu, một tấm biển ngạch”.
     
    Từ đây, tấm gương về những người phụ nữ được địa phương trình lên nhà vua đề nghị khen thưởng đều phải nêu rõ “sự trạng”. Và cuộc đời họ là một câu chuyện để lại cho hậu thế nhiều thương cảm. Đó là những người phụ nữ nguyện hi sinh tuổi thanh xuân của mình, một lòng thờ chồng. Trong số họ, có người chọn cái chết để giữ trọn phẩm hạnh, có người ở vậy nuôi nấng con hoặc nhà chồng, có người bỏ về nhà mẹ đẻ tránh xa cám dỗ song vẫn đi lại, vẹn toàn hương khói cho nhà chồng… Đặt vào hoàn cảnh xã hội lúc đó mới thấy thân phận đáng thương của người phụ nữ bị ràng buộc bởi những giáo lí khắt khe.
     
     
    Thế đấy, trong những lời khen đôi khi có chứa vài sự thật đắng cay.
     
     
    Cũng như khi người đàn ông khen người phụ nữ thắt đáy lưng ong là khi họ mong muốn phụ nữ khéo chiều chồng và khéo nuôi con, làm nhiều ăn ít, thức khuya dậy sớm thì ... mới thắt đáy lưng ong...
     
    Nên bạn phải coi chừng những lời khen. Đôi khi họ khen mình là nữ tính để họ dễ bề thôn tính cả không gian và thời gian, vì khi bạn thu mình lại và ăn nói nhỏ nhẹ trước họ, không bộc lộ cái tôi hơn họ, không cãi lại họ, và họ dễ dàng áp đặt và ra oai.
     
    Họ khen bạn là phái đẹp để bạn cứ như một bông hoa, để họ làm ong làm bướm, đậu rồi lại bay; để bạn làm trang trí, để bạn không ở địa vị khác, phục tùng họ. Và đôi khi, cao hứng lên, họ còn trịch thượng phán xét bạn là hữu sắc vô hương.
     
    Họ khen vợ họ là bà nội tướng giỏi.... để họ yên tâm một mình tung hoành nay đây mai đó với những ong bướm với các cô nàng bên ngoài.
     
    Người phụ nữ hiện đại ngày nay không chỉ giỏi quán xuyến việc nhà, chăm sóc chồng, nuôi dạy con cái mà họ còn là chỗ dựa tinh thần vững chãi cho người chồng. Họ còn giỏi việc nước, đảm việc nhà, khéo giao tiếp, làm kinh doanh giỏi, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, họ luôn không ngừng trau dồi học hỏi, phát triển bản thân từng ngày.
     
    Vậy đó! Đừng sung sướng với những lời khen để biến mình thành người khác. Có những lời khen chứa đựng cạm bẫy, hãy cảnh giác với những lời khen!
     
     
    Hoahoctro
    Ngày đăng: 04-06-2024 161 lượt xem