-
KINH NGHIỆM VIẾT TRUYỆN NGẮN TỪ CÁC NHÀ VĂN
Quan điểm của các nhà văn về cách viết thường đa dạng và phản ánh phong cách, triết lý cũng như kinh nghiệm cá nhân của họ. Dưới đây là một số quan điểm nổi bật từ các nhà văn nổi tiếng.
Nhà văn Ernest Hemingway
Ernest Hemingway là một tiểu thuyết gia người Mỹ, nhà văn viết truyện ngắn và là một nhà báo. Ông đã nhận được Giải Pulitzer năm 1953 với tiểu thuyết Ông già và biển cả và Giải Nobel Văn học năm 1954.
Nguyên lý tảng băng trôi là đặc điểm trong văn phong của Hemingway. Nó được mô tả là sự kiệm lời, súc tích và có tầm ảnh hưởng quan trọng trong sự phát triển của văn chương thế kỉ XX. Nhân vật trung tâm trong tác phẩm của ông mang tính đặc trưng về đạo đức con người, được tạo ra bằng logic và cách mà con người nhìn nhận bản chất thế giới. Nhiều tác phẩm của ông hiện nay được coi là những tác phẩm kinh điển của nền văn học Mỹ.
Hemingway nổi tiếng với phong cách viết súc tích và tiết kiệm ngôn ngữ. Ông tin rằng một câu chuyện tốt không cần nói nhiều lời mà cần chọn lọc và sắc bén. Ông nói:
“Viết đơn giản. Không nên dùng những từ mà người khác sẽ không hiểu.
Những gì bạn làm là viết một câu thật nhất, trung thực nhất mà bạn có thể.”
Nhà văn Stephen King
Stephen King là nhà văn người Mỹ thiên về thể loại kinh dị hoặc giả tưởng rất được yêu thích khắp thế giới, đặc biệt với mô-típ biến đổi những tình huống căng thẳng bình thường thành hiện tượng khiếp đảm. Những cốt truyện kinh dị và lối viết đa dạng của King đã giúp giới phê bình chấp nhận thể loại kinh dị giả tưởng là một thành phần của nền văn học trong thế kỷ 20.
Cuối năm 2006, tổng số sách của ông đã bán được khoảng 350 triệu cuốn. Ông đã đoạt nhiều giải thưởng văn học, kể cả giải Hugo cho tác phẩm Danse Macabre (1980) và Giải thưởng Tưởng niệm O.Henry cho truyện ngắn The Man in the Black Suit (1994). Stephen King có cách tiếp cận thực tế và tự nhiên đối với việc viết:
“Bạn phải làm 02 điều trước tiên: đọc nhiều và viết nhiều.
Không lạm dụng ngữ pháp phức tạp hay từ vựng cầu kỳ: Đường dẫn ngắn nhất giữa hai người là một câu đơn giản.”
Nhà văn Paustovsky
Paustovsky là nhà văn nổi tiếng người Nga - người 04 lần được đề cử giải Nobel - là bậc thầy của thể loại văn học phong cảnh và văn xuôi tâm lý. Nhiều tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Việt và được bạn đọc yêu mến, như: "Bông hồng vàng", "Bình minh mưa", "Chiếc nhẫn bằng thép", "Vịnh mõm đen", "Một mình với mùa thu", "Câu chuyện phương bắc"...
"Mỗi nhà văn, đều muốn viết truyện ngắn một cách thoải mái, đều không tránh khỏi có lúc phải nghĩ về những nguyên tắc sắt đá, những “quy luật vàng”. Những quy luật đó cố nhiên rất hay. Chúng buộc những ý tưởng còn lờ mờ trong đầu óc phải cập bến đúng ý đồ, nhịp nhàng đi tới những khâu kết.
Truyện ngắn là một truyện viết rất ngắn gọn, trong đó cái không bình thường hiện ra như một cái gì đó bình thường, và cái bình thường hiện ra như một cái gì không bình thường".
Nhà văn Chekhov
Anton Pavlovich Chekhov là nhà viết kịch, nhà văn chuyên thể loại truyện ngắn người Nga. Ông được xem là một trong những nhà văn chuyên thể loại truyện ngắn vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.
Sự nghiệp viết kịch của ông để lại cho hậu thế 04 tác phẩm kinh điển, còn những truyện ngắn đặc sắc nhất của ông luôn được giới văn sĩ và giới phê bình quý trọng. Cùng với Henrik Ibsen và August Strindberg, Chekhov được xem là một trong 03 trụ cột lớn cho sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực trong các loại hình sân khấu.
04 tác phẩm này đặt ra một thách thức cho cả đoàn diễn viên cũng như khán giả. Các vở kịch mà Chekhov viết không phức tạp, nhưng dễ theo dõi và tạo ra bầu không khí hơi ám ảnh cho khán giả, suy ngẫm về ý nghĩa của việc trở thành con người. Triết lý tiếp cận nghệ thuật diễn xuất này không chỉ đứng vững mà còn là nền tảng của diễn xuất trong phần lớn thế kỷ 20 cho đến ngày nay.
"Để có một truyện ngắn tốt, không có cái gì được thừa, tất cả đâu vào đấy. Nghệ thuật viết, không phải ở chỗ viết như thế nào, mà là nghệ thuật vứt đi những gì dở kém như thế nào.
Nếu bạn nói trong chương đầu tiên rằng có một khẩu súng trường treo trên tường, trong chương thứ hai hoặc thứ ba, nó chắc chắn phải nổ. Nếu nó không thế, nó không nên được treo ở đó."
Nhà văn William Somerset Maugham
William Somerset Maugham là nhà văn, kịch tác gia người Anh. Ông là một trong những nhà văn nổi tiếng, được ưa chuộng nhất trong thời đại của mình, và là tác giả được trả tiền nhuận bút cao nhất trong thập niên 1930: tiểu thuyết, truyện ngắn, sách du lịch, tiểu luận, hồi ký, tạp văn, kịch, các bản chuyển thể thành film.
Mặc dù có các thắng lợi, ông chưa thu hút được sự tôn trọng cao nhất từ các nhà phê bình, hoặc đồng nghiệp ngang hàng. Ông cho rằng do ông thiếu "phẩm chất trữ tình", vốn liếng từ vựng ít, và việc thất bại trong sử dụng thành thạo phép ẩn dụ trong tác phẩm của mình. Năm 1934, nhà báo kiêm bình luận gia người Mỹ Alexander Woollcott đã hiến cho Maugham chút lời khuyên ngôn ngữ này: "Phái nữ ngụ ý", và từ đó nam giới "suy luận ra". Maugham tiếp nhận: "Tôi chưa phải là quá già để học hỏi".
Các nhà văn khác sau cùng cũng công nhận tài năng của ông. Anthony Burgess đã ca ngợi ảnh hưởng của ông. George Orwell nói rằng Maugham là "nhà văn hiện đại mà tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều".
"Truyện ngắn là kiểu trình bày một sự kiện theo trình tự diễn biến của câu chuyện, hoặc theo trình tự của tâm tình."
Nhà văn Nguyễn Công Hoan
Là bậc thầy của truyện ngắn châm biếm và trào phúng - ông là tác giả của trên 200 truyện ngắn và gần 30 truyện dài, truyện vừa, Nguyễn Công Hoan là một trong những ngọn cờ đầu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam thời kỳ 1930- 1945. Những tác phẩm của ông mang đến cho độc giả cái nhìn sâu sắc, toàn diện và chân thực về bộ mặt cũng như bản chất của xã hội đương thời...
Ông được sinh ra và trưởng thành trong một gia đình quan lại xuất thân nho học. Từ nhỏ đã được nghe và học thuộc rất nhiều câu thơ, câu đối, những giai thoại mang tính chất trào lộng, châm biếm, đả kích bọn tầng lớp quan lại tham lam, địa chủ cường hào, ác bá. Chính những thơ ca và giai thoại này đã làm ảnh hưởng sâu sắc tới lối viết của ông sau này.
"Khi tôi thấy một hiện tượng (một câu nói, một cảnh, một việc) làm cho tôi xúc động, nếu bản thân hiện tượng ấy chưa thành truyện ngắn được vì nó chỉ có thân mà chưa có kết, thì lập tức thói quen nghĩ của tôi kết ngay được truyện ấy.
Lúc bấy giờ, tuỳ theo cái kết tôi vừa nghĩ ra, để tâm vấn đề nói vui hay thảm, chua chát hay nực cười, tôi phỏng theo hiện tượng ấy mà sáng tạo ra truyện, theo hướng kết đề ấy.
Khi một hiện tượng chỉ gói ghém một ý hay, thì tôi dùng hiện tượng ấy làm kết một truyện. Ngay lập tức, câu chuyện được tưởng tượng, bố trí sẵn sàng theo cái kết ấy, hiện ra trong óc tôi như mở gói ấy ra cho tôi trông thấy."
Nhà văn Bùi Hiển
Bùi Hiển nổi tiếng với thể loại truyện ngắn với tác phẩm Nằm vạ (1941) khi mới 22 tuổi, đồng thời có nhiều bút ký thu hút người đọc và hàng nghìn trang sách dịch. Ông là hội viên sáng lập, tham gia 03 khóa Ban chấp hành, từng làm ủy viên Thường vụ, Thường trực và chủ tịch Hội đồng văn xuôi hội Nhà văn Việt Nam.
"Truyện ngắn lấy khoảnh khắc trong cuộc đời một con người mà dựng lên. Có khi đặt nhân vật trước một vấn đề phải băn khoăn, suy nghĩ, lựa chọn, quyết định. Có khi chỉ là một cảnh sống làm việc bình thường, trong đó nhân vật biểu lộ ý chí tình cảm của mình. Có khi có những hành động mãnh liệt với những tình tiết éo le. Có khi chỉ là một tâm trạng, một nỗi vui buồn, một ý tình chớm nở.
Nhưng phải chọn khoảnh khắc mà nhân vật thể hiện đầy đủ nhất."
Nhà văn Nguyên Ngọc
Nguyên Ngọc là một nhà văn, nhà báo, biên tập, dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục nổi tiếng của Việt Nam. Ông còn được xem là một nhà văn quân đội, gắn bó mật thiết với chiến trường Tây Nguyên, từng được phong hàm Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sự nghiệp văn chương thuộc nhiều thể loại: Đất nước đứng lên (tiểu thuyết, 1955), Mạch nước ngầm (truyện vừa, 1960), Rẻo cao (truyện ngắn, 1961), Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc (truyện và ký, 1969), Rừng xà nu (truyện và ký, 1969), Đất Quảng (tiểu thuyết) ...
"Truyện ngắn mang rất rõ cái chất của từng người viết, nhất là cái chất quả quyết, đột ngột.
Viết truyện ngắn phải có nghề lắm. Vả lại, phải viết về những cái mới, những cái không dễ thấy nhưng ở chiều sâu cuộc đời đang đặt ra."
Nhà văn Nguyễn Thành Long
Nguyễn Thành Long là một nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam, ông có nhiều bút danh như Phan Minh Thảo, Quỳnh Lưu. Là một trong những cây bút chuyên viết về thể loại truyện ngắn và ký. Trong những tác phẩm truyện ngắn của mình, ông luôn tạo được những nét đặc sắc riêng qua những hình tượng đẹp, ngôn ngữ và giọng văn ngọt ngào, trong trẻo, nhẹ nhàng, nhưng rất gần gũi.
"Truyện ngắn phải mang dấu ấn của tác giả.
Dấu ấn ấy trước hết là tấm lòng đằm thắm, sau đó là bút pháp, giọng nói, nhịp điệu câu chuyện, những “cái áo”, “làn da” của tác giả. Nếu không có gì để nói, làm sao anh nâng nổi ngòi bút của anh cho được."
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng
Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn nổi tiếng của Việt Nam, sinh ra và lớn lên ở miền Nam. Phong cách sáng tác của ông luôn thấm đẫm màu sắc và nhịp sống của vùng đất này, gần gũi mà giản dị vô cùng. Ông từng đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật đợt II năm 2001. Ông được biết đến với vai trò là tác giả và biên kịch của hai tác phẩm nổi tiếng là truyện ngắn Chiếc lược ngà và phim điện ảnh Cánh đồng hoang.
"Viết truyện ngắn là chơi bố cục, thú lắm.
Theo tôi quan niệm, truyện ngắn phải có “chuyện” tức có thể kể lại cho người khác nghe được. Mà muốn kể, câu chuyện phải chặt chẽ, hấp dẫn. Yêu cầu bố cục đặt ra từ đấy.
Học ở các nhà văn nước ngoài, truyện ngắn nước ngoài cũng trông vào bố cục. Như Maupassant, như truyện ngắn Nga, toàn là bố cục khiếp cả."
Nhà văn Phùng Quý Nhâm
Phùng Quý Nhâm. PGS TS, Nhà nghiên cứu phê bình Văn học.
"Ý thức về chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn là sức sống cảm quan thẩm mỹ của người cầm bút.
Do dung lượng truyện ngắn hạn chế, nên sự chắc lọc chi tiết đưa vào tác phẩm phục vụ cho chủ đề, cho tư tưởng chung, cho việc khắc họa tính cách, tâm lý nhân vật… là trách nhiệm, tài năng của nhà văn."
Nhà văn Lại Nguyên Ân
Lại Nguyên Ân là một nhà nghiên cứu văn học Việt Nam.
"Lời văn là yếu tố quan trọng cho nghệ thuật viết truyện ngắn.
Lời kể và cách kể là những điều người viết truyện ngắn đặc biệt chú ý khai thác và xử lý, nhằm đạt hiệu quả mong muốn."
Nhà văn Tô Hoài
Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen. Sinh ra trong một gia đình làm nghề dệt lụa ở huyện Thanh Oai, Hà Đông, Hà Nội. Qua hơn 75 năm lao động nghệ thuật không mệt mỏi, nhà văn Tô Hoài đã để lại khối di sản khổng lồ với hơn 170 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau, cho cả người lớn và thiếu nhi.
Các tác phẩm: Dế mèn phiêu lưu ký (truyện, năm 1941); Quê người (tiểu thuyết, 1941); O Chuột (truyện ngắn, năm 1942); Giăng thề (truyện, năm 1943); Nhà nghèo (truyện, 1944); Xóm Giếng ngày xưa (truyện, năm 1944); Cỏ dại (hồi ký, năm 1944).
Các tác phẩm nổi tiếng sau 1945: Vợ chồng A Phủ (truyện, năm 1952, chuyển thể kịch bản phim, năm 1960); Mười năm (truyện, 1957); Vỡ tỉnh (truyện, năm 1962); Kim Đồng (kịch bản phim, năm 1963); Miền Tây (truyện, năm 1967); Người ven thành (truyện, năm 1972); Chuyện cũ Hà Nội (truyện ngắn và ký sự, năm 1980); Những gương mặt (hồi ký, năm 1980); Quê nhà (truyện, năm 1981); Cát bụi chân ai (hồi ký, năm 1992); Chiều chiều (hồi ký văn học, năm 2000); Ba người khác (tiểu thuyết, năm 2006)…
Trong số những tác phẩm gắn liền với tên tuổi của nhà văn Tô Hoài, phải kể đến “Dế mèn phiêu lưu ký” - cuốn sách của tuổi thơ mà ông sáng tác năm 1942 - khi đó, ông mới 22 tuổi. Cuốn sách được tái bản nhiều lần, được dịch và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới. Tác phẩm đã trở thành truyện “gối đầu giường” của biết bao thế hệ độc giả Việt Nam.
"Người viết truyện ngắn phải rèn luyện đến từng dấu phẩy. Và anh chỉ viết được những gì anh hiểu khá kỹ càng. Có thể nói truyện ngắn đòi hỏi nhà văn phải lương thiện rất mực.
Tôi cho rằng truyện ngắn là một thể văn tập cho người viết nhiều nét quý lắm. Chỉ với truyện ngắn, người ta mới biết tận dụng từng chữ, lo săn sóc từng chữ. Nhà văn yếu, thường không tạo được phong cách riêng.
Truyện ngắn đòi hỏi sự hoàn thiện, rèn luyện ta đến việc dùng từng dấu phẩy… Nếu nặng về phần sự thực để minh hoạ ý thì truyện ngắn đã đứng hẳn ở phía của người sáng tạo.
Một truyện ngắn hay, không chỉ có ý nghĩa ở chủ đề và nhân vật, mà từng câu, từng chữ của truyện ấy sẽ tạo nên nội dung cái hay cho chủ đề đó, và nhân vật đó. Mỗi chữ có sức mạnh riêng đồng thời sức mạnh hòa chung cả hai phía ấy dựng nên hồn chữ, hồn câu toàn bài…"
Nhà văn Nguyễn Minh Châu
Nguyễn Minh Châu, tên thật là Nguyễn Thí, là một cây bút văn xuôi tài năng của văn học Việt Nam hiện đại 1954-75. Trước những năm 80, ông sáng tác theo khuynh hướng sử thi thiên về trữ tình, lãng mạn. Sau đó, ông chuyển sang cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức, triết lý nhân sinh. Là người mở đường tinh anh, cây bút tiên phong trong văn học thời kì đổi mới.
Các tác phẩm chính của ông là: Sau một buổi tập (1960); Cửa sông (1966), Dấu chân người lính (1972), Miền cháy (1977), Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983), Bến quê (1985), Phiên chợ Giáp (1989),...
"Tôi thường nghĩ truyện ngắn như mặt cắt ngang thân cây cổ thụ: chỉ liếc qua những đường vân trên thớ gỗ kia, dù sau trăm năm vẫn thấy cả cuộc đời của thảo mộc.
Nói đến truyện ngắn là nói đến nghệ thuật của bố cục và sự hàm súc. Kỹ thuật viết truyện ngắn - giống như kỹ thuật của người làm pháo: dồn nén tư tưởng vào một cái cốt truyện ngắn gọn, thật tự nhiên.
Cho nên những người viết truyện ngắn bậc thầy, đều cao tay trong kỹ thuật dựng truyện và tinh xảo trong ngôn ngữ."
---
Eman Tổng hợp
Ngày đăng: 05-09-2024 91 lượt xem
Tin liên quan
- BÍ QUYẾT LÀM GIÀU CỦA TRIỆU PHÚ MỸ: NẾU MUỐN LÀM GIÀU BẠN NÊN SỐNG NHƯ MỘT NGƯỜI NGHÈO KHÓ.
- LỄ GIA TIÊN
- TIẾNG DẠ LỜI THƯA
- 8 ĐẶC TÍNH CỦA NGƯỜI ĐÀN ÔNG CÓ GIÁO DỤC
- GIÀ SAO CHO... SƯỚNG!
- Điều gì quyết định giá trị đồng tiền? Tại sao những nước nghèo không in thêm tiền để giàu có hơn?
- BI KỊCH CỦA NHỮNG TRIẾT GIA…
- HÔN NHÂN GIỐNG NHƯ MỘT CHIẾC GIÀY
- VÌ SAO BẠN CẦN VẬN ĐỘNG ?
- NÚT CHẶN !
- ĐI TÌM HẠNH PHÚC
- NẾU CÓ KIẾP SAU…ANH SẼ KHÔNG BAO GIỜ YÊU EM ...
- PHỤ NỮ ĐÃ CÓ GIA ĐÌNH ĐỪNG BAO GIỜ MÙ QUÁNG BƯỚC VÀO MỘT MỐI QUAN HỆ MẬP MỜ
- NHỮNG LỜI KHEN ẨN CHỨA CẠM BẪY
- TẠI SAO KHI CÒN SỐNG KHÔNG BIẾT BAO DUNG & YÊU THƯƠNG NHAU ??