-
TIẾNG DẠ LỜI THƯA
Hồi nhỏ, việc này mình được ba mẹ dạy kỹ lắm, nói chuyện với người lớn hơn mà không dạ thưa là bị la, bị phạt, bị ăn đòn. Hầu như tất cả bọn trẻ con đều được dạy rất kỹ.
Trước khi đi ra khỏi nhà là khoanh tay dạ thưa, khi đi về cũng khoanh tay dạ thưa. Đưa đồ vật gì cho ai phải đưa hai tay. Gặp đám tang phải bỏ nón…
Đó là nét đẹp văn hóa cần phải giữ gìn.
Tiếng dạ lời thưaNhư tôi được biết thì ở Miền Nam nói chung và miền Tây nói riêng, tiếng dạ lời thưa nào giờ là tiếng thường dùng như một thói quen từ người già cho tới trẻ nhỏ.Nếu người miền Bắc dùng tiếng Chào để chào nhau thì người Miền Nam chào nhau bằng tiếng thưa. Tiếng thưa ở đây được hiểu là thưa trình chứ không phải thưa gởi.thưa Ba Má con đi học,thưa Ba Má con mới về,thưa Ba Má con đi,thưa quý vị,thưa anh sui, thưa chị sui,xin thưa cùng họ hàng nhà gái đôi lời...Tiếng dạ được dùng đầu tiên cho mỗi câu trả lời hay câu hỏi khi người ta gặp nhau:"Dạ lâu quá mới gặp chị. Chị khoẻ không chị?Dạ gặp chị em cũng mừng quá. Em cũng bận bịu nên ít có đi đâu.Dạ..."câu chuyện cứ thế mà tiếp tục bằng những từ dạ rất tự nhiên.Ngay cả buôn bán ở chợ người mua kẻ bán cũng thế:"Dạ chị mua gì !.Dạ tui kiếm rau ngò tây có hong cô.Dạ tiền thối nè cô ơi"kèm theo đó là lời cảm ơn với nụ cười thật tươi của người bán.và người mua cũng đáp lại bằng nụ cười thật nhẹ nhàng.Tiếng dạ thưa biểu lộ sự lễ phép, sự tôn trọng của người nhỏ với người lớn hơn mình. Và cũng được sử dụng luôn giữa người lớn với người lớn chào nhau bằng sự kính trọng hay khi sắp trịnh trọng trình bày vấn đề gì đó.Lúc chị em tôi còn nhỏ đã được Ba Má dạy, và rầy chuyện dạ thưa rất nghiêm khắc. Mà mỗi lần dạ là phải nói lớn chứ dạ mà nói nhỏ hay lí nhí cũng bị Ba tôi la nữa đó:"Dạ thì phải dạ lớn, chớ nói trong họng ai nghe hả ?".Nên mỗi lần Ba tôi gọi Thảo à hay Thương à (Thương là chị 5 của tôi), không cần biết Ba gọi làm chuyện gì, hễ nghe gọi là chúng tôi vừa dạ ran thật to vừa chạy bay tới chỗ Ba chờ lệnh. Đi chậm lụt thì Ba tôi lại mắng:"Làm cái gì cũng phải lẹ làng, làm như ai hối sau lưng vậy đó".Rồi Ba bồi thêm câu chắc nịch:"Chậm như rùa bò, làm ăn gì !".Ở nhà tôi, việc quản giáo con cái đều do Ba tôi. Chúng tôi nghe răm rắp vì sợ Ba lắm. Ba tôi dạy 1-2 lần thôi. Chuyện dạy biểu rồi mà tái phạm là ông rầy thê thảm lắm. Ba tôi không chửi tục mà Ba nói câu nào nhức óc câu đó. Nên muốn không nghe Ba la hoài là phải biết nghe lời.Giống như câu chê mình chậm chạp. Ừ thì cứ nói nhanh lên là xong. Không đâu, Ba phán như tiên tri: "Làm ăn gì được!". Cái câu giống như khẳng định rồi đời mầy chẳng làm được gì! Rất là bực! (Nhưng chỉ lầm bầm thôi, chưa bao giờ có chị em nào dám trả lời trả vốn).Sau này chị em tôi có con, lâu lâu gặp lại thường phàn nàn với nhau sao con mình giờ nó chậm chạp quá không như tụi mình hồi xưa, khi Ba nói một tiếng là miệng vừa dạ, chân vừa chạy. Hay tại vì nhờ Ba, mà mấy chị em ai cũng nhanh nhẹn, nên giờ thấy con mình chậm quá.Thỉnh thoảng bực mình, tôi lại thốt lên cái câu y như Ba:"Đi lẹ dùm mẹ coi, đi như ai hối sau lưng mầy coi".rồi chợt mỉm cười hình như những gì Ba hay la từng câu, nó đã thấm vô máu.Với ông bà, cha mẹ, cô bác, anh chị ... khi muốn hỏi điều gì, hay trả lời đều phải dạ trước rồi mới trả lời sau.Mà tiếng dạ nó độc ở chỗ vừa là sự xác nhận, sự chấp nhận, vừa là sự chịu đựng, vừa thể hiện phép lịch sự, vừa là câu hỏi ngược, vừa là sự trách móc. Này nha, khi ai hỏi điều gì đó có hay không. Nếu có thì bạn sẽ "dạ". Chiều có học phải không con? _ Dạ. Rồi khi được hỏi: "Mầy thương nó rồi phải không _ Nếu có bạn sẽ dạ.Khi trong đám tiệc, mà có người kể một câu chuyện dài mà mình không muốn nghe, thì mỗi phân đoạn họ kể bạn cũng dạ để chờ họ nói cho qua. Tiếng dạ bấy giờ là sự chịu đựng.Có trường hợp gặp người bà con thân tộc, hoặc người lớn tuổi hơn mình lên giọng dạy đời cái này cái kia ... lúc đó người nghe câu nào cũng dạ như thể nào giờ chưa biết nhờ họ nói mới biết. Miệng thì dạ dạ, mà trong bụng đã thầm bực, hỏng lẽ nói: "Chuyện đó ai mà không biết mà bày đặt dạy" _ Tiếng dạ bấy giờ để giữ đủ phép lịch sự thôi.Rồi khi Ba Má hay anh chị bảo bạn điều gì mà bạn không nghe rõ, bạn cũng dạ kéo dài với ánh mắt biểu hiện sự khó hiểu. Tiếng dạ lúc đó thành một câu hỏi tối giản, thay vì bạn phải hỏi lại là Ba Má hay anh chị vừa nói gì nghe chưa rõ, và xin được lặp lại. Rất ư là tiện đúng không!?Khi nào tiếng dạ là trách móc. Tôi nghĩ chắc chỉ có ở trong gia đình của bà Nội tôi thôi. Đó là các cô tôi. Mỗi lần các cô về thăm Nội mà chúng tôi bận gì đó chưa kịp ra thưa.Lúc ra thưa, chúng tôi khoanh tay đàng hoàng: "Dạ con thưa cô hai" hay "Dạ con thưa cô ba" thì thay vì các cô ừ 1 tiếng cho khoẻ, thì không đâu. Các cô đáp lại một cái dạ kéo dài, thấy mà ghét. Tiếng dạ của các cô có hàm ý như "cảm ơn nha. Tới giờ mới hỏi!". Chị em tôi rất khó chịu với tiếng dạ đó, nên mỗi khi có các cô tới nhà là làm gì cũng bỏ hết việc, chạy ra thưa các cô cái cho xong phận sự, để Má tôi không phải mang tiếng là không biết dạy con.Các cô tôi giàu lắm. Không phải là tôi khoe mà họ thực sự như vậy. Nên sự giàu sang đó làm cho họ nhìn ai cũng thấp kém và muốn thể hiện mình như những bà cô giống kiểu cô Ba Phượng con ông hội đồng Dư trong cải lương vậy. (Dù lúc đó vở Tiếng hò sông Hậu chưa ra đời).Khác với chú năm tôi. Mỗi khi nghe tiếng chú tới nhà là chúng tôi chạy ra để được "Thưa chú Năm" thật to. Để chi? để được chú tươi cười gật gù ừ một tiếng thật ngọt ngào. Rồi chú xoa đầu chúng tôi và khen liền "Giỏi con!". Thế là chú cháu cười vui thân mật.Bà Nội tôi thường dặn khi ra đường gặp người quen phải thưa nghe con. Không thưa người ta nói con nhà không biết dạy. Còn giữa đường gặp người già cả không biết người ta là ai thì cúi đầu là được. Khi qua cầu thì nhường cho ông già bà cả và người có bầu đi trước. Nếu họ đi không được thì dẫn người ta qua dùm nghe con, giúp người ta làm phước.Bà Nội và Má tôi hay dùng từ làm phước để khuyến dụ chúng tôi làm theo. Ví dụ như Má tôi hay bó đuốc để sẳn trong nhà, phòng khi có ai đi đêm lỡ đường thì cho họ làm phước.Người ghé xin gạo, thì cho để làm phước,Còn chút cá, mua hết dùm người ta làm phước,Cho đồ người ta mặc làm phước, cúng chùa làm phước, chép kinh làm phước ...Cái từ làm phước đơn giản nhẹ nhàng nhưng thấm rất sâu vào tâm hồn chúng tôi. Đến giờ tôi cũng dạy con y như vậy.Tôi nhớ lúc còn nhỏ Ba Má hay sai vặt đi tiệm mua này nọ. Từ nhà tôi tới nơi bán tiệm phải qua một đoạn đường chừng 200 thước thôi. Dọc theo con đường là nhà hàng xóm sát nhau, mỗi nhà cách nhau một con rạch. Phía ngoài đường là cây cầu. Gặp ai tôi cũng phải gật đầu thưa:Thưa bà Mười, thưa chú sáu, thưa cô tư, thưa bác bảy, thưa thím năm ...Chưa đâu, còn các anh chị nữa:Thưa chị Phẩm, thưa chị Lệ, thưa chị sáu, thưa anh Luôn, thưa anh bé hai, thưa anh bé ba, thưa anh Chót, thưa chị Lượm..Nhiều lắm. Mỗi lần gặp ai mình thưa là mình phải nhìn họ nở nụ cười chứ đâu phải thưa với bộ mặt bí xị được. Nếu thưa mà mặt bí xị sẽ bị hỏi tới:"Ủa nay sao buồn vậy con" hay: "Nay sao mà buồn vậy cưng" ...Rồi phải bỏ công trả lời: "Dạ đâu có gì !". Thôi thì nở nụ cười cho khoẻ, dù đang lúc bị sai vặt hoài rất bực bội mà không dám cãi.Khi vui thì thưa gửi là chuyện nhỏ, nhưng khi bực bội sẳn trong mình, gặp ai cũng thưa thiệt là mắc công quá đi, nhưng mà chưa bao giờ tôi dám bỏ lơ không thưa lói xóm. Vì đụng mặt bà con mà không thưa, là biết mình bậy lắm.Có lần, tôi dẫn con nhỏ bạn ở SG về chơi rồi cũng rủ nó đi tiệm. Khi thấy tôi gặp ai cũng thưa, nó hỏi đùa "Gần tới tiệm bán đồ chưa Thảo, tao thưa theo mầy nãy giờ mệt gòi đó nhe". Bởi người ở quê hay xởi lởi thấy người lạ theo tôi thì họ hỏi ủa ai vậy con. Thế là con bạn tôi phải thưa theo và giới thiệu mình "Dạ con là bạn của Thảo".Khi đi học, chị em tôi không khi nào quên thưa Nội và Ba Má con đi học. Khi đi học về cũng tìm thưa lại, Thưa Nội, thưa Ba Má con học về. Cái câu Nội tôi nhắc hoài: "Đi phải thưa, về phải trình"... từ chị hai cho tới thằng út.Khi chị em tôi có chồng, đó cũng là câu bà Nội căn dặn đầu tiên: "Ở nhà người ta phải nhớ đi thưa về trình nghe con. Không được đi tắt về ngang. Hong thôi người ta nói mình nhà không có gia giáo, thì xấu hổ cho cha mẹ".Hồi tôi học lớp 1, cô Năm dạy. Sang lớp 2 cô Hồng dạy. Các cô dạy rất nhiều về sự lễ phép này. Cô dạy phải biết thưa thầy, thưa cô,... dù không có học người đó hễ gặp là phải thưa. Khi đang dạy có người lớn vào lớp, phải đứng dậy chào. Khi đi đường gặp người già, phải khoanh tay cúi đầu. Về nhà phải thưa cha mẹ ông bà. Cô dạy lễ phép từ lớp 1. Sang lớp 2 cô còn nhắc. Lớp 3 trở lên tới lớn cứ thế mà không ai quên điều đó cả.Khi các con tôi đi học thì ở trường mẫu giáo, các cô dạy về sự lễ phép rất chu đáo. Nhưng lên cấp phổ thông, thì thầy cô giáo chỉ nhắc nhở đôi lần thôi. Và nề nếp lơi dần, khi lên cấp lớn hơn như cấp 2 cấp 3.Các con tôi là một điển hình. Từ lúc con học mẫu giáo tới bâc phổ thông, ở nhà mỗi lần con tôi đi học. Tôi đều nhắc con: thưa Nội chưa?, thưa Ba chưa?Vì có hôm không nhắc thử xem con nhớ không, thì khi nhớ khi không, nên tôi quyết định ngày nào cũng nhắc. Vậy đó mà mãi cho tới lớp 6, Tân Tiến mới hình thành được thói quen tự biết phải thưa Nội và Ba Mẹ Cô chú khi đi học. Và thưa mọi người. Và không riêng chỉ đi học, mà bất cứ đi đâu xa. Khi đi và khi về đều phải biết thưa hết người lớn trong nhà. Đó là điều tôi bắt buộc giống như khi xưa Ba tôi bắt buộc vậy.Thật ra nói trong phạm vi gia đình thôi. Con cái đi và về nhà mà không biết thưa cha mẹ, cứ chường mặt ra mà vô nhà thì cái phép xã giao còn thua cả hàng xóm.Có lần con tôi là Tiến dẫn bạn về nhà chơi. Chúng vô tư ngồi trước phòng khách trong khi Tiến xuống thưa mẹ. Tôi biểu Tiến: "Con lên gọi mấy bạn của con xuống thưa ba, thưa mẹ đi. Đi tới nhà là phải biết thưa chủ nhà rồi mới được ngồi. Con nhớ đó. Khi con tới nhà bạn con, hay bất kỳ nhà ai cũng phải biết thưa hết người lớn có mặt trong nhà đó rồi mới ở chơi gì chơi. Khi về cũng phải thưa hết mọi người thưa ... con về. Mẹ không chấp nhận con hay bạn con bang bang cái mặt vô nhà người ta đùa giỡn rồi rút về đâu. Thật vô phép và vô lễ."Bạn bè Tiến đều biết mẹ Tiến khó tính. Nên từ đó về sau chúng vô cùng lễ phép ngoan ngoãn. Vậy đó, khó khăn gì đâu. Thưa có 1 tiếng rồi muốn chơi gì chơi, hát hò gì hát, ăn uống gì ăn tự do thoải mái.Khó là với những người không hề được chỉ dạy lễ phép thôi. Không biết thì nên học. Chuyện đơn giản và dễ thực hiện mà.Vậy đó, nói khó thì không phải khó. Nói dễ thì không phải dễ.Tôi thấy thời buổi bây giờ. Tôi đã tiếp xúc nhiều bà mẹ trẻ không hề quan tâm dạy con cách chào thưa mọi người. Khi các mẹ trẻ dẫn con đi tiệc gia đình, bạn bè trong lễ cưới hỏi, sinh nhựt, giỗ quảy... Thì họ thường không biết tự động dẫn con mình đi thưa bà con. Khi bà con, bạn bè đụng mặt thì nựng nịu con trẻ, lúc đó bà mẹ mới biểu con thưa. Trẻ ngùng ngoằn không chịu thưa, thì bà con khoát tay thôi thôi mới gặp nó lạ mà. Vậy rồi thôi luôn. Bà mẹ không biết phải bắt con mình nên vòng tay thưa, vì nghĩ chuyện nhỏ. Đứa trẻ không muốn thưa ai, mà thấy cũng không bị rầy, thì nó sẽ tiếp tục như vậy.Cái lễ phép hàng đầu mà mẹ phải dạy con đó là biết thưa gửi chào hỏi vâng dạ. Đó là bài học đầu đời của con trẻ. Mà người mẹ chính là người Thầy dạy trẻ đầu tiên:Từ 6-7 tháng là mẹ đã bắt đầu dạy con tập ạ.Khi con nói được tiếng một, là dạy con biết khoanh tay, biết dạ.Khi con nói rành, là mẹ lại dạy con biết thưa mọi người,Khi lớn thêm, mẹ dạy cho con biết nói cảm ơn.Tiếng dạ lời thưa là một nét văn hoá ứng xử trong giao tiếp, dễ dàng lấy thiện cảm nhất với người đối diện.Một đứa trẻ từ nhỏ đã không biết thưa gửi bà con họ hàng thì khó duy trì và nuôi dưỡng được sự yêu thương thân thiết từ người đối diện, và cả với tâm hồn của trẻ luôn. Thiện cảm mất dần. Tình cảm vì thế càng xa cách. Mối quan hệ trong thân tộc từ từ mờ nhạt. Bởi khi lớp lớn ra đi, thì lớp nhỏ không còn biết bà con của nó là ai.Trẻ con ngoan ngoãn lễ phép, bao giờ cũng là những đứa trẻ được giáo dục đầy đủ từ sự nghiêm huấn của cha mẹ ông bà. Trẻ con không biết lễ phép, không muốn thưa ai, gặp ai kêu thưa trẻ cũng lắc đầu nguầy nguậy, nói năng trống huơ trống hoác không biết dạ, không biết cảm ơn. Lỗi này không phải của con trẻ. Cái lỗi này thuộc về cha mẹ. Mà người mẹ chiếm 90% trong phần lỗi ấy.Bởi mẹ là người gần gũi với con trẻ nhất. Vì thế mà người xưa mới có câu "Con hư tại mẹ" là thế.---Phạm Thu ThảoChợ Lách 12/4/2024Ngày đăng: 11-10-2024 17 lượt xem
Tin liên quan
- LỄ GIA TIÊN
- 8 ĐẶC TÍNH CỦA NGƯỜI ĐÀN ÔNG CÓ GIÁO DỤC
- GIÀ SAO CHO... SƯỚNG!
- Điều gì quyết định giá trị đồng tiền? Tại sao những nước nghèo không in thêm tiền để giàu có hơn?
- BI KỊCH CỦA NHỮNG TRIẾT GIA…
- HÔN NHÂN GIỐNG NHƯ MỘT CHIẾC GIÀY
- KINH NGHIỆM VIẾT TRUYỆN NGẮN TỪ CÁC NHÀ VĂN
- VÌ SAO BẠN CẦN VẬN ĐỘNG ?
- NÚT CHẶN !
- ĐI TÌM HẠNH PHÚC
- NẾU CÓ KIẾP SAU…ANH SẼ KHÔNG BAO GIỜ YÊU EM ...
- PHỤ NỮ ĐÃ CÓ GIA ĐÌNH ĐỪNG BAO GIỜ MÙ QUÁNG BƯỚC VÀO MỘT MỐI QUAN HỆ MẬP MỜ
- NHỮNG LỜI KHEN ẨN CHỨA CẠM BẪY
- TẠI SAO KHI CÒN SỐNG KHÔNG BIẾT BAO DUNG & YÊU THƯƠNG NHAU ??
- VÌ SAO BẠN ĐỜI QUAN TRỌNG HƠN CON?