• KHÁCH TRỌ hay NGƯỜI NHÀ

    Để thành công và phát triển bền vững chỉ khi các thành viên đều sẵn sàng phục vụ khách hàng bằng tất cả niềm đam mê, lòng yêu nghề và thành tâm cống hiến cho xã hội bằng tất cả tài năng và lòng nhiệt huyết của mình.

    Bạn đến thăm nhà, lần nào cũng vậy, lăng xăng chạy ra bếp, hỏi có làm gì không, xin giúp một tay. Nếu pha trà hay chuẩn bị rượu, bạn lăng xăng xin phụ pha trà, khui rượu. Nếu chuẩn bị bữa ăn, bạn “nhảy” vào phụ nhặt rau, bày biện bát đĩa… Bạn làm việc này tự nguyện, vui thích, vì bạn tự xem mình như “người nhà”, không cần khách sáo, hay giữ gìn ý tứ…
     
    Có những bạn khác đến nhà – ngại ngùng, giữ ý lúc đầu, rồi cũng thoải mái, thân thiết như người nhà, sẵn sàng vào bếp, sẵn sàng cùng nhóm than, cùng nướng thịt, và cả sẵn sàng xắn tay áo lên… rửa chén.
     
    Nhưng có những bạn đến nhà, dẫu cùng nhau ăn uống cả trăm lần, vẫn xa cách, vẫn khách sáo, vẫn chỉ ngồi trên phòng khách, hoặc ra sân … hút thuốc, ngắm cỏ hoa, cây cảnh bâng quơ. Đơn giản, họ chẳng bao giờ xem mình như “người nhà”, mà luôn nghĩ họ là khách. Khách đến, khách đi, chẳng vướng bận hay tiếc nuối gì. Không có đúng/sai, chỉ là không phù hợp.
     
    Trong một công ty cũng vậy. Có những người xem công ty như ngôi nhà thứ hai, họ là một phần của nó và cảm thấy hạnh phúc khi được đóng góp chút gì cho nó. Họ buồn khi thấy công ty đi xuống, họ vui khi thấy công ty đi lên.
     
    Ngược lại, cũng có những người đến với công ty làm việc cứ như là "khách trọ". Họ chẳng quan tâm công ty phát triển hay thụt lùi, đang lên hay đang xuống thế nào. Họ chỉ biết sáng đến, chiều về, lĩnh lương, nghỉ ngơi, và cứ thế…
     
    Có lúc không làm hết trách nhiệm, chất lượng công việc chẳng ra gì, nhưng nếu chưa có ai thấy ai nhắc, thì họ cũng mặc kệ. Nếu có thì ậm ừ thể hiện chút xíu cho có vẻ, rồi sau đó cũng mặc kệ.
     
    Làm quản lý hay doanh chủ, tôi tin, ai cũng trải qua những cung bậc cảm xúc thế này. "Khách trọ hay người nhà" đã là một phần của câu chuyện văn hóa doanh nghiệp.
     
    ----
    Luận bàn: Một doanh nghiệp thành công và phát triển bền vững chỉ khi các thành viên đều sẵn sàng phục vụ khách hàng bằng tất cả niềm đam mê, lòng yêu nghề và thành tâm cống hiến cho xã hội bằng tất cả tài năng và lòng nhiệt huyết của mình.
     
    Cần phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp ra sao? thay đổi văn hóa doanh nghiệp thế nào cho phù hợp với những yêu cầu mới?… thì ngay chính nhiều lãnh đạo DN còn chưa được thấu đáo.

    Thông qua thái độ, hành vi ứng xử và lao động sản xuất… lâu dần sẽ hình thành nên cách làm, cách ứng xử nội bộ .... theo một kiểu văn hoá tích cực/ hoặc tiêu cực. 

    Đó là một nét riêng, lợi hay hại là do những con người trong chính tổ chức ấy và nhân cách của người đứng đầu chi phối. 

    Ở Việt Nam, các công ty gia đình chiếm số lượng lớn, nên văn hóa công ty cũng mang dáng dấp gia đình. Ở các công ty này, văn hóa DN chịu ảnh hưởng rất lớn từ phong cách lãnh đạo của người chủ gia đình.

    Trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh, theo xu hướng, nhiều doanh nghiệp cũng thuê một tổng giám đốc (CEO) về làm chuyên môn. Tuy nhiên, khi CEO vào làm việc thì xung đột lại phát sinh, bởi DN khi đang ở văn hóa C + A (gia đình và linh hoạt), thì CEO lại áp dụng văn hóa M (thị trường và lợi nhuận) ... dẫn đến xung đột. Vì vậy, mặc dù cả CEO và nhân viên đều hướng đến một đích chung, nhưng không thể ngồi với nhau. 

    Sự nhất quán trong toàn hệ thống cả hàng dọc lẫn hàng ngang là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của doanh nghiệp. Sự chuẩn mực, gương mẫu của cấp trên là tấm gương cho cấp dưới học tập và làm theo. Tất cả mọi hành vi từ lời nói đến việc làm của từng thành viên trong doanh nghiệp.

    Người lãnh đạo là người tạo ra văn hóa cho doanh nghiệp, nên việc đầu tiên, lãnh đạo phải thay đổi chính mình như thay đổi ngôn ngữ giao tiếp và ngôn ngữ lãnh đạo.

    Văn hóa DN là những hệ thống chuẩn mực, hay những giá trị mà những người trong công ty cùng chia sẻ và phải tuân thủ. Tuy vậy, văn hóa DN không có nghĩa là bất di bất dịch, nó luôn cởi mở và liên tục được trau dồi…. Và nhớ, nó khác với giá trị cốt lõi của DN, GTCL là những giá trị bền vững, khó thay đổi, là kim chỉ nan trong hành xử của DN.

    Tham khảo thêm bài viết:

    1. http://emanvietnam.vn/doanh-nghiep/cong-ty-vo-van-hoa.html

     

    T/g: Nguyễn Hữu Long

    Cre: Emanvietnam

    Ngày đăng: 25-05-2022 334 lượt xem