• LÀ LÃNH ĐẠO - KHÔNG LÀM ĐƯỢC 7 ĐIỀU NÀY THÌ XEM NHƯ VỨT

    Trước khi trở thành lãnh đạo, ai cũng từng là nhân viên! Tuy nhiên làm nhân viên giỏi không có nghĩa là làm lãnh đạo giỏi. Hãy “bỏ túi” ngay những bí kíp sau nếu muốn trở thành một người sếp thành công, được nhân viên yêu quý bạn nhé.

    Một nhà lãnh đạo tài giỏi là hiện thân cho những GIÁ TRỊ được tạo ra, mà thành viên trong tổ chức đó họ dựa vào đó để phát huy. Đây quả thực là một sứ mệnh cao cả, đặc biệt đối với những người trẻ chưa có đủ kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn.

    Trước khi trở thành lãnh đạo, ai cũng từng là nhân viên!

    Tuy nhiên, bí quyết từ một nhân viên bình thường trở thành nhà lãnh đạo tài ba chỉ cần gói gọn trong một chữ LEADERS với 7 yếu tố cốt lõi sau:

    1. L là "Look & Listen" - Quan sát & Lắng nghe:

    Khi bạn vừa bước lên vị trí quản lý, hãy dành một chút thời gian để quan sát và để ý những điều xung quanh. Những thành viên trong nhóm của bạn đang ưu tiên dành thời gian cho việc gì? Điều này thậm chí hữu ích khi bạn lên lịch họp riêng với từng người trong nhóm. Nó sẽ giúp bạn nhanh chóng nắm được thông tin cần thiết khi bạn hoạch định chiến lược cho tổ chức của mình trong tương lai.

    Nhớ đặt nhân viên của mình lên trên hết, bởi điều cuối cùng ở một nhà quản lý: nếu nhân viên của mình làm việc không hiệu quả, tức là bạn làm việc không hiệu quả. Một người lãnh đạo tốt là phải biết cách đào tạo, hỗ trợ và khích lệ nhân viên mình.

    2. E là "Emotional Bonding" - Kết nối cảm xúc:

    Những nhà lãnh đạo tài ba luôn dành thời gian để xây dựng những mối quan hệ sâu sắc với đồng nghiệp của mình. Hãy hỏi thăm về gia đình của đồng nghiệp (nhưng đừng đề cập đến những vấn đề quá riêng tư). Hãy ghi nhớ ngày sinh của họ, chia sẻ về một ngày làm việc của bạn với họ. Nếu có thể, hãy lên lịch cho những buổi ăn trưa tập thể hoặc họp toàn thể công ty để giải đáp các thắc mắc một cách kịp thời.

    Để mọi người có thể cởi mở hơn, hãy chia sẻ những câu chuyện cá nhân từ cuộc sống thường ngày để mọi người hiểu hơn về con người thật của bạn. Hãy cố gắng thể hiện mình là một người đáng tin cậy và có giá trị thay vì chứng minh mình là người chuyên quyền, độc đoán.

    3. A là "Awareness" - Nhận thức:

    Là một nhà lãnh đạo giỏi, bạn phải có đủ kiến thức về quản lý, các mô hình quản lý, các công cụ quản lý, tri thức về quản lý ... để áp dụng phù hợp cho từng môi trường kinh doanh, và từng đối tượng con người mà bạn quản lý. Nhà lãnh đạo 5 cấp độ là một ví dụ, hãy biết về lý thuyết đó để mà phấn đấu để lên tới cấp độ 5.

    Là một nhà lãnh đạo, bạn phải có đủ thông tin và nhận thức về mọi tình huống, điều này có nghĩa là bạn phải quan sát mọi vật, mọi việc xung quanh mình. Luôn suy nghĩ về Swot với cơ hội, rủi ro, mạnh, yếu ... luôn nhạy cảm với những tình huống rủi ro hay cả thành công.

    Khả năng nhận thức này sẽ giúp bạn có được những thông tin quan trọng đối với thành công của chính mình. Bạn có thể nâng cao hiểu biết của bản thân bằng cách trò chuyện thường xuyên hơn với đồng nghiệp thông qua các cuộc họp định kỳ hay dạo quanh văn phòng để hiểu hơn suy nghĩ của mọi người, cả việc xông pha để nắm thị trường một cách chân thực.

    4. D là "Doing" - Hành động:

    Các nhà lãnh đạo phải hành động. Đừng chỉ ngồi một chỗ và ra lệnh, hãy phân tích một tình huống bởi điều rủi ro của nó có thể dẫn đến tình trạng tê liệt đến mức không thể đưa ra được quyết định nào.

    Lắng nghe đồng nghiệp và hình thành mối quan hệ tình cảm sâu sắc sẽ mang lại cho bạn sự sáng suốt và tự tin để đưa ra các quyết định đúng đắn. Khi bạn bắt tay vào hành động, những người còn lại sẽ chú ý và dễ dàng bị thuyết phục bởi những thành tựu của bạn. Chỉ có kết quả thực tế mới chứng minh được năng lực của bạn, chứ không phải lời nói, hay kế hoạch trên giấy. Làm thực tế luôn luôn khó khăn hơn là nói.

    5. E là "Empowerment" - Trao quyền:

    Đừng bao giờ cố gắng kiểm soát toàn bộ vấn đề. Thay vào đó, hãy để đồng đội của bạn có sự chọn lựa và đưa ra quyết định của mình.

    Bằng cách đặt niềm tin vào các thành viên, bạn cho phép họ có những mảnh đất riêng để phát triển và thiết lập những màu sắc riêng của bản thân. Để có được những đột phá, mỗi cá nhân cần có không gian riêng để thỏa sức sáng tạo và triển khai những ý tưởng. Trong quá trình đó, họ có thể sai, nhưng từ cái sai đó, họ có thể nhận ra cái đúng, chịu trách nhiệm và tự rút ra bài học cho riêng mình.

    6. R là "Responsibility" - Trách nhiệm:

    Can đảm nhận trách nhiệm về mình là một trong những yếu tố quan trọng với tư cách là một nhà lãnh đạo. Điều này có nghĩa là, nếu có vấn đề xảy ra, hãy là người đầu tiên nhận trách nhiệm trước khi giải quyết các vấn đề khác.

    Đừng bao giờ sợ hãi khi thừa nhận: "Tôi đã mắc sai lầm". Khi các thành viên trong nhóm chứng kiến khả năng thừa nhận lỗi của bạn, văn hóa tha thứ sẽ dễ dàng được hình thành. Ở đó, mọi người sẽ thành thực hơn cũng như can đảm hơn để đối mặt với thất bại hoặc lên tiếng để thể hiện quan điểm của mình.

    Một chủ tịch hội đồng quản trị mà tôi biết nói rằng, trách nhiệm nặng nề nhất của ông ta là bán hàng. Đích thân ông ta đi bán hàng, cả trong và ngoài nước, cho dù bên dưới ông có hàng nghìn quân. Bởi khi đó, ông ta phải dẹp hết lòng tự tôn, hạ thấp mình nhất có thể để ký được đơn hàng với đối tác. Với người như vậy, không có lí do gì ông ta lại hạch sách lên mặt với nhân viên của mình. Đó là thái độ trong quản lý.

    7. S là "Synchronicity" - Tính đồng bộ:

    Nói và làm phải nhất quán, chi nhánh này với chi nhánh kia phải nhất quán trong cách làm, văn hóa doanh nghiệp phải thể hiện tính đồng bộ ở tất cả chi nhánh hay tập đoàn. Tinh thần đó phải xuyên suốt đến từng thành viên. Hợp nhất tất cả lại tạo thành một sức mạnh vô song, mà người trong đó luôn phải tự hào mình được là thành viên.

    Khi bạn dẫn dắt nhóm bằng cả linh hồn mình, những cảm xúc tích cực từ bạn sẽ được lan tỏa và những kết quả tích cực cũng từ đó kết trái.

    Đó có thể là những đồng nghiệp được truyền cảm hứng từ bạn và nỗ lực hết mình để phát triển công ty.

    Hay những thành công của bạn với tư cách là một nhà lãnh đạo sẽ giúp bạn có được sự công nhận rộng rãi. Bằng cách gieo hạt, bạn sẽ thấy cơ hội nở hoa. Đó chính là sự đồng bộ - khi những điều tốt đẹp không liên quan cứ thế đâm chồi nảy lộc.

    Trung Hậu -ST-

    Ngày đăng: 16-11-2023 243 lượt xem