• DOANH NGHIỆP KHỞI KIỆN KHIẾU NẠI KHÁCH HÀNG - XU HƯỚNG CẦN KHUYẾN KHÍCH VÌ SỰ VĂN MINH ?

    Giải quyết khúc mắc giữa doanh nghiệp và người dùng bằng pháp luật sẽ là xu hướng tất yếu, sớm phổ biến tại Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường, phát triển thương mại điện tử và bùng nổ thông tin trên mạng, kéo theo nhiều vấn đề mặt trái xã hội.

    Ngày 20/4, ông Trần Văn Hoàng, chủ kênh Youtube GoGoTv đăng một video dài gần 30 phút liệt kê hàng loạt lỗi trên chiếc xe VinFast Lux A2.0 mà ông mới mua và đi được khoảng 8.000 km. 

    Ngày 2/5, VinFast thông báo, họ đã gửi đơn tố cáo cùng đầy đủ bằng chứng ra cơ quan công an về hành vi sản xuất và lan truyền thông tin sai sự thật của ông Trần Văn Hoàng làm ảnh hưởng nặng nề đến thương hiệu. Cơ quan công an đã tiếp nhận đơn tố cáo và có lịch mời ông Hoàng lên làm việc.

    Cùng lúc, TAND TP.HCM cấp phúc thẩm tuyên buộc một bệnh nhân của bệnh viện FV phải gỡ bỏ nội dung sai sự thật và xin lỗi công khai trên 3 tờ báo trong một phần bản án của vụ kiện kéo dài 3 năm

    Phản ứng của dư luận

    Sự việc này tạo ra làn sóng tranh cãi trên mạng xã hội suốt những ngày qua. Cư dân mạng đua nhau chỉ trích VinFast cậy mạnh "ăn thua đủ" với khách hàng; nhiều người cho rằng khách hàng là thượng đế, khen chê sản phẩm là chuyện bình thường, sao lại phải giải quyết mâu thuẫn bằng cách "kéo nhau ra cửa quan" như vậy.

    Xu hướng "ra tòa" sẽ sớm phổ biến ở Việt Nam

    Phản ứng của dư luận gần đây là do tâm lý kinh doanh thường ngại va chạm với khách hàng, vì suy nghĩ khách hàng là thượng đế, khách hàng luôn luôn đúng, khách hàng là những người mang lại nồi cơm cho doanh nghiệp. Vì sợ bị quay lưng, thay vì ra tòa, không ít doanh nghiệp tìm đường ngang, ngõ tắt, thậm chí đi đêm để thỏa hiệp.

    Song suy nghĩ này khác với nhiều nước phát triển trên thế giới, các vụ kiện tụng, bao gồm cả doanh nghiệp kiện khách hàng khá phổ biến, là chuyện hết sức bình thường. Với họ, khách hàng chỉ luôn luôn có lý, chỉ vì lý do nào đó họ mới vô lý, chứ không phải họ luôn luôn đúng. Khách hàng làm sai, doanh nghiệp sẽ kiện.

    Đặc biệt, khi thông tin thất thiệt đến với hàng vạn, hàng triệu người trên mạng xã hội.

    Một doanh nghiệp nhỏ, chỉ với một thông tin sai có thể đi tới bờ vực phá sản. Với thương hiệu lớn, con số thiệt hại rất khó đo đếm, có thể là hàng triệu đô la từ những thông tin sai lệch. Chế tài không hợp lý rất có thể dẫn đến trường hợp ai đó cố tình tung tin chấp nhận chịu phạt một vài chục triệu đồng để đổi lại là nguồn lợi lớn hơn rất nhiều.

    Theo Luật sư Trương Thanh Đức

    Điều này hoàn toàn đúng về mặt pháp lý. Khi có khúc mắc giữa người bán hàng và khách hàng, cả hai bên đều có quyền khiếu kiện như nhau. Tùy tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra, mà các bên có thể lựa chọn giải quyết bằng khiếu nại lẫn nhau, khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để giải quyết tranh chấp dân sự, yêu cầu cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính và cuối cùng không loại trừ việc yêu cầu cơ quan pháp luật xử lý hình sự nếu có dấu hiệu của tội phạm.

    Điều 11, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tới 7 phương thức để cá nhân và pháp nhân bảo vệ quyền của mình khi vị xâm phạm, trong đó có việc khởi kiện đòi bồi thường.

    Bài bản, sòng phẳng về lâu dài thì mọi quan hệ pháp luật cần được phải xử lý bằng pháp luật - công cụ để bảo đảm lợi ích giữa thương nhân và khách hàng. Một số doanh nghiệp Việt có nền quản trị tốt họ dần nhận thức được điều đó và đã đi theo hướng này. Tôi đánh giá cao điều ấy để mọi thứ được công khai minh bạch, từ đó thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

    Xử phạt lợi dụng tự do ngôn luận để xâm phạm lợi ích

    Có nhiều quy định cấm và chế tài xử lý liên quan đến việc thông tin sai sự thật. Chẳng hạn như khoản 5, Điều 6, Luật Khiếu nại năm 2011 quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm là “cố tình khiếu nại sai sự thật”. Hay khoản 10, Điều 8, Luật Tố cáo năm 2018 quy định một trong những trường hợp bị nghiêm cấm là “cố ý tố cáo sai sự thật”. Điểm d, khoản 1, Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018 cũng quy định nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để thông tin sai sự thật gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

    Hành vi lợi dụng mạng xã hội để “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” sẽ bị phạt hành chính với số tiền tử 10 – 20 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03-02-2020.

    Nếu như mức độ nguy hiểm cao hơn, thì có thể bị xem xét xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 331 của Bộ luật Hình sự về việc lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Khung hình phạt với tội này có thể là phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

    Việt Nam có thể sẽ bị tụt hậu nếu thiếu sự công khai, minh bạch?

    Nguyên tắc của pháp luật là sòng phẳng. Chúng ta nên ủng hộ việc đề nghị các cơ quan chức năng xử lý khi có xung đột, tranh chấp, khi nhận thấy bị xúc phạm, làm ảnh hưởng uy tín, ông việc làm ăn; sau đó tuân thủ phán quyết của cơ quan thực thi pháp luật. Sống và làm việc theo pháp luật là cách hành xử văn minh cần được khuyến khích để đất nước ngày một phát triển hơn.

    Sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng làm ảnh hưởng điều hành doanh nghiệp. Thông tin lan truyền rộng rãi trên các phương tiện và mạng xã hội cần được kiểm chứng. Đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cũng luôn nhấn mạnh việc tuân thủ pháp luật.

    Cộng đồng người tiêu dùng có thể bị sốc hay không đồng tình trong phản ứng đầu tiên, nhưng cũng sẽ dần thay đổi suy nghĩ sau cách làm của VinFast. Nếu mọi vấn đề pháp lý đều được xử lý bằng pháp luật một cách đúng luật thì đó mới thực sự là một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

    Emanvietnam | vtc.vn

    Ngày đăng: 12-05-2021 816 lượt xem