• MỤC TIÊU VÀ CON ĐƯỜNG CỦA DOANH NGHIỆP

    THIẾT LẬP MỤC TIÊU CHO CÔNG TY THẾ NÀO? có người bảo rằng muốn thiết lập mục tiêu lâu dài (10 năm trở lên) cho cty thì phải bắt đầu từ (bước 1) là chọn con đường cạnh tranh, (bước 2) là xác định các năng lực lõi của công ty, (bước 3) là thiết lập mục tiêu 10 năm. Và tiếp theo sau là các mục tiêu 5 năm, 1 năm... Tôi rất ngạc nhiên với trình tự các bước thực hiện như vậy!

    * Trước hết, cần hiểu rằng, không thể chọn con đường khi chưa chọn mục tiêu. Có khi nào ở SG, bạn chọn con đường ra Bắc, rồi đi thật nhanh, sau đó mới phát hiện và chọn mục tiêu là đến mũi Cà Mau không?

    Tức bạn chưa biết đến đâu, đích nào, mong đợi kết quả thế nào trong 5 - 10 năm hoặc lâu hơn là một mục tiêu chiến lược (strategic objective) cho giai đoạn 5 - 10 năm hoặc lâu hơn, mà bạn chọn đại con đường, đó là cách làm sai. Mục tiêu đó phải có trước, phải được thiết lập trước, thì mới có cơ sở để chọn con đường đi (là chiến lược).

    Chiến lược là "how to get there", là cách thức (cách làm trong cạnh tranh) để đạt mục tiêu. Thế mà trong khi mục tiêu chưa có, lại bảo rằng bước đầu tiên là phải chọn con đường (?). Vậy thì con đường sẽ dẫn đến đâu, khi bạn chưa chọn đích đến?

    Tôi lấy ví dụ 1, nếu mục tiêu là tăng trưởng 70% về quy mô và thị phần, mà không đặt nặng chuyện lời lỗ, thì chiến lược sẽ khác.
     
    Tôi lấy ví dụ 2, với mục tiêu phải có lợi nhuận 100 tỷ ở năm thứ 10 mà không cần tăng quy mô và thị phần, thì chiến lược sẽ khác. Mục tiêu khác nhau, con đường sẽ khác nhau. Do vậy, không thể chọn con đường khi chưa xác định mục tiêu!
     
    * Thứ 2, năng lực lõi là thứ phải xác định và đánh giá trước khi chọn con đường đi (tức hoạch định chiến lược). Năng lực lõi của DN (nôm na là thế mạnh vượt trội giúp nó tạo lợi thế cạnh tranh mà đối thủ rất khó bắt chước) là cơ sở để hoạch định chiến lược (chọn con đường cạnh tranh). Năng lực lõi phải được xác định trước khi lựa chọn chiến lược chứ không phải sau khi đã chọn chiến lược (con đường). Năng lực lõi có thể có sẵn hay tích lũy, hay mua về, nhưng cần xác định rõ các năng lực này trước khi chọn chiến lược, tức con đường cạnh tranh.
     
    Ví dụ, tôi chọn đi đường rừng vì tôi xác định thế mạnh là tôi đang có xe 2 cầu! Tôi phải xác định là tôi đã có gì trong tay hay sẽ có gì trong tay thì tôi mới dám chọn con đường này mà không chọn đường kia.
     
    Ví dụ, tôi biết là tôi học giỏi các môn Toán, Lý, Hóa - nên tôi chọn con đường thi vào ĐH ngành kỹ thuật để lấy bằng kỹ sư. Nếu tôi không giỏi, không có năng lực về các môn này mà lại chọn thi ngành kỹ thuật thì làm sao tôi thi đậu và làm sao tôi học nổi để ra trường?
     
    Còn mục tiêu lâu dài (5 - 10 năm, hoặc lâu hơn), và cả con đường để đạt mục tiêu, phải được lựa chọn dựa trên các phân tích vĩ mô, vi mô, bên trong, bên ngoài doanh nghiệp, chứ không phải tự nghĩ ra là được.
     
    Ví dụ, Khi một bà bán phở đặt mục tiêu là chỉ kiếm mỗi tháng 10 triệu đủ xài và bán trong hẻm nhỏ, con đường làm ăn của bà sẽ khác. Còn nếu bà đặt mục tiêu sau 10 năm sẽ đưa chuỗi phở của bà đạt 200 quán trên toàn quốc, đem lại doanh thu 2000 tỷ/năm thì con đường đi (chiến lược) của bà sẽ khác. Chọn con đường nào, bà phải dựa và năng lực và khát khao, kỳ vọng của mình. Nếu khát khao kiếm 10 tr/tháng, con đường sẽ khác. Nếu khát vọng kiếm 10 tỷ/tháng, con đường sẽ khác.
     
    Đã là chiến lược thì phải được chọn dựa trên năng lực lõi đã được xác định trước đó (có thể đã sẵn có, hay mua lại, hay phải tích lũy thêm), căn cứ vào mong đợi trước đó (mục tiêu) và dựa vào kết quả các phân tích cẩn trọng về vĩ mô, vi mô, thị trường, các yếu tố bên trong, bên ngoài..., chứ không phải tự nhiên cứ chọn đại một con đường rồi gọi tên nó là xong!
     
    Một công ty chọn con đường cạnh tranh bằng giá rẻ là vì họ có năng lực lõi là vận hành với chi phí thấp, và họ đã đặt mục tiêu tăng quy mô hay thị phần hay gì đó trước khi chọn con đường giá rẻ để bán thật nhiều. Cty khác chọn con đường khác biệt hóa khi họ có năng lực lõi tạo ra sự khác biệt vượt trội.
     
    Quan điểm của bạn thì sao? Bạn chọn đường đi trước khi chọn đích đến hay phải làm ngược lại? Và bạn chọn đường dựa trên nguồn lực và năng lực lõi của mình hay cứ chọn bừa xong rồi mới ngồi xác định năng lực của mình là gì?
     
    * Cần lưu ý rằng con đường thành công hay chiến lược cạnh tranh của DN cũng có thể thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào những biến động bên ngoài, bên trong, và tùy thuộc vào mong đợi, khát vọng, mục tiêu của người đứng đầu DN. Con đường là để phục vụ cho mục tiêu. Nếu mục tiêu là nghỉ ngơi, không làm gì, chủ DN sẽ bán hết, bỏ hết, thanh lý hết, và con đường kinh doanh sẽ đóng lại!

     

    Nguyễn Hữu Long

    Ngày đăng: 31-03-2021 1,088 lượt xem