-
FED TĂNG LÃI SUẤT, KINH TẾ SẼ ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO?
Lạm phát Mỹ hồi tháng 3/2022 tăng với tốc độ nhanh nhất 40 năm. Điều này có thể buộc Fed tăng lãi suất thêm vài lần nữa trong những tháng tới.
Hồi tháng 3, cơ quan FED nâng lãi thêm 0,25% - lần đầu tiên kể từ cuối năm 2018. Hôm 4/5/2022, Fed nâng lãi suất 0,5% - mạnh nhất 22 năm. Người Mỹ sẽ cảm nhận rõ tác động của sự thay đổi này. Họ sẽ không còn được vay lãi suất cực thấp khi mua nhà hay mua xe nữa. Sức cầu sẽ giảm. Kéo theo nhu cầu nhập khẩu cũng giảm, ảnh hưởng cán cân xuất nhập khẩu của thế giới.
Đồng tiền chủ chốt trong nền thương mại quốc tế hiện nay là đồng USD. Hầu hết xuất nhập khẩu trên thế giới đều sử dụng USD. Các mặt hàng quan trọng như dầu, vàng đều được định giá theo đơn vị USD chứng minh được vị thế quan trọng của đơn vị này trong hệ thống tiền tệ thế giới. Cơ quan duy nhất có thẩm quyền can thiệp vào việc xác lập giá trị đồng USD qua các hoạt động ngoại tệ hay mua bán USD chính là FED. Việc này cũng có nghĩa là việc FED kiểm soát USD cũng làm cho thị trường trên toàn cầu bị kiểm soát một cách gián tiếp.
Khi đại dịch xuất hiện, Fed gần như hạ lãi suất về 0% để khuyến khích người dân Mỹ chi tiêu, và doanh nghiệp đầu tư. Để hỗ trợ cho nền kinh tế khi thị trường tín dụng đóng băng hồi tháng 3/2020, Fed còn đưa ra các công cụ tín dụng khẩn cấp, và tung hàng nghìn tỷ USD ra thị trường để hỗ trợ, việc các chính sách được tung ra khẩn cấp, nhưng mãi chưa được gỡ bỏ, đã khiến nền kinh tế tăng trưởng quá nóng, cầu tăng nhanh kéo nhập khẩu tăng, chi tiền tăng.
Mỗi lần Fed nâng lãi suất, việc đi vay sẽ đắt đỏ hơn. Điều này đồng nghĩa mọi khoản vay, từ mua nhà, mua xe, thẻ tín dụng, vay nộp học phí sẽ tốn kém hơn. Chi phí đi vay với doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cao lên. "Tiền không còn miễn phí nữa".
Lãi suất có thể tăng đến mức nào?
Trước khủng hoảng tài chính 2007 – 2009, lãi suất này còn lên tới 5%. Hiện tại việc này vẫn còn chưa được quyết định.
Khi Fed nâng lãi tham chiếu. Người gửi tiền cuối cùng cũng có tiền lãi. Tuy nhiên lãi suất tiết kiệm cũng vẫn ở mức rất thấp, thấp hơn lạm phát và lợi nhuận trên thị trường chứng khoán.
Các nhà kinh tế học cảnh báo lạm phát có thể còn tồi tệ hơn, do giá hàng hóa đã tăng vọt kể từ sau chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Mọi thứ từ thực phẩm, năng lượng đến kim loại đều trở nên đắt đỏ, dù giá dầu đã hạ nhiệt.
Chi phí sinh hoạt cao đang khiến hàng triệu người Mỹ đau đầu, đẩy niềm tin tiêu dùng xuống thấp nhất thập kỷ. Họ kéo giảm sức cầu trong nước, và gây ảnh hưởng dây chuyền nhập khẩu giảm, tăng sản xuất trong nước.
Cán cân nhập khẩu vào Mỹ giảm, việc này còn gây sức ép lên các nền kinh tế đang phát triển. Có thể làm thay đổi dòng chảy đầu tư toàn cầu, khiến dòng vốn rời các nước nghèo để chảy sang Mỹ. Việc này sẽ kéo giá đôla Mỹ lên và đẩy giá các đồng tiền khác xuống. Để bảo vệ nội tệ, các nước này có thể cũng sẽ nâng lãi suất theo, gây ra hệ quả dây chuyền như kéo tụt tăng trưởng, xóa sổ nhiều việc làm và doanh nghiệp ngại đi vay. Các chính phủ mắc nợ cũng sẽ phải chi nhiều hơn cho việc trả nợ, từ đó ảnh hưởng đến ngân sách cho những việc như chống dịch hay xóa đói giảm nghèo của các nước trên thế giới.
Các nền kinh tế bị ảnh hưởng như thế nào ?
A. Nghẽn 7 dòng tiền trong BĐS và kinh tế chung:
1. Đầu tiên là vốn chủ sở hữu - vốn tự có. Nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt nguồn vốn tự có. Phần lớn vốn liếng tích lũy bấy lâu, được dùng để mua đất, xây dự án, giờ tiền đang vùi trong đất. Trong cảnh này, một số ông chủ thậm chí còn phải xoay tiền mua lại các trái phiếu chưa đến hạn, nên tiền đã thiếu càng thêm thiếu.
2. Hai là tín dụng ngân hàng. Nhưng ngân hàng về cơ bản đã hết hạn mức cho vay với doanh nghiệp bất động sản, nên kể cả có tài sản đảm bảo tốt, doanh nghiệp cũng khó hy vọng gì về dòng tiền này.
3. Trái phiếu doanh nghiệp: trước đây là nguồn tiền ưa thích của nhiều ông chủ địa ốc. Nhưng quá trình xử lý sai phạm trong phát hành trái phiếu Tân Hoàng Minh hay gần đây là Vạn Thịnh Phát đã khiến niềm tin của nhà đầu tư bị tổn thương.
4. Với các doanh nghiệp đang niêm yết, thị trường chứng khoán - là kênh huy động vốn nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên, những ngày gần đây, tình trạng call margin liên tục xảy ra với các công ty bất động sản như DIC Corp (DIG), Phát Đạt (PDR). Call margin hiểu ngắn gọn là công ty chứng khoán đã đề nghị khách nộp thêm tiền hoặc bổ sung chứng khoán thế chấp, nhưng khách hàng không đáp ứng được yêu cầu, nên công ty chứng khoán buộc phải bán chứng khoán đang thế chấp để thu tiền vay về, nghĩa là các ông chủ đã cạn tiền.
Trong bối cảnh giá giảm, các kế hoạch để hút tiền từ thị trường chứng khoán dễ gặp thất bại. Nếu phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu: cổ đông sẽ không mua vì không có tiền và vì giá đang giảm. Nếu cầm cố cổ phiếu để vay lấy tiền sẽ gặp rủi ro call margin như nêu trên. Còn nếu bán cổ phiếu để thu tiền về thì giá đang giảm mạnh, nên càng bán càng lỗ, cung cao hơn cầu.
5. FDI - đầu tư trực tiếp nước ngoài là một dòng vốn quan trọng của thị trường, nhưng tài chính toàn cầu đang trong tình trạng khó khăn chung, các quỹ đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài cũng đang ở trong giai đoạn phòng thủ, giữ tiền mặt. Ngoài ra lãi suất đồng USD đang ở mức cao và có xu hướng tăng, nên ngoại tệ đang chảy khỏi Việt Nam thay vì có thể thu hút được dòng vốn này.
6. Để bù đắp do chính sách tiền tệ đang thắt chặt, thị trường vốn ngân sách nhà nước qua đầu tư công kỳ vọng sẽ phần nào làm giảm "cơn khát tiền", nhưng việc chậm giải ngân đầu tư công làm nguồn tiền vào nền kinh tế bị thiếu hụt, trong 10 tháng chi mới chỉ đạt 46,44% kế hoạch cả năm, không bù được sự suy giảm từ các nguồn khác.
7. Niềm hy vọng cuối cùng là vốn trong dân. Nguồn này vẫn còn, nhưng người dân đang mất niềm tin vào thị trường, họ sẽ chờ đợi các tín hiệu đảo chiều rồi mới xuống tiền. Lãi suất đang ở mức cao nên dân sẽ lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng như một kênh đầu tư an toàn trong giai đoạn hiện nay.
Cả 7 kênh dẫn vốn cho thị trường đều đang tắc, khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản và các doanh nghiệp thương mại đứng trên bờ vực sinh tồn.
B. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu càng lúc càng trầm trọng
Hàng hóa không thể lưu thông từ các trung tâm sản xuất sang các trung tâm tiêu thụ, và ở ngay trong nội bộ của các quốc gia, hàng hóa cũng không thể lưu thông từ vùng này sang vùng khác.
Bắt đầu từ việc các nhà máy không thể cung cấp đủ hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường vì thiếu nguyên liệu, nhiên liệu hoặc lao động, cho đến việc hàng hóa đã được sản xuất ra không thể vận chuyển kịp thời và đầy đủ đến nhà phân phối do thiếu phương tiện vận tải hoặc do các biện pháp phong tỏa. Lý do tương tự ảnh hưởng đến dòng chảy hàng hóa từ nhà phân phối đến người tiêu dùng. Và cuối cùng là giá nhiên liệu quá cao đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt điện năng dành cho sản xuất.
Hãy lấy ví dụ của nước Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngay sau khi kết thúc giai đoạn phong tỏa diện rộng, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng trở lại với tốc độ đáng ngạc nhiên. Chính phủ Mỹ đã chi hàng nghìn tỷ USD để phục hồi kinh tế, trong đó một phần không nhỏ số tiền được chuyển thẳng đến tài khoản ngân hàng của người dân, kích thích làn sóng tiêu dùng mới.
"Người tiêu dùng trên thế giới đang mua sắm điên cuồng vì họ nhận được rất nhiều tiền hỗ trợ từ các gói kích cầu của chính phủ. Họ mua mọi thứ từ các bộ chơi game PlayStation, cho đến máy tính xách tay, điện thoại di động và các thiết bị tập gym."
Sự gia tăng quá nhanh của nhu cầu tiêu dùng đã tạo ra khoảng cách không dễ lấp đầy với năng lực cung cấp. Nước Mỹ đang chứng kiến sự thiếu hụt khó tin với các loại hàng hóa phổ biến. Nhiều phòng thí nghiệm y tế báo cáo thiếu ống hút và đĩa cấy vi khuẩn, các nhà hàng thiếu thức ăn và các nhà sản xuất ô tô, đồ điện tử phải ngừng sản xuất vì không có đủ chip bán dẫn. Thậm chí, một vài cửa hàng bán đồ ăn nhanh thương hiệu Burger King ở bang Florida còn buộc phải đóng cửa vì không có khoai tây chiên để bán cho khách hàng.
Sự thiếu hụt hàng hóa đang len vào mọi ngóc ngách của nước Mỹ. Nguyên nhân trước hết vì nước Mỹ phụ thuộc rất lớn vào hàng nhập khẩu, cụ thể là từ châu Á, trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng khổng lồ trong nước. Hàng năm, nước Mỹ nhập khẩu hơn 1 nghìn tỷ USD hàng hóa từ Châu Á , danh mục mua hàng bao phủ mọi khía cạnh đời sống, từ đồ chơi, quần áo, đồ điện tử, nội thất, thiết bị y tế, chất bán dẫn .... Tuyến đường vận tải biển từ châu Á sang Mỹ là dòng chảy thương mại nhộn nhịp nhất và quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế thế giới ngày nay, và nó đang bị tổn thương. Chi phí vận chuyển một container tiêu chuẩn có chiều dài 40 feet, hay 12 mét, từ Trung Quốc sang bờ Tây nước Mỹ đã đạt mức cao chưa từng thấy là 20.586 USD trong tháng 9, cao gấp bốn lần so với chi phí cách đây 8 tháng. Khi chi phí tăng lên quá cao, sẽ có nhiều nhà phân phối phải bỏ cuộc, dẫn đến nhiều mặt hàng không còn hiện diện trên thị trường.
Cảng Los Angeles.
Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi nhìn sâu vào cấu trúc kinh tế của Mỹ. Đại dịch COVID-19 đã làm lộ rõ tình trạng thiếu hụt nhân lực tạm thời, một phần vì biên giới vẫn đang bị đóng cửa, nhưng phần khác vì các chính sách cắt giảm lao động đã kéo dài trong rất nhiều năm của ngành vận tải nước này. Chẳng hạn ngành đường sắt Mỹ. Kể từ thập niện 1980, xu hướng sáp nhập đã khiến số lượng các công ty vận tải đường sắt giảm từ 33 xuống 7, các công ty đã được hợp nhất tạo thành những công ty lớn hơn, và các công ty này mạnh tay cắt giảm 33% số lao động trong ngành đường sắt để tiết kiệm chi phí. Khi nền kinh tế mở cửa trở lại, nhu cầu vận chuyển hàng hóa gia tăng đột ngột, các công ty đường sắt không có đủ lao động để đáp ứng nhu cầu cao bất thường, dẫn đến việc buộc phải từ chối hàng loạt tuyến đường vận chuyển đang bị quá tải.
Điều tương tự xảy ra trong ngành vận tải đường bộ. Vào thập niên 1970, Mỹ bãi bỏ quy định kiểm soát giá cước vận tải, các công ty được toàn quyền giảm giá nhằm thu hút khách hàng. Để cạnh tranh với nhau, các công ty vận tải chọn giải pháp đơn giản nhất là giảm lương tài xế xe tải khiến ngành này trở nên kém hấp dẫn với người lao động. Khi nhu cầu vận tải tăng vọt như hiện nay, các công ty đơn giản là không thể tìm được đủ tài xế để vận chuyển số hàng hóa đang dồn đống lại từ vùng này sang vùng khác của nước Mỹ.
Các vấn đề của Mỹ cũng xuất hiện ở nhiều nơi khác trên thế giới, chẳng hạn như tại Anh nơi tình trạng thiếu tài xế xe tải đã trở thành một cuộc khủng hoảng mang tính quốc gia. Tình trạng này càng thêm phức tạp khi Mỹ và châu Âu sắp bước vào dịp Giáng Sinh là mùa mua sắm lớn nhất trong năm, kéo theo nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh.
Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất đứng trên bờ vực sinh tồn.
C. Cuộc khủng hoảng năng lượng làm vấn đề thêm trầm trọng
Nhu cầu dầu trên thế giới đang gia tăng.
Các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch gần như đồng thời đã cạnh tranh nhau để mua than đá, khí đốt, dầu thô đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, trong khi nguồn cung không tăng tương ứng, dẫn đến giá nhiên liệu tăng vọt. Giá dầu thô Brent đã đạt mức 82,47 USD/thùng, và nhiều khả năng sẽ còn tăng cao hơn nữa, lên trên 100 USD/thùng khi mùa đông đến. Giá than đá và khí đốt cũng đều đang ở mức cao nhất trong nhiều năm.
Tại Trung Quốc, giá than đá cao và tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã buộc nhiều nhà máy nhiệt điện than phải đóng cửa, kéo theo nhiều nhà máy cũng phải tạm ngừng hoạt động, trong đó bao gồm cả các nhà cung cấp quan trọng cho Apple, Tesla, các công ty sản xuất ô tô trên toàn thế giới. Tình trạng này được xem có thể kéo dài trong nhiều tháng, ít nhất là ảnh hưởng tới đầu năm 2023, và khiến cho tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trở nên trầm trọng hơn.
D. Hậu quả của đứt gãy chuỗi cung ứng
Trong tháng 8, các nhà sản xuất ô tô của Anh đã phải cắt giảm 27% sản lượng xe do thiếu chip, dẫn đến lượng xe xuất khẩu sang Mỹ, Australia và Trung Quốc giảm mạnh. Vào đầu tháng 10, các nhà sản xuất ô tô Volkswagen, Ford và Opel thông báo tiếp tục đóng cửa các nhà máy tại Đức, riêng với Opel sẽ đóng cửa tới tận năm 2022, sự đứt quãng dài nhất với công ty này trong lịch sử.
Điều tương tự cũng xảy ra với các công ty sản xuất ô tô của Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ.
Một hậu quả nhãn tiền khác là lạm phát. Cục dự trữ liên bang Mỹ FED cảnh báo tình trạng lạm phát có thể kéo dài bởi Mỹ vẫn chưa giải quyết được bài toán cung ứng hàng hóa. Người tiêu dùng sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho cùng một mặt hàng và về lâu dài nhu cầu chi tiêu sẽ giảm xuống.
Nền kinh tế thế giới đang dần vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19, nhưng các hậu quả của các đại dịch vẫn còn kéo dài và dai dẳng, và được dự báo sẽ tiếp tục cản trở đà phục hồi trong vòng một đến hai năm tới.
Emanvietnam tổng hợp
Ngày đăng: 11-11-2022 384 lượt xem
Tin liên quan
- ĐIỂM DANH NHỮNG NƠI LÀM VIỆC TỐT NHẤT VIỆT NAM 2024
- ĐIỂM CHẠM KHÁCH HÀNG - CUSTOMER TOUCHPOINTS
- LÀ LÃNH ĐẠO - KHÔNG LÀM ĐƯỢC 7 ĐIỀU NÀY THÌ XEM NHƯ VỨT
- ĐẰNG SAU CHUYỆN VINAMILK THAY ĐỔI NHẬN DẠNG THƯƠNG HIỆU MỚI
- LÃNH ĐẠO: "NƯỚC TRONG QUÁ THÌ KHÔNG CÓ CÁ"!
- THAY VÌ CỐ TẠO RA ĐIỂM KHÁC BIỆT TRONG SẢN PHẨM - HÃY TẠO RA SỰ KHÁC BIỆT TRONG CẢM NHẬN CỦA KHÁCH HÀNG
- CÔNG THỨC HOÀN HẢO CHO MỘT DOANH NGHIỆP
- TRẢI NGHIỆM NHÂN VIÊN XUẤT SẮC
- KHÁCH TRỌ hay NGƯỜI NHÀ
- NHỮNG CÔNG VIỆC KẾ TOÁN CẦN LÀM VÀO CUỐI KỲ (THÁNG, QUÝ, NĂM)
- NHỮNG LƯU Ý KHI ĐÓNG SỔ KẾ TOÁN ĐỂ TRÁNH SAI SÓT
- VAI TRÒ NGƯỜI THỦ LĨNH
- DOANH NGHIỆP KHỞI KIỆN KHIẾU NẠI KHÁCH HÀNG - XU HƯỚNG CẦN KHUYẾN KHÍCH VÌ SỰ VĂN MINH ?
- LỢI ÍCH GIỮA BHXH & BẢO HIỂM NHÂN THỌ
- KHÁC BIỆT GIỮA LÀM VIỆC CẦN CÙ VÀ LÀM VIỆC THÔNG MINH