• DỊCH CHUYỂN TƯ DUY TỪ "LÀM GÌ " SANG "BÁN GÌ? "

    Mất hơn 10 năm loay hoay với câu hỏi "làm gì? ". Lặn ngụp trong lối tư duy đó, tôi học hỏi, thử nghiệm và từ bỏ. Mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc cho những lần thử nghiệm. Nhiều người Việt Nam vẫn đang kế thừa tư duy "làm gì" của cha ông. Để khởi nghiệp, câu hỏi đầu tiên trong tiềm thức của họ và các bạn thường là: làm gì? Sản xuất sản phẩm gì? Mở dịch vụ gì?

    Khi một thanh niên chuẩn bị vào đại học, câu hỏi là học gì để đi làm có lương cao? Học gì để không thất nghiệp? Đó cũng là những biến thể của tư duy "làm gì? ". Bạn đọc trên báo, anh A trồng chuối, anh B nuôi gà và kiếm tiền triệu, tiền tỷ. Anh ấy "làm cái ấy" và thành công thế ấy. Cũng là tư duy "làm gì ".

    Với bản tánh chăm làm, chăm học, tư duy "làm gì" trong một khoảng thời gian giúp người Việt khá giả. Tuy nhiên trong thời đại toàn cầu và thời đại của công nghệ, tư duy "làm gì " không giúp chúng ta phát triển, mà còn dẫn đến thất bại.

    Nhiều công ty khởi nghiệp thất bại vì bị thúc đẩy bởi câu hỏi "làm gì" và sản phẩm họ làm ra lại không bán được. Những cuộc giải cứu nông sản cũng một phần do người dân chỉ tìm thấy câu trả lời trước mắt cho câu hỏi trồng gì, nuôi gì, và cứ thế lao vào nuôi trồng. Sinh viên ra trường thất nghiệp...

    Đã qua rồi cái thời hàng hóa thiếu hụt, và bất cứ thứ gì tốt tốt bạn làm ra đều có ai đó tiêu thụ. Ngày nay bạn cần thay đổi tư duy.

    TƯ DUY "BÁN GÌ"? 

    Ngày nay, hầu như ai cũng có thể bán sản phẩm của mình cho một ai đó, không phụ thuộc khoảng cách địa lý.

    Ngày nay, trước khi hỏi "làm gì?", bạn cần hỏi "bán gì?"

    Hỏi "bán gì" trước khi khởi nghiệp, trước khi nuôi trồng, trước khi chọn cho mình một ngôi trường để trang bị kiến thức, kỹ năng làm việc.

    Câu hỏi bán gì sẽ dẫn bạn đến những câu liên quan là: "bán cho ai?, Có nhiều người mua hông? Họ sẽ trả giá bao nhiêu? Làm sao để mang sản phẩm đến bán cho họ?"

    Bạn khởi nghiệp, và người sản xuất cần phải trả lời được những câu hỏi trên, và tính toán: doanh thu trong khoảng thời gian, chi phí, lời lỗ trước khi bắt tay vào sản xuất.

    Với các bạn trẻ khi chuẩn bị vào đại học sẽ khó chọn ngành. Và đó là nhiệm vụ của cha mẹ, thầy cô và các nhà tư vấn hướng nghiệp. Dự báo xu hướng ngành, nhu cầu lao động, mức lương sau 5 năm nữa, để từ đó các em có thể chọn cho mình học cái gì để có thể "bán kiến thức, bán năng lực" mà xã hội cần, vậy thì mới được giá cao khi ra trường, thay vì các em cứ mong lung thích cái này, đam mê cái kia, mà xã hội lại không có nhu cầu.

    TRẢ LỜI CÂU HỎI "BÁN GÌ" RỒI SAO NỮA?

    Mỗi cá nhân đều có sở thích, sở trường và sở đoản, như vậy nếu cái bán được mà mình không làm được (hay không cạnh tranh được) thì phải làm sao???

    Thế giới có hơn 7 tỷ người, chẳng nhẽ bạn không tìm được một ai đó muốn mua cái bạn có thể làm tốt sao! Trong quá trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi "bán gì", bạn sẽ tìm được những khách hàng phù hợp với cái bạn có thể làm tốt. (Và chịu bỏ tiền ra mua). Đó chính là yếu tố cốt lõi đảm bảo cho sự thành công của bạn.

    Ngày nay, không phải của rẻ là bán được, không phải hàng tốt là bán được, không phải học giỏi siêng năng là sẽ có lương cao. Muốn bán được cái bạn có, và bán với giá cao, bạn cần thay đổi tư duy từ "làm gì" sang "bán gì".

    Tư duy "bán gì" giúp bạn tạo ra một sản phẩm để bán được, chứ không phải bán cái bạn làm được. Ví dụ, bạn làm ra một sản phẩm A, nhưng cái khách hàng cần là một sản phẩm A` có bao bì đẹp, sang trọng. Và họ sẽ mua A` với giá cao. Nếu chỉ tư duy đến "làm gì", khách hàng sẽ không mua sản phẩm A của bạn, hay may ra, họ sẽ mua với giá "bèo"!

    Ví dụ, một công ty không cần những kỹ sư quá cao siêu, họ chỉ cần những người có kỹ năng làm được việc, hay có khả năng ngoại ngữ tốt để làm việc với các chuyên gia hay boss nước ngoài. Tư duy "bán gì" sẽ giúp bạn điều chỉnh thời gian phù hợp để đầu tư cho mỗi môn học & cố mà rèn luyện mọi giá.

    BONUS TIP

    "Bán gì" chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ để tiền có thể đến "két" của bạn là phải "bán được". Và muốn bán được, bạn cần biết chốt sales. Thật may, bài viết này "right time", nó đúng thời điểm nếu hôm nay bạn đọc được nó và thay đổi.

    "Phi thương bất phú", câu nói vẫn rất đúng trong thời đại ngày nay. Không quan trọng bạn làm gì, bạn là ai, bạn luôn phải bán một thứ gì cho ai đó. Don`t forget.

     

    Nguyễn Ngoan | GPTDNV

    Ngày đăng: 21-03-2019 1,181 lượt xem