• CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0: LÃNH ĐẠO DOANH NGHIỆP VIỆT CẦN LÀM GÌ ĐỂ THÀNH CÔNG?

    Những nhà quản lý tại Việt Nam cần làm gì để giúp doanh nghiệp của mình bắt kịp xu thế thời đại là nội dung chính của buổi hội thảo “Lãnh đạo 4.0: Lãnh đạo thành công thời CMCN 4.0”

     

     

    Các doanh nghiệp cũng như bộ, ngành và cả Chính phủ cần có sự thay đổi mạnh mẽ

    Bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 được xây dựng trên "chuyển đổi số (Digital Transformation) tạo ra các phương thức mới, Công nghệ được tích hợp vào xã hội và cả cơ thể con người."

    Chủ tịch FPT, ông Trương Gia Bình cho biết: "Ở Đan Mạch, 30% ô tô là tự lái rồi. Việt Nam đã bắt đầu nhập người máy về để giải phóng công nhân. Còn ở Foxconn thì đang có khoảng 3 vạn công nhân người máy và nhà máy thì không có ánh sáng vì robot làm việc chuẩn xác mà không cần nhìn".

    Với sự phát triển như vũ bão của Cách mạng 4.0 như hiện nay, thế giới của chúng ta sẽ là một thế giới đồng nhất giữa thực và ảo, mọi thứ đều sẽ có sự kết nối chặt chẽ với nhau để tạo ra những giá trị siêu việt cho con người.

    Chính bản thân ông cũng rất bất ngờ trước tốc độ phát triển của cuộc cách mạng này bởi “nó đi nhanh quá”.

    Với sự phát triển không giới hạn như vậy, điều dễ hiểu là quy mô của cuộc cách mạng này sẽ bao trùm toàn bộ ngành công nghiệp và các quốc gia. “Đến năm 2025, tức là chỉ 8 năm nữa thôi thì 10% nhân loại sẽ mặc quần áo kết nối với Internet và đã có thành phố không còn đèn xanh đèn đỏ nữa. Khi đó chúng ta sẽ có 1.000 tỷ thiết bị được kết nối với Internet (hiện tại là 8 tỷ thiết bị). Khám chữa bệnh cũng rất dễ là máy sẽ làm và vai trò Chính phủ sẽ ngày càng giảm bởi máy đã thay Chính phủ để tạo ra sự cân bằng cho xã hội”.

    Đứng trước cơ hội và thách thức từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, các doanh nghiệp cũng như bộ, ngành và cả Chính phủ cần có sự thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt để có thể bắt kịp với sự phát triển văn minh của nhân loại.

    Hiện nay, yêu cầu của khách hàng ngày càng cao. Nếu doanh nghiệp không đổi mới để nâng cao chất lượng phục vụ thì khó có thể bắt kịp được.

    FPT đã và đang làm tốt điều đó.

    Nếu bạn không thay đổi, người khác sẽ thay đổi

    GS.TS Bùi Xuân Tùng - Giám đốc Chương trình Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh cấp cao Việt Nam của Trường Kinh doanh Shidler (Đại học Hawaii) nhấn mạnh các lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức rõ ràng cuộc CMCN 4.0 đã thực sự bắt đầu.

    "Thực tiễn kinh doanh đang chỉ ra, với sự phát triển và ảnh hưởng mạnh mẽ của công nghệ số, các doanh nghiệp ô tô đang chuyển từ sản xuất sang thành các công ty vận tải theo yêu cầu. Các bệnh viện chuyển từ chữa trị tại viện sang chăm sóc ngăn ngừa bệnh tại nhà thông qua ứng dụng IoT (Internet vạn vật). Các ngân hàng hướng từ việc tiếp cận khách hàng để cho vay sang việc khách hàng chủ động tiếp cận".

    Ông cho rằng: đã đến lúc các doanh nghiệp Việt cần đổi mới mô hình kinh doanh bằng cách ứng dụng công nghệ số. Bởi "nếu bạn không thay đổi người khác sẽ thay đổi. Công ty nào tận dụng 4.0 tốt hơn công ty đó sẽ thành công".

    Ví dụ, với việc ứng dụng công nghệ số, ngành công nghiệp thời trang có thể thiết kế những phòng trưng bày ảo, hỗ trợ nhu cầu đặt hàng trực tuyến của khách hàng hay ngành công nghiệp da giày phân tích dự đoán thời tiết và du lịch để sản xuất thiết kế phù hợp.

    Trong thời đại 4.0 với nhiều điều bất ngờ có thể xảy ra, nhắn nhủ đến các lãnh đạo doanh nghiệp rằng, "Đừng chuẩn bị cho những điều bạn có thể dự đoán. Hãy chuẩn bị cho những điều bạn không thể lường trước được."

    Con người vẫn là yếu tố quan trọng

    Ông Lê Vũ Minh - Phó TGĐ và Phó Chủ tịch phụ trách Nhượng quyền RedSun ITI Corporation cho rằng cuộc CMCN 4.0 đang thực sự diễn ra, đặc biệt trong ngành dịch vụ mà doanh nghiệp của ông hoạt động.

    Ví doanh nghiệp như một cây gồm 3 nhánh chính: bí quyết kinh doanh, tài chính và con người. Trong đó, công nghệ giống như thân cây, giúp cho doanh nghiệp phát triển và vận hành trơn tru hơn. Công ty của ông có những chương trình đào tạo giúp nhân viên tận dụng được những ưu việt mà công nghệ đem lại.

    Với cuộc CMCN 4.0, nhiều người lo lắng rằng máy móc sẽ thay thế con người. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng trong ngành dịch vụ, khách hàng vẫn thích tiếp xúc với con người hơn là máy móc.

    "Ở khía cạnh nào đó, công nghệ sẽ hỗ trợ con người xử lý công việc hiệu quả hơn, thông tin chính xác hơn. Nhưng công nghệ không thể nào thay thế được cảm xúc của con người", lãnh đạo RedSun khẳng định.

    Chủ động cập nhật kiến thức mới

    Ông Huỳnh Bửu Quang, CEO Maritime Bank, tốc độ thay đổi nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi người lãnh đạo chủ động trong việc cập nhật kiến thức mới.

    "Những nhà lãnh đạo đang chèo lái một con thuyền mà phía trước có rất nhiều biến động. Chúng ta cần trang bị kiến thức về công nghệ, cập nhật các xu hướng mới để có sự chuẩn bị phù hợp cho đơn vị của mình".

    Ông cho rằng, trong thời đại hiện nay khi khách hàng được tiếp cận những công nghệ mới rất nhanh, bản thân mỗi doanh nghiệp cần có sự thay đổi nhanh chóng và kịp thời. Người lãnh đạo cần luôn luôn có tư tưởng mở, tiếp nhận những suy nghĩ mới để có thể dẫn dắt tổ chức phát triển thành công.

    Đồng thời, lưu ý rằng tâm lý của cán bộ, nhân viên sẽ là thách thức đối với các doanh nghiệp trong tương lai, bởi họ sẽ yêu cầu cao hơn và muốn làm cái gì đó lớn ngay chứ không làm từng bước một.

     

    Emanvn | tổng hợp

    Ngày đăng: 22-11-2017 1,239 lượt xem