• 5 KHÁC BIỆT KINH TẾ MỸ TRƯỚC VÀ SAU KHI CÓ TT TRUMP

    Vào Ngày Bầu cử Mỹ 2016 (6/11/2016), người dân Mỹ đã chọn ông Donald Trump là vị Tổng thống tiếp theo của họ. Hai tháng rưỡi sau đó, ông Trump bước vào Nhà Trắng và thực hiện lời hứa chiến dịch lớn nhất của mình: giúp nước Mỹ trở thành “nền kinh tế mạnh mẽ nhất thế giới”.

    Cho tới Ngày Bầu cử Mỹ 2018 (6/11/2018), nước Mỹ đã ra sao? Dưới đây là 5 sự thực về kinh tế Mỹ dưới thời Donald Trump:

    Thứ nhất, vào đầu tháng 10, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã có báo cáo đánh giá Mỹ là nền kinh tế cạnh tranh nhất toàn cầu. Đây là lần đầu tiên nước Mỹ trở lại ví thế này trong một thập kỷ qua. Lần gần nhất Mỹ sở hữu nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới là vào năm 2008.

    Báo cáo của WEF nhận định: “Mỹ là nền kinh tế tiệm cận nhất tới trạng thái lý tưởng”.

    Theo WEF, Mỹ đã vượt qua Singapore, Đức, Thụy Sĩ và Nhật Bản là nhờ vào văn hóa kinh doanh “sôi động” và thị trường lao động và hệ thống tài chính “mạnh”.

    Thứ hai, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã mất gần 200.000 việc làm ngành sản xuất. Từ khi ông Donald Trump đắc cử tới nay, việc làm ngành sản xuất đã tăng thêm gần nửa triệu công việc. Sự thay đổi hoàn toàn rõ ràng: việc làm ngành sản xuất kể từ khi Tổng thống Trump được bầu tăng gấp 6 lần nhanh hơn so với hai năm cuối cùng của chính quyền Obama.

    Nhìn chung, từ khi ông Trump đắc cử ngày 6/11/2016 tới nay, số việc làm tại Mỹ được tạo thêm là khoảng 4,5 triệu công việc.

    Thứ ba, trong chiến dịch tranh cử ông Trump đã hứa sẽ đảm bảo GDP Mỹ tăng 3% hàng năm hoặc tốt hơn. Khi đó, chuyên gia kinh tế hàng đầu của chính phủ Obama, ông Larry Summers đã mỉa mai rằng mục tiêu của ông Trump là “đủ công bằng nếu quý vị tin vào các nàng tiên răng”.

    Thực tế, GDP của nước Mỹ đã tăng trung bình hơn 3% trong ba quý đã qua của năm 2018, trong đó quý II tăng 4,2% và quý III tăng 3,5%. Mục tiêu GDP Mỹ của cả năm 2018 tăng 3% là hoàn toàn khả thi.

    Ông Trump đã từng nói: “Chính phủ của tôi vẫn rất tập trung vào các vấn đề kích thích tăng trưởng kinh tế – đó là tất cả những gì chúng tôi hướng tới”.

    Thứ tư, tỷ lệ thất nghiệp đầu nhiệm kỳ của ông Obama là 10% và tới cuối nhiệm kỳ đã giảm xuống 4,8%. Nhưng con số đó vẫn là rất cao nếu so với tỷ lệ thất nghiệp mới nhất mà chính phủ Trump đạt được. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng Mười vừa qua là 3,7% – mức thấp nhất trong gần 50 năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp trong số những người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Á, người Mỹ gốc Tây Ban Nha và người Mỹ không có bằng đại học hay cao đẳng đều giảm tới mức thấp kỷ lục dưới thời Tổng thống Trump.

    Báo cáo mới nhất của Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) cho thấy công việc toàn thời gian phi nông nghiệp trong tháng Mười tại Mỹ tăng thêm 250.000 việc làm, vượt xa mức dự báo tăng 50.000 việc làm.

    Từ khi ông Trump đắc cử, việc làm các ngành xây dựng và sản xuất tăng mạnh nhất, lần lượt tăng thêm 507.000 và 446.000 việc làm.

    Thứ năm, “nền kinh tế Trump của giai cấp trung lưu và công nhân” đang bùng nổ nhất trong nhiều thập kỷ qua khi lương của công nhân cổ cồn tăng nhanh hơn công nhân cổ trắng (nhân viên văn phòng), giúp cho mức sống của người lao động Mỹ ngày càng tăng cao.

    Theo số liệu mới nhất của BLS, lương trung bình theo giờ của lao động Mỹ tăng 3,1% trong 12 tháng qua, tính đến tháng 10. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 4/2009 lương trung bình trong 12 tháng của lao động Mỹ tăng vượt quá 3%.

    Ngoài việc đưa nền kinh tế Mỹ bùng nổ trở lại, kể từ khi đắc cử tới nay, Tổng thống Donald Trump cũng đạt được rất nhiều thành tựu khác như đàm phán lại các thỏa thuận thương mại có hại cho Mỹ; rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran thảm họa; đạt được tuyên bố chung với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên; chuyển Sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem và nhiều thành tích khác, tất cả đều chiếu theo nghị trình “Nước Mỹ trên hết”.

    Xuân Thành

    Ngày đăng: 06-12-2018 1,134 lượt xem