-
"HÃY THEO ĐUỔI ĐAM MÊ" - SLOGAN DỄ KHIẾN NGƯỜI TRẺ TIẾN NHANH TỚI THẤT BẠI NHẤT MỌI THỜI ĐẠI
Trong những tháng năm hoang mang giữa bao nhiêu lối rẽ, tương lai phía trước là màn hình trắng vô định, bảng dẫn đường được phần lớn bạn trẻ dựa vào là sự đam mê và niềm tin, rằng đam mê ấy sẽ biến mọi giấc mơ trở thành hiện thực. Chính từ đây, câu slogan truyền cảm hứng nhất mọi thời đại được người trẻ tin theo nhiều nhất: hãy theo đuổi đam mê!
Tuy nhiên, trong cuộc đời thật, con đường theo đuổi đam mê của chúng ta liệu có dẫn đến cái kết hoàn hảo như thế không? Điều này tưởng như là chân lý của tuổi trẻ. Bởi, một khi không có gì chắc chắn, thì hãy chọn thứ không chắc chắn đáng giá nhất.
Chẳng thế mà các nhãn hàng hướng đến đối tượng người trẻ đều chọn đam mê làm từ khóa trong các chiến dịch quảng bá của họ: "Sống với đam mê", "Chỉ làm những gì mình đam mê", "Sống và đam mê"… Đam mê mang dáng vẻ của một cái đích chắc chắn.
Chỉ cần dấn thân đi theo nó thì sẽ tìm thấy thứ mà người trẻ khát khao. Có lẽ vì thế, ta quên mất một điều quan trọng: Trong đam mê, cũng như hầu hết các sự việc trong cuộc sống này, luôn tiềm ẩn một yếu tố đáng ngại, đó là chẳng có gì hoàn toàn chắc chắn.
Mọi thứ đều có giá của nó. Đam mê không ngoại lệ.
Không ai nói cho ta nghe nên lựa chọn đam mê ra sao, theo đuổi bằng cách nào, phải lường trước những nguy cơ gì. Không ai nói với ta rằng có những lúc một lựa chọn sai, dù được bởi thúc đẩy bởi đam mê vô cùng đi nữa, cũng đã mang đến hậu quả lớn.
Không hiếm những người quanh ta từng dành cả tuổi thanh xuân để theo đuổi đam mê. Thế nhưng thứ duy nhất họ đạt được chỉ là thất bại đi cùng thất vọng. Họ không lười biếng, thậm chí chăm chỉ gấp nhiều lần người khác, sẵn sàng dành cả cuối tuần hay các kỳ nghỉ để làm việc. Trong từng giai đoạn họ đều có kế hoạch với mục tiêu rõ ràng. Nhiều người trong số họ còn sở hữu tri thức lẫn kỹ năng vượt trội. Nhưng vì sao mãi mà họ không thể thành công?
Lý do đơn giản: Họ đã nhận diện sai đam mê.
Ta thường nhầm lẫn giữa sở thích với đam mê, giữa hứng thú nhất thời với khát vọng đường dài, giữa thứ người khác ưa chuộng và thứ ta thật sự khát khao. Những thứ này biểu hiện rất giống nhau nhưng giữa chúng luôn là một đại dương khoảng cách. Sở thích dễ đến và dễ đi, thường rất mãnh liệt trong một giai đoạn nhất định.
Cứ mỗi mùa thi đại học, tại các trường đặc thù thuộc diện "cửa hẹp" như Y - Dược, Nhạc viện, Mỹ thuật, Điện ảnh..., người ta lại "điểm mặt" những thí sinh dự thi vài ba lần, thậm chí hàng chục lần. Có những bạn học chỉ là tạm ở một trường khác, chờ đến đợt lại nộp đơn thi vào những trường này, với thúc đẩy duy nhất: Tôi chỉ muốn làm bác sĩ cứu người/ làm nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật. Đó mới là điều tôi đam mê và khiến cho cuộc sống của tôi có ý nghĩa.
Ở các trường hợp này, phải thành thật rằng họ đã chọn đúng đam mê, nhưng họ lại không đủ tố chất để theo đuổi nó. "Không gì là không thể", câu nói này vang lên nhiều lần ở các cuộc hội thảo đa cấp, với tác dụng như một phương pháp lên dây cót tinh thần. Sự thật, có rất nhiều điều chúng ta không thể làm được trong đời.
Trong thời đại Internet, thôi thúc của đam mê càng mạnh hơn với người trẻ. Đúng là luôn có những nhân vật truyền cảm hứng như Elon Musk với kế hoạch chinh phục không gian hay Steve Jobs với logo quả táo khiến máu ta bừng lên khi hoạch định tương lai... Nhưng, có bao nhiêu ước mơ tan vỡ để có được một câu chuyện thành công? Tỉ lệ chắc chắn không đủ lớn để mang đến sự lạc quan.
Chúng ta thường say sưa nghe - xem - đọc về các nhân vật đạt được thành tựu rực rỡ khi đi theo tiếng gọi đam mê. Tuy nhiên, ta quên mất rằng, những gì ta đang theo dõi chỉ là cái đỉnh rất nhỏ so với phần chìm của tảng băng. Phần chìm ấy thường không được chia sẽ thật sự, bởi có gì hấp dẫn đâu ở những người thua cuộc. Ngay cả khi chúng ta muốn tìm hiểu, họ cũng sẽ im lặng. Trớ trêu thay, bài học từ những thất bại luôn hữu ích hơn so với ánh hào quang của chiến thắng, mà lại rất ít người quan tâm.
Làm việc với đam mê là một loại hạnh phúc đặc biệt. Nhưng, để đam mê gắn liền với nghề nghiệp và sự nghiệp, thì rất cần tỉnh táo khi khởi hành cùng nó.
Sẽ là vô ích nếu ta lựa chọn một đam mê vượt quá khả năng hoặc quá ít cơ hội để đam mê ấy trở thành sự thực. Ta không thể trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp nếu mới chạy bộ vài trăm mét đã đi tìm bóng mát đứng thở. Ta chẳng thể trở thành ca sĩ nổi tiếng nếu giọng hát của ta có "quyền năng" giải tán đám đông. Ta cũng nên cân nhắc từ bỏ một vài mục tiêu như mua được nhà riêng trước tuổi 30, nếu kinh nghiệm thương trường và nguồn vốn cho đến lúc này vẫn xoay quanh ví tiền của bố mẹ…
Và quan trọng hơn nữa, ta nên tập trung cho câu hỏi cơ bản nhất: Lựa chọn đam mê như thế nào?
Ngày trước, bảng chỉ đường chỉ có mũi tên duy nhất là "Điều tôi thích", còn giờ đây chúng ta nên thêm vào các mũi tên khác, đó là "Điều tôi giỏi" và "Điều xã hội cần".
Nếu cả ba mũi tên trùng khít nhau thì quá tuyệt, bởi chắc chắn ta sẽ có sự nghiệp như ý, cũng như nguồn cảm hứng bền bỉ. Tuy nhiên, xác suất này khá thấp, hiếm xảy ra.
Vì thế, giống như trò chơi nhập vai, ta xác định rõ mình chỉ có một số điểm kỹ năng ở các ô nhất định, và mục tiêu là chọn ra một đam mê cân bằng nhất ở các ô ấy.
Vấn đề là các số điểm này không giống nhau ở tất cả mọi người.
Thường thì khả năng của ta chỉ đủ đáp ứng nhiều nhất 1 cho đến 2 yếu tố, ở một mức độ nhất định. Nếu tập trung vào "Điều tôi thích", ta phải cân nhắc xem liệu mình có đủ tài năng và nỗ lực cao nhất dành cho nó? Liệu xã hội có nhu cầu tương thích với đam mê của ta, đủ để đáp ứng các nhu cầu mà ta sẽ có trong cuộc sống?
Tương tự, nếu chọn "Điều tôi giỏi" hoặc "Điều xã hội cần", ta cũng phải xét đến cảm xúc bản thân, dự kiến những tác động biến đổi tâm lý về sau. Nếu không có cảm xúc mà đam mê mang lại, ta có thể kiếm được nhiều tiền, giàu có nhưng nhàm chán, như thế rất khó gắn bó với công việc lâu dài hay biến nó thành sự nghiệp của chính mình.
Càng xem kỹ trò chơi nhập vai này, ta càng thấy vai trò quyết định của lý trí, chứ không phải cảm xúc, trong việc biến đam mê thành hiện thực.
Đây chỉ là công thức cơ bản, giúp chúng ta hình dung phần nào cách thức lựa chọn. Cuộc sống tất nhiên đa dạng đa chiều, với vô vàn các biến số và yếu tố phụ, chẳng hạn điều kiện gia đình, môi trường sống và cả vận may.
Nếu ta ở trong một môi trường có thể hỗ trợ hết mình cho đam mê, như trong gia đình có truyền thống nghệ thuật hay học thuật, thương trường hay chính trường, cán cân của ta cũng sẽ khác. Ta chỉ cần khởi động, sử dụng những lợi thế sẵn có để theo đuổi con đường mình chọn. Ngay cả khi vấp ngã cơ hội sửa sai cũng rộng mở.
Nhưng, nếu ta không may mắn sở hữu những chiếc thìa vàng như thế, phải chăng liệu đừng dại dột theo đuổi đam mê?
Chúng ta thường được giáo dục: "Thất bại là mẹ thành công", câu tục ngữ như đã ăn sâu vào tiềm thức, đến mức ta luôn nghĩ rằng: để thành công tất phải thất bại trước. Bởi sự hợp lý là sau khi mỗi lần thất bại, ta lại tìm được một bài học, những kinh nghiệm quý báu, giúp ta tránh phạm những sai lầm đó lần nữa. Thất bại còn giúp ta rèn luyện ý chí, giúp ta tự tin và bản lĩnh hơn.
Nhưng trên thực tế startup, nếu ta không may mắn sở hữu những chiếc thìa vàng, thì tốt nhất, ta nên sửa câu đó lại là: "Thất bại là kẻ thù thành công". Ta không được phép thất bại, hay ta phải hạn chế thấp nhất sự thất bại, vì cơ hội sửa sai của chúng ta là hầu như không có.
Khá nhiều các start-up khi thành công thường chỉ nói về nỗ lực của bản thân hay cách mà đam mê dẫn lối, lảng tránh thực tế rằng họ nhận được sự hỗ trợ tối đa từ gia đình, cả về nền tảng tài chính cũng như các mối quan hệ hùng mạnh. Không sao cả. Nói về đam mê và hình ảnh triệu phú/ tỉ phú tự thân vẫn oách hơn, tự hào hơn là hình ảnh ngậm chiếc thìa vàng.
Về cơ bản, người trẻ chúng ta luôn thay đổi trên bước đường trưởng thành, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhìn từ góc độ sinh học, tế bào trong cơ thể con người thay mới hoàn toàn trong khoảng thời gian 7 năm. Chúng ta hôm nay là con người mới, so với chính mình 7 năm trước. Tâm trí và cảm xúc cũng thay đổi. Đó là điều tự nhiên của quá trình phát triển. Tương tự, không có gì lạ nếu một sự đam mê từng là mục tiêu của cuộc đời, bỗng hôm nay lại bạc màu, thậm chí là kỳ quặc khi ta nhìn lại.
Vậy đam mê đích thực ẩn náu nơi đâu?
Chỉ có trải nghiệm, va đập thật nhiều, chúng ta mới nhận ra đâu là công việc yêu thích và mục tiêu thật sự muốn hướng đến. Không hiếm trường hợp, điều ta lựa chọn cuối cùng hoàn toàn không liên quan, thậm chí đối lập với lĩnh vực yêu thích ban đầu. Đôi khi, đam mê thật sự xuất hiện trong những công việc ta "buộc" phải làm để duy trì cuộc sống.
Bảo thủ với một đam mê bất biến có thể là điều nguy hiểm. Nó hình thành bức tường ngăn cản sự thích nghi - kỹ năng quan trọng bậc nhất của thời đại kỹ thuật số. Nếu ta khăng khăng với một niềm đam mê định sẵn, ta có thể đang bỏ qua những cơ hội khác, những môi trường khác, những kiến thức khác, để làm giàu và phát triển cho bản thân.
Nếu đam mê chở bạn, hãy để lý trí cầm cương.
Không bao giờ là thừa khi ta dành thời gian lắng lòng, xem lại chặng đường đã qua, nhìn sâu vào chính bản thân mình, từ đó xác định lại và xóa tan những ảo mộng về đam mê. Tri thức là con mắt của đam mê. Lý trí giúp ta thấu đáo hành trình sắp sửa dấn thân vào. Dĩ nhiên, không có điều gì hoàn toàn chắc chắn, nhưng càng hiểu rõ về lựa chọn của mình bao nhiêu, nguy cơ thất bại sẽ giảm thiểu bấy nhiêu.
Đam mê vẫn và sẽ luôn là động lực cũng như đích đến lớn nhất của tuổi trẻ.
"Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ" là câu nói nổi tiếng của một người trên đỉnh thành công Steve Jobs, CEO của Apple.
Nhưng đối với các bạn trẻ, hãy tỉnh táo và phải sửa lại là:
Hãy cứ khát khao, nhưng "chớ" dại khờ.
Hãy đón nhận những đặc quyền tuổi trẻ, ta vẫn cần bớt đi cảm tính, sử dụng lý trí, lắng nghe chung quanh và chính mình nhiều hơn.
Các nguồn thông tin, cơ sở khoa học, số liệu thống kê… bất kì điều gì giúp ta xác định đam mê, giúp định hình con đường, giúp ta sẵn sàng cho những thác ghềnh phía trước đều phải được tận dụng. Vì chắc chắn, chẳng có con đường nào dễ dàng, chẳng có vốn sống quý giá nào đạt được mà không phải trả giá.
Emanvn | Trí thức trẻ
Ngày đăng: 21-10-2018 1,494 lượt xem
Tin liên quan
- 9 TRÍ THÔNG MINH - BẠN ĐƯỢC BAO NHIÊU?
- CHUYỆN CÁI GIỌNG SÀI GÒN
- MỸ: ĐẢNG DÂN CHỦ VÀ ĐẢNG CỘNG HÒA KHÁC NHAU THẾ NÀO?
- 5 KHÁC BIỆT KINH TẾ MỸ TRƯỚC VÀ SAU KHI CÓ TT TRUMP
- NGHIÊN CỨU KHOA HỌC: SẮP 30 TUỔI MÀ VẪN CHƯA GIÀU NỔI THÌ RẤT CÓ THỂ BẠN SẼ NGHÈO CẢ ĐỜI
- NHỮNG HƯƠNG VỊ TRONG CỐC CÀ PHÊ CỦA BẠN
- LÀM SAO ĐỂ HỌC NHANH MỌI THỨ TRÊN ĐỜI? NHÀ VẬT LÝ ĐOẠT GIẢI NOBEL ĐÃ CHỈ RA 3 BƯỚC SAU ĐÂY
- CHỌN NHẦM NGHỀ GIỐNG NHƯ ĐI NHẦM ĐƯỜNG TRÊN CAO TỐC, MUỐN QUAY LẠI PHẢI “ĐÚNG LUẬT”
- GỬI CÁC TÂN SINH VIÊN....
- 8 QUY LUẬT "THEO THÌ SỐNG CHỐNG THÌ CHẾT"
- ĐĂNG TIN TUYỂN DỤNG & TÌM VIỆC – TÍNH NĂNG MỚI TRÊN FACEBOOK
- BỨC THƯ HIỆU TRƯỞNG GỞI CÁC BẬC LÀM CHA MẸ
- SINH RA TRONG GIA ĐÌNH KHÔNG HOÀN HẢO, LÀM THẾ NÀO TONY ROBBINS CÓ THỂ TRỞ THÀNH MỘT TRIỆU PHÚ
- ĐÂY LÀ ĐIỀU MÀ KHIẾN HỌ CÀNG NGÀY CÀNG GIÀU LÊN
- CĂN NHÀ NHỎ HẸP GIỮA LÒNG ĐÔ THỊ, GIẢN DỊ TRONG HÌNH THỨC NHƯNG ĐỘC ĐÁO VỀ KHÔNG GIAN