-
BẠN NÊN ĐẦU TƯ DÀI HẠN VÀO NGÂN HÀNG, CHỨNG CHỈ QUỸ, CHỨNG KHOÁN TỐT... VÀ KHÔNG NÊN ĐỤNG ĐẾN FOREX?
Đời sống của người Việt Nam đang ngày một nâng cao, xã hội đã có nhiều tích lũy hơn. Qua rồi thời phải "chạy ăn từng bữa" như trước, giờ đây khi đã có "của ăn, của để", ngày càng nhiều cá nhân có nhu cầu đầu tư để đồng tiền được quay vòng liên tục, để "tiền đẻ ra tiền".
Đáng chú ý, thế hệ Y-Z (sinh ra vào thập niên 1980-2000) đã không còn hài lòng với những kênh đầu tư truyền thống như gửi ngân hàng, chơi ‘hụi’, mua vàng hay mua bất động sản giống cha mẹ ông bà của họ. Họ muốn tìm đến những kênh đầu tư mới, có thể không cần quá an toàn như những kênh đầu tư kể trên, và lãi suất chắc chắn phải cao hơn.Có cầu ắt có cung, thị trường tài chính Việt Nam đã xuất hiện khá nhiều kênh đầu tư mới xuất hiện thỏa mãn đủ mọi mong muốn đầu tư của tất cả mọi người: quỹ mở, chứng khoán, thậm chí nhiều người đã tìm đến các kênh đầu tư nước ngoài như chứng khoán quốc tế, Forex, Bitcoin...Theo nguyên lý đầu tư thông thường, các kênh đầu tư có rủi ro cao sẽ nhận về lợi nhuận kỳ vọng lớn. Tuy nhiên trên thực tế, việc đầu tư cần dành thời gian và công sức để nghiên cứu, đánh giá thận trọng, không phải chỉ dựa vào may rủi.Theo Chuyên gia đầu tư tài chính cá nhân Lâm Minh Chánh – tác giả của cuốn sách "Đầu tư tài chính cá nhân dành cho người Việt" (bán được khoảng 30.000 bản trong năm 2020), các nhà đầu tư nghiệp dư không nên đụng đến Forex, bởi thực tế có tới 95% người đầu tư vào kênh này đã thua cuộc.Muốn thảnh thơi tận hưởng cuộc sống khi về hưu, ngay từ bây giờ chúng ta phải vạch ra một kế hoạch đầu tư tài chính cụ thể. Nguyên tắc là đầu tư càng sớm càng tốt và ‘không bỏ trứng vào một giỏ’ mà nên đầu tư dàn trải vào nhiều công cụ đầu tư như gửi ngân hàng, bảo hiểm nhân thọ, vàng, chứng chỉ quỹ đầu tư, chứng khoán tốt… một cách dài hạn.* PV: Chào anh Lâm Minh Chánh. Theo quan sát của anh, trong vài năm gần đây, có phải các bạn trẻ và dân văn phòng đã ngày càng quan tâm đến đầu tư tài chính cá nhân hơn?- Ông Lâm Minh Chánh: Chúng ta có thể thấy rõ xu hướng đấy. Các bạn trẻ đang ngày càng quan tâm đến việc làm sao quản lý được chi tiêu của mình tốt hơn, làm sao để có tiền tích lũy và quan tâm đến tương lai hay tương lai tài chính cá nhân của mình hơn. Tôi thấy rõ điều này thông qua những tương tác trên mạng xã hội, qua việc họ xem clip tư vấn về tài chính của tôi cũng như số lượng người mua sách "Đầu tư tài chính cá nhân dành cho người Việt".* Trước Covid-19 và trong Covid-19, đâu là kênh đầu tư được nhiều người Việt Nam lựa chọn nhiều nhất khi muốn đầu tư?- Có thể nói, kênh đầu tư được nhiều người Việt Nam chọn nhất vẫn là tiết kiệm thông qua gửi tiền ngân hàng trong dài hạn. Nhiều người Việt Nam cho rằng đó là kênh an toàn - thật ra thì nó không hề an toàn tuyệt đối, nhưng ít nhất nó an toàn hơn những kênh đầu tư khác và lãi suất cũng kha khá. Trước Covid-19, lãi suất ngân hàng có thể lên đến 8%/năm.Ngoài ra, nhiều người Việt Nam còn đầu tư vào các kênh như khác như vàng, đầu tư trực tiếp vào công ty, đầu tư vào chứng khoán trên sàn và bất động sản. Tùy vào thông tin mà họ có, đây là những kênh mà các nhà đầu tư Việt Nam hay đầu tư.* Chúng ta nên hay không đầu tư vào bất động sản trong Covid-19? Nếu quyết định mua BĐS, thì nên mua bây giờ hay đợi một thời gian nữa? Bởi theo dự đoán của các chuyên gia, nhiều khả năng phải đến 2022, Covid-19 mới chấm dứt hoàn toàn.- Đối với những người đã có tiền đủ, hoặc sắp đủ và đang trong thời gian muốn mua nhà để ở thì đây sẽ là một cơ hội lý tưởng để sở hữu căn nhà riêng cho bản thân, vì trong thời gian này, giá nhà đang xuống. Còn việc đầu tư hoặc cho thuê hoặc mua đi bán lại – nhất là ở trường hợp sau, rất khó để nói đúng hay sai.Có một số chuyên gia nhận định rằng, đây đã là vùng trũng của nền kinh tế, giá bất động sản đã xuống đáy rồi. Nhưng cũng có một số chuyên gia cho rằng, đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài và tác hại lâu hơn, thời điểm này vẫn chưa phải là vùng trũng của nền kinh tế, nên giá nhà còn có thể xuống thấp nữa.Theo tôi, đây là một câu hỏi rất khó để trả lời chính xác, tùy vào khả năng đoán định và sự quyết đoán của từng người.* Vậy chúng ta có nên vay tiền để đầu tư?- Khi chúng ta vay tiền để đầu tư tức chúng ta đang tạo ra một đòn bẩy. Ví dụ: chúng ta kinh doanh đầu tư tạo ra lãi suất từ 15%/ năm - 18%/năm, mà chúng ta có thể vay tiền với lãi suất 12%/ năm, thì chúng ta có thể vay để kinh doanh đầu tư. Khi vay tiền với lãi suất thấp hơn tỷ suất lợi nhuận chúng ta làm ra, thì vay là một đòn bẩy tài chính hiệu quả. Còn nếu chúng ta vay tiền nhiều quá và không tạo ra tỷ suất lợi nhuận như mong muốn, thậm chí âm tiền, thì chúng ta sẽ bị mất vốn.Tuyệt đối, chúng ta không nên vay tiền để tiêu dùng, khi vay tiền tiêu dùng tức chúng ta đã hy sinh tương lai tài chính của mình cho những nhu cầu hiện tại, vì vay tiêu dùng luôn có lãi suất rất cao!* Theo anh, khi chúng ta tích cóp được đến số tiền như thế nào thì mới bắt đầu đầu tư và nên đầu tư vào kênh nào đầu tiên?Suy nghĩ ‘phải tích cóp đủ tiền rồi mới đầu tư’ là không đúng. Tiền phải luôn luôn sinh ra tiền! Khi có tiền, kênh đầu tư đơn giản nhất là gửi vào ngân hàng, ít nhất là 6 tháng hoặc 1 năm, mà nên bỏ 1 năm, bởi nó có lãi suất tốt hơn.Nếu ở quê, người ta thích mua vàng. Tôi nhấn mạnh lại một lần nữa, tiền nhất định phải sinh ra tiền! Ví dụ như mua chứng khoán cũng không cần có quá nhiều tiền, 1 triệu là có thể mua được rồi. Ngay cả mua chứng chỉ quỹ cũng vậy, chúng ta chỉ cần vài triệu là có thể mua được. Thế nên, đừng bao giờ nghĩ phải chờ đủ tiền mới đầu tư cả.* Nếu tôi chỉ có khoảng 200 đến 300 triệu, liệu có nên chia nhỏ hơn ra để đầu tư hay "bỏ trứng vào một giỏ"?Với số vốn như thế, tôi có thể tư vấn như thế này: bạn có thể để 10% vào ngân hàng, có người thích mang 10% mua vàng, đầu tư một phần vào chứng chỉ quỹ và một phần vào chứng khoán với hình thức đầu tư dài hạn. Đây là một cơ cấu đầu tư hợp lý.* Thế nào là một kế hoạch tài chính đúng đắn chuẩn bị tốt cho lúc về hưu?- Một kế hoạch hoàn hảo cho lúc về hưu hay muốn khi về hưu chúng ta sẽ tự do về tài chính, việc đầu tiên chúng ta phải xác định tuổi về hưu của mình - là 60 hay 50.Lúc chúng ta về hưu, chúng ta có thể vẫn làm gì đó nhưng lúc đó chúng ta không quan trọng việc làm ra tiền; hay như nhiều người muốn chúng ta không làm gì mà vẫn có thể tiêu xài hoặc tiêu dùng 1 tháng 20 triệu/30 triệu như bây giờ. Hoặc chúng ta muốn lúc về hưu có thể xài tương đương 50 triệu/tháng cho tiêu dùng như bây giờ, mà không lo lắng về bất cứ điều gì.Sau đó, chúng ta hãy tính đến chuyện lạm phát, tính ra xem số tiền lúc đó chúng ta cần cho chi tiêu là bao nhiêu, ví dụ: bây giờ chúng ta tiêu mỗi tháng 50 triệu đồng, lúc đó có thể lên 70 hoặc 80 triệu đồng. Tiếp theo, chúng ta phải tính ra số tiền lớn mà chúng ta có lúc đấy để sinh ra lãi cần thiết.Bây giờ, chúng ta sẽ ngược đến hiện tại, chúng ta phải tạo ra được nhiều tiền hơn, sau khi chi tiêu chúng ta dư tiền và dùng tiền dư để đầu tư. Chúng ta phải nhớ, lãi sinh ra lãi và trong thời gian tích lũy thì không bao giờ được rút lãi ra, phải để lãi ở lại trên công cụ đầu tư.Có như thế, chúng ta mới nhận được hiệu quả của lãi suất kép và đến năm chúng ta mong muốn nghỉ hưu sẽ có được số tiền lớn. Ví dụ: lúc đó chúng ta có 10 tỷ và tỷ suất lợi nhuận là 12%, mỗi năm chúng ta có 1,2 tỷ, tức mỗi tháng chúng ta có khoảng 100 triệu để sử dụng. Đây là cái cách mà người ta tính toán lương hưu, hay nói cách khác là tự do tài chính khi về hưu.* Anh luôn khuyến khích mọi người phải đầu tư vào chứng khoán và nên đầu tư dài hạn thay vì ngắn hạn. Nhưng tại sao, có nhiều người đầu tư dài hạn vẫn thất bại?- Theo tôi, có người thất bại vì người ta không làm đúng. Chuyện đầu tư ngắn hạn bị thua lỗ là khi người ta mua chứng khoán rồi họ đợi nó lên, nhưng nó không những không lên mà cứ xuống hoài thế là họ chuyển qua đầu tư dài hạn một cách bất đắc dĩ. Thế nhưng, nếu doanh nghiệp đó kinh doanh không hiệu quả, không phát triển được thì giá cổ phiếu đó cũng sẽ tiếp tục đi xuống.Đầu tư dài hạn đúng là chúng ta phải lựa chọn đầu tư vào những công ty có sức mạnh tài chính, có khả năng tăng trưởng tốt và tỷ suất lợi nhuận cao. Muốn làm như vậy, chúng ta phải biết những chỉ số cơ bản của doanh nghiệp và biết cách phân tích cũng như mua được những cổ phiếu đấy. Chúng ta phải biết giá trị nội tại của doanh nghiệp và nó phải cao hơn giá trị trường chúng ta mua.Đầu tư dài hạn là chúng ta phải mua vào những cổ phiếu tốt và nên mua phối hợp nhiều loại cổ phiếu để giảm thiểu rủi ro. Như thế mới gọi là đầu tư dài hạn! Chứ không phải chúng ta mua một vài loại cổ phiếu bất kỳ, rồi giữ nó trong nhiều năm và gọi là đầu tư dài hạn thì không đúng.* Anh có thể nêu một vài ưu và nhược điểm của kênh đầu tư mới – quỹ mở?- Quỹ mở là một kênh đầu tư tốt. Nếu chúng ta không biết đầu tư chứng khoán, chúng ta sẽ mua các chứng chỉ quỹ từ những tổ chức tài chính đã được Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán cấp phép, công ty quản lý quỹ đó sẽ quản lý tiền của chúng ta và làm cho nó sinh sôi nảy nở.Tôi nghĩ chứng chỉ quỹ mở là một kênh đầu tư tốt với những người muốn đầu tư chứng khoán nhưng không có quá nhiều kiến thức thực tế!* Vì sao dân đầu tư nghiệp dư không nên tham gia vào Forex hoặc chứng khoán quốc tế?- Đầu tư Forex rất là rủi ro. Hiện tại, đầu tư forex là không đúng luật, mà kể cả khi được pháp luật cho phép thì đầu tư Forex cũng rất rủi ro, vì giá Forex thay đổi rất nhanh và khôn lường. Có thể nói rằng, hiện tạikhông ai và không có phương pháp nào xác định được đúng hướng tăng giảm của Forex.Tâm lý hành vi của nhà đầu tư là sợ mất tiền, thành ra, khi giá đi ngược lại xu hướng, họ ráng giữ mà càng giữ càng thua nên bị thua nhiều. Còn khi thắng một chút, họ lại bán ra, chốt phi vụ đấy. ‘Thua thì lớn, thắng thì nhỏ’, dẫn đến rất nhiều người đầu tư thua lỗ với xác suất thất bại lên đến 90%-95%.Ngay ở thị trường Việt Nam, với sản phẩm phái sinh, nhà đầu tư cũng thua lỗ rất nhiều do không đoán được chiều hướng của biến động giá, vẫn là bài ca cũ ‘thắng nhỏ, thua lớn’.Hiện Forex không được pháp luật thừa nhận. Chúng ta gửi tiền cho một công ty để họ chuyển ra nước ngoài là không đúng rồi! Chưa nói, không có nhà quản lý nào để biết công ty đó có chuyển tiền ra nước ngoài hoặc bỏ vào tài khoản tương ứng hay không?! Nói chung, hiện không có ai quản lý những công ty trung gian đầu tư, không ai bảo vệ nhà đầu tư Việt cả nên rủi ro rất cao. Tôi tư vấn các bạn không nên đầu tư vào Forex.* Anh có thể chia sẻ cho các độc giả biết một chút về các công cụ đầu tư phòng thủ, như tỷ suất lợi nhuận và rủi ro của chúng?- Dành cho các nhà đầu tư cá nhân, cơ bản có 5 công cụ đầu tư phòng thủ. Đầu tiên, gửi ngân hàng dài hạn hay tiết kiệm tiền, thứ hai là mua vàng, thứ ba là bảo hiểm nhân thọ (BHNT), thứ tư là trái phiếu đầu tư và thứ năm là chứng chỉ quỹ.Ngân hàng có thể cho chúng ta lãi suất từ 6%, 8% hoặc 9% tùy năm – nhưng thông thường từ khoảng 7% đến 8%/năm. Vàng cũng tùy thời điểm mua bán mà có những tỷ suất lợi nhuận khác nhau, nhưng tránh tuyệt đối đầu tư vàng ngắn hạn. Nếu chọn mua đi bán lại vàng trong thời gian ngắn, có khi chúng ta bị ‘sóng’ nó nè. Còn với đầu tư vàng dài hạn, nếu thuận lợi, chúng ta có thể có tỷ suất lợi nhuận khoảng 9% đến 10%/năm.Bảo hiểm nhân thọ: có 2 tác dụng là bảo vệ và tiết kiệm/đầu tư. Nếu không tính đến lợi ích về bảo hiểm thì sản phẩm BHNT truyền thống có thể cho chúng ta lãi suất 3% đến 5%/năm, còn sản phẩm BHNT liên kết đầu tư có thể cho chúng ta từ 6% đến 8%/năm.Về trái phiếu đầu tư: nếu chúng ta chọn được trái phiếu của doanh nghiệp tốt và phát triển bền vững, có sức mạnh tài chính tốt, nó có thể cho chúng ta lãi suất 8% đến 12%/năm.Lưu ý, chúng ta không nên ham lời mua những trái phiếu doanh nghiệp không được phát hành bởi những đơn vị phát hành hoặc tổ chức có uy tín. Trái phiếu được trả lãi suất cao tương đương với rủi ro cao, vì các đơn vị phát hành trái phiếu không thể phát hành trái phiếu đó với lãi suất thấp, nên họ đành phải phát hành lãi suất lợi nhuận cao do có rủi ro.Về chứng chỉ quỹ: tùy quỹ và cũng tùy năm, nó cho chúng ta lãi suất khoảng từ 8% hoặc 12% đến 13%/năm.* Anh có thể bật mí cho các độc giả một chút về danh mục đầu tư của mình?Danh mục đầu tư của tôi chia làm 2 dạng: đầu tư trực tiếp như đầu tư thẳng vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sau đó có hỗ trợ quản lý và đầu tư gián tiếp theo kiểu đầu tư tài chính.Về đầu tư gián tiếp: tôi có một phần kha khá trong vàng, bởi như các bạn đã biết, trước đây tôi mở sàn vàng nên rất thích đầu tư vào vàng. Nhưng tôi cũng muốn nhắc lại cho các bạn một lần nữa, đầu tư vàng trong ngắn hạn rất rủi ro. Những bạn không chịu được rủi ro cao, không nên đầu tư vào vàng.Về chứng khoán, thì những năm gần đây tôi chủ yếu đầu tư dài hạn. Danh mục dầu tư dài hạn của tôi khoảng 15 dến 16 cổ phiếu, có thể kể ra ở đây vài cái tên tiêu biểu như Thế Giới Di Động MWG, Vàng bạc Phú Nhuận PNJ hay Ngân hàng Á Châu ACB. Toàn bộ cổ phiếu tốt trong danh mục đầu tư của tôi, tất cả các học viên trong lớp "Đầu tư chứng khoán dài hạn đạt tỷ suất lợi nhuận cao’ đều biết và không ít bạn cũng lựa chọn từ đó để đầu tư.Những cổ phiếu mà tôi đề cập ở trên, trong thời gian qua thường đạt tỷ suất lợi nhuận khoảng 15% đến 20%, thậm chí một số cổ phiếu đạt 25%-35%/năm.* Cảm ơn anh rất nhiều về những chia sẻ thú vị ngày hôm nay!____________________Tác giả Lâm Minh Chánh, Theo CafebizNgày đăng: 09-12-2020 756 lượt xem
Tin liên quan
- LÀM ĐÚNG VÀ LÀM CÓ KẾT QUẢ ĐI - DỪNG ÁP DỤNG NHỮNG TRI THỨC NHIỄM ĐỘC
- CHIẾN THUẬT GÌ KHI ĐỐI THỦ LỚN HƠN, MẠNH HƠN DÙNG CHIÊU THỨC ĐẠP GIÁ ĐỂ CẠNH TRANH?
- ĐỪNG XEM NHẸ VAI TRÒ CỦA BẢNG MÔ TẢ CÔNG VIỆC (MTCV)
- CÒN 1P TRONG MARKETING - ĐÓ LÀ NIỀM TỰ HÀO ... (Pride)
- HIỂU CHO ĐÚNG VAI TRÒ DẪN DẮT CỦA MARKETING!
- THƯƠNG HIỆU PHẢI TRƯỚC SẢN PHẨM!
- VÌ SAO PHẢI ĐỊNH VỊ THƯƠNG HIỆU?
- HIỂU VỀ IPO THEO CÁCH ĐƠN GIẢN
- PHÂN BIỆT ĐẦU TƯ VÀ ĐẦU CƠ
- HỌC LÀM SALES CHUYÊN NGHIỆP MÀ KHÔNG HỌC GÌ VỀ BRAND VÀ MARKETING LÀ MỘT SAI LẦM
- ĐỂ GỌI VỐN, THU HÚT ĐẦU TƯ, CÁC CÔNG TY NÊN QUAN TÂM GÌ?
- BÍ MẬT MARKETING: THƯƠNG HIỆU MẠNH PHẢI CHẤP NHẬN ANTI-FAN
- NHỜ ĐÂU CHUỖI CỬA HÀNG TGDD THÀNH CÔNG? ĐỌC ĐẾN CUỐI BÀI SẼ RÕ!
- TRÁCH NHIỆM TRONG QUẢN LÝ!
- VỐN CON NGƯỜI TRONG TỔ CHỨC