• NƯỚC MẮT PHÁ THAI TRẺ VỊ THÀNH NIÊN

    Vị thành niên, thanh niên là những đối tượng phải đương đầu với nhiều nguy cơ và thách thức liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Từ rất sớm, các em cần được cung cấp các thông tin, kiến thức khoa học về giới tính, sinh sản.

    Nhưng một thực tế hiện nay, đối với vấn đề này phụ huynh thường lúng túng, né tránh, hẹn "lớn lên sẽ biết", còn nhà trường thì thờ ơ hoặc chỉ đưa nội dung giáo dục này vào cho có, khi mọi nguồn lực trong nhà trường vẫn tập trung cho học thuật, thi cử.

     

    Chuyện trong phòng khám sản khi nữ sinh lớp 11 đến phá thai... lần thứ 4

     

    "Tôi gặp trường hợp em học trò lớp 11, đã 4 lần phá thai...  ", Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Hoàng Dũng chia sẻ tại chương trình "Tám cuối tuần" với chủ đề "Chối bỏ mầm sống".

    Lần thứ 4, khi em nữ sinh tìm đến nhờ tư vấn, ông Dũng nói với nữ sinh: "Bây giờ em giữ được đứa con đã là kỳ tích. Vì nếu không em sẽ không còn khả năng làm mẹ".

    Khi tham vấn những ca sinh viên mang thai ngoài ý muốn, ông Dũng nhận thấy, cứ 10 em thì có đến 7 - 8 em bị bạn tình bỏ rơi rồi đến gia đình bỏ rơi. Thêm áp lực từ dư luận, các giá trị xã hội nên nhiều người đã từ bỏ chính đứa con của mình.

    Ông Dũng cũng nhắc tới những nghĩa trang đồng nhi (nơi chôn cất những hài nhi bị vứt bỏ) được lập ra ở nhiều tỉnh thành nhưng hiện nay có nơi đã quá tải, không còn đất để chôn cất các hài nhi xấu số. Điều đó phần nào nói lên bức tranh nhức nhối về vấn nạn nạo phá thai, trong đó có nạo phá thai ở tuổi vị thành niên.

    Theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có gần 300.000 ca nạo hút thai, chủ yếu ở độ tuổi 15 - 19, trong đó 60 - 70% là học sinh, sinh viên. Đáng chú ý, tỷ lệ phá thai trên 12 tuần tuổi chiếm tới gần 80%.

    Trong khi đó, theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, 20 - 30% các ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn và 60 - 70% là sinh viên, học sinh.

    Theo kết quả nghiên cứu do UNFPA thực hiện tại Việt Nam, khoảng 17,4% phụ nữ cho biết đã từng phá thai trong cuộc đời của mình. Số lần phá thai trung bình là 1,3 lần/một phụ nữ. Trong số những phụ nữ này, 73,1% đã từng phá thai một lần trong đời, 21,8% đã từng phá thai 2 lần và 5,1% đã từng phá thai ít nhất 3 lần trong đời.

    Theo Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, các con số thống kê chính thức về vấn nạn nạo phá thai có thể chưa phản ảnh được thực tế. Bởi hầu hết những ca chối bỏ con đều muốn giữ bí mật. Mà càng muốn giữ bí mật thì họ sẽ càng lén lút, tìm chỗ làm "chui". Và càng lén lút sẽ càng nguy hiểm, có thể để lại những di chứng kinh khủng...

    Một bác sĩ nhi tại TPHCM kể, bà từng gặp những em học sinh ngồi đung đưa đọc truyện tranh chờ phá thai. Các em đang tuổi ăn tuổi ngủ, rất hồn nhiên. Hay có trường hợp học sinh 14 tuổi đi phá thai, khi bác sĩ tư vấn những di chứng có thể xảy ra, em gạt đi, nói: "Chỉ cần bác sĩ cắt vụt đi là xong". Có nhiều trường hợp thai đã rất lớn mới được đưa đến để xử lý, cực kỳ nguy hiểm.

    Theo nữ bác sĩ, hầu hết các em nhỏ khi có thai sẽ tìm mọi cách che giấu người xung quanh, đến khi bố mẹ phát hiện, vội vàng tìm hướng giải quyết thì thai đã lớn. Nhiều nữ sinh thực sự vẫn là trẻ con, còn ngây ngô không biết rằng có quan hệ tình dục là có nguy cơ có thai.

    Chưa kể, có không ít nữ sinh còn không biết cha đứa bé trong bụng mình là ai, ở đâu. Các em chỉ biết tên nickname trên mạng, rồi hẹn hò đi nhà nghỉ, sau đó thì không liên lạc được nữa.

    Tại một chương trình tập huấn về sức khỏe sinh sản cho đội ngũ giáo viên thành phố TPHCM, bác sĩ Đặng Phi Yến cũng cảnh báo tình trạng không ít học sinh còn ít tuổi đã bỏ thai lần 2, lần 3 và không quan tâm đến hậu quả về sau. Có em bỏ thai còn giục bác sĩ "làm nhanh để kịp giờ vào học, giờ kiểm tra". Thậm chí, có những nhóm bạn còn hẹn nhau cùng đi bỏ thai.

    Các bác sĩ cảnh báo, việc nạo phá thai có thể làm chảy máu, thủng tử cung, vỡ tử cung. Nạo xong nếu sót nhau thì sẽ nhiễm trùng, gây viêm dính vòi trứng, để hậu quả về sau rất nghiêm trọng. Phá thai càng lớn thì càng nguy hiểm. Ngoài ra, đi cùng những ảnh hưởng về thể chất, việc phá thai còn những ám ảnh về tâm lý, có thể đeo bám suốt đời. 

    Mang thai ở tuổi vị thành niên không chỉ đơn thuần là một vấn đề về sức khỏe, mà mang thai ở tuổi vị thành niên còn làm mất đi tiềm năng ở các em gái, rút ngắn cơ hội học hành, đánh mất và hạn chế sự lựa chọn của các em trong cuộc sống, khiến những bà mẹ trẻ và cộng đồng nơi họ sinh sống chìm trong cảnh đói nghèo... Mang thai ở tuổi vị thành niên là một vấn đề cần giải quyết trong quá trình phát triển…

    … và Việt Nam

    Theo thống kê của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 đến 400 ngàn ca phá thai ở độ tuổi 15-19 được báo cáo chính thức, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. Còn số liệu từ các bệnh viện tư, phòng khám tư thì chưa thống kê được… và chỉ có khoảng 20,7% sử dụng biện pháp tránh thai trong lần quan hệ tình dục đầu tiên, tương ứng 10 cặp thì chỉ có 2 cặp tránh thai.

    Cần chung tay của gia đình, nhà trường, và các tổ chức xã hội trong giáo dục kỹ năng sống, nơi học tập, chăm sóc sức khỏe cho các em. Đặc biệt là giáo dục của gia đình. Các khảo sát cho thấy những trẻ vị thành niên có quan hệ tình dục trước tuổi thường xuất thân từ những gia đình có nhiều xáo trộn, giáo dục thiếu sót, nên trẻ dễ nghe theo lời dụ dỗ của người khác để "thử cho biết". Dẫn đến hậu quả là trẻ mang thai ngoài ý muốn.

    Bước vào tuổi dậy thì, trẻ có những chuyển biến về tâm lý, tò mò về thể xác, muốn tìm tòi, khám phá về giới tính của mình và của người khác giới nên dễ bị ảnh hưởng của phim ảnh, sách báo, bạn bè hoặc người lớn về các vấn đề tình dục. Một số ít - nhất là ở những vùng nông thôn, trẻ thiếu hẳn sự hiểu biết về thụ thai và không có một nhận thức gì về hậu quả.

    Các em thường có tâm lý lo sợ. Do đó, các em rất ngại đến cơ sở y tế công mà thường tìm đến những dịch vụ nạo phá thai yếu kém gây hậu quả. Các em chưa hiểu rõ những dấu hiệu của mang thai - do đó, một số trường hợp phát hiện thì thai đã lớn, nên việc nạo phá thai rất nguy hiểm.

    Ảnh hưởng các em gái cả về tâm lý lẫn sinh lý.

    * Về sinh lý, hậu quả gần là băng huyết nếu thai to, sốc, thủng tử cung - nếu nạo bằng dụng cụ - sót nhau, nhiễm trùng - mà nếu nhiễm trùng nặng thì có thể phải cắt bỏ tử cung. Hậu quả xa là viêm nhiễm mãn tính ở cổ tử cung, tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng, dính buồng tử cung, nghẹt ống dẫn trứng, dẫn đến hiện tượng thai ngoài tử cung trong lần có thai sau này, vô sinh thứ phát, nhau cài răng lược, vỡ tử cung, nhau tiền đạo. Nếu nạo thai nhiều lần sẽ làm mỏng thành tử cung khiến lần mang thai tiếp theo, thai thường khó giữ được. 

    * Về tâm lý, bị lừa dối dễ rơi vào tình trạng trầm cảm, không thể chia sẻ được với ai, lo sợ, mặc cảm, bị gia đình la mắng.

    LỜI NHẮN

    Vì vậy, các em nên trang bị cho mình đầy đủ kiến thức để tự vệ, đồng thời rèn luyện bản lĩnh sống ... để tránh những tổn thương về mặt tâm lý sau này.

    Tránh yêu quá sớm, tránh xa các cuộc tình đòi hỏi thể xác, các cuộc vui nam nữ qua đêm, các lời dụ dỗ thử cho biết. Tập trung vào học tập, công việc, lo sự nghiệp vững vàng... thay vì dành thời gian cho những mối quan tâm không chất lượng.

    Bản lĩnh sống & hiểu rõ các phương pháp bảo vệ bản thân trước người lạ, người xấu... Ý thức rằng: nạo phá thai không những ảnh hưởng đến sức khỏe, mà đó còn là biểu hiện cho một thái độ thờ ơ, lối sống vô cảm.

    Chia sẽ với cha mẹ về những việc hằng ngày, xin ý kiến chuyên gia, với bạn bè tốt ... để tránh kiểu sống buông thả, sống hời hợt, vô trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

    Có tiêu chuẩn tuyển dụng, tuyển chọn bạn khác phái ... để tránh trường hợp sau này tôi ... không ngờ, tìm hiểu thật kỹ, tránh tìm mà không hiểu ... bởi đó là nguyên nhân của các sự đổ vỡ sau này.

    Tận hưởng cuộc sống hơn coi trọng vật chất, bằng cách đi du lịch để tiếp xúc với nhiều người, nhiều nền văn hóa.

    Thực hành sống hạnh phúc từ bên trong chính mình. Nâng cao chất lượng nội tâm.

     

    Tổng hợp
    Ngày đăng: 11-01-2023 237 lượt xem