• 10 PHẨM CHẤT ĐỜI NGƯỜI CẦN TRAU DỒI

    Giới quan trọng nhất trong đời tu của chúng ta. Khi chuyển hóa được giới thành đức hạnh, sẽ có được sức cảm hóa người một cách kỳ diệu, làm cho người được an lạc.

    Nhiều khi chúng ta khổ đau mà không biết sao để bớt khổ, hãy tăng cường 3 gốc để cuộc sống nhẹ nhàng hơn.

    1. Bố thí - Trao đi giá trị với tâm không mưu cầu ích kỷ. 

    - Cho đi vật chất thì dễ - cho đi cơ hội phát triển, giá trị sống mới khó,

    - Cho của dư thì dễ - cho đi dù đang khó khăn mới khó,

    - Cho người thân thì dễ - cho người không thân mới khó, 

    - Cho ngắn hạn thì dễ - cho dài lâu mới khó.

    - Cho mà mong cầu thì dễ - còn cho không mong cầu mới khó,

    Ai trong chúng ta cũng có gì đó để cho, bất kể hoàn cảnh nào. 

    Cho đi nụ cười/ sự bình an/ sự hiện diện trọn vẹn với đối phương, cho sự quan tâm - giúp đỡ, cho một cơ hội nghề nghiệp thiện lành, cho một lời khuyên, cho một cơ hội phát triển các giá trị tinh thần, phát triển đạo đức...

    **Lưu ý: Đúng thời điểm, đúng cách, đúng thứ người đó thật sự cần thì sự bố thí của ta mới thật sự hữu ích.

     

    2. Trì giới - Gìn giữ những giới hạn cần thiết để gìn giữ những phẩm hạnh đang có, từ bỏ thói quen xấu đã hình thành.

    - Giữ GIỚI lúc có người quan sát thì dễ - Giữ giới lúc 1 mình mới khó,
    - Giữ giới lúc không có điều kiện để phạm giới thì dễ - Giữ giới khi có cám dỗ, khi có sẵn điều kiện mới khó.

    Khi khổ đau xuất hiện, bất an bủa vây hoặc lòng tham, cơn nghiện đè nặng lòng ta. Hãy biết rằng, là do ta đã không giữ được những giới hạn cơ bản, đã có gì đó QUÁ mức, không biết ĐỦ.

    Đừng gây tổn thương ai hay bất kỳ loài nào. Đừng lấy của của ai hoặc lãng phí của mình. Đừng quan hệ bất chính. Đừng nói dối hoặc tự dối mình. Đừng dùng chất say nghiện hay say đắm vào hình thức giải trí nào. Đó là những giới hạn cơ bản ta phải giữ.

    Việc ăn, ngủ, nói, làm, nhìn, nghe, suy nghĩ,... của ta cũng vậy. Đừng quá mức, đừng lệch lạc, đừng sáo rỗng, đừng dối trá, đừng hại mình hại người.

     

    3. Xuất gia - Sống không bị ràng buộc, dính mắc sâu dày vào các mối quan hệ cá nhân mà sống rộng lượng, trải tình thương với tất cả mọi người.

    Xuất gia là xóa dần sự ràng buộc, sự lệ thuộc dựa dẫm của đối tượng khác với mình hoặc của mình với đối tượng khác. Dần tự lập và tự bước đi vững vàng.

    Phải hiểu thấu suốt, phải rõ ràng, tự nguyện, dứt khoát và chịu trách nhiệm hoàn toàn với lựa chọn của mình.

     

    4. Trí tuệ - Trau dồi trí tuệ liên tục từ ý niệm -> tư duy -> thực hành. Giữ sự sáng suốt và thấu hiểu chính mình ngày càng chính xác, rõ ràng.

    - Biết, ghi nhớ thì dễ - Hiểu sâu sắc & làm được mới khó.
    - Hiểu theo suy luận thì dễ - hiểu bằng trí tuệ qua Thiền Tập mới khó.
    - Ngộ ra trong giây phút rồi quên và lặp lại sai lầm thì dễ - nhận ra thấu suốt hoàn toàn và không còn lặp lại sai lầm mới khó.
    - Biết người qua hành vi và lời nói thì dễ nhầm - Biết rõ tâm mình mới khó.

     

    Trí tuệ của mỗi chúng ta phải được trau dồi, thực hành, thực sự thấu rõ từ những điều THÔ đến những điều TINH TẾ nhất thì TÂM ta mới bớt dần khổ đau. Và mọi điều thâm sâu trong cuộc sống, đều có thể được thực hành, thực chứng ngay chính trên THÂN của mỗi người.

     

    5. Tinh tấn - Mạnh mẽ vượt qua khó khăn, vượt qua sự dễ dãi của bản thân. Kiên trì hành động để sửa đổi chính mình.- Trở nên bạo dạn và dai dẵng lúc tham lam hoặc sân giận thì dễ. Mạnh mẽ và bền bỉ với những điều thiện lành, ngăn chặn cái ác mới khó.

    - Mạnh mẽ & dẻo dai cơ bắp thì dễ - Mạnh mẽ bền bỉ bên trong nội tâm mới khó.

    Trở nên bạo dạn lúc sân giận thì dễ - Mạnh mẽ và bền bỉ với những điều thiện lành, ngăn chặn cái ác mới khó.

    Tinh tấn phải là nỗ lực đúng đắn, đều đặn liên tục. Nhất là nỗ lực từ bên trong TÂM Ý: ngăn ác, diệt ác, sinh thiện, tăng trưởng thiện. Tinh tấn còn là sự cố gắng giữ một cái TÂM luôn bình tĩnh, sáng suốt, ý thức rõ từng sự việc đang diễn ra... không dễ dãi, dễ vui theo tâm ý hoang dại.

     

    6. Kham nhẫn - Nhẫn nại trước hoàn cảnh bất lợi, giữ sự bình tâm, không phản ứng để nhận diện đầy đủ bản chất vấn đề trước khi hành động.

    - Phản ứng cho hả dạ thì dễ - không phản ứng trước sự chỉ trích của người khác hoặc sự bực dọc của bản thân mới khó.

    - Dễ dàng buông bỏ những điều thiện lành khi khó khăn thì dễ - Chờ đợi, kiên trì, sửa từng chút một để hoàn thiện mới khó.

    - Nhẫn nại khi có lợi ích thì dễ - nhẫn nại dù đang thiệt thòi mới khó.

    Không phải sự thụ động, sợ hãi, rụt rè trước những điều nên làm. Kham nhẫn là một sự rèn luyện nội tâm, dù chỉ trong 3 giây, điều ta cần hướng tới là một nội tâm quân bình & tỉnh giác. Không vì nóng vội, tức giận, tham lam mà hành động, nói năng phản ứng chỉ để thỏa mãn bản thân rồi tạo thêm Nghiệp mới.

     

    7. Chân Thật - Thành thật trong từng ý nghĩ, lời nói và việc làm của chính mình. Không bao biện, nói dối, che đậy sự thật.

    - Nói ra suy nghĩ của mình thì dễ - Thấy đúng sự thật để nghĩ cho đúng mới khó.

    - Nhìn hiện tượng bề mặt thì dễ - đọc ra được bản chất sâu xa gốc rễ của vấn đề mới khó.

    - Nói khéo thì dễ - Nói bằng sự chân thành mới khó.

    - Cố ra vẻ và thể hiện mình thì dễ - Sống thật và dựa vào sự thật đó để chỉnh mình mới khó.

    Chân thật là phẩm hạnh quan trọng của đời người. Sống chân thật, mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản, sáng tỏ. Sống chân thật, sẽ xóa đi mọi sự nghi ngờ, dè chừng, phòng thủ. Chân thật giúp niềm tin lớn mạnh.

     

    8. Quyết định - Dứt khoát, không lay chuyển, không cuốn theo chiều gió

    - Nói 1 đằng, làm 1 nẻo thì dễ - Nói là làm, giữ đúng lời hứa mới khó.

    - Hành động với sự ủng hộ thì dễ - đi tới cùng dù nhiều người cản trở mới khó.

    - Quyết định học 1 thói xấu thì dễ - Từ bỏ thói xấu lâu đời mới khó.

    Quyết định không quan trọng là NHANH hay CHẬM. Cốt lõi của quyết định nằm ở việc HIỂU RÕ TÌNH HUỐNG & ĐÚNG LÚC.

    + Nếu vội quyết định dựa trên cảm xúc, dựa trên cái thấy hoặc tư duy sai lầm... xác xuất gây hại rất cao (trừ khi ăn may).

    + Nếu suy nghĩ quá chậm, quá lâu hoặc lòng vòng. Xác xuất hỏng việc cũng rất cao.

    Vì vậy, trong từng ý nghĩ phải dứt khoát, rõ ràng, đúng đắn thì ta sẽ có những quyết định sáng suốt & đúng lúc.

     

    9. Tâm từ - Tình thương vô điều kiện, không phân biệt, rộng lớn, trong sạch.

    - Thương đối tượng dễ thương, yêu thích, thân thuộc thì dễ - Thương đối tượng khó thương, chán ghét, xa lạ mới khó.

    - Thương mình thì dễ - thương người mới khó.

    - Thương mình sai cách thì dễ - thương mình đúng cách mới khó.
     

     Nền tảng của tình thương chân thật chính là sự hiểu biết chân thật. Chính vì vậy mà ta phải luôn trau dồi trí tuệ để tình thương ngày càng rộng lớn. Nếu tình thương chỉ bó buộc ở 1 vài đối tượng, 1 vài hoàn cảnh. Ta khó mà tìm được cho mình một hạnh phúc đích thực. Nơi nào có tình thương, nơi đó chắc chắn sẽ có bình an, hãy phát triển tình thương của bạn và lan rộng từ trường đó ra.

    10. Tâm xả - Không dính mắc, công bằng khách quan, hiểu được mối tương quan của tất cả sự vật - hiện tượng, không chấp vào cái nghe, thấy, nhìn, nghĩ...

    - Thương yêu thì dễ - thương yêu mà không dính mắc mới khó.

    - Phản ứng với những điều bất như ý thì dễ - thấu hiểu và nhìn ra chính mình từ những điều bất như ý mới khó.

    - Lao vào nắm bắt cái yêu thích, cái quen thuộc thì dễ - buông xuống được khi cần mới khó.
     

     Tâm xả, là không chấp vào thái cực nào, cũng không phải là buông xuôi, buông thả mà là nhìn nhận vấn đề khách quan, đúng bản chất thật và đẩy đủ các yếu tố, không thiên vị bất kỳ yếu tố nào.

    Tâm xả, là biết buông khi cần, nhưng cũng là biết nắm lấy khi cần nắm (buông đi cái tình trạng cũ để tốt hơn). Tâm xả còn được biểu hiện ở lòng khoan dung, tha thứ, không cố giữ lại những gì tạm bợ, vô thường, ảo ảnh.

    THỰC HÀNH SỐNG HẠNH PHÚC TỪ BÊN TRONG CHÍNH MÌNH

     

    Trần Việt Quân

     
    Ngày đăng: 11-01-2023 360 lượt xem