• SỰ RA ĐỜI CỦA NHỮNG TÌNH KHÚC - TRỊNH CÔNG SƠN & NGÔ THỤY MIÊN

    Nghe một bản nhạc hay, những lời ca đẹp, có thể tâm hồn con người sẽ thánh thiện hơn. Âm nhạc thánh thiện sẽ khơi dậy một nỗi thương nhớ khôn nguôi đối với Đời, Người. Tác giả và hoàn cảnh ra đời của ca khúc ấy nếu ta hiểu hơn sẽ càng khiến ta khâm phục cái rung động rất tinh tế và lãng mạn của nhạc sĩ sáng tác ra chúng, những giai điệu mà chúng ta rất đổi quen thuộc. Chỉ cần để tâm nắm bắt chút xíu, chúng ta sẽ cảm nhận trọn vẹn các ca từ.

    Sài Gòn những năm 70 được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” bởi sự phát triển sôi động, vẻ phồn hoa và nhộn nhịp. Thời kỳ này là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của tân nhạc Việt Nam với sự xuất hiện của nhiều nhạc sĩ tài hoa như: Ngô Thụy Miên, Phạm Duy, Anh Bằng, Trịnh Công Sơn, Vinh Sử… Những ca sĩ nổi tiếng giai đoạn này có thể kể đến: Thái Thanh, Chế Linh, Thanh Tuyền, Lệ Thu…; Trong số đó, không thể không kể đến ba giai nhân nổi bật: Phương Dung, Giao Linh và Khánh Ly.

    1. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên

    Nói về tình ca thuần tuý thì những bài hát của Ngô Thụy Miên mình thích nhất !!! Vẫn nhớ như in cảm xúc khi lần đầu nghe “Riêng một góc trời” - buồn mang mang nhưng không bi lụy, tuyệt vọng ???? Ca từ trong những bài hát của ông luôn rất đẹp, trau chuốt !!!????

    Âm nhạc của Ngô Thụy Miên lãng mạn như cơn gió chiều thu, như tiếng dương cầm thánh thót giữa thinh không vô tận. Chẳng bi chẳng lụy, cũng không phải thiền, nhưng là thứ niềm tin, thứ lạc quan, thứ bình lặng luôn tồn tại trong khát vọng yêu, sống. Chút tự sự, chút tâm tình, chút mộng mơ. Nói thế nào vẫn không hết được cái tinh tế trong âm nhạc của bác, thứ âm nhạc lãng mạn đi cùng thời gian.

    Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên sinh ngày 26 tháng 9 năm 1948 tại Hải Phòng, và là con thứ hai trong một gia đình 7 người con. Ông lớn lên trong môi trường sách vở và thơ văn, do gia đình ông có mở một nhà sách tên Thanh Bình ở Hải Phòng.

    Khi được 6 tuổi, cả gia đình Ngô Thụy Miên chuyển vào Sài Gòn định cư. Hiệu sách Thanh Bình của người cha, trên đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) khi vào định cư ở Sài Gòn. Tại đây, ông học trường Trung học Nguyễn Trãi và sau đó là Trường Đại học Khoa học Sài Gòn.

    Chính niềm yêu sách đã khơi dậy và nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật đối với Ngô Thụy Miên. Sau một thời gian theo học nhạc với Giáo sư Đỗ Thế Phiệt, và nhạc pháp với Giáo sư Hùng Lân tại Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn.

    Cơ duyên nào để Ngô Thụy Miên viết tình ca? Đó là bóng hồng Đoàn Thanh Vân, mà Ngô Thụy Miên hạnh ngộ ở Trường Âm nhạc Sài Gòn, trong thời gian ông học ở đây. Người đẹp Đoàn Thanh Vân là con gái của tài tử Đoàn Châu Mậu nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn thập niên 1960.

    Hình ảnh Đoàn Thanh Vân đã khiến trái tim Ngô Thụy Miên rung động, vào năm 1963 chàng trai 17 tuổi đã viết ca khúc đầu tay “Chiều nay không có em” thay cho lời tỏ tình: “Không có em đời mình, sao vắng vui/ Cuộc tình như lá khô mộng mơ cơn mê chiều/ Không có em đôi mắt buồn nào đợi chờ/ Xin cho nhau lời vỗ về, sao đành quên đi ngày tháng đó”.

    Tình khúc này được ông hoàn tất vào tháng 2 năm 1965, được giới sinh viên học sinh lúc bấy giờ hưởng ứng rất nồng nhiệt.

    Bắt đầu hẹn hò với Đoàn Thanh Vân, Ngô Thụy Miên viết tiếp ca khúc “Mùa thu cho em” rạo rực: “Nắng úa dệt mi em/ Và mây xanh thay tóc rối/ Nhạt môi môi em thơm nồng/ Tình yêu vương vương má hồng/ Sẽ hát bài cho em, và ru em yên giấc tối/ Ngày mai khi mưa ngang lưng đồi/ Chờ em, anh nghe mùa thu tới”.
     
    Ngô Thụy Miên rất hâm mộ dòng nhạc tiền chiến, nên những ca khúc khởi nghiệp của Ngô Thụy Miên có màu sắc tương đối giống lớp nhạc sĩ tiền bối. Tuy nhiên, sau một loạt ca khúc phổ thơ Nguyên Sa như “Áo lụa Hà Đông”, “Paris có gì lạ không em” hoặc “Tuổi mười ba” thì Ngô Thụy Miên định hình phong cách riêng.
     
    Nếu như việc phổ nhạc cho thơ Nguyên Sa là mối duyên thơ – nhạc, thì cuộc tình với Đoàn Thanh Vân là mối duyên đời -nhạc của Ngô Thụy Miên. Những xao xuyến lứa đôi đã làm thăng hoa âm nhạc Ngô Thụy Miên, mà ca khúc “Mắt biếc” ông viết tặng người yêu được đón nhận nồng nhiệt ngay từ khi ra đời. Đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, Ngô Thụy Miên trở thành một hiện tượng được giới trẻ đô thị hâm mộ, và cũng nhận được không ít lời khen tặng của các nhạc sĩ đàn anh như Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Anh Bằng… Từ năm 1970 đến 1975, Ngô Thụy Miên làm kiểm soát viên không lưu tại phi trường Tân Sơn Nhứt. Cũng khoảng thời gian đó, ông là Trưởng ban nhạc Luân Phiên tại Đài phát thanh Quân đội.
     
    Năm 1973, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và Đoàn Thanh Vân đính hôn. Đám cưới của họ dự định sẽ tổ chức sau khi Đoàn Thanh Vân tốt nghiệp đại học. Thế nhưng, sự kiện 30/4/1975 đã thay đổi nhiều điều. Đoàn Thanh Vân theo cha mẹ di cư sang Mỹ, mà không kịp nói lời giã biệt vị hôn phu. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên thổ lộ: “Một sáng tác mà tôi rất yêu quí, có mang một chút hình ảnh thời sự, đó là bài “Em còn nhớ mùa xuân”. Đó là tình khúc duy nhất tôi đã viết ở Sài Gòn sau tháng 4/1975 trong nỗi nhớ một người bạn gái đã ra đi, và giữa những biến chuyển xẩy ra quanh mình trong những ngày tháng đó. Bản nhạc nhắc đến những kỷ niệm đẹp của chúng tôi trong bối cảnh của một thời thơ mộng”.
     
    Ca khúc “Em còn nhớ mùa xuân” được nhiều ca sĩ trình diễn ở hải ngoại, rồi sau đó lại tiếp tục chinh phục người yêu nhạc trong nước: “Những thành phố em sẽ đi qua/ Đây Paris, đây Luân Đôn, đây Vienne/ Nhưng có đâu bằng Sàigòn hôm qua/ Nhưng có đâu bằng Sài Gòn mai sau/ Em có mơ ngày hát câu hồi hương”.
     
    Khi chắc chắn người yêu đã không thể “hát câu hồi hương” như mình hy vọng, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã vượt đại dương để đi tìm người phụ nữ đã cùng mình ước thề. Ở nước Mỹ mênh mông, họ cũng đã tìm được nhau. Năm 1979, Ngô Thụy Miên và Đoàn Thanh Vân tổ chức lễ cưới tại bang California. Trùng phùng hạnh phúc sau cách biệt bẽ bàng, Ngô Thụy Miên đã viết ca khúc “Em về mùa thu” đánh dấu ngày nên duyên chồng vợ: “Ô hay mùa thu lại về cho mình giăng hẹn hò/ Gọi tên nhau khi chiều đến/ Mây thu vấn vương đan ngập lối đi/ Ái ân theo hồn vút cao/ Vết mơ tình xõa tay mềm”.
     
    Chuỗi ngày hòa nhập nơi đất khách cũng đầy gian nan. Ngô Thụy Miên không muốn dính líu vào các hoạt động biểu diễn trên sân khấu, nên chọn cách đi làm công nhân như một người Việt bình thường mưu sinh xứ người. Vợ chồng Ngô Thụy Miên dọn đến thành phố Olympia của bang Wasington để sinh sống với không ít muộn phiền và lo toan. Tình yêu và âm nhạc đã níu giữ họ giữa nhiều xáo trộn bủa vây, mà ca khúc “Bản tình ca cho em” là ví dụ tiêu biểu: “Anh hát cho em bài tình ca thiết tha/ Anh hát cho em dù lòng nghe xót xa/ Một lần gặp gỡ đã là bao thương nhớ/ Thương dáng em cười nhớ nụ mắt bờ môi…/Anh chúc cho em đời yên vui đắm say/ Anh chúc cho em dù lòng nghe đắng cay/ Một ngày nào đó dẫu tình ta đã lỡ/ Một ngày nào đó ta vẫn yêu mãi người thôi”.
     
    Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đứng ngoài thị phi show biz. Ông bộc bạch: “Tôi đến với âm nhạc như một sự tự nhiên, không hề có tham vọng gì. Những sáng tác của tôi đều được cẩn trọng, chăm sóc từ lời ca đến ý nhạc. Những năm tháng học nhạc cổ điển Tây phương đã giúp tôi rất nhiều trong việc sáng tạo, chọn lựa cũng như trau chuốt, làm đẹp câu nhạc. Đã có những bài tôi để cả năm trời chỉ để viết đi, viết lại những giai điệu mà mình chưa vừa ý! Nói về lời ca, thì có lẽ nhờ trưởng thành giữa văn thơ và sách vở tôi đã được đọc rất nhiều. Đọc nhiều nó thấm vào người lúc nào không biết. Rồi khi trái tim rung động thì lời ca tự nhiên sẽ đến”.
     
    Nhìn vào số lượng ca khúc của Ngô Thụy Miên phổ biến sâu rộng trong đời sống, ai cũng ngỡ ông sáng tác rất nhiều. Thực tế, Ngô Thụy Miên sáng tác rất ít. Có khi vài ba năm ông mới có cảm hứng để viết một ca khúc. Và quan trọng hơn là có nhiều ca khúc ra đời mà Ngô Thụy Miên cũng không có ý định công bố. Chẳng hạn, ca khúc “Riêng một góc trời” chỉ được Ngô Thụy Miên hát cho vợ suốt nhiều năm, sau đó ca sĩ Tuấn Ngọc mới đến tận nhà để xin được thu âm và lan tỏa cực nhanh vào công chúng: “Tình yêu như nắng, nắng đưa em về, bên dòng suối mơ/ Nhẹ vương theo gió, gió mang câu thề, xa rời chốn xưa/ Tình như lá úa, rơi buồn, trong nỗi nhớ/ Mưa vẫn mưa rơi, mây vẫn mây trôi, hắt hiu tình tôi…”.
     
    Tính toán chi li, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tự tổng kết ông viết được hơn 60 ca khúc. Vì sao như vậy? Ngô Thụy Miên cạn kiệt cảm hứng chăng? Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên bảo ông không muốn viết những điều quá hiu hắt từ tâm trạng mình: “Với tôi, âm nhạc cũng như đời sống đều thay đổi theo thời gian và không gian. Sống ở quê nhà với những thân yêu quanh mình, với những lụa là mưa nắng Sài Gòn, những quán hàng, những con đường quen thuộc từng dấu chân, từng buổi sáng, buổi chiều… tất cả đã cho tôi những ý nhạc nhẹ nhàng, trong sáng, những lời ca thơ mộng, dịu dàng. Ở Mỹ, người ta thật vội vã, thật xa lạ… Những thành phố, nhà cửa thật to lớn nhưng cũng thật lạnh lẽo. Ngày tháng bên này đã để lại trong âm nhạc của tôi những dấu vết buồn bã của cuộc sống tạm dung, những muộn phiền cay đắng của những phần đời lặng lẽ quanh mình…”.
     
    Ca khúc “Mưa trên cuộc tình tôi” viết khi nhạc sĩ Ngô Thụy Miên bước qua tuổi lục thập ít nhiều chứng minh điều ấy: “Tôi vẫn ngồi lặng ngắm mây trôi/ Mưa ngoài trời như bụi rơi/ Chỉ là phù du những tháng ngày vui/ Bên phím đàn tôi nghe hồn buông lơi”. Bây giờ, ở tuổi 72, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên vẫn sống êm đềm bên người vợ thủy chung Đoàn Thanh Vân. Họ hiếm muộn con cái, nhưng đi đâu cũng có nhau. Thỉnh thoảng họ cùng hát lại những ca khúc một thời thanh xuân của mình để vỗ về cuộc tình trăm năm.
     
    Mời các bạn yêu nhạc lắng nghe những bản nhạc hay ⭐️

    9 Tình Khúc Ngô Thụy Miên - Tống Cát Chiêu Quân, Hồ Hán Dân

    Thể loại: Trữ Tình. Năm phát hành: 2019

    P/S: Một cuộc đời thật đẹp như những bài nhạc ông viết cho đời! Dẫu biết sống là phải trải qua đau thương, nhưng ông đã biến chính cái đau đó thành những lời ca sâu lắng ngọt ngào. Cảm phục ông. Cảm phục sự chung thủy cùng sự cống hiến tuyệt vời của ông cho nền âm nhạc nước nhà!! Cảm phục một người nhạc sĩ vĩ đại trong lòng tôi, NGÔ THỤY MIÊN!!! - Ruby Nguyễn.

    ------------------------------

    2. Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn

    Trịnh Công Sơn được ví như một tài năng lớn của nền âm nhạc Việt Nam. Những ca khúc của ông mãi mãi có sức ảnh hưởng to lớn đối với bao thế hệ người nghe nhạc. Khó có lời nào diễn tả hết hoăc đầy đủ về Trịnh Công Sơn. Nhạc sĩ Văn Cao từng nhận xét: "Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra".
     
    Cái quyến rũ của nhạc Trịnh Công Sơn có lẽ là ở chính ở chỗ đó, ở chỗ không định tạo ra một trường phái nào, một triết học nào, mà vẫn thấm vào lòng người như suối tưới. Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim, không chỉ ở trong nước, mà ở cả ngoài biên giới...
     
     
    Ns.Trịnh Công Sơn chào đời ngày 28.2.1939 tại Buôn Ma Thuột (tỉnh Đăk Lăk), nơi cha mẹ ông tạm cư lập nghiệp từ năm 1937.
     
    Thân phụ của Trịnh Công Sơn là ông Trịnh Xuân Thanh, một doanh nhân yêu nước, vừa kinh doanh vừa tham gia hoạt động chống thực dân Pháp, quê gốc làng Minh Hương, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Trà (Thừa-Thiên-Huế). Thân mẫu của Trịnh Công Sơn là bà Lê Thị Quỳnh, một người mẹ đảm đang, nhân hậu, có cảm nhận tinh tế và sâu sắc về thi ca và âm nhạc. Trịnh Công Sơn là con trưởng, sau ông còn bảy người em, hai trai, năm gái: Trịnh Quang Hà, Trịnh Xuân Tịnh, Trịnh Vĩnh Thúy, Trịnh Vĩnh Tâm, Trịnh Vĩnh Ngân, Trịnh Hoàng Diệu và Trịnh Vĩnh Trinh.
     
    Năm 1943, theo gia đình hồi hương về Huế, Trịnh Công Sơn sống suốt thời niên thiếu tại đây trong một không gian văn hóa cố đô giàu Phật tính. Ông học trường tiểu học Nam Giao (nay là trường Trường An), trường trung học Lycée Français, rồi trường Providence, sau đó theo học ban Triết tại trường Chasseloup-Laubat (Jean-Jacques Rousseau), Sài Gòn.
     
    Khi Trịnh Công Sơn 16 tuổi (năm 1955), thân phụ qua đời vì tai nạn giao thông. Đó là một tổn thất quá lớn đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực đối với ông: “Nỗi ám ảnh ấy chắc hẳn không bắt nguồn từ lớp dày tro bụi của vô thức làm nên từ những cái chết của tổ tiên mà có lẽ từ những năm tù tra tấn chết đi sống lại của ba tôi trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp. Rất nhiều bài hát đầu đời của tôi đã phảng phất cái không khí vắng lặng của sự mất mát. Càng về sau, lúc tiến dần về tuổi trưởng thành, giữa bức xúc của cuộc sống, giữa những năm tháng buồn vui, nỗi ám ảnh ấy đã trở thành lúc nào không hay ngọn nguồn của một nỗi âu lo thường trực về sự vắng bóng con người”.
     
    Năm 1957, lúc đang tuổi 18 sung sức và sôi nổi, Trịnh Công Sơn bị thương nặng tới mức suýt mất mạng trong một lần luyện tập võ thuật, phải nằm điều dưỡng gần hai năm tại Huế. Chính trong hoàn cảnh đó, ông có những khoảng lặng để suy ngẫm sự đời và giành nhiều thì giờ tìm đọc các tác gia văn học, triết học của cả phương Tây lẫn phương Đông, những Apollinaire, Marcel Proust, Jacques Prévert, những Nietzsche, Albert Camus, Jean Paul Sartre, những Nguyễn Du, Rabindranath Tagore, những sách Thiền và giáo lí Phật giáo... Lòng đam mê âm nhạc bẩm sinh bỗng bừng dậy trong ông và định mệnh bất ngờ dắt ông theo con đường sáng tác ca khúc.
     
    Năm 1959, Trịnh Công Sơn trình làng nhạc phẩm đầu tiên: Ướt Mi. Thực ra bài hát này được sáng tác từ năm 1958, và trước đó, năm 1957, ông đã có hai bài hát khác nhưng chưa được công bố: Sương ĐêmChơi Vơi. Hãy nghe ông kể: “…Tôi là một đứa bé thích ca hát. Mười tuổi biết solfège, chép lại những bài hát yêu thích đóng thành tập, chơi đàn mandolin và sáo trúc. Mười hai tuổi có cây đàn guitar đầu tiên trong đời và từ đó sử dụng guitar như một phương tiện quen thuộc để đệm cho chính mình hát.Tôi không đến với âm nhạc như một kẻ chọn nghề. Tôi nhớ mình đã viết những ca khúc đầu tiên từ những đòi hỏi tự nhiên của tình cảm thôi thúc bên trong...”.
     
    Đầu thập niên 1960 và 70, trong đó có hai năm ông học trường Sư Phạm Qui Nhơn và một năm dạy tiểu học ở Bảo Lộc, là thời kì Trịnh Công Sơn cho ra đời hàng loạt những bản tình ca nổi tiếng: Phôi Pha, Diễm Xưa, Chiều Một Mình Qua Phố, Nhìn Những Mùa Thu Đi, Biển Nhớ, Mưa Hồng, Vết Lăn Trầm, Ru Em Từng Ngón Xuân Hồng, Như Cánh Vạc Bay, Cát Bụi…
     
    Ông tự nhận: "...Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo...". " ...Với ca khúc, tôi là người tình của thiên nhiên, là người bạn của những em bé. Qua ca khúc, tôi đã đến gần đã đi xa những chuyện tình, đã tham dự những nỗi hân hoan của đời người và cũng đã gánh nhẹ giùm những phiền muộn. Ca khúc là đời sống thứ hai sau cái thân thể mà cha mẹ đã sinh thành...".
     
    Chiến tranh tàn khốc nhất, từ 1965 đến 1975, là giai đoạn quyết liệt nhất trong hành trình ca khúc Trịnh Công Sơn. Ông cho ra đời dồn dập những bài hát lay động lương tri về thân phận con người, về quê hương, dân tộc và khát vọng hòa bình: Gia Tài Của Mẹ, Ngủ Đi Con, Đại Bác Ru Đêm, Tình Ca Người Mất Trí, Nối Vòng Tay Lớn, Huế-Sài Gòn-Hà Nội…
     
    Các tập nhạc gây chấn động liên tiếp được ấn hành: Ca Khúc Trịnh Công Sơn (1967), Ca Khúc Da Vàng (1967), Kinh Việt Nam (1968), Ca Khúc Da Vàng 2 (1969), Ta Phải Thấy Mặt Trời (1969), Phụ Khúc Da Vàng (1972)…Tiếng hát Trịnh Công Sơn – Khánh Ly vang vọng ra thế giới. Riêng tại Nhật Bản, bài Diễm Xưa của ông vào chung kết cuộc thi những bài hát nước ngoài hay nhất và sau này được đưa vào chương trình nghiên cứu của tại một trường Đại học ở Tokyo; bài Ngủ Đi Con đoạt danh hiệu “Đĩa Vàng” năm 1970 với lượng phát hành trên hai triệu đĩa. Trịnh Công Sơn có tên trong tự điển Bách Khoa Encyclopédie de tous les pays du monde của Pháp...
     
    Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, Trịnh Công Sơn sống ở Huế trong hoàn cảnh khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, hầu như không sáng tác được gì đáng kể.
     
    Năm 1979, ông vào ở hẳn Sài Gòn, nhà 47C đường Phạm Ngọc Thạch (Duy Tân cũ) và từ 1980 bắt đầu một thời kì sáng tác mới, vẫn giữ được riêng bản sắc Trịnh Công Sơn. Ông tiếp tục chinh phục người hâm mộ bằng hàng loạt ca khúc, lúc thiết tha tình tự, lúc đậm đà phong vị Thiền, những Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên, Chiều Trên Quê Hương Tôi, Hà Nội Mùa Thu, Huyền Thoại Mẹ, Lời Thiên Thu Gọi, Tiến Thoái Lưỡng Nan, Như Một Lời Chia Tay, Sóng Về Đâu, Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng
     
    Từ năm 1997, sức khỏe của Trịnh Công Sơn suy giảm nhanh chóng. Sau một thời gian bệnh nặng, ông mất vào ngày 01 tháng 04 năm 2001, thọ 62 tuổi, để lại cho đời cả gia tài đồ sộ gồm trên dưới 600 ca khúc.
     
    ----- Khang Lê Sưu Tầm ----
     
    Mời các bạn cùng thưởng thức Album Tuyển Tập Những Sáng Tác Hay Nhất Của Trịnh Công Sơn nhé!
     
     

    Emanvietnam | nhacxua

     

    Ngày đăng: 22-04-2021 2,854 lượt xem