• Khoản lỗ của EVN, vì sao ?

    Ngành điện bị lỗ vì sao là câu hỏi mà rất nhiều người đã đặt ra khi EVN thông báo lỗ nặng, áp lực tăng giá điện cao.

    Bộ Công Thương nói gì về khoản lỗ của EVN ?

    Với khoản lỗ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2022 là hơn 26.200 tỉ đồng, Bộ Công Thương cho biết đã xây dựng phương án điều chỉnh giá điện và báo cáo Thủ tướng.

    Hiểu thế nào về "độc quyền" ngành điện hiện nay?

    1. Trong lĩnh vực truyền tải điện:

    EVN vẫn mang tính độc quyền tự nhiên. EVN với vai trò là doanh nghiệp nhà nước vẫn phải giữ vai trò chủ đạo, thực hiện các chức năng đầu tư cũng như vận hành các tuyến truyền tải chính của quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Thêm nữa là với mức phí truyền tải đang khá thấp (khoảng hơn 70 đồng/kWh), rất khó để tư nhân có thể cạnh tranh vào khâu này. 

    Khối tư nhân chỉ tham gia ở một số hạng mục phát triển các tuyến truyền tải phục vụ các dự án nguồn liên quan. Hoặc tư nhân có thể đầu tư ở các công trình ít tác động tới an toàn hệ thống.

    2. Trong lĩnh vực phát điện:

    Đến cuối năm 2021, vai trò của khối tư nhân tham gia ngày càng lớn chiếm tỷ trọng 42%,  EVN 39%. Như vậy, độc quyền trong phát điện sẽ không còn nữa, khi các dạng nguồn điện khác nhau cùng tham gia vào thị trường bán buôn điện.

    3. Trong lĩnh vực phân phối, kinh doanh điện:

    Xóa bỏ độc quyền sẽ tạo điều kiện cho người tiêu dùng được tiếp cận với nhiều lựa chọn hơn. Khi đó, giá điện sẽ phản ánh chi phí thị trường tốt hơn. Mặc dù đòi hỏi rất nhiều nỗ lực cải tổ quy định kỹ thuật cũng như khung pháp lý.

    Hiện tại, khung pháp lý này chưa xong, nên EVN vẫn có vai trò độc quyền. Tuy nhiên, trong dài hạn, sự độc quyền này cần phải được xóa bỏ.

    Với sự vận hành của thị trường điện hiện nay, các tổng công ty phát điện và các nhà máy điện trực thuộc EVN cũng đang tham gia vào thị trường và chào giá cạnh tranh trên thị trường bán buôn điện. EVN với vai trò điều tiết và đảm bảo cung ứng điện.

    4. Nguyên nhân lỗ:

    Nhu cầu xã hội phát triển, sử dụng điện không ngừng tăng. Các khoản chi phí nguyên nhiên liệu lại không điều chỉnh theo mức trượt giá, biến động nhiên liệu thế giới.

    a). Giá thành sản xuất tăng: nguyên nhân do biến động từ giá nhiên liệu và chênh lệch tỉ giá.

    - 2021: 1.859,90 đồng/kWh (tăng 1,84% so 2020); 

    - 2022: 2.032,26 đồng/kWh (tăng 9,27% so 2021).

    b). Phải bù giá cho vùng sâu, vùng xa: tại các huyện đảo, xã đảo ... chưa nối điện lưới quốc gia.

    - 2021: 265,75 tỉ đồng.

    - 2022: 387,55 tỉ đồng.

    c). Phải tăng chất lượng điện:

    Chỉ cần một sự cố đóng cắt nguồn điện thì phải mất từ 12 - 24 giờ mới tái hoạt động ổn định, kéo theo cả một nhà máy bị ảnh hưởng.

    95% thiết bị tự động hóa, rất nhạy cảm với chất lượng điện áp. Với những rủi ro này, phía doanh nghiệp mong muốn ngành điện tiếp tục cải thiện chất lượng điện năng nhằm giảm thiểu rủi ro hệ thống điện.

    Tổng công ty Điện lực TP.HCM - cho biết một số ít doanh nghiệp cần chất lượng điện cao hơn so với tiêu chuẩn và hiện ngành điện vẫn nỗ lực cải thiện chất lượng điện năng, đáp ứng những tiêu chuẩn cao này.

    Trong khi đó, hiện nay về mặt mỹ quan đô thị, ngành điện phải ngầm hóa nên cần chi phí lớn, gấp 3 - 4 lần.

    Và chi phí mặt bằng cho các trạm chuyển tải, trung gian. Những cải tiến để phục vụ khách hàng tốt hơn, ngành điện cần những nguồn lực đáng kể, trong đó có vấn đề tài chính.

    d). Thời điểm hiện tại, cũng là giai đoạn trợ giá cho các dự án năng lượng tái tạo, khiến giá mua điện cao hơn giá bán lẻ điện, và hệ quả là EVN chịu lỗ.

    e). Trong bối cảnh bốn năm qua giá điện không điều chỉnh.

     

    5. Việc kiểm soát kinh doanh, và chi phí của EVN:

    Quan điểm EVN lỗ do đầu tư kém hiệu quả cũng có lý do: đã có giai đoạn Chính phủ cho phép các tập đoàn/tổng công ty nhà nước được tham gia đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành.

    Tuy nhiên vào năm 2017, Chính phủ đã có chỉ đạo sắp xếp, tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc EVN. Đến năm 2019, về cơ bản EVN đã hoàn thành thoái hết vốn khỏi các khoản đầu tư ngoài ngành.

    Hiện EVN bị kiểm soát chặt các chỉ tiêu tài chính, các chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh ... luôn được thẩm định và kiểm tra bởi đoàn kiểm tra liên ngành.

    - Cần hiểu đúng nguyên nhân & minh bạch:

    Giá thành sản xuất kinh doanh điện luôn được Bộ Công Thương công bố, trên cơ sở các báo cáo tài chính của EVN.

    Tuy nhiên, xã hội chưa có thông tin đầy đủ về các yếu tố cấu thành chi phí sản xuất kinh doanh điện. Những tin thiếu kiểm chứng (ví dụ như bù chéo, EVN huy động tăng nhiệt điện chạy dầu khiến áp lực tăng giá, rồi giá điện tái tạo rất rẻ mà không huy động...) dẫn tới nghi vấn nhưng chưa được truyền thông giải thích.

    Cần tăng cường truyền thông để hiểu đúng nguyên nhân lỗ, tạo sự đồng thuận khi có sự điều chỉnh giá điện.

    6. Đề xuất tăng giá điện, nhưng cần phải thông báo lộ trình:

    Ông Đoàn Võ Khang Duy, phó chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM, cho rằng trong trường hợp buộc phải tăng giá điện, cần phải đưa ra một lộ trình cụ thể về thời gian dự kiến tăng giá, mức tăng vì sản xuất xuất khẩu sẽ phải đàm phán hợp đồng, có khi là 3 - 6 tháng.

    7. Về việc mua điện gió, điện mặt trời ... của các nhà đầu tư:

    Phát biểu trước cộng đồng nhà đầu tư tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên lần thứ 25 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) tổ chức ngày 19-3 ở Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định không thể tách giá điện cụ thể có 4-5 cent/kWh mà mua điện mặt trời giá hơn 8 - 9 cent/kWh, cần tìm sự hài hòa về giá cả. 

    Chia sẻ khó khăn với các nhà máy điện gió, điện mặt trời làm xong nhưng chưa bán được điện cho EVN, nhưng Thủ tướng cũng nêu giá điện mà đắt quá so với khu vực thì người dân không thể chịu được.

    Thủ tướng cũng nói với các nhà đầu tư rằng kinh doanh thì có lúc lãi, lúc lỗ, quan trọng nhất là tính bài toán lâu dài có lãi là được. "Chúng tôi không muốn ai đến đây đầu tư kinh doanh mà lỗ cả, phải có lãi, lãi càng cao, càng nhiều, càng tốt", ông nói.

    Giải đáp những thắc mắc của nhà đầu tư về chính sách năng lượng, điện, Thủ tướng cho hay việc lập quy hoạch điện 8 có khó khăn là trước đây khi làm quy hoạch điện 7 xu thế phát triển nhiệt điện chưa như hiện nay.

    "Có khoảng 6.000 - 8.000MW cam kết là điện than, bây giờ các nhà đầu tư phải chia sẻ, cùng chúng tôi cắt điện than và đừng kiện cáo nữa, kiện cáo lại phải ra tòa. Chúng ta cùng nhau cắt điện than, cùng nhau chuyển đổi từ đầu tư điện than sang đầu tư điện gió, điện mặt trời", Thủ tướng nói.

    Đối với đầu tư điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam thời gian tới, Thủ tướng lưu ý các nhà đầu tư GDP bình quân đầu người của Việt Nam có hơn 4.000 USD/năm, không thể sánh với các quốc gia đang phát triển có thu nhập 50.000 - 60.000 USD/năm. Nên giá cả phải phù hợp, chi phí sản xuất đầu vào phải phù hợp, trong đó có vay ngân hàng.

    "Tôi kêu gọi các quốc gia phát triển giúp đỡ Việt Nam để bảo đảm công bằng, công lý trong chuyển đổi năng lượng. Ví dụ như các dự án đầu tư vào Việt Nam lãi suất phải giảm đi, thời hạn cho vay phải dài hơn thì mới phù hợp với giá điện, thu nhập của người Việt Nam", ông nêu.

    Đối với kiến nghị liên quan tới cơ chế mua bán điện trực tiếp của cộng đồng nhà đầu tư, Thủ tướng khẳng định Chính phủ khuyến khích cơ chế này, vừa qua đã thí điểm cho nhà đầu tư Lego vào đầu tư và thực hiện.

    Tại diễn đàn, Thủ tướng giao các bộ khẩn trương giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, tăng cường tổ chức đối thoại với doanh nghiệp trên tinh thần đồng hành, chia sẻ.

    Theo tuoitre.vn

    Ngày đăng: 05-04-2023 313 lượt xem