• CHA MẸ NGU NGƠ, CHA MẸ TỈNH THỨC

    Bây giờ cái câu "mỗi ngày đến trường là một niềm vui" chỉ còn in trên vở. Vì nó không tồn tại ngoài đời thực. Áp lực mang danh giáo dục đã phủ kín thời gian của những đứa trẻ con, từ sáng tới tối, cả ngày lẫn đêm.

    1. ÉP ĂN:

    - Ở cái thời no đủ này. Nếu ai đó nhét vào miệng bạn hết muỗng này đến muỗng khác những món mà bạn không thích, bạn sẽ ói, phun hoặc là phản ứng để tránh cho hành động này tiếp diễn.

    Thế nhưng những người lớn ngốc nghếch thì cứ ép con ăn theo ý của họ. Mỗi bữa ăn là một trận chiến với đủ loại mưu chước được bày ra, họ lấy làm sướng, họ thỏa mãn. Trong khi đó, với nạn nhân thì là nổi khiếp đảm. Nó là nỗi ám ảnh. Thế là sinh ra chứng sợ ăn, biếng ăn.
     
    Bất kỳ sinh vật nào cũng biết đòi ăn khi đói, và khước từ khi no. Nhưng đòi hỏi mong muốn của cha mẹ ngốc nghếch sẽ bất tuân bản năng tự nhiên đó. Họ không đủ kiên nhẫn để đợi cho con mình đói bụng. Và không một đứa bé nào bị ép ăn mà phát triển bình thường, hoặc là béo phì, hoặc là suy nhược còi cọc.
     
    Nhiều đứa trẻ bị tước mất cảm giác thèm ăn. Đến tuổi được tự quyết thì cơ thể đã trở nên yếu ớt, bệnh tật.
     
    Cha mẹ tỉnh thức sẽ không chăm con theo tư duy của chủ trang trại lợn. Cân nặng không là gì cả. Mỗi một người sẽ mang một thể chất phù hợp cho hành trình cuộc sống của riêng nó.
     
    Ăn uống là thứ mang bản chất tự nhiên. Càng tự nhiên thì càng tốt. Trái tự nhiên thì không hỏng chỗ này cũng hỏng chỗ khác, không hỏng lúc này thì hỏng lúc khác.
     
    Ăn uống nên là một sự thưởng thức.
     
     
    2. ÉP HỌC:
     
    Không biết tuổi thơ của các bạn thế nào. Đặc biệt là với thế hệ 7x, 8x và 9x với những tuổi thơ đầy nắng và gió.
     
    Chúng ta đã có khoảng thời gian tươi đẹp gọi là tuổi học trò. Nó tươi đẹp vì những kỷ niệm đúng chất trẻ thơ với bạn bè.
     
     
    Chứ không phải là những áp lực từ những tiết học suốt cả ngày như bây giờ.
     
    Bây giờ cái câu "mỗi ngày đến trường là một niềm vui" chỉ còn in trên vở. Vì nó không tồn tại ngoài đời thực. Các trường họ đua nhau vì thành tích cấp quận, hay cao hơn là cấp thành phố, cô thầy tranh nhau đạt chuẩn của trường và để còn thu hút dạy thêm... nên càng o ép học sinh.
     
    Nếu dành ra một ngày để quan sát việc học của một đứa trẻ, bạn sẽ cảm nhận rõ sự vất vả của các cháu, học bài cho đến khuya. Sáng ra, khi nhìn những em bé mặc đồng phục được chở đến trường từ sớm tinh mơ, trong lúc hãy còn ngái ngủ, chúng ta tự thấy xót xa, tự hỏi liệu sao phải đến mức thức khuya dậy sớm như vậy? Tại sao không để trẻ được đủ giấc?
     
    Chúng quá mệt mỏi, không háo hức, không còn tự nguyện, không còn cảm hứng, không còn vui tươi. Chỉ còn bị bắt buộc và áp lực. 
     
    Ở Ấn Độ, trường học được xây và sơn màu theo phong cách của nhà tù. Nó có một dụng ý sâu xa nào đó.
     
    Cha mẹ miệng bảo là thương con, nhưng tâm họ muốn tống khứ chúng đi để rảnh tay làm việc khác. Cách tốt nhất là đưa chúng vào một nơi nào đó trong một thời gian nhất định, đủ lâu để họ còn theo đuổi nhu cầu kiếm tiền.
     
    Mùa hè đến, các phụ huynh bắt đầu hoang mang vì phải gánh vác thêm việc trông giữ lũ trẻ. Họ mong chờ cái gọi là "Học kỳ hè". Họ đã tiếp tay tước đoạt kỳ nghỉ 3 tháng hè vốn có của học sinh. Tuổi thơ đã mất.
     
    Về bản chất tự chủ bản thân, dưới danh nghĩa của việc học, trẻ hoàn toàn bị giám sát và xâm chiếm không gian riêng tư. Trẻ đã không được hỏi ý kiến xem chúng muốn gì. Hầu như mọi thứ đều là ý muốn của người lớn.
     
    Nếu ngược lại, bắt cha mẹ, những người trưởng thành phải trải qua ngày ngày tới trường và giải quyết tất cả mọi thứ mà các con đang giải quyết, chắc chắn họ sẽ không chịu đựng nổi. Họ sẽ xem như đó là một sự tra tấn.
     
    Với các bậc Phụ huynh có tỉnh thức, họ sẽ mở ra tất cả các trang sách của con mình để xem khối lượng kiến thức trong đó nặng nề ra sao, vô bổ thế nào. Họ tìm hiểu cái cách mà giáo viên truyền đạt, cách con họ tiếp nhận. Nó có thực sự thoải mái hay là đầy gượng ép?
     
     
    3. BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG:
     
    Gần đây, các trò bắt nạt lẫn nhau, các kiểu bạo lực học đường, các thói hư tật xấu chủ yếu lây nhiễm từ môi trường phim ảnh mạng. Thế nhưng nhiều bạc cha mẹ vẫn thờ ơ, dẫn đến những ca tự tử đáng thương của các đứa trẻ vì không vượt qua được áp lực.
     
     
    Cha mẹ là chốt chặn, là điểm tựa cuối cùng của con khi xảy ra vấn đề. NHƯNG rất nhiều người sẵn sàng chĩa mũi giáo ngược lại con của mình kiểu "mày không làm gì sao người ta..."
    chỉ vì:
    - Sợ con bị đì rồi mất thành tích nếu phản kháng mạnh với nhà trường. Chỉ dám "cầu xin" thầy cô rủ lòng thương xử lý dùm, đợi miết đến khi ... hậu quả nặng thì mới gào lên.
    - Sợ mang tiếng "hung dữ", sợ bị người ta nói "Ông bà đó hung dữ lắm, đừng dây dưa vô".
    Cha mẹ không dám đứng ra làm "người xấu" để bảo vệ con mình thì ai là người đứng ra ?
     
     
    4. LỜI KẾT:
     
    Bạn này, Hè tới, đừng vội vàng dắt con đi du lịch cho xong chuyện rồi lại tống chúng đến các lớp học thêm. Bạn cần nghiêm túc ngồi lại, và bằng sự tôn trọng chân thật, hãy hỏi con mình thực sự muốn gì, mơ ước điều gì. Bạn có thể yêu thương con rất nhiều, nhưng bạn không cho chúng sự tôn trọng cần thiết. HÃY TÔN TRỌNG ý kiến của con.
     
    Đừng để con lún quá sâu trong thế giới của mệnh lệnh, bắt buộc, chỉ bảo, áp đặt, con người sẽ đánh mất tính sáng tạo và không còn biết đến tự chủ, tự do. Khả năng sinh tồn kém cỏi khi ra đời. 
     
    Đừng để mọi đối tượng xung quanh mang đến cho đứa trẻ sự áp đặt. Thật ngột ngạt làm sao khi điều này cứ bao vây và kéo dài suốt gần hai chục năm đầu đời. Nó sẽ biến trẻ trở thành những kẻ chỉ biết làm theo, làm theo... và làm theo lời kẻ khác.
     
    Xin đừng bắt bọn trẻ cũng phải bị như thế. Một lần nữa, hãy thường xuyên hỏi con muốn gì. Con được làm điều mình muốn, miễn không gây tổn hại cho bất kỳ ai.
     
    Xã hội có quá nhiều người mù dẫn đường cho người mù. Tệ hơn, chúng quá đông và quá mạnh để bắt kẻ sáng cũng phải đi sau chúng. Nếu bạn sáng, đủ tỉnh thức, bạn hẳn sẽ thấy con đường được tạo ra từ bước chân của mình chứ không phải của ai khác. Và bạn sẽ không vừa nhắm mắt vừa đi chỉ vì bạn đang ở trong một đám đông tương tự.
     
    Mỗi người đều có đủ sự độc đáo để tự tạo ra tôn giáo, quan điểm, lối sống, kể cả là nền giáo dục cho riêng mình.
     
    ----------

    Đoàn Quý Lâm

    Ngày đăng: 12-05-2023 305 lượt xem