• MÔ HÌNH KINH DOANH – VÌ SAO THẤT BẠI?

    Mỗi chiến lược KD có thể có nhiều mô hình KD khác nhau để triển khai. Ví dụ, mỗi con đường, có thể sử dụng nhiều phương tiện khác nhau để đi đến đích!

    Có anh bạn kể anh liên tục thất bại với các mô hình kinh doanh khởi nghiệp.

    Đầu tiên anh mở quán cà phê sân vườn, trang trí lãng mạn và có góc khuất dành cho các cặp tình nhân. Được một năm thì cà phê đóng cửa. Sau đó, anh chọn mô hình kinh doanh cà phê văn phòng cho giới văn phòng ở một quận trung tâm. Được nửa năm thì quán này đóng cửa. Anh chuyển sang mô hình kinh doanh quán ăn Hàn Quốc trong một trung tâm thương mại, rồi cũng thất bại.

    Một cô bạn khác mở ra kinh doanh theo mô hình rau sạch giao tận nhà, được già 6 tháng thì bỏ cuộc. Sau đó cô chuyển sang mô hình kinh doanh hải sản nhập khẩu phân phối cho các nhà hàng. Được một năm thì chấm dứt. Cô tiếp tục với mô hình bán lẻ hoa quả, chỉ non 6 tháng cũng tiêu luôn!

    Cô bạn này và anh bạn trên cứ loay hoay tìm kiếm hết mô hình này đến mô hình khác. Và không riêng gì hai người này, nhiều bạn trẻ ngày nay cứ hăng hái chạy theo thử nghiệm các mô hình kinh doanh được người nọ, người kia giới thiệu và cho là hay lắm, tốt lắm. Hầu hết đều thất bại sau quá trình thử nghiệm chỉ sau 6 tháng, 1 năm.

     

    Vì sao như vậy?

    Đơn giản là vì các bạn đã chạy theo số đông!

    Mua sắm ngay phương tiện, công cụ để đi bơi mà chưa biết đi bơi ở đâu, theo con đường nào, đích đến là chỗ nào, vì sao chọn con đường đó. Chưa kể, con đường đó đã có ai đi chưa, họ gặp khó khăn, thuận lợi gì. Họ đã đi như thế nào, làm sao ta vượt được họ… Vậy mà cứ lo sắm xe, sắm cộ, sắm đồ bơi!

     

     

    Mô hình kinh doanh giống như phương tiện. Mà trước khi sắm phương tiện thì phải hiểu rõ hoàn cảnh sử dụng nó. Nghĩa là phải có chiến lược trước, phải xác định rõ ràng con đường và đích đến trước khi mua sắm phương tiện và sử dụng nó để đi. 

    Chưa có chiến lược kinh doanh được hoạch định kỹ mà áp dụng ngay mô hình thì khác nào chưa biết lên rừng hay xuống biển mà đã vội mua xe sắm cộ để vận hành và đi.

    Chiến lược giúp ta xác định rõ ràng việc:

    1. lựa chọn con đường nào,
    2. đích đến là gì,
    3. làm thế nào để đi nhanh hơn đối phương,
    4. làm thế nào để cạnh tranh với họ;
    5. cái gì là trọng yếu để đuổi kịp và vượt đối thủ.

    Trả lời những câu hỏi này, một lần nữa, lại phụ thuộc vào con đường (tức chiến lược) và phương tiện (tức mô hình kinh doanh) của đối thủ.

    Bạn cứ tìm tòi, thử nghiệm mô hình kinh doanh và đừng quan tâm đến chiến lược đi! Tôi tin, bạn sẽ thành công nếu…gặp may. Ngược lại, TRƯỚC KHI thiết kế mô hình kinh doanh, bạn hãy dành thời gian nghiên cứu, phân tích, hoạch định chiến lược thật kỹ càng.

    Mô hình kinh doanh sẽ là KẾT QUẢ, là ĐẦU RA được cụ thể hóa (hay mô hình hóa) của việc hoạch định chiến lược kinh doanh, nó không phải đầu vào! - Nó chính là phương tiện (xe cộ, máy bay, tàu thủy…) để bạn triển khai chiến lược (tức là để bạn chinh phục con đường (đường xa lộ, đường rừng, đường hàng không, đường biển…).

    Làm ngược như tôi vậy, không theo số đông, tuy chậm, nhưng xác suất thành công sẽ cao hơn! Không tin thì thôi nhen!

    --------------------------------

    * PS1: Bạn chọn con đường trước (định đi đâu, đường rừng, đường xa lộ, đường sa mạc…), đi đến đích nào, đi với ai, đi bao nhiêu người (gia đình 4 người hay 7 người, hay cả đoàn 30 người…, ) rồi mới chọn mua xe; ---- hay làm ngược lại là chọn mua xe trước rồi mới tìm đường đi? Chiến lược là con đường, mô hình như chiếc xe. Đừng chọn xe rồi mới chọn đường (trừ khi ai đó tự nhiên biếu bạn chiếc xe). Hãy làm ngược lại!

    ** PS2: Bạn có một miếng đất, bạn định xây gì trên đó (nhà hàng, văn phòng, nhà ở, spa, căn hộ dịch vụ…) là phụ thuộc vào chiến lược của bạn (sau khi đã phân tích kỹ). Chiến lược phải có trước rồi hãy chọn xây gì. Đừng xây trước (ví dụ vội vã thiết kế và xây khách sạn), rồi sau đó mới nghĩ đến chiến lược kinh doanh khách sạn, vì khi đó, có thể bạn phải đập bỏ khách sạn vì khu đó không có ai cần khách sạn cả, mọi người chỉ cần có một quán cà phê sân vườn để ngồi thưởng thức cà phê và thư giãn sáng sáng thôi!

    (Hình minh họa. Mỗi chiến lược KD có thể có nhiều mô hình KD khác nhau để triển khai. Ví dụ, mỗi con đường, có thể sử dụng nhiều phương tiện khác nhau để đi đến đích! vấn đề là phương tiện nào thì phù hợp nhất, như về đích nhanh hơn, an toàn hơn, ngủ khỏe hơn - hay vừa đi vừa ngắm cảnh - hay hư đâu sửa đó, cầu may).

    Source: Long Nguyen Huu - PTDNV

    ---

    VD của bạn Nguyễn Phương:

    Em nghĩ bước đầu tiên và quan trọng nhất là ĐỊNH VỊ, bao gồm: định vị nhu cầu khách hàng, định vị phân khúc khách hàng, định vị đối thủ, sau đó là định vị năng lực của bản thân (hay doanh nghiệp) => sau đó mới xác định làm sản phẩm gì để chinh phục người dùng (tiếp đến mới là các bước marketing để tiếp cận đối tượng khách hàng mà ta đã định vị).

    Giống như chúng ta đi săn trong rừng vậy.

    Thị trường đang có nhu cầu mua:

    - Thịt voi giá 1 tr/1kg.
    - Thịt đà điểu giá 500k/kg.
    - Thịt nhím 300k/kg.

    Muốn săn được voi cần có:
    - Súng shortgun.
    - Xe đầu kéo, để chở voi ra khỏi rừng.
    - Xe ủi để ủi đường cho xe ra khỏi rừng.

    Muốn săn đà điểu cần có:
    - Súng AK.
    - Xe Minsk để chở.

    Muốn săn nhím cần có:
    - Bẫy thủ công.
    - Đủ chân tay và sức khỏe để xách nhím ra khỏi rừng.

    Với nhu cầu thị trường và khả năng của bạn, bạn muốn săn con gì?

    ... dựa vào đó định vị được điều kiện của mình hay doanh nghiệp của mình có sẵn dụng cụ phù hợp để săn được món hàng nào từ đó mới đi săn. Chứ không phải vác súng vào rừng bắn được con voi nhưng không chở được ra khỏi rừng, hay đem shortgun đi bắn nhím ...

    Đấy là lối suy nghĩ cũ theo cách truyền thống, còn giờ thì khác, bạn phải làm như vậy.

    Còn chỉ có bẫy thủ công nhưng muốn gọi vốn săn voi thì là câu chuyện khác, hoặc chúng ta đi săn (đi khởi nghiệp) chỉ để chụp hình up facebook cho hoành tráng kiếm like thì không cần bài bản chiến lược gì cả, thích là nhích thôi!

    Emanvn TH

    Ngày đăng: 16-05-2019 1,689 lượt xem