• KHỞI NGHIỆP ĐIÊN CUỒNG VÀ CÁI KẾT

    Bạn muốn lập doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh sản phẩm dịch vụ gì đó của riêng mình, in cái danh thiếp là Chủ tịch Hội đồng thành viên hay Tổng giám đốc Công ty XYZ gì đó cho thật oai, rồi bắt đầu con đường khởi nghiệp của mình trong tư cách người chủ doanh nghiệp?

    Đó là sự lựa chọn mà nhiều người đã thực hiện, và đã thành danh, trở nên giàu có, nổi tiếng... Nhưng đó cũng là lựa chọn mà nhiều người hơn phải chật vật, đi từ thất bại này đến thất bại khác, mãi vẫn không khá lên được, có khi phải từ bỏ giữa chừng để trở về với con đường tiếp tục đi làm công, ăn lương của người khác. Thậm chí, không ít người đã phá sản, nợ nần chồng chất, phải trốn chui, trốn nhủi, không dám gặp mặt các chủ nợ, đa số là người thân, bạn bè…

     

     

    Chủ đề khởi nghiệp, và con đường khởi nghiệp, tôi cũng đã chia sẻ vài lần, cùng với những gợi ý về việc lựa chọn mô hình kinh doanh.

    Và ở tại các buổi chia sẻ này, tôi cũng luôn nhấn mạnh một điều rằng, muốn khởi nghiệp, làm chủ doanh nghiệp, bạn phải có trong người tố chất cần thiết của một người khởi nghiệp (như quyết tâm, kiên trì, đam mê, dám liều, dám chấp nhận rủi ro, có động cơ làm chủ thôi thúc từ bên trong…), chứ không phải vì có ai đó xúi dại, hay chỉ vì đi học một khóa “truyền cảm hứng” của ai đó, rồi về vội vàng vay tiền để khởi nghiệp.

    Và những tố chất ấy, cho dù bạn có đủ, thì cũng chỉ mới là điều kiện cần; còn rất nhiều kiến thức, kỹ năng, thái độ (gọi chung là năng lực), và các điều kiện bên trong, bên ngoài khác, bạn cần phải có để có thể khởi nghiệp thành công.

    Tất nhiên, nếu bạn có nhiều tiền, hoặc được ai đó biếu cho một khoản kha khá, và muốn “khởi nghiệp thử” xem nó ra làm sao thì là quyền của bạn. Tuy vậy, tôi cũng muốn cung cấp cho bạn một thông tin (mà bạn có thể đã biết) rằng, tỉ lệ khởi nghiệp thành công trên thế giới rất thấp, chỉ vài ba phần trăm, và ở VN thì còn thấp hơn. Lý do thì có nhiều, nhưng đa phần là vì thiếu kiến thức, kỹ năng mà cứ liều mình khởi nghiệp, và còn nghe lời xúi bậy, hăng hái đánh trận lớn cho nó hoành tráng.

    Và điều nguy hiểm hơn là nhiều người lại không nhận thức được chính là vì thiếu những thứ này nên thất bại. Họ được “nhồi sọ” cho những nhận thức mơ hồ về các “bí quyết thành công”, hay “công thức thành công” của những người thành công (hoặc tự nhận là thành công), rồi được “bơm” cho “năng lượng vũ trụ”, truyền cho “sức mạnh tiềm thức”, “kích” cho lối "tư duy xuất chúng", và cứ thế thuyết phục gia đình, bạn bè cho mượn tiền để khởi nghiệp.

    Kết quả là không hề có “công thức thành công”, hay “năng lượng vũ trụ”, hay “sức mạnh tiềm thức”, hay "tư duy xuất chúng" nào có thể giúp họ thành công, mà trái lại, chính cái sự hăm hở, hối thúc, vội vàng, cộng với niềm tin vô căn cứ vào sức mạnh hay năng lượng vô hình nào đó, lại làm cho nhiều bạn trẻ nhanh chóng thất bại, rồi thất vọng, rồi suy sụp.

    Tôi từng nói, bơm “năng lượng”, “tạo động lực”, và “truyền cảm hứng” cho những người không có kiến thức về quản lý kinh doanh, rồi xúi họ cấp tốc khởi nghiệp, không khác gì trao thuốc lắc cho người chưa học lái xe, chưa biết lái xe, rồi bảo lái đi, “cứ đi, rồi sẽ đến”! Vâng, đúng là cứ đi, rồi cũng sẽ đến! Nhưng vấn đề là đến đâu, rơi vào hố sâu nào, thì các thầy “tạo động lực” và “truyền cảm hứng” lại không hề nói, hoặc giả vờ quên, không nói.

    Con đường khởi nghiệp luôn phải bắt đầu bằng câu hỏi TẠI SAO – tại sao phải khởi nghiệp? Và bạn có biết tại sao phải hỏi tại sao không? Trả lời NGHIÊM TÚC câu hỏi này, bạn đã tạo ra một sự khác biệt; và vài ba phần trăm số người khởi nghiệp thành công là vì có sự khác biệt này (ngoài sự may mắn mà họ có thể có)!

     

     

    Nguyễn Hữu Long - G.PTDNV

    Ngày đăng: 25-09-2019 987 lượt xem