• LÀM SAO ĐỂ KINH DOANH CÀ PHÊ KHÔNG THẤT BẠI

    Anh/Chị tưởng mở quán Cafe dễ ăn và nhàn lắm. Đó chính xác là tư duy và suy nghĩ của rất rất nhiều anh chị muốn mở quán Cafe. Đi ăn hay đi uống gì đó thấy người ta làm đồ uống, đồ ăn cũng chả ngon gì mà khách ra vào liên tục, giá bán thì cao trong khi làm ra phần nước có mấy ngàn chứ nhiêu.

     
    1) 3P trong kinh doanh quán Cafe
     
    PLACE - PLACE - PLACE

    Đó là thông điệp mà rất nhiều người trong ngành cafe chuyền tai nhau để đánh giá tầm quan trọng của yếu tố địa điểm. Sẽ là thiếu xót nếu ta bỏ qua các yếu tố: Chủ đầu tư, người quản lý, sản phẩm, dịch vụ, v.v ...

    Tuy nhiên ở đây Trung muốn bóc tách yếu tố Mặt bằng ra để chúng ta có cái nhìn dễ hiểu hơn về tầm quan trọng cũng như tác động của mặt bằng đối với hiệu quả kinh doanh của quán Cafe.

    Hãy luôn nhớ rằng: Khách hàng thường xuyên của bạn sẽ luôn là người sinh sống, đi ngang, hoặc làm việc gần quán của bạn. Một mặt bằng tiện lợi cho: Ghé qua, để xe, không gian phù hợp guu là thiết thực.

    có 1 số tiêu chí cần đo đếm và ảnh hưởng đến doanh thu của quán Cafe (sắp xếp theo thứ tự) như sau.

    Lưu ý: Đối với mỗi địa điểm, phân khúc sẽ cần kỹ năng, kinh nghiệm đánh giá của người tư vấn và có sự thay đổi linh hoạt chứ không thể cứng nhắc.

    - Lượng mặt tiền của quán: Các quán 2 mặt tiền có mức doanh thu tốt hơn khoảng 40% so với quán cùng diện tích, gần nhau về điều kiện dân cư nhưng chỉ có 1 mặt tiền.

    - Diện tích của quán: Yêu tố này có quan hệ mật thiết tới yêu tố chất lượng Decor, số lượng ghế nên khỏi phải nói nó có tỉ trọng ảnh hưởng đến doanh thu như thế nào. Hiện tại để có mức doanh thu ổn thì quán Cafe phải có diện tích trên 30m2.

    - Số lượng xe chứa được/Số lượng khách tối đa: Nghe có vẻ buồn cười nhưng rất nhiều anh chị lại quên mất việc tính toán lượng để xe khiến lượng khách chứa được thì nhiều nhưng khả năng chứa xe lại thấp hơn nhiều.

    - Xe nhanh hay xe chậm: Nếu anh chị đã có kinh nghiệm đánh giá mặt bằng thì yếu tố này sẽ không thể nào bỏ qua được. Đơn giản là quán ở góc đường, ngã ba, ngã tư với tốc độ xe chậm sẽ có doanh thu tốt hơn quán đặt ở vị trí bình thường.

    - Lượng quán Cafe khác trên cùng trục đường: Nhiều anh chị sợ có nhiều quán thì cạnh tranh nhau tuy nhiên đối với Trung thì càng nhiều quán càng vui, càng tốt bởi vì khu vực đó đã được định hình trong tâm trí người uống Cafe là khu vực đó là có quán Cafe. Mỗi quán sẽ có định vị riêng nhất là với các quán mới sẽ được thụ hưởng lượng khách có sẵn tại khu vực. Trung tin rằng có nhiều quán tốt hơn không có quán hoặc ít quán Cafe gần địa điểm.

    - Khả năng thuê nhân sự Partime: Sẽ rất khó nếu trường hợp nhân sự Full time làm việc nghỉ đột ngột khiến bạn không kịp trở tay. Tốt nhất hãy chọn địa điểm gần trường Đại học, Cao đẳng để có nguồn nhân lực Part time cho quán.

    - Sự tập trung của tệp khách hàng: Trong cung đường bạn đang mở quán, lượng khách hàng mục tiêu ước đạt bao nhiêu, ví dụ như phân khúc dân văn phòng thì là lượng công ty, phân khúc công nhân thì là khu công nghiệp, nhà máy, phân khúc sinh viên thì bao nhiêu trường ĐH, CĐ v.v

    2) Anh/Chị tưởng mở quán Cafe dễ ăn và nhàn lắm

    Đó chính xác là tư duy và suy nghĩ của rất rất nhiều anh chị muốn mở quán Cafe. Đi ăn hay đi uống gì đó thấy người ta làm đồ uống, đồ ăn cũng chả ngon gì mà khách ra vào liên tục, giá bán thì cao trong khi làm ra phần nước có mấy ngàn chứ nhiêu.

    Thế là cứ nghĩ buôn bán Cafe là dễ ăn, chỉ cần pha Cafe, đường, đá là bán được rồi. Tháng thu tầm 10 triệu bỏ túi vẫn sướng hơn đi làm công cho người ta nhiều. Ít áp lực, được tự do về thời gian, tài chính ổn định, được mang danh là chủ quán vân vân và mây mây.

    Than ôi! Nhiều lúc tôi chỉ muốn lấy gáo nước tạt cho những người này cho tỉnh ngủ thôi. Sự thật nó chẳng phải như anh chị nghĩ đâu.

    2.1- Đầu tiên hay nói đến tư duy làm chủ và làm thuê khác nhau ra sao.

    - Làm chủ là bạn phải thức khuya dậy sớm | Làm thuê đi muộn tí cùng lắm là bị trừ lương thôi.

    - Làm chủ bạn đang tiêu tiền của bản thân | Làm thuê bạn được tiêu tiền của người khác.

    - Làm chủ là bỏ tiền túi ra, làm gì cũng sợ mất | Làm thuê thì đúng giờ, đúng ngày là nhận lương.

    - Làm chủ là cung phụng khách hàng và nhân viên | Làm thuê được chủ cung phụng.

    - Làm chủ là phải làm sao cho nhân viên đừng có bỏ quán | Làm thuê không chỗ này thì chỗ kia.

    - Làm chủ là phải biết tính toán lãi lỗ | Làm thuê tính lương cuối tháng là được rồi.

    Thấy đau đầu chưa. Tiếp nhé.

     

    2.2- Thứ hai làm quán Cafe sản phẩm chỉ chiếm 25% thành công của 1 quán.

    Không ít quán có sản phẩm tốt nhưng không bán được đầy ra.

    Căn bản quán Cafe bao gồm 3 khâu: Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ; Cái mà các anh chị thấy chỉ mới là sản xuất, làm sao để làm ra 1 ly Cafe thôi. Chưa kể phải dậy sớm pha Cafe chứ khách lỡ đông là làm không kịp trở tay.

    Làm sao để khách hàng vào quán của bạn mà không phải quán của đối thủ đối diện, khách vào rồi làm sao người ta quay lại lần sau.

    Làm sao để nhân viên luôn tươi cười thỏa mái với khách, quan tâm khách hàng để có tệp khách hàng trung thành.

    Làm sao để qua mùa mưa vẫn có nguồn doanh thu ổn để vượt qua giai đoạn mùa khó khăn này v.v

     

    2.3- Thứ ba "Mặt bằng tệ là sai hết" chưa hoàn toàn chính xác nhưng luôn đúng.

    Tôi may mắn được tiếp xúc với rất nhiều anh chị có mặt bằng đẹp, lượng khách rất đều và đạt số lượng ly hòa vốn rất nhanh. Từ đó rảnh đầu để mà làm những thứ chăm sóc khách hàng, cost down để tối ưu doanh thu, chi phí, lợi nhuận.

    Khi mà mặt bằng hoặc không có cách phát triển khách hàng mới thời kỳ ban đầu thì dự án Quán Cafe của bạn đã thất bại tới 70% rồi.

     

    2.4- Thứ tư vừa phải cung phụng khách hàng vừa phải chiều nhân viên.

    Tuyển nhân viên làm việc ở thế hệ Z không phải là điều đơn giản. Họ sống không quá thiếu thốn và động lực làm việc không nhiều bằng thế hệ trước. Đa phần ở độ tuổi này họ đi làm để có thêm nguồn thu nhập để mua sắm, tiêu dùng cá nhân thêm chứ cũng không quá áp lực tiền làm thêm để chi trả cuộc sống căn bản.

    Vì vậy mà việc giữ chân họ càng khó, một chút xích mích nhỏ cũng có thể khiến bạn phải mòn mỏi đi tuyển nhân viên và đào tạo pha chế mới. Khổ thân.

     

    2.5- Thứ năm bao nhiêu thì hòa vốn, bao nhiêu là đạt kỳ vọng.

    Rất ít người kinh doanh có thể tự tính cho mình những con số này mà đa phần họ đi trong vô định về các chỉ số tài chính căn bản nhất.

    Có nhiều khi đến khi trả mặt bằng còn không biết lời lỗ ra sao nữa.

     

    2.6- Thứ sáu chọn đối tác hỗ trợ set-up ban đầu mà không kĩ họ làm qua loa lấy tiền, hư hỏng cần bảo trì thì thứ 2 gọi thì tới thứ 7 cũng chưa thấy mặt đâu.

    Trường hợp này ở Việt Nam không hiếm nếu không muốn nói là nhiều.

    Trong thời kỳ thế giới phẳng hiện tại thì trăm người mua đến ngàn người bán nên cạnh tranh về giá là điều không tránh khỏi và ngày càng khốc liệt. Từ việc giảm giá mà chất lượng chăm sóc sau bán hàng càng giảm đi. Không sai khi nói "Tiền nào của đó". Đừng cố gắng rẻ mấy đồng mà cực cái thân sau này vì chọn sai đối tác.

     

    2.7- Thứ bảy thời gian đầu quán chưa có lượng khách ổn thì chi phí vận hành sẽ luôn cao hơn doanh thu thế là phải bỏ tiền túi ra để bù lỗ.

    Có sẵn tiền thì không nói chứ mở quán ra vừa đủ thở phào nhẹ nhõm xong thì tiền đâu mà bù lỗ. Thế là phải đi vay mượn xung quanh để tồn tại qua thời điểm khó khăn.

    Chốt lại đây không phải là nghề an nhàn, ít áp lực, dễ ăn như các anh chị chưa có kinh nghiệm nghĩ. Phải tìm hiểu tính toán kỹ nếu không muốn mất một khoảng tiền không đáng phải mất vì thiếu kinh nghiệm.

     

    Mạc Văn Trung | G-PTDNV

    Ngày đăng: 06-02-2020 1,167 lượt xem