• TRÈO CAO TÉ ĐAU VÌ BỊ “QUYỀN LỰC” CHI PHỐI

    Rất nhiều người đã rơi vào cái bẫy ngọt ngào mang tên "Quyền lực" hoặc "Chức danh" rồi bị thao túng ngược lại mà không biết.

     

    Gaius Marcius, còn gọi là Coriolanus là vị anh hùng quân sự vĩ đại của La Mã thời gian trước công nguyên. Vì phần lớn thời gian ông xông pha trận mạc nên ít cư dân La Mã nào biết mặt, và điều đó cùng với chiến công đã khiến ông trở thành một gương mặt huyền thoại.

    Đến năm 454 TCN, Coriolanus tự nhủ đây là lúc mình khai thác tiếng tăm và quyết định dấn thân vào chính trị. Vào buổi diễn thuyết đầu tiên của buổi tranh cử, ông bắt đầu bằng cách khoe ra hàng tá vết sẹo trên người, kết quả của mười bảy năm chiến đấu vì sự an bình cho La Mã. Những vết sẹo oai hùng này khiến mọi người không mấy quan tâm đến những gì ông phát biểu ngay sau đó vì chúng là chứng cớ hùng hồn cho tình yêu nước và lòng dũng cảm của ông, làm cho dân chúng xúc động đến rơi lệ. Coriolanus xem như đã thắng cử.

    Ngày bỏ phiếu, Coriolanus lại tiến vào diễn đàn với sự tháp tùng từ cả hội đồng nguyên lão và các danh gia vọng tộc. Ông lại đăng đàn diễn thuyết một lần nữa, nhưng lần này hầu như chỉ hướng về thành phần giàu sang thế lực tháp tùng ông. Lời lẽ ông ta ngạo mạn và xấc xược. Tuyên bố mình sẽ thắng cử, ông khoe khoang các chiến tích, pha trò chua ngoa, chỉ trích các địch thủ khác nặng nề và nhấn mạnh đến những của cải mà ông ta sẽ mang về cho La Mã. Nếu lần trước các vết sẹo đã làm dân chúng xao lãng không nghe, thì lần này họ thực sự đã nghe: Họ hoàn toàn không ngờ rằng người chiến binh huyền thoại này cũng chỉ là tên khua môi múa mỏ. Tin về bài diễn văn thứ nhì của Coriolanus nhanh chóng loan truyền khắp thành phố, đông đảo nhân dân đổi ý và làm ông ta thất cử.

    Sai lầm chưa dừng lại ở đó khi Coriolanus đề nghị dẹp bỏ các đại biểu nhân dân và giao quyền cai trị cho giới quý tộc. Khi tin này lan truyền ra dân chúng thì cơn phẫn nộ của họ đã lên đến đỉnh điểm. Dân chúng yêu cầu ông phải ra đối thoại với họ. Trong lần xuất hiện cuối cùng trước nhân dân, mở đầu buổi nói chuyện, Coriolanus bắt đầu một cách chậm rãi mềm mỏng, song càng nói nhiều thì ông ta càng lỗ mãng. Rồi ông ta lại buông ra lời thóa mạ. Giọng điệu vẫn kiêu căng, vẻ mặt thì khinh khỉnh.

    Coriolanus càng nói thì nhân dân càng phẫn uất. Sau cùng ông bị lưu đày chung thân, còn dân chúng thì ùa ra đường ăn mừng. Trước nay chưa ai từng ăn mừng như vậy, ngay cả sau khi đại thắng ngoại bang.

     

    ĐIỀU GÌ ĐÃ KHIẾN ANH HÙNG DÂN TỘC TRỞ THÀNH CÁI GAI TRONG MẮT NGƯỜI KHÁC ?

    Kiêu căng, ngạo mạn? Không, đó chỉ là bề nổi.

    Nguyên nhân gốc rễ tạo ra hàng loạt sai lầm liên tục đến từ khả năng "Kiểm Soát Cảm Xúc Yếu Kém" của Coriolanus khi được trao quá nhiều quyền lực trong tay. Bệnh này không chỉ có ở chiến tướng thời xa xưa, trong môi trường chính trị, mà còn nhan nhản trong các doanh nghiệp. Rất nhiều người đã rơi vào cái bẫy ngọt ngào mang tên "Quyền lực" hoặc "Chức danh" rồi bị thao túng ngược lại mà không biết.

    Khi được trao quyền, được cất nhắc lên vị trí cao một cách đột ngột, hầu hết chúng ta đều dễ dàng sa đà vô đúng cái bẫy Coriolanus đã mắc phải. Chúng ta không thể nào chịu nổi cái cảm giác rằng mình không có tí ti quyền lực nào đối với đồng nghiệp và cấp dưới. Chúng ta muốn được tôn trọng hơn, muốn là trung tâm của sự chú ý, muốn tất cả quyền hành gom về một mối và mọi người đều phải lắng nghe mình. Tuy nhiên khi cảm xúc bị chi phối quá mức, lời nói và hành vi không còn trong tầm kiểm soát thì "cái chết" quyền lực vị trí xem như được báo trước.

     

    ĐÂU LÀ NHỮNG HÀNH VI CHO THẤY CHÚNG TA ĐANG RƠI VÔ TÌNH TRẠNG MẤT KIỂM SOÁT:

    1. Thích kể về thành tựu trong quá khứ và lặp lại liên tục.

    2. Cho rằng bản thân là người giỏi nhất, người quan trọng nhất công ty và không thể thay thế.

    3. Thích khoe khoang và phô trương bản thân (Nhân viên không có nhu cầu nghe chuyện riêng của sếp, sếp có mấy cái nhà, mấy cái xe kệ sếp chứ)

    4. Luôn cho rằng bản thân đúng, còn ý kiến người khác là sai.

    5. Thích nhận công trạng về mình khi công ty đạt được thành tựu nào đó (Ví dụ: nhờ có anh/chị thì các em mới.....)

    6. Áp đặt nhân viên quá mức.

    7. Can thiệp thô bạo vô đời sống cá nhân của nhân viên.

    8. Khi bị phản kháng thì giả vờ nghe ý kiến người khác, nhưng thực tế thì không.

    9. Không bao giờ nhận lỗi vì sợ mất mặt hoặc mất tầm ảnh hưởng.

    10. Sĩ diện cao, thích được nhân viên tung hô.

    11. Tự xếp mình ở chiếu trên so với người khác.

    12. Cho rằng kiến thức, cách làm việc, kinh nghiệm của bản thân hơn người khác.

    13. Thích nhìn vào chức danh hơn thực lực của người khác khi cộng tác. Cho rằng những người có "chức danh" thấp hơn không xứng làm việc với mình. Điều này phản chiếu đúng thứ đang khao khát.

    14. Dìm người khác để nâng mình lên.

    15. Ghen tị khi thấy người khác được tôn vinh. Nếu đóng vai trò là người phát biểu để tôn vinh người khác thì tìm cách lồng bản thân vô trong đó ngay lập tức.

     

    "TÔI LÀ QUẢN LÝ, CHỦ DOANH NGHIỆP RẤT MẪU MỰC VÀ LUÔN BIẾT CÁCH KIỂM SOÁT. TÔI KHÔNG THẤY MÌNH MẮC LỖI GÌ Ở TRÊN HẾT"

    Đa phần những người mở miệng nói câu này chính là những người mắc bệnh nặng nhất.

    Những người khiêm tốn, biết mình là ai, biết cư xử đúng mực và không bị ảo tưởng về quyền lực không bao giờ dám khẳng định điều này. Họ biết rằng phản hồi của những người bên ngoài khi không có mặt họ mới là nhận định chính xác nhất. Để đảm bảo những gì bản thân đang tự nhận định là đúng, hãy tự đặt hai câu hỏi sau:

    1. Nếu bản thân không còn trực tiếp trả lương cho đội ngũ nữa mà người khác sẽ làm điều này thì bao nhiêu nhân viên vẫn sẽ cống hiến hết mình vì bạn?

    2. Nếu bản thân không còn giữ chức danh cũ nữa thì bao nhiêu nhân viên sẽ vẫn nghe lời khuyên, lời tư vấn của bạn trong công việc?

    Càng ngồi trên cao, sóng gió càng lớn và nhân viên dưới quyền giống như những chân ghế vững chắc. Muốn ngồi chắc, quyền lực hay chức danh là không đủ. Chỉ có tầm ảnh hưởng đích thực là quyền lực bền vững nhất.

    Ngay cả khi chưa ngồi lên ghế nóng, hãy chuẩn bị thật chắc bằng cách xây dựng tầm ảnh hưởng với đồng nghiệp như một NHÀ LÃNH ĐẠO KHÔNG CHỨC DANH. Tầm ảnh hưởng mạnh chừng nào, vị trí càng chắc chừng đó.

     

     

    Nguyễn Thanh Phong

    Ngày đăng: 25-10-2019 1,648 lượt xem