• NẮM VỮNG ĐIỀU NÀY - BẠN SẼ ĐẶT NHÂN VIÊN VỀ ĐÚNG CHỖ.

    Dao gọt trái cây có thể sử dụng để điêu khắc được không ? Câu trả lời là được, nhưng hiệu suất không bao giờ bằng lưỡi dao được thiết kế dành riêng cho công việc điêu khắc; chưa kể có thể làm cho bạn bị đứt tay nữa. Hãy sắm riêng một bộ dao được thiết kế đúng với chức năng. Chỉ cần 10 phút quan sát hành vi là đoán được ngay người đối diện thuộc nhóm nào. Muốn ứng dụng tốt thì đọc, đừng than dài vì có thể thay đổi cả cuộc đời làm sếp.

    *** Một số bạn có thể đã đọc qua, hoặc học qua đâu đó nhưng chỉ ở bề nổi và không ứng dụng. Lý dó là rất nhiều người đi dạy về chủ đề này nhưng họ không hề biết ứng dụng.

    Bài viết này chỉ bạn cách ứng dụng triệt để mà không hề tìm được ở đâu khác.

    Chỉ cần 10 phút quan sát hành vi là đoán được ngay người đối diện thuộc nhóm nào. Muốn ứng dụng tốt thì đọc, đừng than dài vì có thể thay đổi cả cuộc đời làm sếp.

    -------------------------

    1. Khuynh hướng THÚC ĐẨY (Viết tắt là D - Dominance)

    - Điểm mạnh: Rất quyết đoán và lì lợm, không bao giờ có tư duy buông xuôi bỏ cuộc, hướng đến kết quả rất mạnh, trực tính. Những điểm mạnh này khiến cho hầu hết trở thành Lãnh Đạo hoặc Sếp Lớn. Chỉ một số ít không leo lên được hoặc bị sụp đổ kinh doanh vì:
     
    - Điểm yếu: Nóng tính, nóng vội, dễ bị cảm xúc chi phối nên đụng chuyện là chửi như tát nước vô mặt người đối diện, dễ rơi vô tình trạng nói chuyện với người khác bằng "Tay chân", cố chấp, cứng đầu, hơi cực đoan, hay áp đặt người khác một cách thô bạo.
     
    Những người có khuynh hướng này rất coi trọng thời gian và kết quả. Do đó khi giao tiếp với họ, hãy ngay lập tức nói thẳng vô chủ đề thay vì lòng vòng khiến họ mất kiên nhẫn và trở nên nóng nảy. Họ thích nói chuyện với những người luôn đưa ra giải pháp và rất ghét nói chuyện với người bàn lùi, tiêu cực, quá cầu toàn, mắc bệnh "Tôi không thể", hay trì hoãn, chần chừ, lề mề.
     
    Đây là nhóm HƯỚNG NGOẠI, quan tâm đến hiệu suất, hiệu quả hơn là cảm xúc. Họ sẵn sàng gạt bỏ cảm xúc để đạt mục tiêu.
     
    ------------
    2. KHUYNH HƯỚNG BIỂU CẢM, TRUYỀN CẢM HỨNG (Viết tắt là I - Influence)
     
    - Điểm mạnh: Sôi nổi, vui vẻ, năng động, truyền cảm hứng, thích ứng cực nhanh, gặp ai cũng bắt chuyện được một cách trơn tru như thể quen nhau từ rất lâu, sáng tạo cao. "Lầy lội" là điểm nổi trội nhất của nhóm này nên ở bên họ rất vui.
     
    - Điểm yếu: Nói quá nhiều, dễ bị cảm xúc chi phối nên bị lộ bí mật lúc nào không hay, tính cách thất thường kiểu “ 1 tuần tới tháng hết 7 ngày”, rất nhanh chán, khả năng cộng trừ rất tệ so với các nhóm còn lại, hơi bừa bộn, khá vô kỷ luật và dễ mất tập trung.
     
    Những người này rất biết cách yêu bản thân mình và muốn người khác cũng yêu họ nên thích được khen ngợi, nhìn nhận. Họ rất ghét nói chuyện với những ai thích nói về bản thân vì họ mới là trung tâm của sự chú ý chứ không phải ai kia, họ ghét bị dành mất phần nói. Họ có rất nhiều bạn và rất nhiều thú vui nên thích tự do, không thích bị ràng buộc và kiểm soát, chán những công việc lặp đi lặp lại hoặc đòi hỏi tính tỉ mỉ cao.
     
    Đây là nhóm HƯỚNG NGOẠI, quan tâm đến cảm xúc cá nhân hơn hiệu suất, hiệu quả . Đôi lúc vì vui quá đà hay buồn quá mức, họ bỏ quên mất công việc.
     
    -------------------
    3. KHUYNH HƯỚNG HÀI HÒA, ỔN ĐỊNH (Viết tắt là S - Stableness )
     
    Một số người dịch ra thành kiên định do tiếng Anh có nhiều nghĩa. Dịch và sử dụng từ “kiên định” để đi dạy thì rõ ràng không có chút ứng dụng thực tiễn nào vì đây là nhóm rất KHÔNG KIÊN ĐỊNH. Kiên định là đặc điểm của nhóm Thúc Đẩy cứng đầu nếu nhìn ở khía cạnh tốt.
     
    - Điểm mạnh: Dịu dàng, nhỏ nhẹ, biết lắng nghe, giàu cảm xúc, nhân ái, nhạy cảm, rất quan tâm người khác.
     
    - Điểm yếu: Tự ti, rụt rè, thiếu quyết đoán, không dám ra quyết định vì sợ phật lòng người khác, cả nể đến mức thà làm tổn thương mình còn hơn tranh cãi, không dám đấu tranh ngay cả khi bị chèn ép (Bị quịt lương rồi bỏ luôn chẳng hạn).
     
    Khi thấy người này làm ở một công ty nào đó quá lâu, những người thiếu trải nghiệm cho rằng họ “Kiên Định”. Trên thực tế điều này phản ánh đúng với tâm lý của nhóm này là “Sợ thay đổi, tự ti hoặc ngại bị người khác nói ra nói vào” chứ không phải kiên định. Kiên định là ở lại với mục tiêu rõ ràng, sống chết vì mục tiêu. Vì những đặc tính như vậy nên nhóm này rất thích ở gần những người nhỏ nhẹ, cho họ sự tự tin, cho họ được bộc lộ cảm xúc và rất sợ hãi khi phải nói chuyện với nhóm Thúc Đẩy vì bị áp. Dùng từ “Sợ hãi” cho nhóm này sẽ đúng hơn từ “Ghét” vì với bản chất nhân hậu thì họ rất ít ghét ai bao giờ, trừ khi bị đè nén quá mức. Cũng vì vậy mà bạn sẽ không bao giờ thấy nhóm này ngồi ở ghế sếp lớn. Nếu thấy ai đó quá dễ thương mà ngồi ở ghế sếp lớn thì hoặc là bạn bị lừa vì họ diễn quá giỏi, hoặc là năng lực Lãnh Đạo quá tốt nên họ điều chỉnh hành vi cho hợp với người đối diện.
     
    Đây là nhóm HƯỚNG NỘI, quan tâm đến cảm xúc của người khác hơn hiệu suất, hiệu quả . Đôi lúc vì thấy "tội" cho ai đó, không nỡ la mắng mà họ để người ta làm chậm tiến độ hoặc è cổ gánh dùm.
     
    ---------------
    4. KHUYNH HƯỚNG PHÂN TÍCH, NGUYÊN TẮC (Viết tắt là C – Compliance)
     
    Chữ Compliance có rất nhiều nghĩa, bao gồm cả nghĩa “Phục tùng và Nhường Nhịn”. Thế là những người không ứng dụng, không có trải nghiệm đi chém gió sai be bét hết và gọi nhóm này là “Nhường nhịn”. Trong khi đó chữ Compliance còn có nghĩa là “Tuân thủ”, nghĩa là rất nguyên tắc và kỷ luật với những gì đã vạch ra. Phục tùng và nhường nhịn là đặc tính cốt lõi của nhóm Hài Hòa, những người sợ mất lòng người khác. Bạn thử làm sai quy trình rồi bắt kế toán (Thuộc nhóm phân tích, nguyên tắc) phục tùng, nhường nhịn và làm theo ý bạn coi có bị vả sấp mặt không. Ở đó mà nhường nhịn.
     
    - Điểm mạnh: Chu đáo, tỉ mỉ, chi tiết, cẩn thận, kỷ luật, nguyên tắc, gọn gàng.
     
    - Điểm yếu: Quá sợ rủi ro, quá cầu toàn đến mức mất hết những có hội cần ra quyết dịnh nhanh chóng, nguyên tắc đến mức thiếu uyển chuyển nên dễ bị ghét hoặc làm người khác bực mình, khá chậm chạp và lề mề, hay bàn lùi và nói tiêu cực.
     
    Những người có khuynh hướng tính cách này coi trọng quy trình và kỷ luật hơn tất cả các yếu tố khác. Họ ghét làm việc với những người bừa bãi, lộn xộn, hay thúc ép họ ra quyết định nhanh chóng, nói chuyện trên trời dưới đất mà không có bằng chứng. Họ rất thích làm việc với ai kỹ tính, tỉ mĩ và nguyên tắc giống như họ vậy.
     
    Đây là nhóm HƯỚNG NỘI, quan tâm đến quy trình hơn cả kết quả và cảm xúc. Vì thế họ thường bị người khác coi là thiếu hợp tác hoặc bị tuột lại phía sau.
     
    ------------
    MỘT NGƯỜI CÓ MẤY KHUYNH HƯỚNG TÍNH CÁCH - VÀ CÁI GÌ QUYẾT ĐỊNH KHUYNH HƯỚNG TÍNH CÁCH ĐÓ ?
     
    Mỗi người có cả 4 khuynh hướng này, chỉ là có 2 khuynh hướng tạo thành cặp nổi trội hơn 2 khuynh hướng còn lại. Số người chỉ nổi trội 1 khuynh hướng tính cách đơn lẻ là rất hiếm và thường là không đạt được thành tựu gì do thiếu sự bổ sung “điểm mạnh” của các khuynh hướng còn lại. Sẽ diễn giải chi tiết ở phần sau.
     
    Khuynh hướng tính cách được tạo ra bởi xã hội, môi trường sống và giáo dục nên khi những điểm này thay đổi thì tính cách sẽ được chuyển dịch dần để thích ứng với môi trường sống. Ví dụ bạn có khuynh hướng tính cách rất sôi nổi, thích bay nhảy nhưng vì lý do gì đó bạn phải làm công việc đòi hỏi tính toán nhiều, không được sai sót một thời gian đủ lâu thì dần dần tính cách C sẽ bắt đầu được phát triển. Bạn trở thành người sâu sắc hơn, nói chuyện có lý lẽ và lập luận hơn là chỉ truyền cảm hứng.
     
    Tuy nhiên phần lớn khuynh hướng tính cách của người Việt ít có sự thay đổi nhiều do ít ai có điều kiện thay đổi môi trường sống khác biệt hoàn toàn hoặc làm công việc trái ngược với “Cái bằng”. Phần vì tiếc quãng thời gian đã học, phần vì xã hội Việt đặt ra quá nhiều tiêu chuẩn nhốt con người ta lại (Làm khác đi chúng nó chửi). Trừ Sài Gòn ra thì ở các tỉnh khác ít có ai dám “Làm khác đi”, được sống và chọn lựa công việc đúng bản ngã và tính cách của mình.
     
    ----------------------
    NGHỀ NGHIỆP VÀ CÁC CẶP ĐÔI KHUYNH HƯỚNG TÍNH CÁCH
     
    Hãy quan sát kỹ xung quanh, tất cả những người ngồi ở ghế sếp lớn đều có khuynh hướng D (Thúc đẩy), và tùy vào tính cách được bắt cặp sẽ ngay lập tức giúp ai đó thăng hoa với nghề.
     
    1. CEO:
     
    Thường là D + C = Bản lĩnh, quyết đoán, nhanh gọn lẹ, nhưng có khả năng kiểm soát quy trình rất tốt để đảm bảo vừa có hiệu suất, có hiệu quả, vừa tránh khỏi sai sót.
     
    Vẫn có CEO thuộc nhóm D + I, D + S nhưng thành quả không bằng nhóm D + C, trừ khi những CEO này có hậu phương nhóm C rất chắc chắn.
     
    Những người là CEO nhưng chỉ thuần nhóm D thường thất bại thảm hại vì hoặc là họ thiếu khả năng kiểm soát của nhóm C, hoặc thiếu khả năng làm việc với con người của nhóm I và S. Chỉ thuần nhóm D khiến những điểm yếu “Nông nỗi, thích kiểm soát, cực đoan, cứng đầu, cục súc” sẽ đè chết điểm mạnh, từ đó dẫn đến thất bại.
     
    *****
    2. COO (Chief Operation Officer):
     
    Thường là C + D = Tuân thủ quy trình, có nguyên tắc nhưng vẫn hướng đến kết quả. Vì chữ D bị đẩy ra sau thành yếu tố phụ nên chỉ có nhóm C + D là làm tốt vị trí COO nhất.
     
    Nhóm I + D không thích bị cột lại một chỗ nên không thể làm tốt công việc Operation (Chữ O thứ 2 của vị trí COO);
     
    Nhóm S + D cũng là người của cảm xúc nên rất khó làm tốt quy trình trong chuỗi Operation. CEO có khuynh hướng D xếp trước nên thích ra ngoài ngoại giao, còn COO lại thích ngồi văn phòng vì C xếp trước. Dù cả hai vị trí này đều là sự kết hợp của C và D.
     
    *****
    3. Sales:
     
    D + I = Hướng tới kết quả và truyền cảm hứng, không lạ gì khi nhóm này luôn là The Best Seller kiểu Thợ Săn khi vừa dám dấn thân, không sợ hãi, lại có khả năng truyền cảm hứng cho người khác. Đây cũng là nhóm có thể tạo ra doanh số ngay lập tức vì bán bất chấp.
     
    D + S = Hướng tới kết quả và biết quan tâm người khác nên họ là The Best Seller kiểu Nông Dân (Nuôi rồi thịt). Nhóm này khởi đầu chậm hơn nhóm Thợ Săn nhưng lại có khả năng nuôi dưỡng khách hàng số 1 nên có doanh số bền vững hơn nhóm D + I nhiều.
     
    D + C = Hướng tới kết quả và tuân thủ quy trình nên họ sẽ là The Best Seller trong lĩnh vực cần tư vấn chuyên sâu mang tính giải pháp chiến lược. B2B, sản phẩm kỹ thuật phức tạp là địa bàn hoạt động của nhóm này. Tất nhiên được cái này sẽ mất cái kia, nhóm có khuynh hướng C theo kèm thường khởi đầu rất chậm nên các sếp cần kiên nhẫn nuôi quân.
     
    Lật ngược trở lại xem I + D, S + D, C + D có theo nghề Sales được không ? Câu trả lời là có, nhưng cần Sếp nhúng tay nhiều hơn trước khi để tự bơi. I + D hoặc S + D đặt cảm xúc cao hơn mục tiêu nên cần dí số liên tục, C + D thì cầu toàn quá nên cần động viên và dẫn đi ăn chơi để sớm vượt khỏi vùng an toàn.
     
    Phân tích này cũng giải thích tại sao tôi toàn tuyển “Trai hư, gái hư” (D + I hoặc I + D) về làm Sales. Vì tụi nhỏ không sợ gì hết, có khả năng kết giao rất tốt (Điểm mạnh của nhóm I) nên dễ mang số về. Tất nhiên quản lý mấy đứa “Hư” chưa bao giờ là dễ vì cá tính rất mạnh.
     
    ******
    4. Tài chính, kế toán:
     
    Nhóm này phải tuyển những người có khuynh hướng C là chủ đạo, C + D là người làm thuần về kế toán, D + C là người mạnh về chiến lược.
     
    C và I đối nghịch nên hầu như không tồn tại trong cùng một người.
     
    C và S vừa có khả năng kiểm soát vừa có khả năng không làm mất lòng người khác do quá cứng nhắc nên nếu công ty có 2 kế toán trở lên thì rất cần 1 người như thế này trong đội để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các phòng ban khác và giảm thiểu mâu thuẫn.
     
    ******
    5. HR:
     
    Có quá nhiều định nghĩa sai và nhìn nhận sai về nghề này tại VN, do đó nhiều người loay hoay không biết nên làm mảng nào để thăng hoa.
     
    D + I hoặc D + S hoặc I + S: Nên theo mảng huấn luyện, đào tạo, event nội bộ, Employee Branding vốn cần kỹ năng làm việc với con người, ít đụng phải quy trình.
     
    D + C : Nên theo mảng C & B, Admin, kiểm soát quy trình và hệ thống.
    Là người cảm xúc mà cứ dây dưa sang mảng quy trình hoặc ngược lại thì lấy gì mà thăng hoa được.
     
    Các nghề khác phân tích tương tự. Tuy nhiên nếu nhìn kỹ, rõ ràng để leo lên cao, để làm sếp thì luôn cần có đặc tính của nhóm D. Vì vậy nếu ai cảm thấy bản thân mình không phải là người nhóm D thì đừng leo cao, hãy tập trung làm chuyên môn của mình thật tốt để trở thành CHUYÊN GIA trong lĩnh vực của mình. Đó cũng là cách để leo lên cao thay vì làm sếp. Làm sếp hay không chẳng phải là xấu hay tốt mà là phù hợp hay không phù hợp. Miễn cưỡng mất vui.
     
    ---------------
    ĐẶT SAI CHỖ:
     
    Nhiều người vì tiếc cái bằng, tiếc quãng thời gian đi học nên không dám chọn công việc phù hợp với tố chất của mình. Họ quên rằng ở tuổi 18 họ chọn ngành chỉ dựa trên cái tên ngành có sang chảnh hay không, có đúng xu hướng thị trường hay không chứ không hề dựa trên đam mê, sở trường của mình. Mà đã không phù hợp thì có cố cách mấy cũng không thể bằng điểm nổi trội nhất được. Khi đã không thăng hoa thì lấy đâu ra thăng tiến, phát triển hay kiếm nhiều tiền. Đừng để cái tên “Bằng cấp” làm mụ mị nữa.
     
    Các sếp cũng hay cân nhắc để đặt nhân viên đúng chỗ và phát huy tối đa điểm mạnh của sấp nhỏ thay vì đặt sai rồi gò ép. Thử hỏi cái đứa giàu cảm xúc như nhóm I mà giao sổ sách cho nó làm thì có nhanh phá sản không thì biết liền. Còn chuyện đưa đứa nào lên làm sếp, ngoài chuyên môn hãy đảm bảo nhân viên đó có khả năng làm việc với con người và có khả năng tổ chức công việc. Đưa ngay cái đứa chỉ thuần chữ D thì nát hết cả Team, chỉ thuần chữ I thì cả team mê chơi hơn làm và vô kỷ luật, thuần chữ C thì kéo cả Team chậm theo ngay.
     
    *** Có khá nhiều trường phái phân chia khuynh hướng tính cách và người ta thường lấy ra khoe nhau. Tuy nhiên ở góc nhìn của Thợ Sửa Ống Nước thì biết nhiều để chém không bao giờ có KẾT QUẢ bằng biết ít nhưng làm tới nơi tới chốn và hiệu quả. Các trường phái khác phân chia nhiều quá nên việc đọc vị tính cách trong vài phút nói chuyện là điều bất khả thi, đó là lý do chọn D.I.S.C thực tiễn. Ai muốn nghiên cứu học thuật chuyên sâu thì nghiên cứu thêm cái khác.
     
    ----------------
    VỀ BẢNG KHẢO SÁT KHUYNH HƯỚNG TÍNH CÁCH THÌ SAO ?
     
    KHÔNG HIỆU QUẢ ĐÂU, lý do:
     
    Đa số người thực hiện khảo sát hay chọn đặc điểm tính cách họ muốn trở thành hơn là tính cách thật.
     
    Bảng khảo sát có quá ít câu hỏi để có sự nhận định chính xác.
     
    Lúc vui sẽ điền khác, lúc buồn sẽ điền khác. Trừ khi mỗi tháng làm 1 lần và làm liên tục 10 tháng mà không xê xích gì nhiều thì mới đúng.
     
    GIẢI PHÁP là quan sát hành vi của ai đó trong nhiều bối cảnh khác nhau. Nếu hành vi hay cách ứng xử thay đổi liên tục thì chưa chắc đó là tính cách thật. Chớ vội đánh giá một ai đó thuộc nhóm nào mà thiếu bối cảnh cụ thể.
     
    Thợ sửa ống nước tự lấy bản thân kiểm tra hơn 300 trường hợp, thử và sai liên tục, ghi chép thống kê mỏi tay mới bắt đầu có trực giác đúng vì nhận định về tâm lý, hành vi và tính cách con người là thứ vô cùng phức tạp. Khi mới nghiên cứu về món này, tui chứng kiến cảnh ông kia mặt hầm hầm vô quán café tát vợ cái bép rồi phán ngay ông này thuộc nhóm D. Mãi sau này tìm hiểu kỹ mới biết thật ra ông này thuộc nhóm S nhưng tức nước vỡ bờ. Vậy nên mới nói phải coi trên nhiều bối cảnh mới chắc chắn được.
     
    Nếu muốn tiết kiệm thời gian, hãy tạo ra nhiều bối cảnh và tình huống khác nhau rồi đặt ai đó vào thử. Môi trường đủ mạnh tự khắc bộc lộ ra hết. Còn giờ thì dài quá rồi, bái bai. À, bài này không chỉ sử dụng trong quản lý đội ngũ mà còn dùng để nuôi dạy con nhé.
     

    Nguyễn Thanh Phong

    Ngày đăng: 29-03-2021 663 lượt xem