• MƯU HÈN KẾ BẨN, NÓI XẤU Ở CHỐN CÔNG SỞ

    Cứ “nói cho sướng miệng” mà chẳng hề quan tâm đến cảm xúc, tâm trạng của người khác thì cũng có thể được coi là một tội ác. Dưới đây là câu chuyện mà ai cũng nên đọc, bất kể là nhân viên, quản lý hay giám đốc.

     

    Công sở là một môi trường bao gồm nhiều mối quan hệ. Cũng như những nơi khác, trong môi trường công sở nếu có người thế này thì sẽ có người thế khác, có người tốt tất sẽ có kẻ xấu.

    Chuyện nói xấu sau lưng, thù ghét đồng nghiệp, chia bè kết phái, ai mà chả biết, ai mà chả sợ. Đặc biệt, trong những môi trường công sở cạnh tranh nhau về mặt doanh số từng tháng, ma cũ bắt nạt ma mới, thói ghen tị,... thì dù không dám tưởng tượng thì vẫn sẽ có đầy chuyện để kể.

    Tất nhiên, chẳng ai muốn những câu chuyện xấu xí ấy xảy ra với mình cả vì không những khiến bản thân mệt mỏi mà còn “mang tiếng” dù “chẳng có lửa nhưng vẫn có khói”.

    Nhưng nói những lời đụng chạm tới người khác, hơn nữa lại là những điều không đúng sự thật, những điều “tai bay vạ gió”, dù chẳng tới mức đưa ra pháp luật nhưng điều đó không đúng với đạo lí làm người.

    Cứ “nói cho sướng miệng” mà chẳng hề quan tâm đến cảm xúc, tâm trạng của người khác thì cũng có thể được coi là một tội ác.

    Dưới đây là câu chuyện mà ai cũng nên đọc và rút bài học cho riêng mình:

    Một vị Tổng giám đốc quyết định đưa ra một hoạt động trưng cầu ý kiến và đóng góp xây dựng văn hóa công ty. Sếp Tổng yêu cầu mỗi nhân viên ngày nào cũng phải mang theo một túi đựng táo.

    Mỗi quả táo trong túi chính là một cái tên của đồng nghiệp mà họ đang không thích, họ thấy rằng người này thiếu năng lực, không phù hợp với công ty, cần phải thay đổi cách làm việc hay thậm chí cần phải thuyên chuyển hoặc nghỉ việc, kể cả tên các trưởng phòng, phó phòng và giám đốc.

     

    Số táo trong túi của mỗi người sẽ không bị giới hạn, vì nó phụ thuộc vào số lượng người mà nhân viên ấy không ưa và muốn họ thay đổi.

    Tất nhiên, mỗi người cần phải tuyệt đối bảo mật về những cái tên trong túi táo và những điều họ muốn gửi gắm và phải buộc nó thật chặt.

    Chỉ có Tổng giám đốc quyền lực nhất mới được biết nội dung trong các túi táo. Kết thúc 4 tuần trưng cầu ý kiến sẽ là một buổi thuyết trình của cá nhân về số táo ấy, ai có những đóng góp tích cực nhất sẽ được giám đốc trọng thưởng.

    Khi cuộc vận động bắt đầu, ai ai cũng hồ hởi chuẩn bị táo và nghĩ xem mình cần chuẩn bị gì cho buổi thuyết trình cá nhân. Sếp Tổng đề nghị nhân viên nào cũng phải mang túi táo của mình bên cạnh ở bất cứ nơi đâu trong đúng một tháng, nhưng phải giữ nguyên số táo lúc đầu.

    Tuần thứ nhất, nhiều người có túi táo rất nhẹ, dường như chỉ có vài quả. Nhưng cũng có nhiều người ngay từ những ngày đầu đã phải mang vác khệ nệ. Một tuần trôi qua, các nhân viên đều cố gắng suy nghĩ để tìm ra lỗi của các đồng nghiệp, nghĩ tới những người làm mình không hài lòng, với hi vọng sẽ làm thay đổi công ty, mang những điều tích cực nhất cho môi trường mình đang làm việc. Cứ thế, số táo tăng lên mỗi ngày.

    Sang đến tuần thứ hai, nhiều người bắt đầu cảm thấy khó chịu vì sức nặng của túi táo và mùi táo thối bắt đầu bay ra, ngay cả khi họ đã buộc túi táo rất chặt. Khổ nhất là những người vừa phải xách nặng, vừa phải ngửi mùi táo thối trong suốt một ngày dài làm việc. Tới tuần thứ ba, không ai thực sự muốn thêm một quả táo nào vào túi của mình, mà chỉ mong đến ngày hoạt động góp ý này kết thúc.

    Tuần cuối cùng, mùi táo thối khiến cả công ty nặng nề và khổ sở. Không ai còn có thể nghĩ đến việc tìm lỗi, bắt lỗi của người khác nữa, đơn giản là bởi họ đã quá khổ sở trong việc giữ và vác túi táo thối nặng nề đi khắp mọi nơi, nhiều khi những người xung quanh cũng phải tránh xa và lắc đầu không hiểu.

    Ai cũng ân hận là mình đã không có cái nhìn tích cực hơn với người khác. Họ tự nhiên cảm thấy những đồng nghiệp mà họ chê trách và coi thường vẫn còn có rất nhiều điểm tích cực.

    Đến ngày cuối cùng, khi chuẩn bị được giải thoát khỏi túi táo thối, các nhân viên đều cảm thấy như chính tâm hồn mình được giải thoát. Không ai còn muốn hùng biện hay thuyết trình nữa, mà chỉ muốn tĩnh lặng để suy nghĩ về hoạt động vừa rồi và bản thân mình.

    Khi tới gặp vị Tổng giám đốc cùng với túi táo thối của mình, ai ai cũng xúc động và cảm thấy bản thân cần phải suy nghĩ lại về những lời chia sẻ về ý nghĩa bao hàm hoạt động này của sếp Tổng:

    "Túi táo thối mà các bạn đang cầm trên tay chính là tâm trạng của bạn khi bạn coi thường, ghét bỏ, kì thị hay định kiến về một ai đó. Chính những cảm xúc tiêu cực này làm ô nhiễm trái tim bạn và bạn sẽ phải chịu đựng nó ở bất cứ nơi nào bạn tới.

    Không ai trên đời này hoàn hảo cả, tuy nhiên họ cũng còn những mặt tốt mà những người khác không biết đến, lấy đâu ra một viên ngọc óng ánh mà chưa qua mài giũa, phải không?

    Tất cả chúng ta, ai cũng có những mặt tích cực để chúng ta hi vọng, động viên và khích lệ, giúp đỡ và hỗ trợ. Nếu bạn không thể chịu được mùi táo thối trong một thời gian ngắn ngủi đó thì tôi tin các bạn cũng chẳng thể chịu đựng được mùi hôi thối của ghét bỏ, thù hận, kì thị và định kiến trong lòng suốt cả cuộc đời rất dài của bạn.

    Tôi thật vui mừng vì các bạn đã tìm được bí quyết tốt nhất để đóng góp cho sự phát triển của công ty, đó chính là nỗ lực phối hợp và tương trợ lẫn nhau, dựa trên tấm lòng bao dung rộng mở và cái nhìn luôn thiện tâm đối với những người khác. Cám ơn các bạn vì sự đóng góp này”.

    Vậy đấy, câu chuyện này không chỉ là dành cho những người đang ôm tư thù với đồng nghiệp mà còn dành cho tất cả mọi người, nếu chúng ta chấp nhận vứt bỏ hết những ghét bỏ, thù hận đối với người khác từ sâu trong đáy lòng thì chúng ta sẽ cảm thấy thật nhẹ nhõm và thoải mái, giống như khi ta quẳng đi một mối lo. Tha thứ, bao dung cho người khác chính là thái độ tốt nhất chúng ta nên làm, hơn thế đó chính là thái độ sống tốt nhất mà mỗi người chúng ta nên có.

    Giữ suy nghĩ tiêu cực về một ai đó trong tâm trí sẽ khiến chúng ta mệt mỏi và thậm chí sự an yên có thể rời xa ta mãi mãi. Suy cho cùng, đồng nghiệp cũng chỉ là những người bạn đi cùng ta một quãng đường dài của cuộc đời, vì rồi ai cũng vài lần chuyển việc trong đời. Những điều còn sót lại trong tâm trí chúng ta về một ai đó, tốt hơn hết hãy nên là những điều tốt đẹp…

    KẾT LUẬN

    Bỏ thói quen ăn ức ở (GATO).

    Có thể thấy rằng, việc thể hiện thái độ bất mãn trước người giỏi hơn mình (hoặc chưa biết có giỏi hơn mình hay không?) với các biểu hiện như mâu thuẫn, sốt ruột, kích động, bực tức, luôn cảm thấy hậm hực - bằng cách gây khó khăn, tranh luận thắng - thua, hay đâm sau lưng, chẳng khác nào tự thừa nhận ta yếu kém, sợ hãi và không dám đương đầu một cách công bằng, thiếu năng lực.

    Con người là một sinh vật không toàn thiện. 

    Ai cũng có những nhược điểm, sở đoản, ai cũng sẽ mắc sai lầm. 

    Tuy nhiên, người sáng suốt sẽ không nhìn vào đó để coi thường đối phương mà luôn lấy đó là bài học cho chính mình. Lòng khoan dung không bao giờ là thừa. Nó giúp ta có thêm niềm tin vào con người, đẩy lùi sự ích kỉ, nhỏ nhen hay những suy tính hẹp hòi tủn mủn.

    Hơn nữa, thái độ của ta đối với lỗi lầm của người khác không chỉ ảnh hưởng đến bản thân ta mà còn ảnh hưởng đến chính họ. 

    Nếu ta luôn mang con mắt định kiến với mọi người, vô hình trung ta đã phần nào lấy đi tự tin của người đó về bản thân họ, tước đi cơ hội học tập và tỏa sáng của một tài năng.

    Ngược lại, nếu ta khoan dung, rộng lượng, góp ý bằng tấm lòng chân thành, tinh thần xây dựng, họ sẽ có động lực để vượt lên chính mình. Mối quan hệ giữa người với người, sự phát triển của toàn xã hội cũng từ đó mà đi lên.

    Nhìn nhận một người là một quá trình lâu dài, tỉ mỉ, đặt người ấy trong nhiều trường hợp, để thấy được cái tốt đẹp, cái chưa hoàn hảo.

    Con người là một thể đa diện nhiều mặt, nhiều cá tính. Không thể vì một hành động nhỏ hoặc một lời nói dèm pha mà khẳng định ai đó là xấu xa. Hơn nữa, mỗi người sinh ra là một cá thể riêng biệt, có thế giới quan riêng, cái tôi không thể trộn lẫn, bởi vậy, trong quá trình tiếp xúc, xung đột về quan niệm, cách nghĩ là không thể tránh khỏi. 

    Khi điều này xảy ra, kẻ hẹp hòi sẽ luôn cho mình là đúng, là trung tâm của vũ trụ và đả kích, ghét bỏ đối phương. Ngược lại, người biết suy nghĩ sẽ học tập, đối chiếu, so sánh để tiến bộ.

    Tuy nhiên, nếu lúc nào cũng cho mình là tốt nhất, hoàn hảo nhất mà bỏ qua những lời góp ý từ những người xung quanh thì lại biến mình thành một kẻ cố chấp, bảo thủ, độc đoán. Biết phân biệt phải trái, đúng sai, biết lắng nghe để trưởng thành và bỏ ngoài tai những lời ác ý mới có thể giúp ta thành công.

    Nói xấu người khác không cho chúng ta cảm giác mình tốt đẹp hơn người, mình đứng ngoài cái xấu, đứng trên cái xấu và anh minh trước cái xấu. Mà là một hình thức để tự thôi miên cái tôi đang gầm gừ đầy yếu ớt và tổn thương. Lòng vị kỉ khiến tâm đề cao và làm mọi thứ vì bản thân – một trong số đó là hạ bệ người khác.

     

    Emanvn T/H | Trí thức trẻ

    Ngày đăng: 01-12-2017 1,240 lượt xem