• CÁCH ĐÀO TẠO NHÂN VIÊN NHƯ LUYỆN PHI CÔNG CHIẾN ĐẤU

    Trong thế giới số chuyển động không ngừng, hãng phần mềm hàng đầu châu Á cũng thay đổi cách đào tạo để bắt kịp thời đại.

     

    Khi hãng phần mềm khổng lồ của Ấn Độ lập kế hoạch thay đổi chương trình đào tạo nội bộ, các giảng viên đã đến tham quan trường không quân xem các phi công chuyên nghiệp được dạy cách đối phó với những tình huống thay đổi nhanh như thế nào.

    Các chuyến trải nghiệm giúp Infosys học tập mô hình huấn luyện bay mô phỏng cho nhân sự mới để họ học cách làm việc nhanh, nghĩ cho bản thân và dự đoán được nhu cầu của khách hàng. Họ phải trải qua nhiều kịch bản, và quá trình đào tạo “không có ngày nào giống ngày nào”, tờ Bloomberg viết.

    Các học viên khóa đào tạo đi vào Nhà hát đa năng tại Trung tâm đào tạo Global của Infosys.

    Cách đào tạo mới khiến học viên hứng khởi và loại bỏ sự lo sợ về những điều không thể lường trước”, Arpan Patro, chuyên gia hỗ trợ thiết kế các khóa học, người luôn động viên học viên với câu khẩu hiệu của ngành hàng không: "Cất cánh là tùy chọn, hạ cánh là bắt buộc".

    Những lớp huấn luyện kiểu mô phỏng đã được thí điểm vào mùa hè năm nay phản ánh tư duy mới của Infosys khi hãng này nỗ lực vượt qua kiểu công việc quen thuộc là xây dựng và quản lý hệ thống CNTT cho các đối tác. Phần lớn quá trình này đã được tự động hoá. Goldman Sachs, Philips đang thuê Infosys và những hãng dịch vụ công nghệ khác cho các dự án ngắn hạn, riêng rẽ để giúp họ bảo đảm vị trí trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. 

    Các Giám đốc công nghệ thông tin muốn dự án phải hoàn thành chỉ trong vài tuần, chứ không phải là hàng tháng như trước, và yêu cầu kỹ sư giải quyết các vấn đề như khi thực hiện những chuyến bay”, Bloomberg nhấn mạnh.

    Hãng dịch vụ CNTT lớn thứ hai châu Á giờ đây cần chuyển đổi và chuyển đổi một cách mạnh mẽ, nhanh chóng. "Khi công nghệ và thị trường dịch vụ phần mềm thay đổi chóng mặt, các kỹ năng trở nên cực kỳ quan trọng", Raja Lahiri từ đối tác Grant Thornton cho hay. Việc đào tạo phải bắt đầu từ dạy lập trình cho đến thiết kế phần mềm (Software design) và cao hơn là sáng tạo hướng đến trải nghiệm của khách hàng, những lĩnh vực mang lại nhiều giá trị hơn. "Sự tụt hậu về kỹ năng rất rõ ràng".

    Cuộc sống bên trong Trung tâm Đào tạo Infosys.

    Khuôn viên Trung tâm Đào tạo của Infosys nằm trong khuôn viên rộng 337 mẫu Anh xanh tươi trong thành phố Mysore, nơi có nhiều cung điện, cách thủ phủ bang Bangalore 3 giờ lái xe. Khuôn viên campus khép kín có 10.000 căn hộ được trang bị mọi thứ mà một học viên cần: Máy pha cà phê, đèn, tủ quần áo, giỏ giặt và nhiều thứ nữa. Có một sân chơi bowling, một thư viện lớn, sân tập thể thao, siêu thị và rạp phim bốn màn hình được thiết kế theo mô hình của Walt Disney. Lệnh giới nghiêm của trường là 22h, và đặc biệt uống rượu bị cấm. Những người nghi ngờ có chút men phải được kiểm tra bằng máy thở và có nguy cơ bị cấm cửa nếu được xác nhận.

    Các tiện nghi đầy đủ, hiện đại giúp giảm nhẹ lịch trình đào tạo dày đặc. Sau cả ngày dài học tập, những nhân viên mới thức thâu đêm để hoàn thành bài tập - giống như trong thực tế công việc tại văn phòng. Tiến bộ của họ được tưởng thưởng thường xuyên và những người không vượt qua thử thách sẽ phải kết thúc sự nghiệp ở Infosys.

    Cơ sở này có 160 phòng học với 380 giảng viên và có thể đào tạo cho khoảng 15.000 người cùng thời điểm.

    Vào những ngày làm việc, 8h sáng, những nhóm thanh niên tuổi đôi mươi xếp hàng đi vào một trong số rất nhiều nhà ăn, tự chọn cho mình bữa sáng trong thực đơn gồm cả chục món khác nhau, từ cơm và đậu lăng đến món bánh mì parathas. Ăn sáng xong, họ bước vào lớp học cả ngày, nơi mà họ chỉ còn hai sự lựa chọn: hoặc là vượt qua để tiếp tục, hoặc là ra về.

    Đây là một thay đổi lớn. Trước đây, những hãng dịch vụ phần mềm ở Ấn Độ như Infosys đã phải nuôi hàng nghìn kỹ sư mới ra trường “đại học phần mềm” nhưng họ chỉ là những người giỏi về mã hoá chung chung, nhưng lại rất tệ trong việc đưa các giải pháp riêng của mình, lại càng tệ hơn khi chuyển giao cho khách hàng. 

    Giờ đây, các học viên phải trải qua chương trình tập huấn kéo dài 19 tuần tại trung tâm, trong đó, có chín tuần đào tạo về các vấn đề cơ bản của ngành công nghiệp phần mềm, bao gồm nghiên cứu ba ngôn ngữ lập trình (thay vì một ngôn ngữ lập trình trước đó) và học cách làm việc theo nhóm, trước khi bước vào chín tuần huấn luyện chuyên sâu. Bên cạnh việc đào tạo sinh viên vừa ra trường các công nghệ mới như đám mây, thương mại điện tử và phân tích dữ liệu lớn, giảng viên cũng quan tâm đặc biệt đến "các kỹ năng mềm".

    Nhóm kỹ năng gồm: Làm việc nhóm (làm việc gắn kết, phân công nhiệm vụ dựa trên năng lực, thúc đẩy từng phần của một dự án lớn hơn), làm thế nào để thu hút sự chú ý đối với  một căn phòng đầy khách hàng (chuẩn bị trước, nói chậm) và cách ăn mặc: thứ gì được, thứ gì không (với Infosys là không mặc quần jeans sờn hoặc váy ngắn).

    Ở Infosys, trang phục hay cách đi lại cũng được đào tạo.

    Sau tám tuần huấn luyện, Sharma (23 tuổi mới tốt nghiệp đại học ngành khoa học máy tính), đã nắm vững ngôn ngữ lập trình Python, giành được điểm số tốt. Cậu nói rằng, khóa huấn luyện đã thay đổi bản thân theo cách rất tinh tế.

    Trước khi gia nhập Infosys, cậu không nhận thấy tầm quan trọng của giao tiếp. Giờ đây chàng kỹ sư tính tình dè dặt đang học cách gặp gỡ mọi người và bắt đầu cuộc trò chuyện một cách dễ dàng.

    Tôi đang học viết code”, Sharma nói. “Tôi cũng học cách bước ra khỏi tổ kén, điều mà rất nhiều người lớn lên ở các thị trấn nhỏ thường mắc, và học cách đi vào ngành công nghiệp phần mềm toàn cầu”.

     

    Emanvn | Bloomberg
    Ngày đăng: 26-11-2017 822 lượt xem