• NHỮNG NGUYÊN LÝ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ VẬN HÀNH CỦA MỘT CÁ NHÂN HAY XÃ HỘI ĐỀU RẤT GIỐNG NHAU

    Với nguyên tắc là phương pháp luận, nguyên lý về sự phát triển góp phần định hướng, chỉ đạo hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người.

     
    1. Đừng hoang tưởng về “bất chiến tự nhiên thành”:
     
    “Bất chiến” tức là hành động của chúng ta không có xung đột với người, chứ không phải là “không làm gì” như nhiều người lầm tưởng.
     
    Đừng mơ tưởng về những giúp đỡ của thần linh, Thánh Gióng... mà hãy thực tế nhìn vào các con số, kỹ năng, thực tế của môi trường và các cơ hội rủi ro tiềm ẩn. Đừng tin vào tư vấn của các nhà ngoại cảm hơn là “xắn tay áo và hành động”.
     
    Nguyên lý ai cũng phải đồng ý là “nếu mình cứ tiếp tục làm các việc đang làm, thì trong tương lai, xa hay gần, chúng ta sẽ thâu lượm những kết quả tương tự như chúng ta đang nhận”.
     
    2. Nói dễ hơn làm.
     
    Chúng ta hãy nghe, nhưng chỉ vỗ tay khi hành động đi theo như lời nói.
     
    Những thử thách và khó khăn phải đối diện hàng ngày. Thất vọng và thất bại luôn đe dọa. Ngoài cái giá phải trả về sức khỏe, tinh thần, hạnh phúc gia đình, danh tiếng, tiền bạc… cái giá lớn nhất là thời gian.
     
    Ngay cả khi ca tụng sự thành công nhanh chóng của Facebook, ít ai nhận ra rằng quy trình để đến IPO phải tốn Zuckerberg cả 8 năm vất vả.
     
    3. Muốn có giải pháp, phải hiểu rõ vấn đề:
     
    Khó khăn khi đưa ra giải pháp cho vấn đề nợ xấu, sổ sách, định hướng… hay ngay cả ngân sách, việc tái cấu trúc, thay đổi cơ chế, nhân sự quản lý.
     
    Một là các số liệu, dữ kiện thường mâu thuẫn vì lợi ích của các phe nhóm, thường ko công bố rỗ ràng.
     
    Hai là không được phân tích qua mọi góc nhìn, vùng cấm... chủ quan, khách quan... bị rào lại.
     
    4. Mọi sửa đổi phải bắt đầu từ nội tại.
     
    Trước hết là tư duy và bản thân của người đang nắm giữ quyền lực của việc thay đổi. Sau đó đến sự đồng ý của mọi lực lượng đang ủng hộ mình. Đây thường là một sứ mệnh khó khăn, nhất là tại các tổ chức phức tạp và lâu đời. Sau một loạt các nghị quyết hành chánh rất ấn tượng, mọi việc đã im lặng như cũ. Ông TCB ở TQ đã thất bại trong việc “hành” vì không lấy được đồng thuận của các nhóm. Hiện tượng này còn có tên là “bứt dây động rừng” trong dân gian.

     
    5. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
     
    “Bạn cho tôi biết 10 người bạn thân thiết quanh bạn, tôi sẽ mô tả chính xác đến 80% bản thân, cá tính và hoàn cảnh của bạn”.
     
    Các bạn bè bà con của bạn toàn là dân khố rách áo ôm, thì không ai hình dung bạn là một đại gia hay người thành công về tài chính.
     
    Các quốc gia khôn ngoan cũng biết chọn bạn mà chơi. Sau những đổ nát tiêu điều trong Thế chiến Thứ hai, Nhật và Âu châu đã đi theo đàn anh Mỹ để 25 năm sau, tạo dựng những nền kinh tế siêu cường. Bài học đó được Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore… sao y để tạo những thành quả tương tự.
     
    Gần đây, Nga và các nước Đông Âu cũng bắt đầu quy trình. Đổi mới nào cũng sẽ gây những phiền toái và thử thách.
     
    Trong lịch sử thế giới hay các kinh nghiệm cá nhân qua sách vở, nhiều suy sụp và đổ vỡ đã xảy ra khi người ta thoải mái với hiện tại hay quá khứ, mà bỏ quên tương lai.
     
    Có lẽ chúng ta cũng không nhiều lựa chọn, nhưng đôi khi con người và tập thể thích bám víu vào “lá số tử vi” thay vì hành xử theo kế hoạch khoa học.
     
     
    - TS. Alan Phan -

     

    Ngày đăng: 02-11-2023 255 lượt xem