• HÀNH TRÌNH TỰ CHỮA LÀNH NHIỀU TỔN THƯƠNG

    Hành trình mình Tự chữa lành nhiều tổn thương, chữa được một số tánh xấu, tật xấu cũng như trưởng thành về mặt nhận thức của mình...thông qua các biến cố! Hi vọng có thể giúp được bất kỳ bạn nào đang ở trong những hoàn cảnh, giai đoạn tương tự.

     
     
    Có thể các bạn biết rồi: Chúng ta trưởng thành nhiều nhất, nhanh nhất, mạnh nhất là thông qua các biến cố lớn.
     
    Ngược lại, chúng ta hoàn toàn có thể trở nên vô cùng tiêu cực, xấu đi nhiều và trượt dài nếu đúc kết kinh nghiệm...tầm bậy qua các dữ kiện đó.
     
    Ví dụ 1: Bị bạn nói xấu đâm sau lưng. Lẽ ra bài học là ta phải cẩn trọng hơn trong các mối quan hệ, phải biết nhìn người kỹ hơn, cẩn thận lời ăn tiếng nói, xem lại cách mình chơi với bạn bè có ổn ko. Chứ hem phải đúc kết vầy: bạn bè giờ ko tin được ai. Ủa, chắc mình đã rất tốt đẹp, dữ vậy sao?!
     
    Ví dụ 2: Cũng tương tự với trường hợp: wow dạo này báo chí lên án trà sữa độc hại cho cơ thể nhiều quá. Ta rút kinh nghiệm là....bỏ đọc báo. Thiệt là lãng xẹt !!
     
    1. Bệnh mặc cảm, mất niềm tin vào tương lai, nhìn cuộc đời xám xịt:
     
    Tròn 21 tuổi, mình lớn lên từ 1 gia đình mà Ba Mẹ mỗi người mỗi ngã, anh em mình hết theo ba hay theo mẹ, thì đến theo cô lang thang hết nhà dòng này đến trường nội trú kia. Rồi hư hỏng nặng từ chặng 16 đến 18t. Nặng tới mức mình tốn mất 3 năm quân ngũ chỉ để trốn chạy cuộc đời. Mình cũng mất cha (trụ cột kinh tế) năm 19 tuổi, xuất ngũ với 2 bàn tay trắng, chưa tốt nghiệp lớp 12, gia đình túng quẫng. Đủ..mặc cảm chưa?!
     
    Mình suýt chút là chấp nhận sống 1 cuộc đời vô cùng tầm thường, làm 1 công việc lao động phổ thông nào đó, cưới 1 cô gái làm nghề bán trái cây ngoài chợ ở 1 tỉnh lẻ rồi.
     
    May là mình có hứa với Ba sẽ gánh vác gia đình của ổng để lại, nên mình phụ mẹ và anh em gầy dựng công việc riêng của họ. Tiện thể mình đi học bổ túc văn hóa lớp 12 trong thời gian đó. Rồi mình trở lại Sài Gòn tìm kiếm cuộc đời mình, con người mà mình muốn trở thành.
     
    Giờ nhìn lại, có lẽ thứ nâng đỡ cuộc đời mình chính là 2 từ Trách Nhiệm và tình yêu thương mà mình dành cho gia đình.
     
    - Nếu ko vì trách nhiệm, mình đã ko đủ sức vượt qua rất nhiều khó khăn, trắc trở.
    - Nếu ko vì tình yêu thương, mình đã ko đủ lý do để phải giỏi hơn chính bản thân mình mỗi ngày trong hai mươi mấy năm qua.
     
    Tuy việc tự nhận trách nhiệm quá lớn, nó có dẫn mình tới vài tổn thương khác, nhưng nếu nhìn lại thì phần bài học cuộc sống vẫn trội hơn.
     
    Bài học dành cho các bạn: hãy nương tựa vào trách nhiệm để bật lên, để ko được phép gục ngã hay đầu hàng trước khó khăn, nghịch cảnh. Hãy nhờ tình yêu thương người thân và gia đình nâng đỡ mình ở những thời khắc khó khăn trong cuộc sống.
     
    À, mình hết mặc cảm, hết tiêu cực từ lâu lắm rồi...
     
    2. Vượt qua thói xấu hay nghĩ mình là Nạn Nhân.
     
    Bệnh này khủng khiếp lắm! Gây hại cho cuộc đời chúng ta dữ lắm!
     
    _ Khi ta tự coi mình là nạn nhân, ta luôn đúng, người khác sai là đương nhiên.
     
    _ Khi là nạn nhân ta có quyền dở, có quyền thiếu nỗ lực. Tội quá mà.
     
    _ Khi có tâm lý nạn nhân, ta luôn khao khát được thương, được ưu ái, ta còn hay ăn vạ và là chúa đổ thừa. Không, ta không bao giờ có lỗi, dù chỉ một chút xíu.
     
    Sống vậy là thua rồi.
     
    Phá vỡ hết các mối quan hệ, hủy hoại mọi loại tình cảm, đánh mất hầu hết các cơ hội và trầm luân trong "thú đau thương".
     
    Làm nạn nhân sướng thế cơ mà. Ít phải nhận lỗi, ít phải chịu trách nhiệm, có thể đổ thừa cho tất cả mọi thứ từ gia đình, nhà trường, bạn bè, người yêu cho tới xã hội. Người ta còn trách cả ông Trời cho số phận hẩm hiu của mình nữa. Hoàn toàn ko chút trách nhiệm nào với bản thân. Chuyện bản thân có thành tựu hay không, vui hay buồn đều đổ hết cho bất kỳ ai bên ngoài cái bản thân phải chịu trách nhiệm cho mình hết.
     
    Mình bớt hẳn cái tâm lý nạn nhân này chung với cái số 3, nghe tiếp nhé!
     
    3. Dựa dẫm tinh thần, Phụ thuộc cảm xúc quá đà vào một số mối quan hệ.
     
    Họ ảnh hưởng cảm xúc của mình khủng khiếp, hoặc đến khi họ quay lưng không còn ủng hộ mình, hay khi họ rời đi. Mình vô cùng suy sụp!
     
    27 tuổi, gia đình lớn là một mớ hỗn độn, sự nghiệp chưa đâu ra đâu, thất tình.
    Mình nằm đó, trầm cảm, thoi thóp, vết thương lòng như một con thú hoang. Không còn một ai bên cạnh đủ để mình mở miệng trải lòng. Mình ngước lên trời và...trách ổng.
     
    Rồi một biến cố rất lớn xảy ra, dì mình mất trong vụ cháy nhà, đứa em gái phỏng nặng buộc mình phải đứng lên chăm sóc cho em, lo kiện tụng, bồi thường thay dì để dì được yên nghỉ. Thời gian đó đủ để mình nhìn lại mình từ một chàng trai siêu giỏi trước kia, chỉ vì vài thứ thất vọng mà mình đã trở thành gánh nặng cho người khác trong các mối quan hệ.
     
    Rồi em gái mình cũng mất sau vài tháng chăm sóc. Thời gian đó, sự kiên cường của em đã giúp mình đứng dậy, thôi làm Chí Phèo, thôi than thân trách phận, thôi giao cuộc đời lẫn cảm xúc của mình vào tay bất kỳ ai.
     
    Mình luôn nhớ tới em như một trong những người thầy lớn nhất cuộc đời mình, 16 tuổi, trong sáng thánh thiện, ra đi trong đau đớn thể xác nhưng thật ngạc nhiên, lúc chăm em mình rất hay khóc, còn em lại hay cười và động viên mình. Chuyện này cộng với các dữ liệu cũ, cũng làm mình bắt đầu cảm nhận và tin tưởng vào cái gọi là Nhân Duyên, Nghiệp Quả.
     
    Một chương mới mở ra trong cuộc đời mình, từ tuổi 27.......
     
    À, sau này khi làm thùng rác chuyên nghiệp, nghe mấy đứa học trò than thân trách phận các thứ thì trong bụng mình kiểu: móa, mài chưa biết thế nào là bi kịch đâu coan.
     
    4. Chữa cái bệnh nghèo:
     
    Lâu lâu, có đứa mới chơi chung nóa nói: Hồi nhỏ nhà em nghèo lắm!
     
    Là mình bắt đầu để ý. Nguyên nhân thì có rồi, kết quả của cái sự nghèo là gì đây?!
    Bệnh này mà không chữa cho xong thì có mấy cái Quả khá là mệt mỏi sau đây:
     
    + Hồi nhỏ nghèo thì đành chịu, nhưng 30 tuổi mình vẫn nghèo vật chất thì nó lạ lắm! Hoặc mình lười lao động, hoặc lười học hỏi nghĩ cách hoặc...cả hai. Cái nghèo vật chất là tạm thời nhưng để cho nó ngấm vào máu tới mức trở thành "tính cách nghèo" là hết cứu lun.
     
    + Nếu ...chấp nhận niềm tin này. Ko học hỏi, chẳng nổ lực, cả đời nhận sự thương hại, ban phát từ người khác mà sống. Tu bao nhiêu kiếp mới được làm người? Sao ta ko chiến đấu?!
     
    + Có nhiều tiền ta vẫn miệt mài, miệt mài làm lụng cả đời làm đúng 1 chuyện là đi kiếm tiền rồi...chết. Ta sợ nghèo tới mức đó là có thật, mình thấy nhiều người lắm rồi. Uổng lắm cuộc đời!
     
    + Có nhiều tiền nhưng sống rất keo kiệt, bủn xỉn, tính toán từng chút, tiền là trên hết. Vậy ra có rất nhiều tiền nhưng ko có sự tôn trọng từ người xung quanh, ko cần danh dự gì. Ừ thì, cứ đếm tiền làm vui rồi...cũng chết, nhưng tiếng thối thì để đời.
     
    Mình may mắn có cái gen ko nghèo về tính cách, nhưng mình sống trong cảnh thiếu thốn so với nhu cầu cả chục năm, nên mình hiểu lắm. Rất dễ đánh đổi đạo đức, lòng tự trọng để kiếm tiền.
     
    Mình dựa vào lòng tự trọng, sự tôn nghiêm, danh dự của bản thân, cũng dùng tới sự xem thường của mọi người xung quanh (phân nửa là mình tự tưởng tượng) để làm động lực. Và quả thực, kể từ năm 27 tuổi tới giờ mình luôn làm việc gấp 2,3 lần một người bình thường. Cải tiến liên tục để làm những việc lương thiện, kết quả nhiều, thời gian ít. Giá trị của sự học là không thể đo đếm.
     
    Ơn Trời, mình cũng thoát nghèo cả về vật chất lẫn tính cách từ chục năm trước.
    Thoát nghèo đi các bạn!
     
    5. Hình thành tư duy phản biện:
     
    Xét về mặt tính cách, hồi nhỏ mình là một đứa trẻ ngoan, lễ phép. Trưởng thành thì mình vẫn hòa nhã và lễ phép. Tuy nhiên, lại xảy ra cái cảnh thế này. Ngoan mà...không ngoan.
     
    Đồng tình với quan điểm và cách hiểu của người khác nhưng luôn hành động theo quan điểm và cái nghĩ cái thấy riêng của mình. Hồi nhỏ mình ko hiểu mấy chuyện giáo dục, nên mình khổ tâm lắm:
     
    "Thương cho roi cho vọt".
     
    Cái hiểu, cái biết của người lớn đều được ai đó truyền lại, thành thói quen, ko chịu truy rõ ngọn ngành xem cái thứ mình đang đồng thuận là nó chỉ phù hợp trong các bối cảnh nào, phải có những điều kiện gì. 
     
    Thành ra khi mình hỏi tới nơi tới chốn bất kỳ chuyện gì đều bị qui chụp thành vẽ chuyện, cứng đầu thậm chí là...hỗn. Khi người ta "bí hầm dừa" mà ko muốn thừa nhận, người ta hay...tấn công người hỏi.
     
    Mình may mắn là không còn gì để mất ở tuổi 27. Có ai nuôi dạy mình đâu, có ai giúp đỡ hay sống thay mình nữa đâu. Mình mang ơn ai cũng trả gần hết rồi nên ít bị chi phối kiểu: tao nói là phải nghe lời!
     
    Lúc 21t, quay lại Sài Gòn mình học...Công Nghệ Thông Tin. Học cả xây dựng và quản trị hệ thống mạng. Biết bao nhiêu tiền của, thời gian, công sức chỉ để đi làm kiếm tiền. Vì mình không yêu thích công việc kỹ thuật. Mình ráng gồng để làm phần vì phải sống, phần vì chưa biết làm gì khác, phần lớn thì là phải trả lời với xã hội ta là ai.
     
    Hên quá! Cô người yêu cũ rốt cuộc ko chịu đi lấy chồng, thấy mình ngon quá nên tiếc hay sao ấy. 28 tuổi mình lập gia đình. Kịp trả lời bên nhà vợ thằng này làm IT, công ăn việc làm ổn định. Lấy vợ một thời gian mình dẹp hẳn IT, hết ổn định tới giờ kkk...
     
    Mình mất 3 năm lính, 1 năm học lại lớp 12, 3 năm học nghề mà rốt cuộc vẫn ko hạnh phúc khi ra đời làm việc. Mình cay đắng lắm. Nên từ đó, mình quyết định chịu trách nhiệm toàn bộ mọi chọn lựa sau này trong cuộc đời mình.
     
    Ko ai dạy thì tự học.
     
    Ai tư vấn thì mình tham khảo, cảm ơn và chịu trách nhiệm ra quyết định.
     
    Cố ko phải hối hận càng nhiều càng tốt. Lỡ chọn sai thì ráng chịu ko đổ thừa cho bất kỳ ai nữa.
     
    Tư duy phản biện, nếu biết dùng đúng cách, nó đưa chúng ta tới rất rất nhiều sự hiểu biết. Phản biện để tìm ra các nguyên nhân gốc, tìm ra các cơ sơ vững chắc để ra quyết định. Phản biện ko phải là bật sếp hay cãi cha cãi mẹ, cãi nhau.
     
    6. Tập sống thật:
     
    Có lần mình nghe thầy Thích Minh Niệm chia sẻ đại khái thế này: làm người, được sống thật là hạnh phúc lắm. Với chính mình và với nhau!
     
    Mình hiểu cái này lắm, vì cũng giống như mọi người từ khi mới bước ra xã hội đến giờ, hay thậm chí là từ chính trong gia đình, với bạn bè.
     
    _ Ta ko dám nói ra cái mình đang nghĩ. Sợ bị chỉ trích, dè bĩu, lên án.
    _ Ta không dám làm những gì mình thích. Sợ trở thành thằng dở hơi, con hâm trong mắt người khác.
    _ Ta càng không dám thể hiện hết những gì thuộc về ta, mà phải nhìn mặt mọi người mà cư xử cho nó...an toàn. Ta chán!
     
    Mình, từ nhỏ đâu có được sống gần gia đình. Mấy chỗ nội trú hở chút là bị thầy cô đánh đòn để vào khuôn khổ. Chơi với mấy thằng lớn hơn hở chút là nó bụp, trẻ con mà. Nên, mình nhanh chóng biết nhìn sắc mặt người lớn, biết nhìn mấy thằng mình đánh không lại mà hành xử để tránh bị đòn oan.
     
    Rồi mình khéo dần đi.
     
    Hồi xưa chưa có từ "thảo mai". Một là khéo, hai là giả tạo. Thảo mai hiểu sát nghĩa là nó nằm giữa 2 thứ đó, khéo..quá khéo. Một ngày kia ko nhớ từ khi nào, chắc cũng phải tầm 30-32 tuổi, mình chợt nhận ra 2 điều:
     
    _ Một là mọi người xung quanh dè dặt với mình, dù cái bụng mình thiệt nhưng mình cư xử khéo léo quá cái người ta sờ sợ. Mình tức, mà chẳng biết phải nói sao nữa.
     
    _ Hai là mình...mệt. Mệt vì quá quan trọng cái nhãn người ngoài dán cho mình. Mệt vì phải nhìn sắc mặt mọi người mà sống.
     
    Và quan trọng nhất là nếu tiếp tục khéo léo một cách giả tạo như thế, chúng ta sẽ dần trở thành Ngụy Quân Tử lúc nào cũng chẳng hay. Vứt cuộc đời rồi còn gì?!
     
    Cái mình bắt đầu thay đổi, mà nó không có được như bây giờ đâu, nó...kỳ lắm!
    Cụ thể là mình bắt đầu chọn "thô mà thật" như người ta hay nói. Nhưng nó làm mình thành một thằng.... Vô duyên mà tưởng mình hài hước, dùng lời nói làm tổn thương người khác một cách tào lao còn tưởng mình thẳng tính. Đại khái thế.
     
    Tập mãi rồi cũng tàm tạm như bây giờ. Mọi người đều biết mình thẳng và thật, nhưng cũng sâu sắc và khéo. 
     
    Sống thật sướng thiệt. Nghĩ, Nói, làm khá là giống nhau. Đỡ mất bao nhiêu là thời gian để gồng, để diễn, cũng không phải chịu đựng sự giả tạo của chính mình và những người xung quanh. Sướng chỗ đó!
     
    Hồi đầu sẽ mất một số mối quan hệ, lâu dần thì đỡ lắm mọi người.
    Tập sống thật đê.
     
    7. Học cách yêu thương, giúp đỡ người khác xịn hơn, bỏ tật Anh Hùng Rơm!
     
    Ngày đó, từ khi xuất ngũ, tự dưng cái mình nhận hết mọi trách nhiệm đòi lại Tôn Nghiêm, sự Tôn Trọng cho...cả gia đình mình.
     
    Mình đã nghĩ dùm, làm giúp thậm chí là sống thay cho người thân khi cần thiết. Cộng với cuộc đời riêng của mình, nó quá nặng nề cho một chàng trai ngoài 20 và thiếu sự chuẩn bị.
     
    Hậu quả 1: đã không thật sự giúp được gia đình đúng nghĩa (vì hễ mình rời đi là họ bất ổn), mình còn làm cho chán nản, làm cho mệt mỏi những người "ngoài gia đình" đã yêu thương, giúp đỡ mình.
     
    Hậu quả 2: mình kiệt sức, tủi thân, trầm cảm, giận người, giận đời. Đổ thừa cho tất cả, trách móc mọi thứ và...buông xuôi cả sự nghiệp vì ko thèm làm gì nữa.
     
    Hậu quả 3: tự mình đã tập cho người thân của mình một thói quen tất cả những gì mình làm cho họ là đương nhiên. Chuyện họ giỏi lên, ngon hơn là...trách nhiệm của mình. Mình cũng luôn xịn sò trước mặt họ, lâu dần chẳng ai còn quan tâm mình có vui ko? Có gặp khó khăn gì ko? Và...họ vừa vô ơn, vừa vô tâm dần đi. Tại mình cả!
    Đến khi mình quyết liệt rời xa họ, đương nhiên họ...trách móc mình rồi. Là vậy đó, yêu cầu và trách móc.
     
    Mình cay đắng và tủi thân lắm!
     
    Nhưng khi hiểu ra rằng ko còn kỳ vọng gì được từ mình nữa thì họ....sống khỏe re. Móa! Nói vậy hơi quá nhưng mà thật sự họ tự phát triển tốt hơn lúc mình cứ kèm sát họ nhiều kkk...
     
    Rồi mình cũng đúc kết được 2 điều quan trọng:
     
    _ Hóa ra mình làm tất cả mọi thứ có phần nhiều là để thõa mãn cái mong muốn thấy sự diễn ra đúng ý của mình trên cuộc đời họ, phần khác là để tự thấy mình là 1 người gánh vác, 1 anh hùng kkk... Là yêu thương dữ chưa hay là áp đặt, là sở hữu tất thảy?! Sau này mình để ý cái tâm mình dữ lắm cái chỗ này. Bỏ thói anh hùng rơm.
     
    _ Yêu thương hay giúp đỡ người ta là phải đúng cách, không làm người ta ỷ lại, dựa dẫm hay lợi dụng mình quá nhiều. Khi đó mà mình rời đi hay lấy lại bớt cái mình cung cấp đương nhiên người ta còn khó sống hơn trước khi có mình.
     
    Mình kiểu ra: có tâm, biết nhiều cách có thể chỉ dạy, nhưng ko bao giờ sống thay hay làm dùm bất kỳ ai điều gì nữa. Từ anh em, gia đình, cộng sự lẫn con cái. Chừa chỗ cho người ta ghi điểm, rèn luyện, tạo lập giá trị.
     
    Nhớ nha mọi người, bỏ thói anh hùng rơm (ta không thật sự tốt như ta nghĩ đâu) và nhất định phải học cách yêu thương và nâng đỡ người khác. Sai cách là tướt mất đi sự trưởng thành của người ta đó đa.
     
    8. Tìm được con người mà mình muốn trở thành:
     
    Có một sự thật, số người trưởng thành hài lòng với bản thân và cuộc sống mà họ muốn chủ động kiến tạo là không nhiều.
     
    _ Còn trẻ thì không biết mình muốn gì, trở nên như thế nào là phù hợp và làm mình hạnh phúc. Bản năng lại còn rất mạnh nên hoặc là lười biếng, chiều chuộng bản năng và cảm xúc. Hoặc là sống theo...kỳ vọng của gia đình, nhà trường và xã hội, hy sinh cái sở thích, sở trường của bản thân.
     
    _ Đến khi hiểu biết đầy đủ thì trên vai đã quá nhiều trách nhiệm. Đừng nói là sống như cách mình thấy hài lòng, riêng việc đối phó với áp lực cuộc sống đã quá mệt mỏi rồi. Những ước mơ thời trẻ thôi đành gác lại vậy...
     
    Mình, 27 tuổi chẳng có gì để mà mất nữa. Gia đình quá tầm thường, tài năng chẳng chịu hiển lộ, công việc thì cứ tàm tạm. Nói chung là chẳng ai phải tôn trọng mình đặc biệt cả. Đã thôi sống thay cho người khác, nên mình quyết tâm đi tìm cuộc đời mà mình muốn: ít ra nó phải đáng sống và thú vị chứ?!
     
    Trước 28 tuổi mình đã kịp thử qua làm thợ cắt kiếng nhôm, thợ sửa chữa tàu đánh cá, cùng mẹ làm shop hoa vải, bán đồ thờ cúng. Cùng anh Hai mở tiệm bán phụ tùng và sửa chữa xe máy, mở quán nhậu, mua bán máy tính, máy in. Rồi làm kỹ thuật viên sâu vào mảng setup, xây dựng và quản trị hệ thống mạng. Cũng IT cấp kỹ sư đồ.
     
    Nói chung là lãnh lương lẫn trả lương đều đã từng. Nhưng tất cả đều chỉ là việc để kiếm tiền sống, chẳng có cái nào chạm được vào 2 chữ đam mê hay xứng đáng được mình giới thiệu là Nghề Nghiệp.
     
    Mình điên máu lắm! May là mình lờ mờ nhận ra vài thứ ở bản thân:
     
    _ Thích làm kinh doanh. Chắc chắn ko phải dân kỹ thuật.
     
    _ Thích làm vua nước nhỏ hơn là làm quan nước lớn. Thích trả lương cho người khác hơn là lãnh lương.
     
    _ Thích tạo ra giá trị, thích học hỏi hơn thích tiền rất nhiều.
     
    Rồi mình dấn sâu vào kinh doanh.
     
    Nhưng mà nó...kỳ lắm. Nghĩa là đi bán hàng hay làm Tướng thì thích lắm nhưng mà...mau chán dã man! 
     
    Cái rồi mình tưởng là do mình chưa tìm được ngành phù hợp, mình đổi ngành, đổi sản phẩm, dịch vụ xoành xoạch. Cứ làm hòm hòm là bàn giao, tìm cái khác. Nội chuyện làm GĐKD mình chưa bao giờ lập lại sản phẩm cùng ngành và làm...tùm lum. Rồi cũng lên CEO làm thuê cho vài cty nhỏ. Cũng chán! Bị người thân và bạn bè xung quanh nói là kiểu hem cóa kiên trì, kiên định. Kể cũng phải.
     
    Mở dịch vụ chăm sóc xe hơi, mở cty phân phối thực phẩm, tiêu dùng nhanh, thuê anh em quản lý. Lấy tiền lương đi làm, trả lương lại cho mấy ông mình cần đầu tư và giao phó ( cty mình cộng tác với 20 Nhà Sản Xuất, là học đủ thứ chứ đùa), mình cũng chán!
     
    35 tuổi mình kiểu: ủa, có gì tui chưa thử đâu, rồi tui là ai đây?! Nó cứ thiếu thiếu thế nào ấy....
     
    Rồi mình bán lại cty, bán cơ sở dịch vụ, trả chức CEO lại cho ông anh. Mình về nhà chăm sóc gia đình nhỏ, chẳng biết đoạn đời kế tiếp nó phải thế nào nữa....
     
    Thành tựu ở tuổi 36 là 1 vợ, 2 con, có nhà, có xe, hết sợ đói, hết mặc cảm, chẳng phải nhìn sắc mặt ai để sống, mang theo 1 đống trải nghiệm và...hoang mang tập 2..

    ----

    Lê Minh Mẫn

    Ngày đăng: 17-01-2024 194 lượt xem