• ĐI LỄ CHÙA ĐẦU NĂM: NHỮNG QUAN NIỆM SAI LẦM BẠN CẦN BIẾT

    Những sai lầm lớn khi đi lễ chùa mà nhiều người mắc phải. Khi làm sai, có thể con người không những không tạo được công đức mà còn có thể mắc thêm đại tội với Phật.

     

    Ý nghĩa những vật lễ cúng Phật

    Trong nghi lễ Phật giáo, sáu lễ vật dâng cúng, gồm có: Hương, Hoa, Đăng, Nước, Quả, Thực (Nhang, Bông, Đèn, Nước, Trái, Thức ăn).

    Hương (Nhang): dâng hương cúng Phật có 5 ý nghĩa, gọi là Ngũ Phần Hương, gồm có:

    1. GIỚI HƯƠNG: Tức trong tự tâm chẳng quấy, chẳng ác, chẳng ganh tỵ, chẳng tham sân, chẳng cướp hại.

    2. ÐỊNH HƯƠNG: Thấy những cảnh tướng thiện ác, tự tâm chẳng loạn.

    3. TUỆ HƯƠNG: Tự tâm vô ngại, thường dùng trí tuệ chiếu soi tự tánh, chẳng tạo điều ác, tâm chẳng chấp trước, phải kính trên mến dưới, thương xót kẻ cô đơn nghèo nàn.

    4. GIẢI THOÁT HƯƠNG: Tự tâm chẳng phan duyên (hư vọng), chẳng nghĩ thiện ác, tự tại vô ngại. (Phan duyên: nghĩa là cái tâm người không bao giờ đứng yên mà luôn luôn vịn, leo bám vào ngoại cảnh, nào là sắc, âm thanh, mùi vị, v.v… rồi sinh ra tưởng tượng, thèm muốn. Do thèm muốn mà tạo ra các nghiệp bằng ý nghĩ, lời nói và hành động để chiếm làm của mình, gây ra nhiều tội ác.)

    5. GIẢI THOÁT TRI KIẾN HƯƠNG: Tự tâm đã chẳng phan duyên thiện ác, chớ nên trầm không trệ tịch (bảo thủ), phải tu học pháp tối thượng thừa, nhận tự bản tâm, thông đạt lý Phật, hạ mình để tiếp người, vô nhơn vô ngã, thẳng đến Bồ đề, chơn tánh chẳng đổi.

    Hoa: biểu thị cho nhân, nhân sẽ biến thành quả, quả sẽ biến thành nhân. Nhân quả tương quan mật thiết, biến chuyển không gián đoạn, cho nên nói nhân quả bất không. Trước ra hoa sau mới kết quả, muốn quả đẹp thì hoa phải đẹp. Cho nên cúng hoa là biểu thị cho việc tu nhân, thiện nhân thì có thiện quả, ác nhân thì ác quả. Tu nhân là làm những điều thiện lành, tốt đẹp, thơm tho, trong cuộc sống hằng ngày nếu chúng ta làm được việc thiện nào, hay dừng được việc ác nào, thì đó là những bó hoa tươi thắm đem dâng cúng chư Phật. Hồi tưởng lại đời sống cao thượng, phẩm hạnh vi diệu của đức Phật, mà quyết cố gắng noi theo, chớ không cầu khẩn van xin “quả” ngọt, vì không thể tự mà có.

    Quả: biểu thị cho quả báo, là điều mà chúng ta mong cầu. Muốn có quả tốt chúng ta phải biết tu trồng hoa tốt. Trong Phật pháp Đại thừa, hoa được hiểu là biểu thị cho lục độ: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Tất cả những điều đó gọi là hoa lục độ, sau đó mới có thể đạt đến quả báo viên mãn. Cúng quả có ý nghĩa là như thế.

    Đăng (đèn): Biểu thị quang minh, trong quang minh còn có ý nghĩa rất sâu, “đốt cháy chính mình soi sáng cho người”, vì vậy đèn là biểu thị cho việc chúng ta vì xã hội mà phục vụ, vì chúng sanh mà phục vụ, xả mình vì người, dầu thì càng đốt càng hao, ánh sáng thì càng ngày càng mãnh liệt. Bạn phải hiểu được cái ý này, nếu không thì việc đốt đèn đó của bạn cũng vô ích, thắp đèn thì có lợi ích gì.

    Nước: Nước dù có nấu sôi cỡ nào để một hồi nó cũng nguội. Còn nếu chúng ta chịu để yên, yên tịnh, thì tự nhiên nước nó lắng, nước sẽ nguội. Biểu thị cho thanh tịnh bình đẳng, là “Bồ Đề tâm”, nhìn thấy ly nước này, thì tâm của ta phải thanh tịnh, phải bình đẳng, đó là chân tâm, không phải là Phật Bồ Tát cần nó để uống. Cho nên không thể nào cúng trà, nước trà có màu sắc, không thanh tịnh, phải dùng nước trong.

    Thực: Phật bảo ở đây nơi thôn quê hay thành thị nào có một nữ nhân hay nam nhân quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, tránh xa sự sát sanh, tránh xa sự trộm cắp, tránh xa sự tà dâm, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự uống rượu và các chất say, là người có giới đức, là người có thiện pháp. Tâm đã dứt bỏ sự bỏn sẻn, sự ô nhiễm. Tuy còn tại gia mà có tâm dứt bỏ, xả thí, thỏa thích trong sự bố thí không nhơ bợn, biết thông cảm đến người xin, hoan hỷ chia sớt vật thí đến tất cả mọi người. Đó là hương mà hương của nó bay xuôi lẫn ngược chiều gió.

    Nhiều người không rõ về ý nghĩa sâu xa của lễ vật cúng Phật nên bày biện đủ thứ thức ăn uống như yến tiệc thịt cá, heo quay linh đình…, thật là phí của, phí công mà lại còn gây thêm tội.

    Mâm mặn thật đầy cúng Phật…có phải là điều nên làm??

    Cúng dường Phật rượu, thuốc lá ??

    Người dân chen chúc nhau cắm hương tại chùa.

    Trong đạo Phật, việc đốt hương chỉ là mang tính biểu tượng, không có kinh sách nào nói về việc phải làm điều này trong các buổi lễ. Còn việc người dân hay quý thầy thường thắp ba nén hương trong mỗi buổi lễ có thể xuất phát từ con số 3 của Tam bảo (Phật - Pháp - Tăng), Tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới), Tam thời (Quá khứ - Hiện tại - Vị lai), Tam vô lậu học (Giới - Định - Tuệ)... Trong đó Tam vô lậu học là ba môn học rất hệ trọng trong giáo lý đạo Phật. Có thể nói, toàn bộ hệ thống giáo điển của Phật giáo đều được xây dựng trên ba môn học giải thoát này.

    Các chùa khuyến khích Phật tử chỉ nên thắp 1 nén nhang đó là nhằm tránh hỏa hoạn và ô nhiễm môi trường với những người xung quanh. Việc thắp nhiều hay ít nhang không quan trọng mà chủ yếu là ở tấm lòng của người hướng đến những điều Phật dạy mà thôi. Nên hiểu và làm đúng ý nghĩa của việc thấp hương.

    Ý nghĩa của tượng phật

    Trong đạo Phật không có hình tượng nào gọi là linh tượng, theo nghĩa linh thiêng huyền bí, cầu gì được nấy, cũng không có hình tượng nào gọi là thánh tượng, theo nghĩa các vị thánh chuyên ban phước giáng họa.

    Chúng ta nên biết: hình tượng làm bằng gổ, bằng thạch cao không chịu được búa bổ; hình tượng làm bằng vàng, đồng, không chịu được lửa thiêu đốt. Các hình tượng dù bằng vật liệu nào cũng phải chịu qui luật vô thường: thành, trụ, hoại, diệt.

    Trong đạo Phật, chỉ có tôn tượng, theo nghĩa hình tượng để tôn thờ, lễ bái, noi theo gương tu hành và công hạnh cao quí, đáng tôn kính, để sống đời và tu tập đúng chánh pháp, hành đúng chánh đạo, cuối cùng là trọn thành Phật đạo.

    Phật không phải ở trên bàn thờ, trong những pho tượng, mà là ở trong tâm thức của mỗi người, nhìn thấy tượng thì hướng phật. Ngoài những nén hương dùng lửa đốt cháy, chúng ta còn dùng đức tin của mình thắp lên những nén Tâm hương – tức là hương từ trong tâm.

    Không ai chơi đồ gỗ, khoe đá quý, đi xe tiền tỉ, không treo ảnh chụp chung với quan chức, không chưng bằng chứng nhận "kỷ lục".

    Đạo Phật không có khái niệm về đấng toàn năng

    Thượng tọa Thích Ðức Thiện, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết giáo lý Phật giáo nhấn mạnh tới thuyết luân hồi, nghiệp quả. Theo đó, con người chúng ta là cấu thành của năm yếu tố (ngũ uẩn) gồm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Khi kết thúc đời sống, sắc chính là phần vật chất bị hủy hoại. Thọ, tưởng, thành, thức chịu sự chi phối của nghiệp lực và luân hồi. Mọi thứ đều do tâm thức tạo ra. Nghiệp do chịu sự chi phối của nhân quả, có nghiệp tốt, nghiệp xấu…Tất cả đều do hành động và ý của bản thân tạo thành. Cho nên chỉ chúng ta mới có thể giải nghiệp cho chính mình, không ai giải nghiệp hộ được, kể cả Đức Phật. Phật dạy chuyển nghiệp bằng tu nhân tích đức, làm việc thiện lành, tạo thiện căn, duyên tốt để chuyển hóa được nghiệp. Không hề có chuyện thỉnh vong hay giải oan nghiệp gì cả, đức Phật không hề dạy như vậy.

    Đức Phật khám phá ra chân lý và là người thầy chỉ đường, còn việc đi hay không là ở mỗi người. Học thuyết của đạo Phật là những con đường đưa chúng ta đến an lạc, vì vậy hạnh phúc thật sự không phụ thuộc vào trí tưởng tượng, mà phụ thuộc vào nhận thức của ta về bản chất của mỗi vấn đề, hiểu đúng và làm đúng theo triết lý của phật.

    Đức Phật không đặt ra sanh tử, tội phước, và nhân quả, … Dòng sông bẩn không thể cầu xin cái là sạch, mà chỉ có thể làm sao để nó không bị bẩn ngay từ đầu. Tương tự ở con người. Đó là quy luật nhân quả của cuộc đời.

    Khi giác ngộ lời Phật dạy chúng ta sẽ có khả năng chấp nhận và vượt qua thử thách một cách dễ dàng hơn. Không tu tập và không làm như lời phật dạy, dù thành tâm đến đâu, dâng hương cầu nguyện nào có được gì.

    Cầu khấn tài lộc, sự vụ làm ăn, buôn một bán mười.

    Cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi, mà không tu nhân tích phước, không tu tâm dưỡng tánh, không dừng các nghiệp ác bất thiện, phỏng có được gì.

    Xoa đầu, xoa bụng tượng, nhét tiền vào tay, vào lòng tượng, xoa tiền lẻ lên thân tượng, rải tiền khắp nơi.

    Chùa là nơi thờ tự Phật, có thể nói là nơi mà pháp thân của Phật ngự. Vậy mà hằng bao nhiêu âm hồn người chết lại có thể ở ngang hàng cùng một nơi, cùng một gian, cách bàn Phật có vài bước chân. Biến ngôi chùa thành như nghĩa trang với đầy tro cốt.

    Đi chùa cầu tình

    Đem con “bán khoán” lên chùa với mong muốn con ăn ngoan, ngủ sâu, nhanh lớn, ít ốm đau, thông minh và gặp nhiều may mắn.

    Theo chùa “thiêng” bỏ chùa làng

    Có người đặt câu hỏi, vì sao người phương Tây đến nhà thờ chỉ để xưng tội, để sám hối, để mong được tha thứ; còn người phương Đông chúng ta cứ lên chùa là xin: nhẹ nhàng thì xin sức khoẻ xin bình an, tham lam hơn thì xin tiền tài xin danh vọng, nói chung xin đủ thứ có lợi cho mình?

    Khi việc may mắn đến, mình biết ngay rằng: đó là phước báo, do việc thiện lành chính mình đã làm. Việc không may xảy đến, mình biết ngay rằng: đó là quả báo, do việc bất thiện chính mình đã làm. Theo chánh pháp, nên biết rằng: chỉ có phước báo mới làm giảm bớt hay tiêu trừ quả báo mà thôi!

    Chuyện lên chùa xin lộc đầu năm: Những gì bạn xứng đáng được nhận, không xin nó cũng đến. Những gì bạn không xứng đáng được nhận, thì xin bao nhiêu cũng chẳng có ai cho.

    Tục đốt vàng mã không phải là quan niệm của đạo Phật

    Mà do bắt nguồn từ hủ tục ngày xưa, khi vua chúa Trung Hoa chết đi thì tất cả những vật dụng quý giá của họ khi còn sống kể cả thê thiếp, thuộc hạ được sủng ái cũng đều phải chôn theo. Hủ tục bất nhẫn này gây ra nhiều chính biến, nên cần được thay thế.

    Bắt đầu từ khi có giấy, người ta nghĩ đến việc biến chế vàng bạc, áo quần… bằng giấy thay cho đồ thật để đốt đi sau khi cúng kính.

    Rồi sau đó là vì các mục đích chính trị, kinh tế, mà thương nhân, quan lại đã gây nên sự mê tín dị đoan lan truyền ra khắp mọi người, ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng kéo dài cho mãi đến ngày nay. Sự thật chỉ là mánh khóe gian lận của con buôn, lợi dụng sự cả tin của đại chúng mà mưu cầu lợi ích riêng tư.

    Dân tộc ta trải qua hằng ngàn năm bị lệ thuộc Trung Hoa nên nhiều tập tục của họ đã lây nhiễm sang ta một cách đương nhiên, bất kể là chuyện tốt hay chuyện xấu. Chúng ăn sâu vào tâm thức của người dân Việt Nam nên rất khó từ bỏ trong một sớm một chiều. Thậm chí, nhiều người coi đó là một trong những nét văn hoá của phong tục thờ cúng gia tiên.

    Nhưng sau khi biết rõ tích của việc đốt vàng mã, liệu chúng ta có nên gây những lãng phí nữa không? Đã là tập tục thì khó bỏ, chỉ trừ có sự đồng thuận của mọi người trong xã hội.

    Cúng dường Phật tiền lẻ, tiền địa phủ, hóa vàng mã tại chùa

    Cúng đồ giả - cầu đồ thật, không chỉ tham lam mà còn gian dối!

    Người dương biết làm phúc, để người âm siêu thoát. Chúng ta nên lên chùa, thành tâm cầu nguyện hồi hướng công đức cho người mất. Nếu có tiền để mua sắm vàng mã đốt cho cha mẹ, thì nên dùng tiền đó để chia sẻ cho những người nghèo khó. Còn cầu nguyện, chỉ cần tấm lòng thành, làm những việc lành, nếu không thành tâm thì làm gì cũng vô ích.

    HÃY QUAY VỀ TRUNG ĐẠO

    Thực ra, trong đạo Phật nguyên thuỷ, các tín đồ cũng tới chùa để tu học và sám hối. Không gian yên tĩnh của chùa cho phép con người tạm xa lánh những bon chen của đời thường, tĩnh tâm nhìn lại, trong những ngày qua, mình đã nói câu gì không nên nói, đã làm việc gì không nên làm.

    Tu có nghĩa là sửa. Chùa là không gian thích hợp nhất cho việc tu thân, nhưng không phải duy nhất. Người ta có thể tu tại gia. Nhưng dù ở đâu thì mục tiêu của tu thân cũng vẫn là quay về trung đạo...

    TA LÀ AI?

    TA chính là ông chủ của THÂN, TÂM, và TUỆ. Chúng chính là phương tiện để TA điều khiển giúp TA thực hiện được SỨ MỆNH làm người ở kiếp này.

    Vậy TA trả thù lao cho 3 phương tiện này là gì?

    - THÂN: Đòi ăn, đòi ngủ, đòi dục. Nếu TA không đáp ứng nó, nó sẽ “biểu tình”. Nhưng chiều chuộng nó, nó sẽ phá hỏng đời TA. Vậy nên, hãy cho nó ăn đúng bữa, nó ngủ đúng giờ, dục đúng chỗ đúng lúc.

    - TÂM: Nó đòi oai nên nó sinh ra tham lam để oai, nó sinh ra nghi ngờ vì sợ hãi mất oai, nó sân hận nếu ai đó làm nó mất oai, và nó thích sở hữu những thứ để oai. Nếu ta không đáp ứng nó, nó bảo ta chết đi còn hơn, nhưng TA đáp ứng hết nó, đời TA sẽ để nó điều khiển.

    - TUỆ: Nó đòi cái THÂN phải lao động nhiều, hưởng thụ ít; nó đòi thằng TÂM ngừng oai để TUỆ trưởng thành.

    Một ngày chỉ có 24h. Thằng THÂN và thằng TÂM nó đấu tranh nhiều thì TUỆ mệt (kém), mà TUỆ không đáp ứng được thì TUỆ không yên để trưởng thành. Vậy nên, TA là trung tâm điều khiển chúng để chúng sống hoà hợp trong ta, gọi là con đường TRUNG ĐẠO.


    P/s: TA không điều khiển được chúng, thì chúng sẽ điều khiển ta làm ta luôn đau khổ. Vậy TA phải luôn tu tập để có thể điều khiển THÂN, TÂM và TUỆ. Luôn phải ý thức được điều đó.

     

    Emanvn TH

    Ngày đăng: 28-02-2019 1,902 lượt xem