• KÍNH NGHIỆP - ĐỂ KHỞI NGHIỆP

    Cổ nhân thường bảo “Cái nghề đi với cái nghiệp”, xã hội tạo ra bách nghệ trong đời sống để phục vụ cho sự phát triển của nhân loại, và mỗi người tùy theo năng lực, sở trường, sở đoản lại có một cái “nghiệp” riêng để học một cái “nghề” phù hợp (hoặc nhiều nghề) mà lao động để tạo ra giá trị cho bản thân mình và cho xã hội.

    Thái độ kính nghiệp biểu hiện trên các phương diện sau:

    1. Kính tổ nghề

    Phần lớn các ngành nghề đều do các vị cụ Tổ trong nghề khai sinh. Tổ nghề là một hoặc nhiều người có công lớn đối với việc sáng lập và truyền bá, đặt nền móng cho một ngành nghề nào đó. Do đó họ được người đời sau tôn trọng và suy tôn là Tổ nghề. Người dân lập đền thờ và cúng kiến hằng năm.

    Như Hippocrate là một thầy thuốc Hy Lạp, được xem là ông tổ của ngành y phương tây. Ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, các thầy thuốc phải đọc lời thề Hippocrates khi chuẩn bị ra trường để nguyện hành theo. Kính Tổ để duy trì tôn ti trật tự và thái độ làm nghề nghiêm túc.

    Nên việc tìm hiểu Tổ nghề và lịch sử ngành nghề là điều cơ bản cần phải biết để thể hiện tinh thần kính nghiệp, một thái độ nghiêm túc với nghề, biết ơn những cha ông, những thế hệ đi trước để kế thừa những tinh hoa của họ và phát huy thêm để sáng rạng ngành nghề.

    Phàm những người coi trọng chữ “kính” đều là những người hành sự thành công.

    2. Kính nghiệp để Đạo đức với nghề

    Theo góc độ phật giáo. Tất cả những hành động có tác ý, dầu biểu hiện bằng thân, khẩu, hay ý, đều tạo Nghiệp. Nghề nào nghiệp ấy, người xưa thường nói “SINH NGHỀ TỬ NGHIỆP”. Tất cả những việc làm,lời nói và tư tưởng đều do tâm ảnh hưởng. "Khi không điều phục được tâm tức nhiên không thể kềm chế được việc làm, lời nói, và tư tưởng.

    Những là hành động sai trái sẽ gieo nghiệp xấu, và ngược lại. Ngày hôm nay ta gặt hái những gì chính ta đã gieo trong hiện tại hay trong quá khứ.

    KINH DOANH và ĐẠO ĐỨC là một. Tức là ta phải vun bồi đạo đức, trở thành người tử tế trước tiên thì công việc kinh doanh mới thuận lợi và phát triển.

    Người mà bất chấp tất cả, làm mọi việc chỉ để thu lợi cho bản thân, thì họ sẽ gặp những trái đắng chính là sự lo âu, bấp bênh, đau khổ, hay là luôn tồn tại cảm giác tội lỗi vô hình trong tâm trí. Ví như, khi người làm kinh doanh buôn bán hàng giả, lừa người lấy lợi, nói toàn những điều dối trá cốt chỉ để thu lợi về cho bản thân... Dần dần họ sẽ chịu cảnh sống trong cảnh nơm nớp, lo sợ sẽ vướng vào vòng lao lý; hoặc luôn giữ thái độ dè chừng vì sợ người khác cũng bày mưu tính kế hại mình.
     

    3. Rèn giũa và trau dồi chuyên môn

    Chỉ có kính nghiệp, con người ta mới luôn luôn cố gắng học hỏi, tự rèn giũa, trau chuốt và nâng cao tay nghề với chuyên môn của mình. Ngược lại, người không biết kính nghiệp thì công việc với họ chỉ là một sự tạm bợ để mưu sinh trang trải cuộc sống, hết 8 giờ ở sở làm thì được thảnh thơi nghỉ khỏe, đâu cần phải học hỏi trau dồi chuyên môn chi cho mệt.

    Trong quá trình đi làm, rất hiếm những người trẻ có tinh thần kính trọng nghề nghiệp của mình, thiếu sự chủ động học hỏi thêm kiến thức đang làm. Sự học, nếu không tiến ắt sẽ lùi.

    Với những đối thủ cạnh tranh trong cùng lĩnh vực ngành nghề của bạn. Kính nghiệp còn là tinh thần đề cao đối thủ, quý trọng những điểm hơn họ đang làm và đang có, để mà tiến lên cạnh tranh phát triển.

    Nếu bạn không xác định được Tổ nghề, chí ít bạn cũng cần biết được tên tuổi của những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực của mình ở Việt Nam và trên thế giới. Từ đó, bạn lấy họ làm hình mẫu hoặc tham khảo quá trình phát triển sự nghiệp của họ, câu chuyện thành công của họ mà học hỏi và phấn đấu để được giống như họ.

    Phải đề cao (kính) công việc của mình thì mới tìm thấy niềm vui (lạc) trong công việc. Có những người đi làm, có thể họ không thích người này người khác trong công ty, thậm chí có khi không thích cả sếp, nhưng khi bạn có được thái độ kính nghiệp thì mới tìm thấy cho mình động lực trong công việc để từng bước hoàn thiện bản thân.

    Khi bạn kính nghiệp, bạn không phải chịu áp lực là làm việc cho công ty hay vì một yêu cầu bất xứng ý nào khác ngoài mindset: Mình làm cho mình, để rèn luyện và nâng cao tay nghề của mình, vượt qua chính mình và phục vụ cho sự phát triển chuyên môn nghiệp vụ của bản thân.

    Kết lại, những người biết kính nghiệp, họ sẽ luôn tìm thấy hạnh phúc dù đi làm ở bất cứ đâu, bất cứ môi trường nào. Còn những người lười nhác, làm việc qua loa đại khái, giậm chân tại chỗ thì sớm hay muộn họ cũng sẽ bị lụt nghề và bị đào thải khỏi môi trường công việc đang không ngừng bị cạnh tranh trong tương lai.

    Vanhoahoc.vn

    Ngày đăng: 10-05-2023 206 lượt xem