• HỢP ĐỒNG STARTUP THƯỜNG BỊ 02 VẤN ĐỀ

    Có nhiều điều để nói về vấn đề này, nhưng giấy có giới hạn. Thường Hợp đồng Startup ký thường bị 02 vấn đề sau

     

     

    1. MÂU THUẪN

    Trên nói 1 đàng, dưới nói 1 nẻo. Nói qua email 1 kiểu, lúc thảo hợp đồng ra 1 kiểu khác. Lúc mâu thuẫn thì cãi nhau om sòm cả hai bên. Bên chửi ông lật lọng, bên bảo ông đọc ẩu ráng chịu.

    Chưa kể còn vụ ký đủ thứ, hứa đủ thứ từ xưa xửa xưa với một đống co-founder, nhân viên mẫn cán, nhà đầu tư ẩn danh (không có trên giấy tờ). Đến khi có nhà đầu tư vào thì để an toàn người ta phải miễn trừ, dẹp bỏ toàn bộ hiệu lực các thỏa thuận có liên quan từ trước đây chứ ai mà biết mấy ông từng ký cái gì trong quá khứ, của tôi thì tôi giữ. Xong một ngày đẹp trời, nhân viên, nhà đầu tư ẩn danh lòi ra, đưa 1 mớ thỏa thuận kêu: Cổ phần của tôi đâu, hứa lương hứa thưởng đâu, trả coi.

    Thế là lãnh đủ. Nhà đầu tư thì bảo: Ơ cái đấy các ông tự chịu, cổ phần của tôi tôi giữ. Tôi mà mất một miếng nào thì ông lo mà đền cho tôi.

     

    2. CHUNG CHUNG

    Cái bệnh chung chung là cái bệnh làm tổn hại không biết bao thời gian và giấy mực. Câu chuyện là Hợp đồng điều khoản nào cũng có, cái gì cũng quy định mà thật ra không đủ cái gì cả.

    Ví dụ hay gặp nhất là ghi chung thế này:

    - Nhà đầu tư cam kết và nỗ lực để giải ngân vốn đầu tư đúng tiến độ cho Startup.
    - Bên nào vi phạm thì phải nỗ lực khắc phục và đền bù cho bên còn lại, Founder có vi phạm thì Nhà đầu tư có quyền chấm dứt hợp đồng và lấy lại toàn bộ tiền

    Ủa rồi nếu không giải ngân thì làm gì nhau?

    Khắc phục đền bù bao nhiêu, 10 năm sau gửi tiền đền bù thì có vi phạm không?

    Vi phạm 1 lỗi bé tí tẹo là cũng bể Hợp đồng luôn hay sao?

    Lúc chấm dứt Hợp đồng thì hoàn trả gì cho nhau, thanh lý trong mấy ngày?

    Nếu đối tác "cóc thèm" ký thanh lý thì Hợp đồng để đó làm gì?

    Nghĩa là, đã chấp nhận 1 điều khoản thì phải “tưởng tượng” khi điều khoản bị “vỡ” thì tình huống nào xảy ra? Và xử lý thế nào? Chứ đừng quy định cho sướng miệng, rất không ổn. Có những cái chung chung có lợi, nhưng cái đấy sau này sẽ nói.

    ------------

    DN Việt khi làm ăn với đối tác nước ngoài thường chỉ quan tâm đến số lượng và giá cả hợp đồng. Trong khi đối tác nước ngoài thường quan tâm đến tất cả mọi thứ, từ việc mở tài khoản thanh toán ra sao, điều kiện thanh toán như thế nào, biên độ hư hỏng hàng hóa bao nhiêu, bảo hiểm hàng hóa bên nào phải lo và do công ty nào chịu trách nhiệm, bốc dỡ như thế nào...

    Đây chính là lý do mà khi có tranh chấp với DN Việt, công ty nước ngoài hiếm khi thua, còn chúng ta thì thường “thua trong thế thắng”.

    ---------

    Dĩ nhiên, dài không hẳn là tốt nhưng quá ngắn và sơ sài thì khó mà làm hợp đồng ổn được.

    Kiểu như chương trình tổ chức cần nhanh chóng, tiết kiệm nhưng phải hoành tráng.

    Ký hợp đồng thì thường thích hợp đồng ngắn, 1-2 trang A4 để các bên dễ xem dễ ký nhưng khi có sự cố thì phải giải quyết được, không để thiệt hại cho công ty.

    Khó lắm.

    Đã tốn bao thời gian để gọi vốn, bước cuối cùng cẩn thận 1 tí, không đáng là bao đâu. Thủ tướng dạo này bận lắm, không có thời gian đọc thư cầu cứu, mình nghe nói vậy.

     

    Lâm Tuấn Minh

     

    Ngày đăng: 27-12-2018 1,670 lượt xem