-
VỐN KHỞI NGHIỆP
Rất nhiều bạn khi khởi nghiệp, chỉ nghĩ đơn giản VỐN KHỞI NGHIỆP là Tiền để khởi nghiệp! Nên trong hành trang khởi nghiệp của bạn đó, ngoài Tiền ra, thì bạn ấy chẳng còn gì!
Và rồi, Tiền đó để đầu tư hạ tầng, để set up, tiền để mua mối quan hệ, tiền để đóng... HỌC PHÍ cho "thương vụ thất bại", các loại trải nghiệm phí. Tiền để mua kinh nghiệm...
Chưa đâu ra đâu thì... Hết tiền!
Sao bạn không định nghĩa VỐN KHỞI NGHIỆP theo một góc nhìn khác. Theo đó, VỐN KHỞI NGHIỆP được hiểu là bao gồm và không giới hạn những giá trị sau đây:
1. MỐI QUAN HỆ khách hàng, mối quan hệ xã hội. Một người khởi nghiệp có mối quan hệ xã hội tốt rõ ràng sẽ có những thuận lợi nhất định, so với một bạn chập chững bước vào đời! Nói cách khác, vị thế xã hội của bạn đóng vai trò rất quan trọng khi khởi nghiệp. Nếu bạn có điểm cộng trong lòng khách hàng thì càng tốt.
2. KINH NGHIỆM QUẢN LÝ TRONG LĨNH VỰC NGÀNH NGHỀ: Ví dụ: bạn khởi nghiệp trong lĩnh vực tay nghề cao, thì ít nhất bạn cũng phải là thợ lành nghề hoặc có ít nhiều kinh nghiệm tổ chức trong lĩnh vực đó. Hay như bạn khởi nghiệp ngành thương mại, thì bạn cần có tệp khách hàng mục tiêu...
3. SỰ AM HIỂU THỊ TRƯỜNG và ĐỐI THỦ CẠNH TRANH. Từ phân khúc khách hàng, cách thức tiếp cận, ... mọi thông tin về thực trạng thị trường ...
4. TIỀN ĐỒNG. Sau khi bạn đã có ít nhất ba điều kiện trên, chúng ta mới hãy bàn đến ý tưởng khởi nghiệp và Tiền để khởi nghiệp.
I> Vào lúc này, thông qua các điều kiện trên, bạn phải hội đủ được các yếu tố:
Năng lực sáng tạo: Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất khi bắt đầu con đường khởi nghiệp là bản thân bạn phải có một sự sáng tạo vượt bậc. Bởi vì khi đó bạn mới làm nên sự khác biệt giữa bạn và đối thủ, chỉ có sự sáng tạo hơn người mới có thể giúp bạn nhìn thấu toàn bộ thị trường hiện tại, tìm ra những nhu cầu chưa được đáp ứng, từ đó đưa ra kế hoạch kinh doanh cho riêng mình. Kế hoạch này không nhất thiết phải bao gồm những ý tưởng kinh doanh chưa ai biết đến hay hoàn toàn chưa ai nghĩ đến, mà nó phải tạo nên sự đột phá và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp của bạn.
Sự khác biệt trong sản phẩm, dịch vụ mà bạn cung cấp là điểm tựa quan trọng cho bạn trên thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt này. Vậy thì, thay vì tranh giành miếng bánh với các đối thủ lớn trên thị trường ra đời sớm hơn mình, mạnh hơn mình, nhiều kinh nghiệm hơn mình thì chúng ta có thể tự tìm ra một miếng bánh mới – mà tại đó chúng ta chính là người dẫn đầu.
Sự kiên trì: Thực tế đã chứng minh rằng những doanh nhân thành công là những người có tinh thần quyết tâm cao hơn những người bình thường để vượt qua những trở ngại, có sự đam mê và kiên trì hơn người để đứng lên từ những thất bại trong thời gian ngắn.
Kiến thức nền tảng cơ bản về chuyên môn: Việc hiểu biết các kiến thức cơ bản, chuyên môn trong lĩnh vực mình hoạt động hay nhiều khía cạnh khác nhau trong doanh nghiệp như sản phẩm, nhân lực, công nghệ, thị trường, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan là một bước đệm quan trọng giúp bạn tránh khỏi sự thất bại trong việc thiếu chuyên môn và những lí do ngoài ý muốn.
Kỹ năng nghiên cứu thị trường: Xu hướng thị trường, mức độ hấp dẫn, mức độ cạnh tranh, tốc độ tăng trưởng, xu hướng bán hàng. Kiểm tra hồ sơ các đối thủ cạnh tranh và đối chiếu với doanh nghiệp mình. Nhân khẩu học của khách hàng, vị trí địa lý, khách hàng điển hình, khách hàng tiềm năng, phương án tiếp cận. Nhân tố cốt lõi để thành công.
Kỹ năng quản lý tài chính: Quá trình khởi nghiệp sẽ cần một lượng tiền nhất định để xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư nhân lực với mức chi trả cạnh tranh thị trường, trong khi chưa thể hoạt động để có doanh thu ngay được. Do đó, cần có kế hoạch chi tiêu tiết kiệm và hợp lý ngay từ giai đoạn đầu cũng như trong suốt quá trình phát triển sau này của doanh nghiệp. Nắm rõ các chỉ số % chi phí lương, chi phí cố định, chi phí phát sinh, chi phí hoạt động, ... đem so với mức doanh thu đạt được, để xem lợi nhuận kỳ vọng, từ đó có giải pháp cân đối chi tiêu hợp lý với mức doanh thu để đảm bảo lợi nhuận.
Kỹ năng phân công, ủy quyền: Ủy quyền liên quan tới việc phân bổ trách nhiệm cho mọi người để hoàn thành công việc. Điều kiện lý tưởng mà bạn muốn đạt được là khi các nhân viên của bạn có thể thực hiện được tất cả các hoạt động hàng ngày trong doanh nghiệp mình. Ủy thác một cách hiệu quả sẽ giúp đạt được sự cân bằng giữa hiệu quả quản lý và hiệu quả hoàn thành công việc của mọi người. Nhân tố chìa khóa là biết cách để những con người trong doanh nghiệp của bạn làm việc thay bạn, chứ không phải bạn tất bật chạy theo quá trình hoạt động của doanh nghiệp mình.
Kỹ năng hoạch định chiến lược: Hoạch định chiến lược là một hoạt động rất quan trọng trong kinh doanh. Nó là quá trình xác định chiến lược công ty của bạn hay phương hướng và quyết định việc phân bổ nguồn vốn cũng như nhân sự. Bí quyết ở đây là việc biết làm thế nào để dự kiến được khả năng hoạt động của công ty bạn trong tương lai từ 3 đến 5 năm tới với kế hoạch kinh doanh chi tiết. Khả năng thuần thục các công cụ phân tích chiến lược như: BCG, SWOT, PEST, ...
Kỹ năng mềm: các kỹ năng mềm của bản thân bạn như: quản lý thời gian, quản lý cảm xúc, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán… cũng là một trong những yếu tố không thể thiếu. Kỹ năng mềm tuy không mang ý nghĩa quyết định đối với sự thành bại của doanh nghiệp nhưng nó là yếu tố hỗ trợ giúp gia tăng khả năng thành công cho quá trình khởi nghiệp của bạn và tạo thế chủ động cho doanh nghiệp của bạn trong các tình huống khó khăn có thể gặp phải.
Kỹ năng tuyển dụng và… sa thải: giỏi tuyển dụng cũng chưa đủ, chủ doanh nghiệp cũng cần sáng suốt trong việc sa thải. Xây dựng đội ngũ đồng hành là việc vô cùng quan trọng với các doanh nghiệp mới thành lập. Mục tiêu là có những nhân viên đầy nhiệt huyết, tài năng và có cùng chí hướng sẽ cùng bạn đưa công ty đến những mục tiêu.
Quyết đoán trong các vấn đề nhân sự sẽ tránh cho doanh nghiệp của bạn nhiều thất bại nhãn tiền. Cả nể không giúp công ty bạn tồn tại và phát triển. Bạn cần bước lên phía trước với sự tự tin, thoải mái và một đội ngũ toàn tâm toàn ý.
Xây dựng văn hóa trước khi xây dựng công ty: Hầu hết những CEO nổi tiếng, chẳng hạn như Tony Hsied của Zappos, đã định hướng về việc xây dựng văn hóa công ty trước cả khi thành lập. Chính cái tâm của người chủ sẽ tạo nên các giá trị thu phục nhân tâm, thu hút những người có cùng giá trị để tạo dựng sự nghiệp. Mỗi nhân viên khi tham gia vào đội ngũ đều nhận thức được rõ ràng sứ mệnh, tầm nhìn và mục đích của mình. Chính văn hóa công ty giúp bạn xây dựng một “lực lượng hùng mạnh” và khác biệt trên thương trường.
Biết lắng nghe và hành động: Nhiệm vụ của lãnh đạo không chỉ là lên kế hoạch và chỉ đạo. Kỹ năng lắng nghe cũng đóng vai trò trung tâm. Đặc biệt là trong giai đoạn khởi nghiệp, khi bạn vội vã thành công và có thể là thiếu tỉnh táo thì những lời khuyên và phản hồi luôn có giá trị. Việc tiếp theo bạn nên làm sau khi lắng nghe các ý kiến là phản hồi & bắt tay vào hành động. Chỉ có hành động mới tạo ra sự thay đổi.
Luôn tập trung: Steve Jobs sẽ không để nhóm của mình nghỉ ngơi, nếu chưa xong việc. Nghe có vẻ cực đoan, nhưng có lẽ đó là cách duy nhất để tập trung cao độ cho những công việc đầy thử thách.
Nói năng lưu loát: Không có nhà lãnh đạo tài giỏi nào lại gặp khó khăn trong việc trình bày những suy nghĩ của mình. Có thể bạn không có năng khiếu diễn thuyết hùng hồn như Steve Jobs, nhưng ít ra bạn cần biết cách thể hiện rõ ràng, ngắn gọn và chính xác những ý tưởng của mình cho mọi người.
Luôn quan tâm đến khách hàng: CEO giỏi là người hiểu sâu sắc những gì khách hàng muốn và cả những gì khách hàng ghét.
Giỏi thuyết phục: Ở vai trò lãnh đạo, CEO luôn phải đối phó với các nhóm lợi ích xung đột. Thứ mà khách hàng muốn thì các nhà đầu tư lại không thích. Vì vậy, bạn phải giỏi thuyết phục những người khác đồng thuận với mình, hoặc hơn nữa, là thay đổi cách nhìn và quan điểm của họ.
Chú ý đến tiểu tiết trước khi quản lý đại cuộc: Trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, nhà sáng lập phải tham gia tích cực vào mọi khâu, từ tài chính đến thiết kế. Con thuyền của bạn vừa ra khơi và bạn cần đảm bảo tất cả các thủy thủ sẽ cùng bạn đưa nó đi đúng hướng.
Thích ứng nhanh với thay đổi: Các doanh nhân giỏi có khả năng điều chỉnh sản phẩm và mô hình kinh doanh để đáp ứng những thay đổi bất ngờ trên thị trường cũng như nhu cầu tiêu dùng.
Tự quyết định nhanh chóng: Giám đốc điều hành của những công ty lớn thường có nhiều thời gian để phân tích sâu trước khi đưa ra quyết định kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp nhỏ thì phải liên tục đưa ra những quyết định và lựa chọn mỗi ngày.
Có tinh thần cạnh tranh khốc liệt: CEO ưu tú là người luôn muốn giành chiến thắng, luôn muốn có được những hợp đồng lớn, thuê được các nhân viên giỏi và thành công trong tất cả các thương vụ.
Can đảm: Mỗi doanh nhân khởi nghiệp, ít nhất phải có đủ can đảm để thành lập doanh nghiệp, kế đến là đủ can đảm để nổi bật, đủ can đảm để đối đầu với đối thủ và đưa ra những quyết định “khác thường”.
Hào phóng: Hào phóng ở đây không có nghĩa là chi tiêu rộng rãi. Một CEO hào phóng hiểu rõ tiểu tiết công việc nhưng theo đuổi kết quả vĩ mô, có tầm nhìn khác biệt độc đáo nhưng không ngại dành sự quan tâm chân thành, sẵn sàng hỗ trợ tất cả mọi người xung quanh.
II> Đánh giá lại khả năng của bạn:
Khả năng làm việc độc lập của bạn?
Liệu bạn có cần sự hướng dẫn liên tục và được động viên từ người khác? Công việc của bạn sẽ như thế nào nếu như không có ai theo sát và quản lý?
Nhiều người nghĩ rằng nắm được quyền quyết định có thể dễ dàng hơn nhiều, nhưng điều đó không phải luôn đúng. Mọi chuyện có thể khó khăn khi bạn khởi đầu không có một chỉ dẫn nào cụ thể về những việc cần làm. Một doanh nhân thành đạt hội tụ đầy đủ 3 tính cách: độc lập, tháo vát và không cần một ai theo dõi để đảm bảo làm việc năng suất và hiệu quả.
Kỹ năng làm việc nhóm của bạn?
Tại sao người việt nam cứ 2 người làm việc chung là sẽ rã? Đối với người Việt trẻ, từ “teamwork” đã được nói đến rất nhiều, nghe rất "sang", nhưng hình như nó vẫn chỉ được “nghe nói” chứ chúng ta chưa khi nào thực hiện đúng nghĩa. Họ ít khi thành công trong những dự án làm việc theo nhóm và sự hỗ trợ của nhiều thành viên, ở nhiều bộ phận chuyên biệt.
Phần nhiều là do thái độ, cái tôi, ..., nhân cách hình thành qua sự giáo dục và môi trường trưởng thành, chứ không đơn giản chỉ là qua mấy chương trình đào tạo Team Building, nó không có tác dụng.
Bạn có thể tham khảo một số lỗi ở đây để có phương án đánh giá và tiêu chí lựa chọn hay giáo dục, để có thể tạo dựng cho mình một đội ngũ cộng tác làm việc một cách ăn ý.
Bạn là người nghiên cứu sản phẩm hay doanh nhân?
Rất nhiều doanh nghiệp thành công được ấp ủ từ những ý tưởng tuyệt vời. Tuy nhiên, chỉ nuôi một ý tưởng tuyệt vời lại không thể đảm bảo cho một doanh nghiệp thành công. Có rất nhiều trường hợp mà người thành lập chỉ dừng lại tập trung vào sản phẩm, nguyên mẫu, bằng sáng chế… mà bỏ qua các khía cạnh khác của phát triển một doanh nghiệp. Chỉ phát triển để có một sản phẩm hoàn hảo không có nghĩa là khách hàng sẽ ngay lập tức đổ xô đến với doanh nghiệp.
Như một điều hiển nhiên, nếu bạn tự thấy mình giống với một người phát minh hơn là một doanh nhân thì điều này cũng không ngăn cản bạn bắt đầu kinh doanh. Tuy nhiên, bạn nên tìm kiếm thêm đối tác thông thạo các kỹ năng kinh doanh và có quan tâm đến ý tưởng của bạn để vươn xa hơn.
Ý tưởng kinh doanh có đáng giá với người tiêu dùng?
Có lẽ bạn đã nghe câu nói: "Hãy theo đuổi những gì bạn làm và tiền sẽ đuổi theo bạn", thế nhưng trên thực tế mọi việc không hoàn toàn giống với triết lý đó. Đam mê là chìa khoá của thành công, nhưng để xây dựng một doanh nghiệp có lợi nhuận, bạn cần cung cấp giá trị nhất định mà khách hàng đang tìm kiếm.
Chúng ta được trả tiền bằng cách mang giá trị cho thị trường. Tuy là mất thời gian để mang giá trị đến thị trường, nhưng chúng ta được trả tiền do giá trị mang lại chứ không phải thời gian.
Người tiêu dùng sẽ không quan tâm bạn đang theo đuổi ước mơ hay không, họ chỉ chi trả cho những sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu và mong muốn của họ. Nếu hoạt động trong lĩnh vực mà khách hàng không quan tâm, doanh nghiệp của bạn sẽ thất bại.
Doanh nghiệp của bạn có gì khác biệt?
Ý tưởng của bạn có tương tự như các doanh nghiệp khác đang hoạt động? Hay sẽ cung cấp sản phẩm, dịch vụ độc đáo? Quy mô của thị trường mà bạn đang hướng tới? Đó là những câu hỏi quan trọng mà bạn cần suy nghĩ, nhưng chìa khoá thành công không phải lúc nào cũng là tìm bằng được một thị trường trống rỗng, không tồn tại cạnh tranh (điều gần như là không thể). Thay vào đó, mọi thứ phụ thuộc vào cách bạn định nghĩa công ty của mình và vị trí trên thị trường.
Trong ngắn hạn, bạn không nhất thiết phải đưa ra một ý tưởng mới mà cần có được cái nhìn cơ bản về ngành công nghiệp đang hướng tới và nhận biết đâu là lĩnh vực tiềm năng. Liệt kê các cách tốt nhất để đáp ứng nhu cầu đó và áp dụng chúng. Bạn không cần đi trên một con đường mới nhưng phải cung cấp cho khách hàng lý do chính đáng để thuyết phục họ lựa chọn sản phẩm, dịch vụ của mình.
Bạn có sẵn sàng làm nhiều việc một lúc?
Khi còn là dân công sở, công ty luôn có những người để bạn gọi điện sửa chiếc máy in bị hỏng hay để hợp tác mở một gian hàng triển lãm thương mại. Tuy nhiên, điều này sẽ không tồn tại nếu như bạn tự mình mở một doanh nghiệp.
Việc tự kinh doanh thường bao gồm rất nhiều các công việc, và đôi khi sẽ phải làm tất cả mọi thứ một mình. Bạn có thể trở thành kỹ thuật viên rồi ngay sau đó làm nhân viên bán hàng, chủ đơn vị kinh doanh... Trước khi tự mở doanh nghiệp cho riêng mình, hãy chắc chắn rằng bạn đã sẵn sàng để thực hiện hàng loạt các chức năng, bao gồm cả những công việc tẻ nhạt nhất.
Bạn xử lý thế nào khi bị từ chối và đối mặt với sự thất vọng?
Khi bạn đã đầu tư, việc bị từ chối bất cứ lúc nào cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, là một doanh nhân, bạn luôn phải đối mặt với rất nhiều tin xấu, có thể từ các nhà đầu tư, từ doanh số bán hàng đi xuống hoặc do ít lượng truy cập vào trang thương mại điện tử của mình. Nếu bạn suy nghĩ về các vấn đề phải từ bỏ hoặc do cảm xúc thất thường, bạn sẽ không những bị tốn thời gian mà còn không học được bất cứ bài học kinh nghiệm nào.
Tự trả lời những câu hỏi khó khăn phía trước là sự khác biệt giữa thành công và thất bại. Tuy nhiên, nếu một hoặc hai câu hỏi bạn không tìm được câu trả lời, có lẽ bạn cần phải coi lại.
Bạn có một kế hoạch kinh doanh rõ ràng?
Hãy nhớ, làm giàu từ hai bàn tay trắng nghĩa là bạn không có nhiều vốn để phung phí, vì vậy mọi thứ bạn làm cần phải chính xác theo như dự kiến, không được lãng phí dù một đồng một hào. Muốn vậy bạn nên lập kế hoạch rõ ràng ngay từ ban đầu.
Một kế hoạch hoàn hảo thứ nhất là phải đầy đủ, có mục tiêu cụ thể, có điều kiện cần và cách thức hành động cụ thể. Bạn không thể mơ hồ với con đường của mình mà muốn làm giàu được. Bạn cần tìm hiểu mình sẽ gặp những khó khăn nào, thử thách nào đang đợi mình ở phía trước để có biện pháp đối mặt hay phòng tránh.
Bạn có một nguyên tắc Hợp tác?
Khi một doanh nhân thành công không có đủ nguồn nhân lực cần thiết, anh ta sẽ kiếm tìm các đối tác. Việc tham gia vào các liên doanh xem sẽ giúp bạn lấp đầy những khoảng trống và giảm thiểu những rủi ro. Thay vì lập kế hoạch cho các trường hợp xấu nhất, các doanh nhân học cách thích nghi với những thay đổi và vẫn nỗ lực mà không nản lòng.
III> Rèn khả năng của bạn:
Học gì trước tiên: Giao tiếp và bán hàng
Giao tiếp là kĩ năng sống còn để thành công, còn bán hàng là kĩ năng sống còn của doanh nhân. Hãy tham gia 1 công việc bán hàng nào đó mà cần mình phải vượt qua ngại ngùng nói trước đám đông và biết chấp nhận sự từ chối của người khác 1 cách vui vẻ, học được cái tinh thần không bỏ cuộc là cực kì quan trọng. Khi khởi nghiệp thì đích thân chủ cũng là người bán hàng, kế toán, quét dọn, sản xuất …
Bán hàng là 1 nghề vinh quang vì họ nuôi sống cả tổ chức, hãy luôn coi mỗi lần bán hàng là 1 thử thách mình cần chinh phục. Tập bán thật nhiều các loại hàng hoá có thể vào để hiểu được cách tiếp cận với khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức khác nhau như nào.
Học kinh doanh nhỏ:
Khi đã “mặt dầy” thì hãy bắt đầu làm những việc mà cần mình phải bắt đầu làm 1 việc nào đó mà mình phải đứng mũi chịu sào lo toan toàn bộ. Nhớ câu thần chú “start small, really small”. Một số người thích kinh doanh và có 1 ý tưởng hay thường có 1 kiểu khởi nghiệp hài hước là dồn toàn bộ tiền của mình vào khởi nghiệp và làm cho nó thật hoành tráng tử tế. Họ đâu biết rằng 99,99% phi vụ kinh doanh đầu tay là sẽ thất bại. Không phải vì ý tưỏng tồi mà do khả năng thực thi của họ không tốt. Làm 1 vài phi vụ kinh doanh nhỏ sẽ dạy cho bạn những bài học rất ngấm về tiếp thị, vận chuyển hậu cần (logistic), chọn địa điểm (location), trang trí, bán hàng, đàm phán, mua hàng, chuẩn bị và lập kế hoạch, giữ được tinh thần chiến đấu không bỏ cuộc…
Học bơi thì phải uống chục lít nước trong bể mới thành được, chỉ đọc sách không làm bạn trở thành doanh nhân, phải đích thân xông pha.
Giảng sư Đại học Việt Nam tệ là vì họ không gần doanh nghiệp, những gì họ dạy thường từ sách, và số ít họ là kinh doanh 1 cái gì đó thực sự nên đừng trông chờ gì từ nên giáo dục đại học mà khởi nghiệp. Bạn học về “chiến lược”, “thương hiệu”… toàn là thứ dùng cho doanh nghiệp lớn. Doanh nghiệp khởi sự thì cái cần dùng khác sách giáo trình rất rất nhiều.
IV> Kết luận:
Để đạt được lượng VỐN tương đối như vậy, đòi hỏi bạn phải có đủ thời gian trải nghiệm trong công việc ít nhất 7-10 năm. Khi bạn đã đủ LỚN.
Tôi biết một bạn, khởi nghiệp hơn 2 năm trong một lĩnh vực, trong quá trình khởi nghiệp ấy, 4-5 dòng sản phẩm đã ra mắt. Cứ thua cái này, sẽ có sản phẩm khác ra mắt... Team khởi nghiệp 4 người, giờ còn 1 người. Và câu chuyện khởi nghiệp suốt 2 năm ấy, tuyệt nhiên không có đoạn nào kể đến: Dòng tiền không vào!
Một bạn khác, lao vào khởi nghiệp như con thiêu thân. Khi tôi hỏi đến 3 yếu tố trên. Bạn ấy trả lời: Em nghĩ rằng, nó sẽ là như vầy, như vầy, và... Như vầy! Nên em chạy thử!
Tôi không nói về kết quả khởi nghiệp của bạn này nhé!
Bạn ơi, Muốn khởi nghiệp nhất định phải có VỐN. Nhưng có những thứ tiền mua được, có những thứ tiền mua không nỗi đâu (vì nó đắt kinh khủng). Đó là kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng quản lý, là kinh nghiệm, trải nghiệm, là mối quan hệ,....
Hãy trang bị cho bản thân nguồn VỐN này trước khi cầm Tiền đi khởi nghiệp.
Còn nếu bạn cứ "Mặc kệ nó - Làm tới đi" thì bạn cứ chuẩn bị thật nhiều tiền vào để dành cho lần ....khởi nghiệp sau nữa nhé! Thật nhiều tiền vào.
Emanvn T/H | Tri San - Gr.PTDNV
Ngày đăng: 19-12-2018 1,086 lượt xem
Tin liên quan
- NƯỚC NGOÀI "NUỐT TRỌN" BÁN LẺ TRỰC TUYẾN
- CƠ HỘI KHẮP NƠI CHO CON NGƯỜI SÁNG TẠO
- CƠ HỘI NÀO KHI AMAZON HỢP TÁC VỚI VIỆT NAM?
- 5 XU HƯỚNG ĐỊNH HÌNH BẤT ĐỘNG SẢN VIỆT NAM 2019
- 10 CÔNG VIỆC LƯƠNG CAO NHẤT THẾ GIỚI NĂM 2019
- HỢP ĐỒNG STARTUP THƯỜNG BỊ 02 VẤN ĐỀ
- NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ STARTUP THƯỜNG GẶP
- KỸ NĂNG LÀM VIỆC NHÓM: TẠI SAO NGƯỜI VIỆT NAM CỨ 2 NGƯỜI LÀM VIỆC CHUNG LÀ SẼ RÃ?
- NHỮNG DỰ ÁN TIỀM NĂNG BƯỚC RA TỪ CUỘC THI STARTUP
- ĐIỀU GÌ ĐÃ GIÚP OYO CỦA CHÀNG TRAI 24 TUỔI TRỞ THÀNH CHUỖI KHÁCH SẠN LỚN NHẤT TẠI ẤN ĐỘ CHỈ SAU 5 NĂM THÀNH LẬP
- VINGROUP BẤT NGỜ CÔNG BỐ TRỞ THÀNH TẬP ĐOÀN CÔNG NGHỆ; THU HÚT NGƯỜI TÀI KHẮP THẾ GIỚI
- BẠN CÓ GẶP TRỞ NGẠI VỀ NGOẠI NGỮ KHÔNG?
- THÀNH CÔNG VỚI MẪU CV NGẮN GỌN
- ALIBABA KHỞI NGHIỆP VÀ BÀI TOÁN NHÂN SỰ
- STARTUP VIỆT VẪN CHƯA LỚN ĐẾN GIAI ĐOẠN NHẬN ĐẦU TƯ TRIỆU ĐÔ