• NHỮNG DỰ ÁN TIỀM NĂNG BƯỚC RA TỪ CUỘC THI STARTUP

    Tại môi trường startup luôn luôn phát triển và nhiều cơ hội mới, với ý chí luôn sẵn sàng đón nhận, không ngại va chạm, dấn thân, những người trẻ đã tìm được trúng mạch nguồn, như máy tính được thay cấu hình mới.

    Doanh nhân 8x và nền tảng trực tuyến chia sẻ xe tự lái

     Chungxe -  CEO Hoàng Hồng Minh 

    Là một trong 25 startup nổi bật trong cuộc thi Bình chọn Startup Việt do VnExpress tổ chức, dự án của CEO Hoàng Hồng Minh giúp khách hàng có nhu cầu thuê xe tự lái (ôtô, xe máy) kết nối với đơn vị cho thuê xe và cá nhân có xe nhàn rỗi thông qua website hoặc ứng dụng di động.

    Trước Startup Việt 2018, Chungxe được bình chọn là Ứng dụng nổi bật trong tháng của Cafe khởi nghiệp (VTV) tháng 3/2018, giải Nhất cuộc thi Hackathon về Giao thông thông minh do AngelHack tháng 7/2018 và Top 20 Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch (HIST).

    Tiền thân của dự án Chungxe là Otosharing phát triển cách đây một năm, với mục tiêu kết nối những người có xe nhàn rỗi, xe cá nhân với người có nhu cầu thuê xe tự lái. Ý tưởng này bắt đầu từ việc xe cá nhân của Minh ít khi dùng, cảm thấy lãng phí và muốn cho thuê. Tôi có nhu cầu cho thuê xe linh động theo ngày, giờ mình trống chứ không cố định vì vẫn có nhu cầu vào cuối tuần.

    Trên thế giới, các ứng dụng chia sẻ xe rất phổ biến. Ở Mỹ, Turo, Zipcar... đã có 7 - 8 năm nay. Song ở Việt Nam, nhận thấy chưa có một ứng dụng như vậy, tôi đã bắt tay vào thực hiện dự án để lấp đầy khoảng trống này.

    Chatbot bán hàng của ba kỹ sư 9x Việt được định giá 20 tỷ đồng

    Nhóm phát triển sản phẩm bot bán hàng. 

    Bắt đầu phát triển từ tháng 11/2017, nền tảng bot bán hàng thuộc Công ty TNHH Chatbot Việt Nam do ba kỹ sư 9x Lê Anh Tiến, Hoàng Minh Phú, Nguyễn Đình Tùng hiện có trong tay 77.000 khách. 

    Mức tăng trưởng khách hàng lên đến hơn 9000% cùng tiềm năng sử dụng chatbot tự động trong bán hàng online trên các website, nền tảng mạng xã hội khiến sản phẩm được nhiều nhà đầu tư để ý. Nhiều lời mời rót vốn được đưa ra nhưng nhóm liên tục từ chối.

    "Bot bán hàng mang những tính năng đặc trưng của một nền tảng quản lý bán hàng như bán hàng tự động trên Messenger, tối ưu hóa quản lý nội bộ và chuỗi cung ứng. Đặc biệt, chatbot này còn có tính năng quản lý quan hệ khách hàng (CRM), tạo data khách hàng và tự động tiếp thị sản phẩm. Khách hàng mua hàng có thể thực hiện thanh toán ngay trên chatbot mà không cần chuyển đổi sang giao diện khác", Lê Anh Tiến cho biết. 

    Ứng dụng được lập trình và đào tạo để thu thập tư liệu người dùng, phân tích hành vi, sở thích mua sắm, những mối quan tâm của khách hàng cũng như có khả năng đưa ra các dự báo để marketing tự động cho sản phẩm. 

    Ứng dụng được sử dụng phổ biến và đa dạng trong các lĩnh vực tư vấn, chăm sóc người dùng, marketing, quảng cáo, trả lời khách hàng...ở tất cả các nhóm ngành, sản phẩm, dịch vụ như: ẩm thực và đồ uống, sản phẩm công nghệ, điện gia dụng, nông sản, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, thời trang, đồ chơi, nhà cửa, sách, văn phòng phẩm, quà tặng, kiến trúc...

    Phần mềm chống gian lận trong thi cử lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam

    Thay vì nhận 6.000 USD hàng tháng từ Google, Lê Yên Thanh (1994) về nước khởi nghiệp với phần mềm chống gian lận trong thi cử lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.

    Cùng với hai người bạn, Yên Thanh là tác giả của Hệ thống xác thực trình độ học vấn bằng công nghệ blockchain (VEC) - một trong 4 công trình xuất sắc được trao giải thưởng 100 triệu đồng trong chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2018, do Trung ương Đoàn THCS Hồ Chí Minh tổ chức. 

    Chia sẻ về dự án VEC, Yên Thanh cho biết: "Vào đầu tháng 3 năm nay, nhóm chúng tôi đã bắt tay triển khai phần mềm này, trước khi xảy ra vụ việc gian lận trong thi cử ở Hà Giang, bởi chính mình cũng như các thành viên của nhóm nhận thấy việc tạo ra một kỳ thi nghiêm túc là thực sự cần thiết".

    VEC (Verify your Education Credentials on Blockchain) là một hệ thống cung cấp nền tảng thi cử và làm kiểm tra dựa trên công nghệ Blockchain. Mục tiêu của VEC là tạo ra một ứng dụng giúp tổ chức và lưu trữ dữ liệu thi cử một cách có hệ thống, qua đó góp phần tối ưu hóa về vấn đề bảo mật và an ninh mạng cho những dữ liệu quan trọng trong thi cử. Khi thí sinh đã bấm nút nộp bài, sẽ không một tổ chức, cá nhân nào có thể tấn công, tác động vào hệ thống, kể cả quản trị viên hay người tạo nên hệ thống VEC.

    Ngoài tính bảo mật thông tin cao, VEC còn giúp người dùng nhanh chóng chấm điểm, xếp hạng thi sinh theo điểm số cũng như lưu trữ thông tin, tạo hồ sơ cá nhân trong hệ thống dữ liệu. Điều này sẽ giúp các thí sinh nhanh chóng dùng thông tin để xin học bổng, xin việc một cách đơn giản.

    "Hiện tại ứng dụng này vẫn đang trong phòng Lap và có thể được tiến hành thử nghiệm trong các kỳ thi dành cho khoảng 10.000 người trở xuống. Còn những kỳ thi có quy mô lớn như thi THPT Quốc gia thì vẫn chưa sử dụng được. Nhóm cũng đang nghiên cứu để tăng giới hạn người sử dụng lên. Dự kiến khoảng cuối năm sau sẽ đáp ứng được những kỳ thi khoảng 1 triệu thí sinh tham gia" – Yên Thanh cho biết.

    Ngoài hệ thống VEC, công ty của 9x cũng đang nghiên cứu và mở rộng thêm các lĩnh vực về tài chính, kinh tế... ứng dụng công nghệ blockchain.

    Trước khi bắt tay thực hiện VEC, Lê Yên Thanh cũng sở hữu cho mình một số dự án khởi nghiệp nổi bật và tạo hiệu ứng như: Phát triển app điện thoại di động Umbala (Úm ba la) - ứng dụng di động này giúp người dùng quay clip hát karaoke, hát nhép vui, hài hước; Ứng dụng Busmap nhằm mục đích dò các tuyến xe buýt gần nhất, dễ dàng trong việc đi lại, di chuyển của người dùng tại TP HCM. Hiện tại Busmap có hơn 1 triệu người tải và sử dụng.

    Công ty Việt chọn lối đi riêng với triết lý `kinh tế camera`

    Phần mềm của camera TSS được ứng dụng công nghệ AI và Học máy, có thể tự động phân tích và xử lý các dữ liệu phương tiện giao thông kể cả trong điều kiện thiếu sáng và tôc độ nhanh. 

    Được thành lập tháng 3/2018, công ty TSS (Transport Surveillance System - Hệ thống giám sát giao thông) là nhóm startup công nghệ gồm 30 người - chủ yếu là các nhà khoa học, kỹ sư trẻ của Việt Nam, chuyên sản xuất phần cứng và phần mềm camera phục vụ quan sát và phân tích dữ liệu giao thông.

    Theo anh Hoàng Minh Phú, đại diện TSS, hiện nay các giải pháp camera có sẵn trên thị trường chủ yếu dừng ở việc nhận dạng biển số, nhưng chưa mang lại độ chính xác cao, hoặc chi phí bỏ ra rất lớn. Cụ thể, nếu lắp đặt một máy camera giao thông nhãn hiệu Sony hay Huawei thi chi phí có thể đến 5.000 USD mỗi máy, chưa kể đến các rào cản về an ninh, khả năng bị theo dõi, lấy dữ liệu từ thiết bị ngoại nhập.

    Trong khi đó, TSS tự tin với khả năng làm chủ công nghệ, sản xuất từ phần cứng đến phần mềm, chỉ với chi phí bằng 1/5. Hiện các sản phẩm camera của công ty đã được lắp đặt thử nghiệm tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Bình Định với số lượng hơn 50 máy.

    Công ty hướng đến các khách hàng mục tiêu như các ngành giao thông, cảnh sát, quản lý đô thị. Ở phân khúc tư nhân, TSS sẽ khai thác dữ liệu cho các doanh nghiệp cho thuê quảng cáo ngoài trời, kinh doanh bất động sản cần định giá quảng cáo hay bất động sản...

    "TSS hiện giờ có thể tự sản xuất camera giao thông có tầm nhìn xa và rộng, có thể quan sát được biển số, đèn tín hiệu giao thông, chịu được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Về phần mềm, toàn bộ hệ thống có các tính năng chính như phân loại phương tiện, nhận dạng biển số, theo dõi đèn tín hiệu giao thông, xác định lỗi vi phạm, đếm phương tiện và thống kê lưu lượng giao thông theo thời gian, địa điểm, loại phương tiện cụ thể, lưu lại toàn bộ dữ liệu để tìm kiếm, truy vết phương tiện giao thông...", kỹ sư hệ thống Minh Phú cho biết.

    Ngoài ra, các sản phẩm camera của TSS còn được ứng dụng công nghệ AI và Học Máy (Machine Learning) để nâng cao hiệu quả sản xuất. Công ty cho biết, sản phẩm camera đã có nhiều trên thị trường nhưng công nghệ đứng đằng sau chiếc camera đó vận hành như thế nào, có thể giải quyết những bài toán ra sao lại chưa được các đơn vị, tổ chức quan tâm đúng mức.

    Không chỉ đưa ra các công nghệ phục vụ cho các mục đích giao thông, an ninh, nhóm còn phát triển triết lý kinh tế camera bằng cách sử dụng lượng dữ liệu thu được để đánh giá đo lường giá trị của bất động sản, và khai thác thị trường quảng cáo ngoài trời.

    Theo TSS, giá trị của bất động sản phụ thuộc vào giá trị cư dân gần đó, nhưng chưa ai định lượng cụ thể. Vì vậy, nhiều quyết định chiến lược như chọn mua nhà, tìm điểm đặt cửa hàng, đàm phán giá thuê, chọn giờ đóng mở cửa hàng, ... đều dựa vào cảm tính để quyết định chứ không có công cụ cung cấp số liệu. Các yếu tố quyết định giá trị bất động sản, ngoài số lượng xe: Thu nhập, giới tính, tuổi, thói quen tiêu dùng, mục đích di chuyển, thời điểm di chuyển...

    Datamart trở thành quán quân Startup Việt 2018 với giải pháp bán hàng đa kênh tự động PowerSell

    Một số tính năng của Datamart

    Datamart thành lập vào tháng 5/2017 bằng vốn tự thân của năm nhà sáng lập. Đến tháng 9 cùng năm, công ty đặt ra mục tiêu phải có ngay doanh thu để từ nguồn này tiếp tục phát triển dự án. Nam và đồng sự không có ý nghĩ là chờ làm hết rồi mới giới thiệu sản phẩm bởi "bài học khởi nghiệp cho thấy bạn sẽ lầm tưởng và làm sai rất nhiều". 

    Thực tế diễn ra đúng với những gì Nam dự tính. Trong vòng hơn một năm qua, phần mềm Powersell giúp kết nối và quản lý bán hàng trực tuyến đa kênh đã ra mắt gần 100 tính năng. CEO cho biết trong số đó chỉ có 20-30% là cái mà thị trường thật sự cần, các tính năng còn lại thì thất bại. Nếu đợi chờ một sản phẩm hoàn hảo nhất thì có khi bây giờ startup còn chưa thể ra mắt thị trường. 

    Trong khi đó, nhờ định hướng rõ ràng, Datamart đã có doanh thu ngay từ đầu, liên tục hòa vốn, từ đó tái đầu tư cho các bước đi tiếp theo. Dù đến nay chưa có lợi nhuận nhưng ông Trương Gia Bình - Chủ tịch tập đoàn FPT, đồng thời là giám khảo Startup Việt 2018 đánh giá dự án chưa quảng cáo mà vẫn phát triển nhanh, đạt hòa vốn là điều rất đáng chúc mừng. 

    Bùi Hải Nam, sáng lập/ CEO Datamart cho biết, PowerSell là giải pháp bán hàng đa kênh tự động sử dụng công nghệ phân tích big data và AI để hỗ trợ các nhà bán hàng trên Lazada, Shopee, Sendo, Haravan, Zalo,…

    Giải pháp có một số tính năng quan trọng như quản lý tập trung tất cả các kênh trong một hệ thống duy nhất, phân tích dữ liệu và tư vấn quản lý qua trợ lý ảo, tự động hoá hầu hết các công việc quản lý gian hàng,…

    Sau một năm xây dựng và cập nhật, PowerSell đang hỗ trợ 4.000 nhà bán hàng, và hỗ trợ bán 35.000 đơn/ngày…

    Nền tảng này vừa bắt đầu triển khai tại Philippines đầu tháng 11/2018.

    Datamart đang nhắm đến thị trường mục tiêu là 2,5 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ toàn khu vực Đông Nam Á, với mức tăng trưởng 30% mỗi năm và ước tính đạt 8 tỷ USD trong 5 năm tới, theo báo cáo của Google và Temasek.

    "10% trong đó khách hàng bắt đầu trả tiền và đủ để chúng tôi đạt điểm hòa vốn trong thời gian vừa qua. Kế hoạch sắp tới muốn đưa sản phẩm này đến 6 nước Đông Nam Á, đạt lợi nhuận 3 triệu USD vào 5 năm tới", Bùi Hải Nam chia sẻ.

    Emanvn T/H

    Ngày đăng: 26-11-2018 1,115 lượt xem