• KỸ NĂNG LÀM VIỆC NHÓM: TẠI SAO NGƯỜI VIỆT NAM CỨ 2 NGƯỜI LÀM VIỆC CHUNG LÀ SẼ RÃ?

    Đối với người Việt trẻ, từ “teamwork” đã được nói đến rất nhiều, nghe rất "sang", nhưng hình như nó vẫn chỉ được “nghe nói” chứ chúng ta chưa khi nào thực hiện đúng nghĩa. Họ ít khi thành công trong những dự án làm việc theo nhóm và sự hỗ trợ của nhiều thành viên, ở nhiều bộ phận chuyên biệt.

    Đơn giản là vì không ai hoàn hảo cả, làm việc theo nhóm sẽ tập trung những mặt mạnh của từng người để đan chặt vào nhau.

    Hơn nữa chẳng ai có thể cáng đáng hay hiểu biết hết mọi việc, dưới áp lực tiến độ, và khả năng thực thi đòi hỏi sự chính xác cao. Vì vậy nhu cầu sử dụng tri thức, thế mạnh của mỗi thành viên được xem là nhu cầu cấp thiết trong bất kỳ dự án nào.

    Trong thể thao, các đội thường bao gồm những cá nhân có thành tích giỏi được lựa chọn cho các vị trí, rồi chiến lược thay người để thay đổi cục diện. Đã có khá nhiều người áp dụng một cách máy móc mô hình này vào lĩnh vực kinh doanh, và điều đó thường chỉ mang lại sự thất bại trong việc cố gắng lắp ghép nhiều người với các chuyên ngành khác nhau vào cũng một nhóm. Bởi thông thường, để tạo ra một nhóm, bạn cần phải xem xét tới rất nhiều yếu tố.

    Phần nhiều là do thái độ, nhân cách hình thành qua sự giáo dục và môi trường trưởng thành, chứ không đơn giản chỉ là qua mấy chương trình đào tạo Team Building, nó không có tác dụng.

    Dưới đây là một số nhận định về tình trạng thất bại khi làm việc theo nhóm ở VN. Vậy giải pháp cho vấn đề này như thế nào? Bạn có thể tham khảo một số lỗi dưới đây để có phương án đánh giá và tiêu chí lựa chọn hay giáo dục, để có thể tạo dựng cho mình một đội ngũ cộng tác làm việc một cách ăn ý.

    01- Chứng tỏ cái tôi hay năng lực cá nhân: 

    Các nhân viên Việt Nam rất hay gặp. Phải hiểu rằng: nhóm không phải là sân khấu để phô diễn, hay thể hiện mình.

    Một biểu hiện thường thấy của tính cách này đó là hay chỉ trích và phản đối ý kiến các thành viên khác trong nhóm.

    02- Biết nhiều nhưng không biết sâu:

    Công việc đòi hỏi rất nhiều các kỹ năng, kiến thức sâu và hẹp.

    Năng lực con người là có hạn và tri thức là vô hạn. Mỗi thành viên nhóm cần phải có năng lực chuyên môn đủ sâu để giải quyết các vấn đề theo yêu cầu.

    Các nhân viên Việt Nam thường không có chuyên môn sâu vào các lĩnh vực. Chính vì như vậy họ thường lan man bề rộng của chuyên môn thay vì bề sâu.

    03- Suy nghĩ cảm tính không dựa trên dữ kiện và tư duy logic:

    Các nhân viên Việt Nam thường hay tranh luận ngang - mà ít dựa trên dữ kiện và tư duy logic. Các vấn đề thực tiễn chưa được nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan.

    Bởi mọi vấn đề đều có cơ sở của nó, ở công ty thì quy trình quy định, chuyên môn thì cơ sở khoa học, kinh doanh thì chính sách hợp đồng hợp tác, kế toán thì có luật, ... Tranh luận không trên cơ sở nào thì đâu là điều đúng?

    Ngoài ra tư duy kinh nghiệm cũng là một trở ngại trong quá trình làm việc nhóm.

    04- Văn hóa làng xã, bề trên – nể nang không phê bình khuyết điểm:

    Tâm lý ngại va chạm thủ thế, khiến cho các nhân viên Việt Nam không kiên quyết phê bình và đấu tranh khi các thành viên nhóm không hiệu quả.

    Bản thân cá nhân có được lợi nhưng toàn bộ nhóm sẽ không đạt kết quả tốt.

    Suy nghĩ làm việc cho qua chuyện cũng là một yếu tố làm trầm trọng thêm khuyết điểm này.

    05- Không tách biệt vấn đề và con người:

    Khi mâu thuẫn xảy ra, các nhân viên Việt Nam thường không tách bạch con người và vấn đề.

    Thay vì bàn luận vấn đề, họ thường chỉ trích cá nhân người có ý kiến hay cách làm đi ngược với mình.

    Thói quen này có thể là nguyên nhân rất trầm trọng làm giảm tính hiệu quả của nhóm.

    Thực tế, tác giả đã gặp một việt kiều tên D khá nổi tiếng trong giới công nghệ thông tin tại Việt Nam và được giáo dục đào tạo trong môi trường phương Tây. Khi tranh luận với những ý kiến trái chiều ông ta thường hay sử dụng những từ ngữ không lịch sự đả phá những cá nhân có suy nghĩ trái chiều mình. Qua ví dụ đó để thấy rằng những gì thuộc bản chất rất khó thay đổi trong cuộc sống. Sự tôn trọng là nền tảng căn bản của nhóm hiệu quả và là sự khởi đầu của những tranh luận tích cực.

    06- Không tuân thủ quy trình và các luật lệ của nhóm:

    Khi gia nhập nhóm, các thành viên cần hạ cái tôi cá nhân của bản thân - thấp hơn nhóm làm việc.

    Các nhân viên Việt Nam thường không tôn trọng quy trình và các luật lệ. Tâm lý nước đến chân mới nhảy.

    Một ví dụ đơn giản là họ thường giao nộp các phần việc làm không đúng thời gian quy định. Hiện tượng này làm giảm hiệu suất của toàn nhóm.

    07- Giao tiếp không hiệu quả:

    Nhóm hiệu quả bắt buộc các thành viên giao tiếp hiệu quả trong quá trình làm việc. Đề ra các nguyên tắc giao tiếp và bắt buộc tuân thủ.

    Các thói quen xấu trong giao tiếp như nói nhiều hơn nghe, không truyền tải thông tin đầy đủ, luôn luôn trả lời hiểu mặc dù chưa hiểu hết v/v thường xuất hiện trong các nhóm làm việc tại Việt Nam.

    Ví dụ đề ra và tuân thủ những nguyên tắc giao tiếp sau:

    i. Hãy đến đúng giờ, trả lời tin 100% đúng giờ, điều đó giúp cho các thành viên khác trong nhóm không phải mất thêm thời gian.

    ii. Luôn đặt mục tiêu của cuộc thảo luận lên hàng đầu, tránh nói chuyện về những chủ đề không liên quan, gây loãng chủ đề, thiếu tập trung.

    iii. Hãy nghĩ mình là một phần tử của nhóm chứ không phải một cá nhân riêng lẻ. Thảo luận với cả nhóm chứ không chỉ với người ngồi cạnh bạn. Hãy rõ ràng và ngắn gọn, không phô diễn, hơn thua. Luôn ý thức rằng bạn đang sử dụng thời gian của tất cả mọi người.

    iv. Đừng ngắt lời người khác. Hãy lắng nghe và cố hiểu họ. Cũng đừng nghĩ về ý kiến sắp trình bày của mình, hãy chú ý những gì người khác nói. Nếu có gì chưa rõ, hãy hỏi lại khi họ kết thúc.

    v. Hãy đoàn kết để đạt đến mục tiêu chung. Không ai có đầy đủ kiến thức về bất cứ một vấn đề nào, chỉ có là họ đóng góp được nhiều hay ít mà thôi. Hãy thuyết phục mọi người bằng lý lẽ và dẫn chứng khoa học, chứ không phải bằng cảm xúc.

    vi. Đừng chỉ trích. Đừng phản đối ngay ý kiến của người khác dù bạn có thấy nó thiếu thực tế đến đâu. Cũng đừng gắn mỗi cá nhân với ý kiến của họ, chỉ thảo luận về ý kiến thôi, đừng chỉ trích riêng ai cả.

    vii. Hãy luôn tâm niệm rằng, kết quả cuối cùng thu nhận được phải là sự đồng lòng của cả nhóm, kể cả những cá nhân có ý kiến bị bác bỏ. Việc này không thể nhanh chóng đạt được mà phải cần có thời gian và kỹ năng.

    viii. Hãy cố gắng tôn trọng những thành viên khác và hướng tới mục tiêu chung.

    08- Khắc nghiệt với người khác và dễ dãi với bản thân:

    Các cá nhân việt nam thường khắc nghiệt với những người xung quanh trong công việc và cuộc sống khi nhận xét về những điểm thiếu sót.

    Tuy nhiên họ lại rất dễ dãi và cho phép bản thân mình có những thiếu sót trong công việc. Tính cách này tạo ra rất nhiều mâu thuẫn trong làm việc nhóm.

    09- Tiếp cận vấn đề theo triết lý Thắng -Thua: 

    Cái tôi cao, chuyên môn không sâu, ... do hiểu chưa hết thấu đáo từ mục 1-8, nên lúc nào cũng tâm lý thắng - thua, ghen ăn tức ở (GATO), chỉ trích.

    Đòi hỏi quyền lợi cá nhân nhiều hơn, hạn hẹp tư duy, cá nhân ta đây, không tôn trọng cảm nhận của các thành viên khác.

    Triết lý thắng – thắng không được áp dụng trong suy nghĩ và hành xử thường ngày để làm to thêm chiếc bánh của toàn nhóm.

    10- Quên đi đại cục và tập trung vào tiểu tiết:

    Suy nghĩ thắng - thua đã tác động tạo ra điểm yếu thứ 10 khi các nhân viên Việt Nam tập trung vào tiểu tiết, cá nhân thay vì đại cục.

    Ngoài ra lý do chưa hiểu hết các mục từ 1-9 là yếu tố tác động quan trọng cho lý do này. Thay vì tìm cách tiếp cận hệ thống để giải quyết vấn đề, các nhóm việt nam sa đà vào các tác vụ giải quyết tiểu tiết hàng ngày.

     

    Kết luận:

    Các lý do trên đóng vai trò quan trọng trong làm việc nhóm tại Việt Nam. Hiểu rõ những thói quen xấu nhằm định hướng các chương trình đào tạo và giáo dục nhận thức trong toàn bộ công ty.

    Thực tế, chương trình đào tạo để trở thành nhân viên nhóm hiệu quả - sẽ phát huy tác dụng hơn các chương trình đào tạo nhóm chung chung thường tổ chức tại các công ty. Các nhân viên ở mức độ căn bản cần hướng tới làm sao trở thành thành viên nhóm hiệu quả trước khi học trở thành lãnh đạo nhóm.

     

    Emanvn T/H | Vũ Tuấn Anh

    Ngày đăng: 19-12-2018 4,258 lượt xem