• TẦM SOÁT UNG THƯ - TRÁNH LẠM DỤNG

    Phản đối việc chỉ định xét nghiệm dấu ấn ung thư tràn lan như hiện nay. Đặc biệt các đơn vị tư nhân lấy máu tại nhà rồi tiếp thị những người dân bỏ tiền ra làm các xét nghiệm "lợi bất cập hại" này. Bởi nếu chỉ định không đúng sẽ dẫn đến chỉ định quá tay các xét nghiệm tiếp theo (MRI, sinh thiết…), điều trị quá mức, tốn chi phí cao, biến chứng do phương pháp điều trị, dẫn đến tổn hại sức khoẻ tinh thần lo lắng bất an, và thể chất.

    Dấu ấn ung thư là những chất, thường là protein, được tạo ra bởi các mô ung thư của chính nó hoặc đôi khi do cơ thể tạo ra đáp ứng lại sự phát triển của ung thư.

    Do đó, khi bởi các chất này có thể phát hiện được trong các dịch của cơ thể như máu, nước tiểu, và mô, ... nên các dấu ấn này được sử dụng chung với các xét nghiệm khác, để giúp phát hiện và chẩn đoán các thể bệnh ung thư, tiên đoán và theo dõi đáp ứng trị liệu, cũng như phát hiện tái phát.

    ---------------------------------
     
    Tầm Soát Ung Thư
    PGS Lân Hiếu
     
    Chiều qua tôi có khám cho một bác bệnh nhân cũ. Bác bị hẹp động mạch thận đã can thiệp đặt stent tại bệnh viện chúng tôi từ nhiều năm trước. Bác dùng thuốc theo đơn của tôi hơn 5 năm không khám lại, nhưng mọi việc vẫn ổn thoả vì là người cẩn thận, không quên thuốc huyết áp và chống đông bao giờ.
     
    Một ngày đẹp trời, cô con gái rượu của bác tài trợ cho cả 2 bố mẹ đi tầm soát ung thư. Cả 2 ông bà được sử dụng gói VIP hơn 20 triệu, nhưng vì quen biết nên được giảm xuống còn 18 triệu.
     
    Rất nhiều thăm dò chẩn đoán hình ảnh được sử dụng, thậm chí cả chụp Cộng hưởng từ (MRI) toàn thân.
     
    Nhìn vào kết quả các xét nghiệm khiến tôi hoa cả mắt. Tất cả các marker ung thư đều được kiểm tra từ đơn giản như PSA, alpha FP,... cho đến phức tạp.
     
    Không biết có phải do nhiều kết quả in đậm (cao hơn giới hạn tham chiếu) khiến cho bác lo lắng và huyết áp bị tăng lên.
     
    Sau khi khám kỹ lưỡng, tôi cũng không đổi thuốc mà chỉ giải thích cắt nghĩa, đồng thời hướng dẫn chế độ ăn uống và sinh hoạt. Tiễn Bác về xong, tôi cứ nghĩ mãi về việc sàng lọc ung thư một cách vô tội vạ hiện nay.
     
    Bố mẹ tôi đều bị ung thư giai đoạn khá muộn mặc dù vẫn khám sức khoẻ định kỳ. Đều được làm marker ung thư, nhưng kết quả vẫn không phát hiện được giai đoạn sớm của bệnh. Không biết bao nhiêu trường hợp giống như vậy và chắc chắn rất hiếm người được may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần như bố mẹ tôi.
     
    Chính vì vậy tôi xin khuyến cáo các xét nghiệm dấu ấn ung thư không được sử dụng để chẩn đoán sớm ung thư. Ngoài 2 xét nghiệm kinh điển PSA (ung thư tiền liệt tuyến) và alpha FP (ung thư gan), các marker khác không có giá trị chẩn đoán xác định ung thư do độ nhạy và đặc hiệu không đủ tin cậy. Có nghĩa là dù có chỉ số tăng cao cũng không chắc bị ung thư và ngược lại âm tính cũng không loại trừ được (khiến rất nhiều người chủ quan với kết quả này).
     
    Các bạn sẽ hỏi vậy tại sao người ta lại nghiên cứu ra các marker ung thư?
     
    Xin thưa đó là sử dụng để theo dõi đáp ứng điều trị. Bệnh nhân đang điều trị hoá trị, xạ trị, sau phẫu thuật cắt bỏ khối u,… sẽ được chỉ định marker liên quan và xét nghiệm theo dõi dọc thời gian. Nếu các chỉ số này tăng đột biến là cảnh báo sự tái phát của ung thư, còn nếu giảm hoặc giữ nguyên theo thời gian là dấu hiệu bệnh nhân đã đáp ứng tốt theo phương pháp điều trị đang thực hiện.
     
    Tóm lại tôi phản đối việc chỉ định xét nghiệm dấu ấn ung thư tràn lan như hiện nay. Đặc biệt các đơn vị tư nhân lấy máu tại nhà rồi tiếp thị những người dân bỏ tiền ra làm các xét nghiệm "lợi bất cập hại" này.
     
    Để sàng lọc ung thư cần khám và tư vấn chuyên khoa. Các bác sĩ sẽ hỏi bệnh và khám lâm sàng để chỉ định các xét nghiệm cần thiết. Cá thể hoá người bệnh là tiêu chí của y học hiện đại. Không thể tầm soát ung thư phổi bằng cách chụp cắt lớp CT Scanner cho một nữ thành niên không có tiền sử gì đặc biệt, nhưng ngược lại rất cần ở nam giới tuổi cao hút thuốc bị gầy sút chưa rõ nguyên nhân....
     
    Xin hãy thực sự cân nhắc trước các lời tư vấn xét nghiệm các bạn nhé.
     
    -------------
    CẦN CHỐNG LẠI VIỆC LẠM DỤNG “TẦM SOÁT UNG THƯ”

    Nguyễn Khoa Hùng 
    GĐ-Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế
     
    Hoàn toàn nhất trí với PGS Lân Hiếu, tầm soát ung thư (screening) để phát hiện sớm ở Việt Nam đang bị hiểu sai, một số nơi làm không đúng và có nơi lạm dụng, để lại những hệ luỵ mà trước mắt là người được “khám sàng lọc” sẽ gánh chịu.
     
    Ngay như trong sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến, bệnh đứng trong top 5 các bệnh ung thư thường gặp ở nam giới Âu Mỹ theo GLOBOCAN 2018, ở Mỹ sử dụng phương pháp định lượng PSA máu (PSA-screening), một xét nghiệm đơn giản, nhanh và giá cả hợp lý, không gây hại cho bệnh nhân.
     
    Nhưng theo AUA và CDC Mỹ, test này cần được chỉ định đúng, nên làm cho đối tượng nào, không được làm cho đối tượng nào, nếu lần đầu kết quả bình thường thì bao lâu mới được làm lại…đều được chỉ rõ. Vì sao phải chặt chẽ như vậy?
     
    Bởi vì theo nhiều nghiên cứu nếu chỉ định xét nghiệm PSA không đúng sẽ dẫn đến chỉ định quá tay các xn tiếp theo (MRI, sinh thiết…), điều trị quá mức, chi phí cao, biến chứng do phương pháp điều trị, dẫn đến tổn hại sức khoẻ tinh thần, thể chất (và cả tình dục); chưa kể PSA tăng còn do nhiều nguyên nhân khác, độ nhạy và độ đặc hiệu cũng có giới hạn.
     
    Kết quả xn tăng mà không phải ung thư cũng sẽ làm bệnh nhân lo lắng, nghi ngờ, ảnh hưởng cuộc sống. Ngược lại, PSA có kết quả bình thường trong một số trường hợp K TLT.
     
    Cho đến nay các chương trình tầm soát ung thư TLT trên thế giới vẫn chưa giúp giảm tỷ lệ tử vong do bệnh này.
     
    Một ví dụ như vậy để thấy cần chống lại việc lạm dụng “tầm soát ung thư” phát hiện sớm; các chuyên ngành, các hội chuyên ngành, các bác sĩ chuyên khoa cần xây dựng các khuyến cáo và hướng dẫn tầm soát phù hợp, vừa có tính cộng đồng, vừa có tính chuyên khoa, để mục đích cuối cùng là giảm được tỷ lệ tử vong do ung thư.
     
    -----------------
    DẤU ẤN UNG THƯ
     
    TS.BS Phạm Thị Việt Hương.
    Chuyên ngành ung thư
    Bài đã đăng nhiều lần, nhiều nơi - vẫn cần đăng.
     
     
    Tuần trước một bạn gái trẻ sinh năm 1987, không có triệu chứng gì, tự nhiên đi xét nghiệm 8 chỉ điểm u huyết thanh, rồi nhắn nhờ tôi tư vấn vì rất lo lắng căng thẳng mình bị ung thư dạ dày khi thấy CA 72.4 là 38.3 U/ml.
    *
    Dấu ấn ung thư (chỉ điểm u, tumor markers) chất này được sản xuất với một lượng lớn bởi khối u, đôi khi có thể phân biệt u lành với ung thư hoặc phát hiện được khối u bằng xét nghiệm máu.
     
    Một số dấu ấn ung thư đặc hiệu với một loại ung thư nào đó, số khác gặp trong nhiều loại ung thư. Phần lớn các dấu ấn ung thư còn tăng trong những bệnh không phải là ung thư. Do đó dấu ấn ung thư sử dụng đơn lẻ không phải là công cụ chẩn đoán ung thư.
     
    Đặc điểm của một dấu ấn ung thư lý tưởng phải gồm:
     
    1. Đặc hiệu cơ quan và đặc hiệu khối u (specificity): ví dụ có dấu ấn ung thư X tức là bị ung thư X.
     
    2. Tương ứng với kích thước và hoạt động của khối u: Dấu ấn ung thư X cao tức là u X lớn và hoạt động mạnh.
     
    3. Chỉ dương tính khi là ung thư: chỉ khi ung thư X thì mới có dấu ấn ung thư X.
     
    4. Dương tính sớm trong giai đoạn phát triển bệnh ác tính: dấu ấn ung thư X có sớm khi bệnh ung thư X xuất hiện.
     
    5. Dễ dàng đo lường được.
     
    TẠI THỜI ĐIỂM HIỆN TẠI KHÔNG CÓ DẤU ẤN UNG THƯ NÀO THỎA MÃN TẤT CẢ CÁC TIÊU CHUẨN TRÊN.
     
    Phần lớn các dấu ấn ung thư có ở mô bình thường, u lành và u ác và không đủ đặc hiệu để dùng cho sàng lọc ung thư.
     
    Ví dụ nhiều người cho rằng nồng độ CA 72-4 trong máu cao hơn mức bình thường chắc chắn là dấu hiệu của ung thư dạ dày. Quan điểm này là hoàn toàn sai lầm.
     
    Trên thực tế chỉ số CA 72-4 có thể tăng cả trong một số bệnh lành tính như: trong viêm tụy (3%), xơ gan (4%), bệnh phổi (17-19%), bệnh khớp (21%), bệnh phần phụ (0-10%), bệnh buồng trứng lành tính (3-4%), kén buồng trứng (25%), bệnh tuyến vú (10%), các bệnh đường tiêu hóa lành tính (5%).
     
    Độ đặc hiệu của CA 72-4 là 60% có nghĩa 100 người mắc ung thư dạ dày thì chỉ có 60 người có nồng độ CA 72-4 tăng trong máu.
     
    Do đó, chỉ dựa vào 1 chỉ số CA 72-4 tăng cao hơn so với giá trị bình thường thì chưa khẳng định được là đã bị ung thư dạ dày, nhưng cần kiểm tra sâu hơn để loại trừ bệnh ác tính đó.
     
    CEA là protein trên bề mặt tế bào, chỉ điểm cho ung thư đại trực tràng, dạ dày ruột, phổi và vú. CEA còn tăng ở người nghiện thuốc lá, xơ gan, polyp trực tràng, viêm loét trực tràng, bệnh tuyến vú lành tính. Không dùng CEA cho sàng lọc ung thư. Ngược lại một người ung thư dạ dày nhưng không nhất định phải có CEA tăng.
     
    CA 19.9 là dấu ấn của ung thư biểu mô đại trực tràng và tụy. Tuy nhiên nó cũng có thể tăng ở bệnh nhân ung thư gan mật, dạ dày, tế bào gan và nhiều bệnh lành tính như viêm tụy, bệnh dạ dày ruột.
    ...
    Dấu ấn ung thư chỉ tham gia vào công việc tiếp cận chẩn đoán chứ một mình nó không dùng để chẩn đoán ung thư, càng không dùng để sàng lọc phát hiện sớm ung thư. Dấu ấn ung thư ở bệnh nhân ung thư tương ứng với kích thước khối u và/hoặc hoạt động của khối u. Không để chẩn đoán.

    ------------------------

    BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HÀ NỘI

    Hạn chế của dấu ấn ung thư?

    Mặc dù các dấu ấn ung thư có thể cung cấp nhiều thông tin bổ ích, nhưng vẫn có những hạn chế sau:

    • Nhiều dấu ấn ung thư cũng có thể tăng trong những trường hợp bệnh lý hoặc điều kiện khác không phải ung thư.
    • Vài dấu ấn ung thư đặc hiệu chuyên biệt cho một loại ung thư, trong khi một số dấu ấn khác có thể hiện diện tại nhiều thể ung thư khác nhau.
    • Không phải tất cả mọi trường hợp ung thư đều có tăng giá trị của các dấu ấn ung thư tương ứng.

    Hậu quả là, các dấu ấn ung thư đơn độc thường không có giá trị chẩn đoán ung thư, Đa số trường hợp, xét nghiệm dấu ấn ung thư nhằm cung cấp thêm thông tin xét nghiệm để liên kết với tiền sử bệnh của bệnh nhân và khám thực thể lâm sàng cũng như các xét nghiệm bổ sung hoặc xét nghiệm hình ảnh học, để có hướng chẩn đoán kết luận.

    Gần đây, tư tưởng về nguồn gốc tạo ra các dấu ấn ung thư đã được mở rộng thêm. Các kiểu xét nghiệm mới đã phát triển nhằm vào tìm kiếm các thay đổi về cấu trúc gen (DNA, RNA), nhiều hơn là khảo sát protein, trong mẫu bệnh phẩm.

    Các thay đổi cấu trúc gen đã tìm thấy có mối liên hệ trên một số ung thư và có thể sử dụng như một dấu ấn ung thư (tumor marker) giúp xác nhận tiên lượng, hướng dẫn điều trị trúng đích, và phát hiện ung thư sớm.

    Hơn thế nữa, sự tiến bộ trong công nghệ dẫn đến các xét nghiệm có thể đánh giá nhiều dấu hiệu gen di truyền hoặc các bộ dấu ấn ung thư trong cùng 1 thời gian, cung cấp thêm nhiều thông tin rộng hơn về ung thư.

    Các KIT chẩn đoán thông dụng:

    1. CEA:  Giới hạn bình thường: 0-10 ng/ml. Tăng trong K đường tiêu hoá như: K thực quản, dạ dày, gan, tuỵ, đại trực tràng, vú, buồng trứng, cổ tử cung, tuyến giáp.

    Có thể tăng không nhiều trong polyp đại tràng, viêm ruột non, viêm tuỵ, suy thận mạn.

    2. AFP: Giới hạn bình thường: 0-7 ng/ml. AFP huyết tương có thể tăng trong viêm gan, xơ gan. Giá trị chính của AFP là theo dõi tiến trình bệnh và hiệu quả điều trị K tế bào gan nguyên phát, K tinh hoàn sau điều trị phẫu thuật, xạ trị hoặc hoá trị liệu.

    - Có thể tăng trong viêm gan, xơ gan.

    3. PSA: Giới hạn bình thường: Ở những người < 50 tuổi: PSA < 2,5 ng/ml. Những người > 50 tuổi: PSA < 5 ng/ml. PSA có giá trị trong tầm soát K tuyến tiền liệt, thường được sử dụng kết hợp với chụp trực tràng, siêu âm và sinh thiết (biopsy) ở những đàn ông trên 50 tuổi.

    Ngoài ra, có thể tăng trong u phì đại, viêm tuyến tiền liệt.

    4. CA 125: Giới hạn bình thường: 0-35 U/ml. CA 125 có vai trò chủ yếu trong chẩn đoán K buồng trứng, đánh giá sự thành công của điều trị và theo dõi tiến trình của bệnh.

    Ngoài ra, có thể tăng trong các bệnh lý thanh dịch như cổ trướng, viêm màng tim, viêm màng phổi, viêm màng bụng,...

    5CA 15-3: Giới hạn bình thường: 0-32 U/ml. CA 15-3 là một marker hữu ích để theo dõi tiến trình bệnh ở bệnh nhân K vú di căn. Xét nghiệm này không phù hợp cho việc chẩn đoán vì độ nhạy quá thấp khi K vú chưa có di căn.

    Ngoài ra, có thể tăng trong u vú lành tính, viêm gan, viêm tuỵ.

    6. CA 72-4: Giới hạn bình thường: 0-5,4 U/ml. Được sử dụng để theo dõi và hiệu quả điều trị K dạ dày.

    - Ngoài ra, có thể tăng trong xơ gan, viêm tuỵ, viêm phổi, thấp khớp.

    7. CA 19-9: Giới hạn bình thường: 0-33 U/ml. Vai trò chủ yếu của CA 19-9 là phát hiện sớm sự tái phát và theo dõi hiệu quả điều trị các K đường tiêu hoá như K gan (thể cholangiom), đường mật, dạ dày, tuỵ và đại trực tràng.

    - Ngoài ra, cũng có thể tăng trong viêm gan, viêm tuỵ, đái tháo đường, xơ gan, tắc mật.

    8. CT (Calcitonin) hoặc hCT (Human Calcitonin): Giới hạn bình thường: 0,2 - 17 pg/ml. Chẩn đoán và theo dõi ung thư vùng tuỷ tuyến giáp (C-cell carcinoma).

    Có thể tăng trong suy thận mạn, bệnh Paget.

    9. TG (Thyroglobulin): Giới hạn bình thường: 1,4 - 78 ng/ml. TG huyết tương tăng trong K tuyến giáp, có thể tăng trong u lành tuyến giáp.

    10. β2-M (β2-Microglobulin): Giới hạn bình thường: 0 - 2000 µg/L. Tăng trong nhiễm khuẩn, một số bệnh miễn dịch nhất định. Vì β2-M bài tiết chủ yếu theo đường thận nên nồng độ của nó trong huyết tương và nước tiểu có thể thay đổi theo bệnh lý của cầu hoặc ống thận.

    ----//------

    Ngày đăng: 20-11-2023 145 lượt xem