• CHỌN LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP ĐỂ THÀNH LẬP CÔNG TY

    Một trong những vướng mắc của các nhà khởi nghiệp chính là thành lập công ty của mình theo loại hình nào. Loại hình doanh nghiệp rất quan trọng, không những nó phân định quyền lợi, nghĩa vụ của các chủ sở hữu mà còn mang lại ảnh hưởng lâu dài đến hướng đi và tầm nhìn của công ty.

    Bạn đang dự định khởi nghiệp kinh doanh? Bạn đang mơ hồ chưa biết các loại hình công ty nên chọn loại hình nào để thành lập công ty? Ưu, nhược điểm của các loại hình công ty?

    Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ các loại hình doanh nghiệp / công ty phổ biến ở Việt Nam hiện nay, để bạn có thể so sánh và lựa chọn loại hình phù hợp nhất cho doanh nghiệp của mình.

    Có 4 yếu tố chính bạn cần cân nhắc trước khi thành lập công ty, bạn nên xem xét lựa chọn loại hình của tổ chức sao cho phù hợp với mô hình kinh doanh gồm: Thuế, trách nhiệm cá nhân, khả năng dễ dàng sang nhượng, bổ sung hoặc thay thế chủ sở hữu mới và kỳ vọng của nhà đầu tư.

    Hiện nay, có 05 loại hình doanh nghiệp phổ biến ở Việt Nam bạn có thể lựa chọn: 

    1. Công ty TNHH 2 thành viên trở lên;
    2. Công ty TNHH 1 thành viên;
    3. Công ty cổ phần;
    4. Công ty hợp danh;
    5. Doanh nghiệp tư nhân.

     

    Bạn có thể cân đối chọn một trong hai loại hình công ty TNHH và công ty cổ phần do đặc tính giảm thiểu trách nhiệm của các thành viên sở hữu.

    Sau đây là những ưu điểm, nhược điểm của 5 loại hình công ty phổ biến này:

    ---

    1. Doanh nghiệp tư nhân

    Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

    a. Ưu điểm:

    • Do một cá nhân sở hữu, có toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty;

    • Ít chịu sự ràng buộc chặt chẽ về pháp luật như các loại hình doanh nghiệp khác;

     

    b. Nhược điểm:

    •  Bị hạn chế trong việc huy động vốn do không có quyền phát hành cổ phiếu;

    • Chủ sở hữu chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty mình;

    •  Không có tư cách pháp nhân;

    ---

    2. Công ty hợp danh

    Công ty hợp danh là công ty, trong đó có ít nhất hai thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (thành viên hợp danh). Ngoài thành viên hợp danh, còn có thành viên góp vốn. Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

    a. Ưu điểm:

    • Có tư cách pháp nhân;

    •  Có ít nhất hai thành viên sở hữu cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung, kết hợp được uy tín cá nhân của nhiều người, việc điều hành quản lý không phức tạp;

    •  Ngoài thành viên hợp danh loại hình này còn có thành viên góp vốn;

     

    b. Nhược điểm:

    •  Loại hình này bị hạn chế huy động vốn do không có quyền phát hành cổ phiếu;

    •  Các thành viên hợp danh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;

    •  Các thành viên hợp danh đều có quyền quản lý công ty như nhau;

    ---

    3. Công ty TNHH 1 thành viên

    Đây là loại hình công ty một thành viên do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu; chủ sở hữu chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn điều lệ của doanh nghiệp.

    a. Ưu điểm

    • Lợi thế của công ty TNHH một thành viên là một chủ sở hữu  nên  có toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty nên các quyết định được đưa ra nhanh chóng và kịp thời, không mất nhiều thời gian để thảo luận và đưa ra quyết định về các vấn đề quan trọng như ở loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần;

    •  Do có tư cách pháp nhân nên chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên chỉ chịu trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ góp vào công ty nên ít gây rủi ro cho chủ sở hữu và đây là điểm tốt hơn  DNTN;

     

    b. Nhược điểm

    •  Chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của pháp luật hơn các loại hình công ty khác;

    •  Bị hạn chế huy động vốn do không có quyền phát hành cổ phiếu;

    •  Chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn cho người khác;

    ---

    4. Công ty TNHH hai thành viên.

    Là doanh nghiệp trong đó thành viên có thể là tổ chức, cá nhân ( ít nhất là 2, không quá 50 thành viên) trong đó các thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty  trong phạm vi số vốn điều lệ cam kết góp vào công ty. Chế độ chuyển nhượng vốn của loại hình công ty này được điều chỉnh chặt chẽ nên nhà đầu tư dễ dàng kiểm soát được việc thay đổi các thành viên, hạn chế sự xâm nhập của người lạ vào công ty.

    a. Ưu điểm:

    •  Số lượng thành viên không nhiều ( 2 đến 50 thành viên), quản lý điều hành không quá phức tạp;

    • Có tư cách pháp nhân;

    • Thành viên chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp;

    •  Phải chào bán phần vốn góp của mình cho các thành viên còn lại trước khi chào bán cho người ngoài nên hạn chế được sự xâm nhập của người lạ vào công ty;

     

    b. Nhược điểm:

    • Chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của pháp luật hơn các loại hình khác;

    •  Bị hạn chế về việc huy động vốn do không có quyền phát hành cổ phiếu;

    ---

    5. Công ty cổ phần

    Là doanh nghiệp có Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Cổ đông có thể là tổ chứ, cá nhân, số lượng cổ đông tối thiếu là 3, không hạn chế tối đa; Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

    a. Ưu điểm:

    •  Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân do đó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, việc không hạn chế số lượng thành viên tham gia vào thành lập và góp vốn vào công ty giúp cho công ty cổ phần dễ dàng mở rộng phạm vi sản xuất kinh doanh của mình mà không bị giới hạn như các loại hình doanh nghiệp khác cả về yếu tố vốn và nguồn nhân lực.Cổ đông chỉ chịu trách nhiêm trong phạm vi vốn góp;

    • Khả năng huy động vốn cao thông qua việc phát hành cổ phiếu;

    • Cơ cấu vốn của công ty cổ phần hết sức linh hoạt tạo điều kiện nhiều người cùng góp vốn vào công ty;

    • Phạm vi đối tượng được tham gia không hạn chế;

    • Khả năng hoạt động của công ty cổ phần rất rộng, trong hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề;

     

    b. Nhược điểm

    • Loại hình công ty này chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của pháp luật hơn các loại hình khác, đặc biệt về tài chính, kế toán;

    • Việc quản lý điều hành rất phức tạp do số lượng cổ đông không hạn chế, nên có thể có sự phân hóa thành nhiều nhóm đối kháng về lợi ích;

    • Có nguy cơ dễ bị cá nhân, tổ chức khác thôn tính;

    ---

    Các hình công ty đều có những điểm  mạnh và điểm hạn chế riêng. Nên trước khi quyết định thành lập công ty theo loại hình công ty nào, nhà khởi nghiệp cũng nên cân nhắc thật kỹ trên cơ sở các yếu tố hiện có của của mình để đưa ra lựa chọn cho phù hợp nhất cho công ty sau này.

     

    Emanvn | TVHuongLan

    Ngày đăng: 26-10-2017 1,407 lượt xem