• BẠN CÓ HỘI ĐỦ YẾU TỐ CẦN & ĐỦ CHO KHỞI NGHIỆP?

    Tại sao phải khởi nghiệp, thay vì đi học tiếp hay đi làm ở một công ty nào đó? Và tại sao nhất thiết phải mở ra làm ăn, kinh doanh riêng gì đó thì mới gọi là khởi nghiệp; còn đi “bán chất xám” cho một công ty hay đi dạy ở một trường nào đó thì không là khởi nghiệp?

     

    Trong báo cáo được công bố gần đây do tập Đoàn Amway phối hợp cùng trường đại học Technische Universitat Munchen (TUM), công ty nghiên cứu thị trường Gesellschaft fuer Konsumforschung (GfK) thực hiện.

    Việt Nam dẫn đầu thế giới về tinh thần khởi nghiệp, đứng thứ 2 về thái độ tích cực với khởi nghiệp

    Báo cáo có sự tham gia của 50.861 người từ 14 tuổi trở lên tại 45 quốc gia trên thế giới. Theo báo cáo này, Việt Nam đứng đầu thế giới về Chỉ số tinh thần khởi nghiệp và thứ 2 về Thái độ tích cực đối với Khởi nghiệp.

    Tuy nhiên, một thực tế rõ ràng là hơn 80% công ty khởi nghiệp không có cơ hội mừng sinh nhật lần 2. Nguyên nhân được nhiều chuyên gia phân tích là do đa số startup thường non trẻ, đội ngũ nhân sự chỉ là những người làm chuyên môn nên thiếu kiến thức cần thiết về thủ tục hành chính, pháp lý…

    Thông thường, các founder biết về lập trình thì không có khả năng bán hàng, không biết về marketing. Ngược lại, những người biết làm marketing lại chẳng biết gì về lập trình”, ông Đinh Anh Huân, nhà sáng lập của Seedcom, một công ty đầu tư khá nhiều vào các startup tại Việt Nam đã từng chia sẻ với báo chí như vậy.

    Theo ông, ở những quốc gia mà startup phát triển mạnh mẽ, ví dụ như Mỹ, những người khởi nghiệp đa phần đều có kinh nghiệm làm việc tại các công ty lớn. Môi trường ở các công ty này giúp họ hiểu một công ty vận hành như thế nào. Sau quá trình trải nghiệm thực tế tại công ty đó, những founder Mỹ cũng đã có khá nhiều kỹ năng. Trái lại ở Việt Nam, cơ hội va chạm nhìn thực tế sản phẩm, triển khai sản phẩm không có nhiều. Vì vậy không lạ nếu các founder Việt Nam mang trong mình suy nghĩ có phần “ảo tưởng”.

    Ngoài ra, tiếp cận vốn cũng là trở ngại lớn với nhiều startup Việt. Ở thung lũng Silicon, nơi đã có rất nhiều Startup thành công và quay trở lại hỗ trợ ngược những startup mới bắt đầu, không khó để tìm kiếm những nhà đầu tư thiên thần. Đó là những nhà đầu tư hiểu khách hàng, hiểu thị trường, hiểu vấn đề của startup, chịu lắng nghe startup và biết đâu là vấn đề thực tế. Trong khi đó, ở Việt Nam thì rất khó để tìm kiếm những nhà đầu tư như vậy.

    ---

    Theo TS.Nguyễn Hữu Long - người sáng lập hội PTDNV: Thời gian qua phong trào khởi nghiệp rộ lên, làm cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ háo hức. Thậm chí đến nông dân, công nhân, cũng nôn nao chuyện khởi nghiệp và lo lắng không biết khởi nghiệp bằng cách nào, thế nào.

    Như tôi đã đặt vấn đề trước những sinh viên mới ra trường, người ta có xu hướng lao vào làm gì đó theo phong trào, và tìm cách thức để thực hiện công việc, mà ít khi chịu đặt ngược vấn đề là tại sao mình phải làm việc đó.

    Nếu đặt câu hỏi tại sao với những người có ý định khởi nghiệp, hầu hết họ đều nói là vì thích được làm chủ, thích được tự do làm việc theo ý mình, thích chủ động về giờ giấc, thích làm giàu… Đó là những suy nghĩ sai lầm vì thực tế không phải cứ khởi nghiệp, lập doanh nghiệp làm ăn thì sẽ được tự do về giờ giấc, được làm việc tùy tiện, theo ý thích, hay chắc chắn sẽ trở nên giàu có…

    Chính vì suy nghĩ này mà nhiều bạn trẻ khởi nghiệp đã nhanh chóng bỏ cuộc khi mình không được tự do, thoải mái trong công việc như mình tưởng, mà trái lại, áp lực về tiền bạc, công việc, khách hàng, sản phẩm… luôn đè nặng lên vai.

    Người mở ra làm ăn kinh doanh riêng còn bận rộn, vất vả trăm lần hơn so với người đi làm thuê. Và nếu người làm thuê chỉ phục vụ cho một người chủ thì người khởi nghiệp phải phục vụ trăm, ngàn người chủ, đó là khách hàng của mình. Và khách hàng thì có khi còn khó tính hơn bất kỳ chủ doanh nghiệp nào.

    Tại sao phải khởi nghiệp?

    Thực ra, tôi chờ đợi câu trả lời của các bạn trẻ là: “Tôi khởi nghiệp vì đam mê thôi thúc từ bên trong, vì tôi có năng lực làm việc này, và vì tôi biết chắc chắn thị trường cần thứ mà tôi định bán”.

    Nếu một bạn trẻ nào đó, có đủ ba thứ: (1) đam mê, (2) năng lực, và (3) thị trường thì đó cũng chỉ là điều kiện cần để bạn có thể khởi nghiệp, chưa phải là điều kiện đủ (còn rất nhiều thứ khác phải chuẩn bị cho khởi nghiệp).

    Nhưng nếu bất kỳ ai có ý định khởi nghiệp mà thiếu một trong ba thứ trên – không có đam mê, thiếu năng lực, thị trường không có hoặc không đủ lớn, thì tốt hơn hết là dừng lại, từ bỏ ý định khởi nghiệp. Đơn giản là vì thiếu một trong ba yếu tố đó, sự thất bại gần như là chắc chắn.

    Bạn không có năng lực, sao cạnh tranh nổi với đối thủ? Bạn không có đam mê, sao chịu được khó khăn, thách thức? Sản phẩm của bạn không có thị trường thì làm sao bán được? Ấy vậy mà nhiều bạn trẻ khởi nghiệp lại không hề quan tâm đến ba yếu tố sống còn này.

    Trở lại câu hỏi tại sao phải khởi nghiệp; và tại sao phải hỏi tại sao. Nếu không có được câu trả lời rõ ràng, tự tin cho những câu hỏi tại sao này, thì việc chạy theo phong trào khởi nghiệp là hết sức nguy hiểm.

    Lời khuyên cho những người khởi nghiệp là hãy hỏi tại sao, và phải hỏi nhiều lần câu hỏi tại sao!”

    ---

    Nhìn nhận về phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam trong khoảng 1 năm trở lại đây, ông Trần Anh Dũng - CEO MOG cho hay:

    "Gần đây, phong trào khởi nghiệp đang có những nốt trầm, so ngay với 12 tháng trước đã thấy kém sôi động hơn hẳn. Song tôi cho đây là một dấu hiệu tốt".

    Sau giai đoạn phát triển nở rộ đầy hào hứng, các startup bắt đầu dừng lại và suy nghĩ kỹ càng hơn.

    "Nếu như trước kia, khi tất cả đều chưa hiểu rõ và hô hào khởi nghiệp, vẽ ra những bức tranh màu hồng cho các bạn trẻ - thì giờ đây, chính các bạn trẻ đã hiểu rõ hơn về khó khăn, những góc tối trong khởi nghiệp", ông Dũng chia sẻ.

    Ông khẳng định, chính vì người trẻ lường trước được rủi ro có thể gặp phải, nên họ đã khởi nghiệp thận trọng hơn. Thay vì đưa mình vào rủi ro với tỉ lệ 99% thất bại, người trẻ bây giờ bắt đầu với một lựa chọn an toàn hơn. Đó là họ sẽ đi làm thuê cho các startup tiềm năng, học hỏi kinh nghiệm để chuẩn bị cho ước mơ của riêng mình.

    "Các bạn trẻ bây giờ đã chín chắn hơn rồi. Nhiều bạn không chọn khởi nghiệp ngay nữa, họ cân nhắc rất nhiều yếu tố, bổ sung và tích lũy kinh nghiệm rồi mới ra đứng mũi chịu sào".

    CEO MOG dự đoán, đây sẽ là xu hướng chủ đạo của các startup trong những năm tới, khi hầu hết những người trẻ khởi nghiệp đều chọn theo con đường này.

    Tất nhiên, ông Dũng không phủ nhận, cũng có những trường hợp các bạn sinh viên mới ra trường đã lập tức làm chủ ngay - khởi nghiệp và đã nhận về thành công.

    Nhưng theo ông nhận định, con số này khá ít. Chủ yếu các startup thành công đi theo con đường này là nhờ có "xuất phát điểm" tốt.

    "Bạn đó có thể là một người rất giỏi, hoặc nhà phải có điều kiện, hay có nhiều mối quan hệ tốt... Chung quy lại, bạn đó phải có nguồn lực sẵn có tốt, được như vậy sẽ bớt phải lo lắng nhiều thứ".

    Còn nếu rơi vào trường hợp một bạn trẻ cò trong tay ít nguồn lực, nhưng vẫn khởi nghiệp, thì đó là một suy nghĩ không hợp lí, thậm chí là thiếu khôn ngoan, theo CEO MOG.

    Vị CEO này nói thêm: "Có sẵn nguồn lực nào, là bớt lo, bớt phải tính toán được một việc. Ví dụ, founder có tài chính vững rồi thì chỉ cần lo về công nghệ, về co-founder, về con người là đủ. Còn cái gì cũng phải lo, thì rất khó mà khởi nghiệp".

     

    Emanvn | tổng hợp

    Ngày đăng: 30-11-2017 1,338 lượt xem