• Shark Tank: GỌI VỐN ĐẦU TƯ - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

    "Shark Tank – Thương vụ bạc tỷ" vừa ra mắt tại Việt Nam, là một chương trình kêu gọi đầu tư, thổi một luồng gió mới vào tinh thần khởi nghiệp. Cách các "cá mập" đánh giá dự án, chiến thuật đàm phán, những điều họ suy nghĩ trước đề nghị của các startup đang gọi vốn. Cũng chính vì vậy, không ít người chơi thiếu kinh nghiệm bị các "cá mập" nuốt gọn từ lúc nào không hay.

     

    Để có thể hiểu được những gì các "cá mập" đang suy tính, chúng ta cần hiểu các ý nghĩa của các con số.

    1. Giá trị công ty

    "Xin chào các nhà đầu tư, tôi đến đây để kêu gọi 1 tỷ đồng cho 25% cổ phần." – người chơi mở màn.

    Ngay sau câu nói này, các "cá mập" sẽ lập tức tính ra giá trị của công ty bạn:  1 tỷ/25*100 = 4 tỷ.

    Sau này, khi "cá mập" đề nghị: "50% cho 1,5 tỷ" nghĩa là họ định giá lại công ty của bạn đáng giá 3 tỷ. Người chơi nếu không "tỉnh" thì giá trị công ty của bạn trong thỏa thuận đã bị hạ xuống rất nhiều so với kỳ vọng. Giá trị công ty đóng vai cho rất lớn trong trò chơi nay. Từ đây, mọi kịch tính bắt đầu diễn ra.

    2. Phí nhượng quyền (Royalties)

    Bên cạnh cổ phần, thì phí nhượng quyền cũng là một điều mà các "cá mập" có thể đề nghị. Phí này thường xuất hiện trong các thương vụ nhượng quyền nhưng chữ "nhượng quyền" không mô tả chính xác bản chất của loại phí này. Nói đơn giản, đây là một loại phí mà doanh nghiệp sẽ trả theo phần trăm (%) hoặc mức cố định cho mỗi một đơn vị hàng hóa được bán.

    Ví dụ: "Cá mập" đòi 20% phí nhượng quyền cho mỗi sản phẩm. Thì với mỗi sản phẩm bạn bán thì họ lấy luôn 20%. Mỗi cốc trà sữa giá 60k được bán thì "cá mập" sẽ nhét túi 12k (60*0.2=12) và doanh nghiệp chỉ được giữ lại 48k.

    Tuy nhiên vấn đề ở đây là trong 48k bạn thu về thì bạn sẽ phải tiếp tục phải trả các chi phí nguyên vật liệu, quản lý,…nên tiền lãi về túi sẽ không nhiều như bạn nghĩ đâu. Nếu "cá mập" còn có cổ phần nữa thì bạn càng thảm hại. Nếu không cẩn thận, bạn sẽ rơi vào tình trạng "tính đi thì lãi, tính lại thì lỗ".

    3. Lợi nhuận biên

    "Cá mập" sẽ không quan tâm đến ý tưởng kinh doanh của bạn nếu họ không thể thu lời từ nó. Nói một cách ngắn gọn, tiền họ đầu tư sẽ thu về được bao nhiêu. Vì vậy, họ sẽ cực kỳ để tâm đến hai điều – ROI (tỉ suất lợi nhuận đầu tư) và thời gian thu hồi vốn.

    Giả sử, lợi nhuận biên một cốc trà sữa là 60%. Với một cốc trà sữa 60k thì bạn thu về 36k lợi nhuận (60*0.6=36). Nếu "cá mập" có 10% cổ phần thì họ sẽ thu được 3,6k tiền lời. Với đầu tư 360 triệu vào công ty bạn thì "cá mập" cần có 100 ngàn cốc trà sữa để thu hồi được khoản đầu tư và có lãi sau đó. Vậy trong bao lâu thì bạn bán được 100 ngàn cốc trà sữa, 1 năm hay 3 năm? Số lãi của "cá mập" cho 360 triệu đầu tư là bao nhiêu? Nếu "cá mập" thu lời được 720 triệu trong 2 năm. Thì tỉ suất lợi nhuận sẽ là 50%/năm sau khi trừ vốn đầu tư ban đầu. (720tr - 360tr vốn)/ 360tr / 2(năm).

    Tất nhiên, trong thời gian ngắn của một show truyền hình thực tế, tất cả những phép tính toán chỉ là cơ bản và khái niệm chỉ ở mức tương đối. Để quyết định đầu tư cho một dự án, các "cá mập" sẽ còn quan tâm đến nhiều chỉ số, thông tin khác nữa mà mình sẽ giới thiệu đến trong bài viết tiếp theo, kèm theo các chiến thuật của họ nữa.

    ---

    Bản chất của chương trình là nhà đầu tư và người chơi cố gắng thuyết phục đối phương về giá trị của công ty. Người chơi thì luôn tin rằng công ty mình có giá trị rất cao nhưng nhà đầu tư cố gắng nói điều ngược lại. Mỗi nhà đầu tư đều có cách đánh giá khác nhau. Tuy nhiên, muốn đánh giá chuẩn xác thì nên dựa vào giá trị hiện tại, giá trị tương lai, rủi ro và người lãnh đạo.

    5. Giá trị hiện tại

    "Cá mập" sẽ đặt ra một loạt câu hỏi:

    - Sản phẩm của bạn là gì? Tại sao tôi phải mua sản phẩm của bạn? (đánh giá độ lớn của thị trường, tính cạnh tranh của sản phẩm)

    - Giá trị của thị trường là bao nhiêu? Khách hàng mục tiêu là gì? (đánh giá tiềm năng và độ lớn của thị trường)

    - Doanh thu của bạn là bao nhiêu? Lợi nhuận biên là bao nhiêu? (đánh giá tiềm năng công ty bạn, tiềm năng thị trường, khả năng thu hồi vốn và lợi nhuận nếu họ đầu tư)

    Trên thực tế, bài thuyết trình của người chơi có thể kéo dài gần 1 giờ chứ không phải là 5 phút như trên TV. Nhà đầu tư sẽ tung ra những câu hỏi để đánh giá thị trường cũng như tìm hiểu vị thế của công ty trong thị trường đó. Nhiều người "start-up" hay ngộ nhận rằng chỉ cần có ý tưởng hay là đủ để thuyết phục nhà đầu tư. Trên thực tế, thường thì tất cả những "start-up" đều đã phải hoạt động được vài năm, có số liệu doanh thu cụ thể mới có thể thuyết phục nhà đầu tư. Từ doanh thu, lợi nhuận biên thì "cá mập" có thể dễ dàng tính được mức độ khả thi của đầu tư, lợi nhuận cùng tốc độ thu hồi vốn.

    Còn một cách nữa là sử dụng giá trị vốn hóa của các công ty đã lên sàn. Nhà đầu tư sẽ nắm được vài thông số tài chính cơ bản như P/E (tỉ số giá/lợi nhuận), P/S (tỉ số giá/doanh số). Ví dụ, người chơi có một hãng quần áo doanh thu 1 tỷ và lợi nhuận là 100 triệu. Với giá trị P/E trung bình của ngành may mặc là 14.75x thì giá trị công ty là 1,475 tỷ (100 tr*14.75). Dựa trên đánh giá này, người chơi có thể đề nghị 295 triệu cho 20% cổ phẩn (1,475 tỷ*0.2).

    6. Giá trị tương lai

    Với một công ty nhỏ thì việc tăng trưởng 100% trong 3 năm là hoàn toàn khả thi. Với 400 triệu lợi nhuận trong 3 năm, người chơi đánh giá công ty trị giá sau 3 năm áp dụng giá trị P/E trung bình là 5,9 tỷ (400 tr*14.75). Dựa trên đánh giá này, người chơi đề nghị 1,18 tỷ cho 20% (5,9 tỷ*0.2). Tất nhiên, sau khi bị nhà đầu tư cười với đánh giá không thực tế này, người chơi có thể điều chỉnh một chút, 1 tỷ cho 20%.

    Nhà đầu tư có thể "phản đòn" bằng cách so sánh với công ty tương đương. Giá trị P/S (tỉ số giá/doanh số) của GAP là 0.65. Vậy với doanh thu 1 tỷ thì công ty quần áo của bạn chỉ đáng giá 650 triệu. Nếu chỉ số tăng trưởng trung bình của ngành may mặc là 12%/năm, thì sau 3 năm giá trị công ty sẽ là 1,4 tỷ (1 tỷ*1.12^3). Vậy nên, với cá mập 20% công ty chỉ đáng 280 triệu (1,4 tỷ*0.2).

    Vấn đề ở đây là tốc độ tăng trưởng của một tập đoàn toàn cầu và một công ty nhỏ hoàn toàn không tương đồng. Một công ty nhỏ hoàn toàn có thể có mức tăng trưởng vượt bậc nhưng đi kèm rủi ro thất bại, không có khả năng chia sẻ rủi ro bằng cách phát hành cổ phiếu như tập đoàn. Vậy nên, dưới từng góc nhìn, miếng bánh có thể rất ngon hoặc vô cùng khó nuốt.

    7. Rủi ro

    Việc đầu tư sớm vào dự án đồng nghĩa với việc nhà đầu tư phải chia sẻ rủi ro với công ty. Vậy nên, hoàn toàn hợp lý nếu nhà đầu tư đòi hỏi một số "điều chỉnh" về giá trị công ty, để đầu tư của họ tương xứng với rủi ro.

    Với rủi ro lớn, họ có thể đòi 2 tỷ cho 50% công ty với một công ty giá trị 6 tỷ (tức là 50% đáng giá 3 tỷ). Họ có thể nói rằng với kiến thức quản lý, mối quan hệ, danh tiếng,… của họ thì đó là cái giá hoàn toàn xứng đáng. Họ có thể giúp công ty phát triển xa hơn. Dù sao, sở hữu 50% của công ty có giá 10 tỷ vẫn tốt hơn 80% của công ty có giá 1 tỷ.

    8. Người lãnh đạo

    Nhà đầu tư đôi khi sẽ chấp nhận đầu tư một dự án rủi ro cao nhưng có một ban lãnh đạo tài năng, hết mình về công việc. Trong bài thuyết trình, nhà đầu tư có thể cảm nhận được niềm tin của CEO dành cho công ty cũng như năng lực của họ. Một người mà không nắm rõ các số liệu tài chính của công ty, số liệu thị trường và đối thủ thì chắc chắn không phải một CEO tốt. Hơn nữa, khi đàm phán về giá trị công ty, CEO không thể giấu được niềm tin về tương lai công ty của họ. Các "cá mập" thừa bản lĩnh đề hiểu người chơi cần đầu tư thực sự hay không, họ sử dụng tiền đầu tư có chính xác hay không, hoặc "đánh mùi" được người chơi chỉ mong được quảng cáo miễn phí.

     

    Emanvn | Vũ Minh Trường

    Ngày đăng: 04-12-2017 10,348 lượt xem