• NHÀ ĐẦU TƯ QUAN TÂM GÌ TRONG MỘT CÔNG TY KHỞI NGHIỆP?

    Bài viết có tham khảo nguồn tư liệu từ các trang web như medium, một số tài liệu trên mạng và trải nghiệm cá nhân của chính bản thân tôi. Thường thì các nhà đầu tư sẽ quan tâm đến các vấn đề sau trong một bài thuyết trình của một công ty khởi nghiệp.

     

     Nhà đầu tư sẽ quan tâm đến các vấn đề?

    1. Mục đích của Công ty

    Câu hỏi đầu tiên bạn phải trả lời được là tại sao bạn muốn hay tại sao bạn phải khởi nghiệp? Bạn không thể khởi nghiệp chỉ vì bạn đang… thất nghiệp. Bạn cũng không thể khởi nghiệp bởi thấy bạn bè hay người khác làm như vậy. Và tại sao bạn cùng các cộng sự của mình có thể dấn thân để kiên trì với công việc này một cách lâu dài. Đây chính là tầm quan trọng của việc xây dựng “sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi” cho công ty.

    Đối với một tổ chức, sứ mệnh xác định lý do tổ chức ra đời và tồn tại bằng việc tổ chức bằng việc thực hiện những điều tốt đẹp, những nhiệm vụ cao cả gì và cho những ai. Một sứ mệnh đầy đủ phải dành cho tất các bên liên quan bao gồm: Khách hàng, nhân sự tại tổ chức, cho chính tổ chức, nhà đầu tư, đối tác và cho xã hội.

     

    2. Vấn đề bạn đang muốn giải quyết

    Sứ mệnh và tầm nhìn có thể dài hạn, nhưng bạn hãy biết chia nhỏ các vấn đề ra để tìm được vấn đề nhức nhối nhất mà các khách hàng của bạn đang phải chịu đựng. Đừng cố gắng trình bày giải pháp cho một vấn đề vĩ mô mà có thể chính bạn cũng không biết cách giải quyết. Hãy trình bày vấn đề một cách đơn giản nhất có thể và đủ khả thi để chứng minh cho nhà đầu tư thấy rằng bạn có thể đem lại giá trị cho khách hàng và kiếm được tiền từ giải pháp đó.

     

    3. Sản phẩm và giải pháp của bạn

    Khi bạn đã tìm ra vấn đề quan trọng nhất của khách hàng, đó cũng chính là lúc bạn tìm ra được thị trường ngách có khả năng phát triển. Việc tiếp theo mà nhà đầu tư quan tâm là bạn sẽ giải quyết nó như thế nào? Và tại sao chỉ có bạn và các cộng sự giải quyết được mà không phải là những người khác?

    Khi bạn trả lời câu hỏi này thật nghiêm túc, đó cũng chính là lúc bạn tìm ra được lợi thế cạnh tranh duy nhất (Unique Selling Point) của sản phẩm và tại sao giải pháp của bạn sẽ làm cho cuộc sống của khách hàng tốt đẹp hơn. Hãy cố tìm ra 2-3 lợi thế cạnh tranh (về công nghệ, tính năng, mô hình kinh doanh, kinh nghiệm đội ngũ...) và mạnh dạn thuyết trình với nhà đầu tư.

     

    4. Thời điểm nào?

    Việc hoạch định thời gian là tối quan trọng để xây dựng nên kế hoạch kinh doanh. Đó chính là lý do mà các nhà sáng lập nên dành thời gian để khảo sát thị trường kỹ nhất có thể nhằm có được “trực giác nhạy bén” cũng như nhiều thông tin nhất có thể.

     

    5. Thị trường

    Một sản phẩm với nhiều tính năng tuyệt vời nhưng không có thị trường thì sẽ chẳng ai quan tâm hay đầu tư cho bạn cả. Thật cay đắng phải nói lên điều này nhưng sự thật là nếu bạn đã có khách hàng và doanh thu trước khi gặp nhà đầu tư thì sẽ tuyệt với hơn rất nhiều. Thậm chí, nếu bạn đã có thể tự nuôi sống chính doanh nghiệp của mình thì định giá công ty của bạn trong mắt nhà đầu tư cũng sẽ cao hơn rất nhiều.

     

    6. Đối thủ

    Các bạn có thể sử dụng các công cụ phân tích lợi thế cạnh tranh đơn giản như ma trận SWOT, mô hình PEST... Bạn càng am hiểu về thị trường thì nhà đầu tư sẽ càng đánh giá bạn cao hơn. Dĩ nhiên, nhà đầu tư sẽ có những kênh riêng để kiểm chứng thông tin nhưng việc bạn càng nghiêm túc sẽ càng chứng tỏ thái độ và sự cam kết của mình.

     

    7. Mô hình kinh doanh

    Theo kinh nghiệm của tôi, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ quan tâm nhiều đến mô hình kinh doanh (Business Model Canvas). Trong đó, dòng tiền và các chỉ số về tài chính như cấu trúc giá là cực kỳ quan trọng. Còn với các nhà đầu tư trong nước, các bạn có thể xem xét tìm hiểu về “khẩu vị” của các nhà đầu tư cũng như portfolio đầu tư của từng tổ chức trước khi gặp. Việc này sẽ giúp tiết kiệm thời gian của chính bạn cũng như của nhà đầu tư.

     

    8. Đội ngũ sáng lập

    Nhà đầu tư đầu tư vào con người, chứ không phải ý tưởng. Đó chính là lý do mà tôi đã có một bài về xây dựng đội ngũ và phát triển con người trong khởi nghiệp. Bạn có sứ mệnh cao đẹp, có tầm nhìn dài hạn – trung hạn – ngắn hạn rõ ràng nhưng nếu đội ngũ của bạn không ủng hộ bạn, không ai tin bạn thì hãy quên kế hoạch kinh doanh đó đi. Tôi tin là nhà đầu tư cũng nghĩ như vậy.

    Một chút chia sẻ cho các bạn trẻ đang nung nấu ý định khởi nghiệp, hy vọng các bạn sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền bạc hơn tôi. Hãy khởi nghiệp một cách thông minh nhất có thể và có trách nhiệm để tránh làm ảnh hưởng tới gia đình, người thân, bạn bè xung quanh mình.

     

     

    Sơn Nguyễn - PTDNV

    Ngày đăng: 10-03-2018 1,048 lượt xem