• TÌNH TRẠNG MƠ HỒ, CHƯA RÕ PHÁP LUẬT VỀ LAO ĐỘNG, TIỀN LƯƠNG VẪN CÒN PHỔ BIẾN

    Hiện nay tranh chấp lao động dẫn đến tình trạng khởi kiện lao động tương đối phổ biến - Lý do là người sử dụng lao động, và người lao động, chưa cập nhật hoặc được phổ biến kiến thức pháp luật về Lao động đầy đủ, dẫn đến tình trạng mơ hồ, chưa rõ quy định pháp luật về lao động, tiền lương... và các quy phạm liên quan trong suốt quá trình thực hiện Hợp đồng lao động.

    Dưới đây là những câu hỏi thường gặp:

     

    1. Có cần báo trước nghỉ việc khi đang thử việc không ?

    Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012 như sau:

    Điều 29. Kết thúc thời gian thử việc

    1. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

    2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.


    => Do vậy, nếu thấy công việc đang thử bạn không phù hợp bạn có quyền hủy bỏ thỏa thuận thử việc mà không cần báo trước. Về thủ tục thì bạn chỉ cần thông báo bằng văn bản cho cơ quan bạn đang làm về việc bạn muốn chấm dứt hợp đồng thử việc. 

     

    2. Thời gian thử việc tối đa bao nhiêu ngày ?

    Theo Điều 27 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về thời gian thử việc như sau :

    - Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

    1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

    2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

    3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.

    => Tùy trình độ đáp ứng yêu cầu tuyển dụng mà căn cứ ra thời gian thử việc, nếu hợp đồng chậm hơn khung trên, công ty bạn đã vi phạm về thời gian thử việc của nhân viên.

     

    3. Tiền lương trong thời gian thử việc tính như thế nào ?

    Theo điều 28 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về tiền lương trong thời gian thử việc như sau:

    - Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

    => Vd: Nếu công ty muốn trả 7 triệu và NLĐ đồng ý thì điều này đúng Luật khi chưa đề cập đến con số 9 triệu (lương chính thức). Nhưng nếu đã trao đổi rõ là lương chính thức là 9 triệu mà lương thử việc là 7 triệu thì là sai.

     

    4. Thời gian thử việc có phải đóng Bảo hiểm xã hội không?

    -Theo điều 26, điều 27 Luật lao động – số 10/2012/QH13 quy định:

     1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận về việc làm thử, quyền và nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc.

     * Nếu có thỏa thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc. Hợp đồng thử việc phải có các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 Điều 23 của Bộ luật này, không bao gồm nội dung về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

    => Thời gian thử việc theo hợp đồng thử việc thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

     

    Tuy nhiên: theo Khoản 3 Điều 186 Bộ Luật lao động quy định:

    1. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHYT bắt buộc, BHTN thì doanh nghiệp ngoài việc trả lương theo công việc, còn có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng BHXH, BHYT, BHTN.

    => Vậy nên, mặc dù không phải tham gia BHXH cho người lao động thử việc nhưng Công ty có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương cho NLĐ 1 khoản tiền tương đương với tỷ lệ mức đóng BHXH bắt buộc thuộc phần trách nhiệm của công ty là 22% (bao gồm: BHXH 18%, BHYT 3%, BHTN 1%).

     

    * Theo điểm 3 Công văn số 2447/LĐTBXH-BHXH ngày 26/07/2011

    1. Đối với người lao động có thời gian thử việc ghi trong HĐLĐ mà HĐLĐ đó thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, thì người sử dụng và người lao động phải đóng BHXH bắt buộc cho cả thời gian thử việc. Mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH trong thời gian thử việc là mức tiền lương, tiền công ghi trong HĐLĐ.

     

    Kết luận:

    - Nếu thời gian thử việc doanh nghiệp làm hợp đồng thử việc rõ ràng => Thì không phải đóng BHXH.

    - Nếu thời gian thử việc mà ghi trong HĐLĐ dài hạn hoặc > 3 tháng thì sẽ phải đóng BHXH cho cả thời gian thử việc đó.

    - Kết thúc thời gian thử việc phải có quyết định là làm tiếp hay nghỉ việc (Nếu làm tiếp phải ký HĐLĐ và phải tham gia BHXH).

     

    * Theo điều 4, điều 13, điều 17 Quyết định 959/QĐ-BHXH quy định đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN gồm:

     1. Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng;

     2. Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (thực hiện từ 1/1/2018);

     3. Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.

     

    5. Giá trị pháp lý của thoả thuận thời gian làm việc tối thiểu trong HĐLĐ không xác định thời hạn

    Thứ nhất, về nội dung thoả thuận trong hợp đồng lao động.

    - Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. HĐLĐ được giao kết trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực. Các bên được tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.

    => Để xác định nội dung của hợp đồng trên có đúng quy định của pháp luật hay không, cần tách bạch từng thoả thuận trong hợp đồng để đối chiếu với quy định của pháp luật.

    Thứ hai, NSDLĐ đưa ra các điều khoản ràng buộc sai quy định trong hợp đồng lao động.

    Vd: Người lao động ký hợp đồng không xác định thời hạn, trong đó có cam kết làm việc tối thiểu 3 năm kể từ ngày ký hợp đồng lao động. Nếu tự ý nghỉ việc trước thời hạn sẽ phải bồi thường cho Công ty 5 tháng lương chính.

    => Nếu căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động 2012 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động: “3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.”

    => Theo đó, đối với dạng hợp đồng không xác định thời hạn, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào và chỉ cần báo trước với người sử dụng lao động ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp lao động nữ mang thai có xác nhận của cơ sở y tế chứng nhận nếu tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng đến thai nhi thì thời hạn báo trước có thể ngắn hơn (tuỳ thuộc vào thời hạn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định).

    => Như vậy, nội dung HĐLĐ không xác định thời hạn với thoả thuận cam kết làm việc tối thiểu 3 năm nếu vi phạm phải bồi thường…. Là trái với quy định của pháp luật và không có giá trị pháp lý.
     
    * Nếu bị Công ty cho nghỉ việc không lí do chính đáng thì sẽ được đền bù hợp đồng lao động tương đương 5 tháng lương chính (ngoại trừ bị buộc thôi việc do người lao động vi phạm nội quy của Công ty).

    Thứ ba, loại hợp đồng và thời gian hợp đồng.

    Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012 về xác định loại hợp đồng lao động. Cụ thể:

    Điều 22. Loại hợp đồng lao động:

    1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

    a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

    Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

    b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;

    Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

    c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

    2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn, và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.

    Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

     

    6. Khi nghỉ thôi việc thì cần báo trước ít nhất bao nhiêu ngày?

    Theo Khoản 2 Điều 22 Bộ luật lao động năm 2012 có quy định về loại hợp đồng lao động, cụ thể là:

    "Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.

    Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn".

    => Như vậy, căn cứ vào quy định trên thì chỉ được ký kết tối đa hai lần hợp đồng lao động xác định thời hạn, nhưng trường hợp của bạn đã ký 03 hợp đồng xác định thời hạn cho nên theo quy định pháp luật hợp đồng thứ 3 của bạn ký kết với công ty tự động chuyển sang là hợp đồng không xác định thời hạn.

    Do đó, đối với loại hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì khi bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với công ty thì bạn chỉ cần thông báo trước ít nhất 45 ngày như theo quy định tại Khoản 3 Điều 37 Bộ luật lao động là:

    " Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này".

     

    7. Thời gian làm thêm giờ trong một tháng tối đa là bao nhiêu?

    Điều 106 Bộ luật Lao Động năm 2012 có quy định

    “Điều 106. Làm thêm giờ

    1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.

    2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

    a) Được sự đồng ý của người lao động;

    b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;

    c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.”

    => Như quy định trên thì trong 1 ngày tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12h; thời gian tăng ca, làm thêm giờ không quá 30 giờ/ tháng và không quá 200 giờ/1 năm.

    => Nếu công ty tăng ca không báo trước, như vậy là trái với quy định của pháp luật Lao Động. Tại Điểm a, Khoản 2, Điều 106 có quy định khi tăng ca phải được sự đồng ý của người lao động. Trường hợp này NLĐ có thể khiếu nại lên công ty để đảm bảo quyền lợi của mình.

     

    8. Điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp & trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động

    I. Về trợ cấp thất nghiệp:

    Theo quy định tại Điều 81 Luật bảo hiểm xã hội: Người thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

    "1. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ mười hai tháng trở lên trong thời gian hai mươi bốn tháng trước khi thất nghiệp;

    2. Đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội;

    3. Chưa tìm được việc làm sau mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều này". 

    => Như vậy, nếu bạn có đủ điều kiện trên thì sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bạn có thể tham khảo thêm về mức trợ cấp thất nghiệp và thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp dưới đây:

    - Mức trợ cấp thất nghiệp:

    Khoản 1 Điều 82 Luật bảo hiểm xã hội: "Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của sáu tháng liền kề trước khi thất nghiệp".

    - Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp:

    Khoản 2 Điều 82 Luật bảo hiểm xã hội:

    + Ba tháng, nếu có từ đủ mười hai tháng đến dưới ba mươi sáu tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp;

    + Sáu tháng, nếu có từ đủ ba mươi sáu tháng đến dưới bảy mươi hai tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp;

    + Chín tháng, nếu có từ đủ bảy mươi hai tháng đến dưới một trăm bốn mươi bốn tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp;

    + Mười hai tháng, nếu có từ đủ một trăm bốn mươi bốn tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trở lên. 

     

    II. Về trợ cấp thôi việc:

    Trường hợp của bạn là viên chức xin thôi việc theo nguyện vọng, bạn được hưởng trợ cấp thôi việc nếu đã được cơ quan, đơn vị và người có thẩm quyền đồng ý cho nghỉ việc.

    Theo Điều 39 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP quy định, trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 31/12/2008 trở về trước được tính như sau:

    - Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng ½ tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có);

    - Mức trợ cấp thấp nhất bằng 1 tháng lương hiện hưởng;

    - Trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2003, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31/12/2008.

    - Trường hợp viên chức được tuyển dụng từ ngày 1/7/2003 trở về sau, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc theo hợp đồng làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31/12/2008.

    - Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 1/1/2009 đến nay được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ cấp thất nghiệp.

    Viên chức thôi việc được hưởng trợ cấp thôi việc và được xác nhận thời gian có đóng Bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

     

    => Như vậy, thời gian để tính trợ cấp thôi việc sẽ căn cứ vào thời điểm tuyển dụng trước hay sau 1/7/2003.

    Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc được lấy từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

     

    9. Cách tính Bảo hiểm xã hội 1 lần, hưởng BHXH, rút BHXH 1 lần trực tuyến

    Tính hưởng Bảo hiểm xã hội một lần là quyền lợi của người lao động khi đến đủ điều kiện lãnh, hưởng, nhận BHXH một lần theo quy định. Tuy nhiên việc xác định cách tính, mức hưởng và quyền lợi liên quan sao cho đúng là vướng mắc của nhiều người lao động mà không phải ai cũng hiểu và áp dụng đúng quy định.

    Câu hỏi đề nghị tư vấn: 

    Công ty tôi có người đóng BHXH được 30 tháng đóng từ tháng 07/2013 đến tháng 12/2015 thì báo nghỉ và không muốn tiếp tục đóng BHXH nữa mà muốn nhận BHXH 1 lần và bảo tính dùm. Tôi tính như thế này có đúng không?

    Tháng 07 đến tháng 12/2013 mức đóng là : 1.765.500 x 6 = 10.593.000 đồng

    Tháng 01 đến tháng 12/2014 mức đóng là : 1.900.000 x 12 = 22.800.000 đồng

    Tháng 01 đến tháng 12/2015 mức đóng là : 2.150.000 x 12 = 25.800.000 đồng

    Tổng thời gian đóng là : 6 + 12 + 12 = 30 tháng

     

    Tổng lương đóng là : 10.593.000 + 22.800.000 + 25.800.000 =  59.193.000 đồng

    Lương bq = 59.193.000/30 = 1.973.100, 30 tháng đóng tôi tính là được 3 năm (6-12 tháng tính 1 năm, 12-24 tháng tính là 2 năm) 1.973.100x1.5x3 năm = 8.878.950

    Tôi có vào vài trang mạng tham khảo thì thấy họ tính là đóng là đủ 3 tháng đến dưới 7 tháng tính 1 năm và từ đủ 7 tháng -12 tháng tính 1 năm, nếu tính như vậy thì công ty tôi chỉ được tính là 2.5 năm? và tôi thấy từ ngày 1/1/2016 BHXH 1 lần sẽ được tính là trước năm 2014 tính 1.5 tháng từ năm 2014 trở đi tính 2 tháng, vậy công ty tôi có được tính theo 2 tháng từ năm 2014 trở đi không? Xin chân thành cảm ơn!

     

    Trả lời tư vấn:

    Theo Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về Bảo hiểm xã hội một lần đối với người không đủ điều kiện hưởng lương hưu như sau:

    "1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:


    a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

    b) Ra nước ngoài để định cư;

    c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã  chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

    d) Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu."

     

    Và tại khoản 2, 3 quy định:

     "2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

    a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

    b) 02 thang mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

    c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
     

    3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này."

     

    Tại Điều 8 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Cụ thể là:

     “2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

     

    Ngoài ra: nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ từ 1 tháng đến 6 tháng tính là nửa năm, từ trên 6 tháng đến 12 tháng tính tròn 1 năm.

     

    => Như vậy, trong trường hợp của bạn, cách tính tiền bảo hiểm xã hội một lần như sau:

    Tháng 07/2013 – 12/2013 (thời gian 6 tháng – mức lương là 1.765.500): 1.765.500 x 6 = 10.593.000

    Tháng 01/2014 – 12/2014 (thời gian 12 tháng – mức lương là 1.900.000): 1.900.000 x 12 = 22.800.000

    Tháng 01/2015 đến 12/2015 (thời gian 12 tháng – mức lương là 2.150.000): 2.150.000 x 12 = 25.800.000

     

    Tổng thời gian là: 6 + 12 +12 = 30 tháng

    Tổng số lương là: 10.593.000 + 22.800.000 + 25.800.000 = 59.193.000 

    Mức lương bình quân là: 59.193.000/30 = 1.973.100

     

    Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là: 2 năm 6 tháng

    Trợ cấp xã hội 1 lần: 1.973.100 x 0.5 (năm) x 1.5 (hệ số) + 1.973.100 x 2 (năm) x 2 (hệ số) = 9.372.225

    Như vậy, bạn sẽ nhận được tổng số tiền bảo hiểm 1 lần là 9.372.225 đồng. 

     

    @ Trên đây là những tư vấn căn cứ theo Luật LĐ 2012, các bạn tham khảo và cập nhật thêm các quy định mới nhất nếu có.

     

    Emanvn | Công ty Luật Minh Gia

    Ngày đăng: 09-08-2018 1,045 lượt xem