• ĐỂ HIỂU VỀ CHIẾN LƯỢC

    Bạn bị lạc trong rừng và muốn thoát ra. Nếu bạn cứ thấy chỗ nào trống thì đi, chỗ nào tiện thì bước, có khi bạn sẽ đi sâu thêm vào rừng hoặc tiến gần về phía vực thẳm ...

    Trước khi bắt đầu đi, bạn phải xem lại thực lực của mình (sức mình còn không, lương thực, nước uống dự trữ được bao lâu, đôi giầy đang mang có chắc chắn, con dao bên mình có chặt được cành cây, bạn bị lạc một mình hay đi cùng với ai, cơ thể mình mạnh - yếu chỗ nào...).

    Kế đến, bạn phải biết xung quanh bạn có gì, đâu là thuận lợi, đâu là khó khăn (núi cao, vực sâu, sông, suối, tuyết rơi, bão dữ, mưa gió hay nắng ráo, khu vực cây cối um tùm hay hay quang đãng, có hay không dấu vết thú dữ...).

    Sau đó, bạn phải xác định phương hướng (Bắc, Nam, Đông, Tây...) bằng la bàn, nhìn mặt trời, các vì sao, leo lên cây cao... để quyết định sẽ đi đâu, về đâu (dựa vào thực lực, mong muốn của mình và những gì bạn biết được chung quanh).

    Cuối cùng, bạn vạch con đường cụ thể (ra giấy, hoặc nếu không có giấy hay thứ gì đó để viết thì đành phải tưởng tượng), và tìm cách để đi (đi bộ, chạy bộ, bơi qua sông, trèo qua núi, cõng nhau...).

    Tất cả những việc bạn làm để thoát ra khỏi cánh rừng và đến được một điểm đến nào đó theo các bước nêu trên chính là "làm" chiến lược. Chiến lược của một doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, chí ít cũng phải đi qua các bước như vậy, không nên bỏ sót bước nào. Nếu bạn không muốn đưa doanh nghiệp của bạn đi sâu vào rừng, hãy thực hiện các bước tương tự!

    Để hiểu về chiến lược cũng không khó lắm, phải không?

    --

    CHIẾN LƯỢC - ĐỪNG ĐỂ DOANH NGHIỆP CHẾT VÌ "THẦY LANG", "KEM TRỘN"!

    Vì thực tế, từ trải nghiệm và thống kê của mình, tôi thấy có đến 99% trong số hàng nghìn những doanh chủ, CEO, cấp quản lý mà tôi từng gặp và trò chuyện suốt hàng chục năm qua, chưa hiểu ĐÚNG, ĐỦ và có HỆ THỐNG về 2 từ CHIẾN LƯỢC, chưa nói đến chuyện biết làm chiến lược và biết tổ chức triển khai thực thi chiến lược.

    Có quá nhiều những ngộ nhận về chiến lược, mà tôi được nghe, được chứng kiến, ngay cả không ít những chuyên gia thường xuyên chém gió trên youtube, trên truyền hình, trên sân khấu của các buổi hội thảo hoành tráng về chiến lược, các chương trình dành cho CEO...

    Chưa kể, rất nhiều công ty niêm yết, trong các báo cáo thường niên công khai trên trang web của mình, cũng hay viết chiến lược của họ trong thời gian tới là thế này, là thế kia; nhưng rất tiếc, những thứ mà họ xem là chiến lược, và trình bày trước các cuộc họp thường niên của đại hội đồng cổ đông, rồi đưa vào các báo cáo thường niên niêm yết công khai, LẠI KHÔNG HỀ LÀ CHIẾN LƯỢC!
    Công ty niêm yết, thường có sự tham gia của nhiều chuyên gia, cố vấn, tư vấn, thậm chí có cả quỹ đầu tư, đối tác nước ngoài, mà còn nhận thức về chiến lược như vậy, thì nói gì đến những doanh nghiêp chưa niêm yết, doanh nghiệp nhỏ và vừa!
    Chiến lược là gì? CL bao gồm những thành tố nào? Yếu tố nào để đánh giá chiến lược của một công ty nào đó là tốt hay chưa tốt, là đủ sức cạnh tranh hay chưa đủ sức cạnh tranh? Căn cứ vào đâu để hoạch định chiến lược, và hoạch định chiến lược theo quy trình nào...?
    Đó là những câu hỏi mà tôi tin là không dễ trả lời.
    Rất nhiều vấn đề có thể nêu lên về chiến lược mà tôi tin, hầu hết các doanh nghiệp Việt, kể cả những tập đoàn lớn đều gặp phải. Nhưng VẤN ĐỀ LỚN NHẤT VÀ NGHIÊM TRỌNG NHẤT là gì, các bạn biết không?
    Vấn đề lớn nhất và nghiêm trọng nhất là các doanh chủ, CEO cứ cho rằng mình đã hiểu chiến lược, đã có chiến lược, và không cần phải đi nghe ai giải thích về chiến lược nữa.
    Vấn đề nghiêm trọng thứ hai là nhiều “thầy lang" chiến lược đang lừa bán những sản phẩm “kem trộn” chiến lược, chẳng những không giúp ích gì cho doanh nghiệp, mà còn làm cho DN lâm vào cảnh "tiền mất, tật mang", và tật lại còn ngày càng nặng hơn!

     

    Nguyễn Hữu Long - GPTDNV

     

    Ngày đăng: 02-10-2019 855 lượt xem