• THÚ SƯU TẦM XE VESPA CỔ

    Khi lưu thông trên đường, không khó để ta có thể bắt gặp một chiếc xe Vespa cổ như: Mobylette, Velosolex, Babretta. Không có giới hạn độ tuổi nào khi chơi xe Vespa cổ, đàn ông, phụ nữ, già trẻ, lớn bé, ... mỗi người một mục đích khác nhau. Có lẽ niềm đam mê dòng xe cổ này là điểm chung duy nhất gắn kết họ lại với nhau.

    Tùy vào sở thích và cá tính, việc lựa chọn xe theo phong cách nào sẽ khác nhau. Người thì muốn chọn chiếc xe của mình về “zin” 100%, giới trẻ thì muốn một chiếc xe thật độc đáo và cá tính, người thì mua về chỉ cần sơn lại để đi dạo phố, người thì độ đẹp ngầu để đi phượt,…..

    Tuy vậy, việc lựa chọn một chiếc xe Vespa cổ tốt với giá tiền hợp lý là một việc không hề dễ dàng. Sau đây, chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn cách chọn mua một chiếc xe Vespa cổ thật tốt, thật ngon, giá tiền hợp lý:

    - Định hình phong cách: Bạn thích nhất kiểu dáng, thông số ... của mẫu xe nào ?

    *** Về hãng Piaggio:

    Piaggio được Rinaldo Piaggio (1864-1938) thành lập vào năm 1882 với tư cách là một công ty kỹ thuật hạng nặng, sản xuất đầu máy xe lửa và đầu máy toa xe, trước khi chuyển sang lĩnh vực quân sự, chế tạo tàu ngầm và máy bay theo giấy phép của các nhà sản xuất khác. Đến năm 1940, Piaggio đã sản xuất xe lửa, phụ kiện hàng hải, động cơ máy bay, máy bay, xe tải, xe điện và xe buýt. Trong chiến tranh, nhà máy Piaggio gần như bị phá hủy hoàn toàn bởi các cuộc ném bom của quân đồng minh, và sau khi chiến tranh kết thúc, nền kinh tế Ý bị tê liệt và cơ sở hạ tầng đường sá ở trong tình trạng tồi tệ. Ý đang rất cần một phương thức vận tải hiện đại và giá cả phải chăng để đưa đất nước vận động trở lại và Enrico Piaggio, con trai của người sáng lập Rinaldo Piaggio, đã quyết định rời lĩnh vực hàng không để tập trung vào yêu cầu mới này.

    1. Paperino (1944)

    Ngay cả trước khi chiến tranh kết thúc, 1944 các kỹ sư của Piaggio đã nghiên cứu thiết kế một chiếc xe tay ga, có thân xe bao bọc hoàn toàn các bộ phận cơ khí và bánh xe nhỏ của nó. Kết quả là "Paperino MP5" ("Paperino" là tiếng Ý của Vịt Donald, MP5 là "Moto Piaggio No.5").

     

    Sau đó, hàng loạt thay đổi đã được áp dụng lên mẫu xe này và tạo thành một cuộc cách mạng lúc bấy giờ.

    2. Vespa cổ 98cc (1946)

    Khi điều hành nhà máy, Enrico Piaggio không hài lòng với MP5, đặc biệt với thế ngồi cao khiến người sử dụng thường xuyên phải đứng lên mới choãi được chân để giữ thăng bằng. 

    Ông ký hợp đồng với kỹ sư hàng không là Corradino D"Ascanio để thiết kế lại chiếc scooter. D"Ascanio trước đó là người của hãng Innocenti (sx dòng xe Lambretta), do bất đồng với hãng Innocenti, nên ông rời khỏi Innocenti và mang bản thiết kế tới Enrico Piaggio, ông ngay lập tức hiểu rằng Enrico Piaggio ghét mẫu MP5 bởi ông tin rằng chúng đồ sộ, dơ dáy và không đáng tin.

    Thế là mẫu MP6 ra đời vào tháng 4/1946 tại một Câu lạc bộ Golf ở Rome.

    MP6 của D"Ascanio có kiểu động cơ đặt cạnh trục sau. Trục xe được điều khiển trực tiếp từ hộp số, loại bỏ hệ dẫn động bằng xích, cần số đặt lên tay lái, bánh xe kết nối với hộp số,….

    Hệ thống bánh sau treo cứng, và bánh xe nhỏ 8 inch (200 mm) cho phép thiết kế nhỏ gọn và nhiều chỗ cho chân của người lái. Bánh trước được gắn trên hệ thống treo một bên, bánh trước và bánh sau có thể hoán đổi cho nhau, với một bánh dự phòng được chở dưới một trong các tấm bên ở phía sau. 

    Xe sử dụng khung dạng dầm trụ với thép tán chịu lực và không còn bị giấu kín hoàn toàn. Những thay đổi này cho phép MP6 không còn khó gần như MP5. Hãng Piaggio đã quyết định sản xuất hàng loạt mẫu xe này.

    Động cơ vẫn là loại 2 thì, xi-lanh đơn dung tích 98 phân khối và tốc độ tối đa 60 km/h, tốc độ trung bình 50 km/hCông suất 3,2 mã lực tại vòng tua 4.500 vòng/phút. Hộp số ba tốc độ và sang số bằng tay, trang bị trục truyền động ngoài nối giữa trục sau và mô-tơ

    Ngay khi nhìn thấy MP6 lần đầu tiên, Enrico Piaggio thốt lên: "Sembra una vespa!", nghĩa là "Trông nó giống con ong!".Và hãng Piaggio đặt luôn tên cho chiếc scooter MP6 mới này là Vespa 98cc, Vespa cả trong tiếng Latin và Italy đều là "ong". Ngoài ra, tên gọi này liên quan tới thứ tiếng ồn đặc trưng phát ra từ động cơ 2 thì của chiếc scooter.

    Doanh số bán hàng đầu tiên của Vespa được quản lý thông qua mạng lưới đại lý nhỏ.

    Doanh số tăng nhanh hơn bao giờ hết kể từ khi được giới thiệu trên film vào năm 1947: 2.500 trong năm đầu tiên, 10.000 trong năm thứ hai, 20.000 trong năm thứ ba và 60.000 trong năm thứ tư. 

    Vespa không chỉ đơn thuần là một phương tiện giao thông rẻ tiền và thiết thực, đồng thời trở thành biểu tượng cho sự tự do và trí tưởng tượng. Vào giữa những năm 1950, những chiếc Vespa đã được sản xuất theo giấy phép ở Đức, Anh, Pháp, Bỉ và Tây Ban Nha. Các câu lạc bộ Vespa mọc lên khắp châu Âu, và đến năm 1952, số thành viên Câu lạc bộ Vespa trên toàn thế giới đã vượt qua con số 50.000. 

    Đến năm 1956, một triệu chiếc đã được bán ra, với mốc hai triệu chiếc sẽ xuất hiện vào năm 1960.

    3. Vespa cổ 125 (1949)

    Vào cuối năm 1947, Enrico Piaggio quyết định ngừng hoàn toàn việc sản xuất Vespa 98cc và chỉ tiếp tục sản xuất loại 125cc cho thị trường Ý và quốc tế.

    Vespa cổ 125 (1951)

    Đây là mẫu xe Vespa đầu tiên xuất hiện trong một bộ phim. Mẫu xe năm 1951 càng nổi tiếng hơn sau khi xuất hiện trong bộ phim Roman Holiday kể về chuyện tình của Audrey Hepburn và Gregory Peck ở Rome.

    Vespa cổ 125 “six day” (1951)

    Về mặt thẩm mỹ, rất giống với Vespa 125, “Six Days” khác biệt do bình xăng được trang bị tấm chắn bao quanh và túi bên phải chứa bộ chế hòa khí lớn hơn.

    Vespa 125 U (1953)

    Chỉ có 7.000 chiếc xe tay ga U Vespa được sản xuất, khiến mẫu xe này trở thành một trong những mẫu xe được các nhà sưu tập săn lùng nhiều nhất. Chữ “U" ở đây có nghĩa là tiện ích. Nó được thiết kế để chống lại sự cạnh tranh của Lambretta và được bán trên thị trường với giá 110 USD. Lần đầu tiên, đèn pha được gắn ở độ cao của tay lái thay vì chắn bùn trước.

    Vespa 125 (VNA2) (1958)

    Được sản xuất với hai màu xám và be, chiếc Vespa 125cc năm 1958 đã đánh dấu một kỷ nguyên. Đây là chiếc Vespa đầu tiên có thân xe được làm từ sự kết hợp của hai nửa tấm kim loại.

    4. Vespa Acma 125 GS. (Acma Grand Sport)

     
     
     
    Vespa Acma sản xuất từ năm 1953-1957. ​Sở hữu chiều dài cơ sở 1.130 mm, rộng 730 mm, cao 950 mm, chiều cao yên 760 mm. Động cơ 125 phân phối công suất cực đại 4 mã lực tại 4.500 vòng/phút, tốc độ tối đa 70 km/h. Vespa Acma sử dụng hộp số 3 cấp, dung tích bình xăng 6,5 lít.
     
    Được xem là hàng hiếm đối với dân sưu tầm xe Vespa. Hiện nay tại Việt Nam, Vespa Acma GS chỉ còn được đếm trên đầu ngon tay, là bảo vật đối với những người yêu thích, sưu tầm Vespa cổ.
     
    Với thiết kế theo kiểu xe đua thế thao, phần sườn có độ cong để trượt gió cao, thích hợp với những ai thích lướt tốc độ. Xe có 3 số, dưới yên trước có một cửa sổ mở ra là thấy bình xăng làm cho người nhìn có cảm giác lạ, độc đáo. Có thể nói, Vespa Acma GS là niểm mơ ước của hầu hết dân chơi Vespa bởi ý nghĩa lịch sử cũng như kiểu dáng đẹp hút hồn của nó.
     

    5. Vespa cổ 150GS (1955)

    Lần đầu tiên một chiếc xe dành cho thị trường đại chúng được tạo ra với động cơ êm hơn và hiệu suất ngoạn mục. Vespa 150 GS có thông số thể thao là kết quả trực tiếp từ kinh nghiệm của đội đua Piaggio. Yên xe kéo dài và bánh xe lớn 10 inch đã thay đổi cơ bản dòng Vespa. Một phiên bản tiền sản xuất của mẫu xe này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Piaggio.

    Xe được sản xuất năm 1955, được coi là mẫu xe “thể thao” đầu tiên đạt đến vận tốc 100 km/h.

    Theo các chuyên gia, đây là “phiên bản phổ biến, được sao chép và được nhắc đến nhiều nhất”. Vespa cổ 150 GS có nhiều thay đổi như dung tích động cơ là 150cc, hộp 4 số, yên dài,… Chiếc xe này có thể đạt tốc độ tối đa lên tới 100km/h.

    Vespa 150 Side-Car (1955)

    Vespa với thùng phụ cho phép di chuyển ổn định và thoải mái trên những quãng đường dài. Thùng xe được làm bằng thép tấm, được lắp ráp thủ công và gắn vào chiếc Vespa bằng một ống duy nhất.

    Vespa 150 (1956)

    Năm 1956, mười năm sau khi mẫu xe đầu tiên ra đời, nhà máy Pontedera đã bán được chiếc Vespa thứ một triệu. Vespa 150 mang lại khả năng vận hành được cải thiện và nó cũng nổi bật nhờ đèn pha được gắn cao trên tay lái.

    Vespa 150 GS VS5 (1959)

    Huyền thoại Vespa 150 Grand Sport ra đời năm 1955 với mẫu VS1. Mẫu xe này đã được điều chỉnh và phiên bản VS5 được trang bị quạt đồng hồ tốc độ đặc biệt và đèn hậu mạ crôm hoàn toàn với đèn phanh tích hợp.

    Vespa 150 (VBA) (1961)

    Nó được giới thiệu vào năm 1958 với một vài thay đổi. Màu sắc tương tự như những người tiền nhiệm của nó (màu xanh kim loại), tuy nhiên các tấm bên được trang trí bằng một số lỗ thông gió bằng nhôm và đèn hậu lớn hơn và được mạ crôm hoàn toàn. Mô hình này đã trở thành một thành công lớn nhờ vào sự sang trọng và chức năng của nó, và đã xuất hiện lần đầu trong Thế vận hội Olympic ở Rome vào năm 1960.

    6. Vespa Standard (Vespa 150)

     
     
     
    Vespa 150 VBB ra đời trong khoảng thời gian 1958-1963 tại Italy. Ký hiệu VBB lấy từ ba chữ cái đầu tiên trên số khung, đánh dấu dòng 150 phân khối thân rộng. Với bộ khung sườn và động cơ phù hợp, đã trở thành thiết kế tiêu chuẩn cho các dòng thân rộng sau này, trong đó nổi bật nhất là PX. VBB sử dụng hộp số 4 cấp, thay thế cho hộp số 3 cấp. Vespa Standard đã được chuyển sang động cơ rotary valve (giả từ kiểu động cơ piston-proted được dùng cho các đời xe GS, SS cho đến năm 1968). Nguyên lý rotary valve đã chứng tỏ tính ưu việt của mình, bằng chứng là gần 50 năm sau Piaggio vẫn sử dụng nguyên lý này cho đời xe PX2005.

    Xe có chiều dài 1.745 mm, rộng 710 mm và cao 1.020 mm. Động cơ xi-lanh đơn, hai thì dung tích 145,5 phân khối có công suất cực đại 5,5 mã lực tại vòng tua máy 5.000 vòng/phút. Hộp số tay 4 cấp với tốc độ tối đa 87 km/h. Bình xăng dung tích 7,7 lít, mức tiêu thụ nhiên liệu theo công bố của nhà sản xuất lúc bấy giờ khoảng 2,3 lít/100km. Yên xe dài hơn, bánh xe lớn hơn với kích thước 10 inch - đó là những thay đổi khác biệt nhất của chiếc Vespa này.

    Mang trong mình phong cách thể thao khoẻ khoắn, có thể nói dòng xe này tập hợp tất cả tinh tuý mà Piaggio có được qua các giải đua mà hãng từng tham gia.

    6. Vespa Dali (1962)

    Mùa hè năm 1962, mẫu Vespa được dùng để chở hai học sinh - Santiago Guillen và Antonio Veciana. Hai chàng trai trẻ đã gặp bậc thầy của chủ nghĩa siêu thực, Salvador Dali. Dali, trong khi viết một biên niên sử đương đại, đã không tin vào danh tiếng của mình và quyết định trang trí thân chiếc Vespa một cách kỳ lạ, gắn chữ ký và tên của vợ ông, nàng thơ Gala. Vào mùa hè năm 1999 tại Girona (Tây Ban Nha) trong thời gian “Eurovespa", nó đã được trưng bày tại “Nghệ thuật mô tô" và sau đó được Giovanni Alberto Agnelli tử tế tặng cho Bảo tàng Piaggio.

    7. Vespa 50 (1963)

    Để thu hút nhiều đối tượng hơn, Piaggio đã giới thiệu Vespa 50, được quảng cáo với khẩu hiệu “Trẻ trung, Hiện đại và… không cần giấy tờ”. Đó là một chiếc Vespa mà theo các quy tắc của Highway Code năm 1963, có thể được lái mà không cần biển số và không cần bằng lái bắt đầu từ 14 tuổi.

    Được sx vào năm 1963. Đây là dòng xe 50 phân khối đầu tiên của hãng Piaggio. Xi-lanh và piston của xe được đặt nghiêng 45 độ, khác hẳn với các dòng xe trước đó. Đặc biệt, đây là bản thiết kế cuối cùng của nhà thiết kế Corradino D"Ascanio – người đã đồng hành cùng Vespa từ những ngày đầu tiên.

    8. Vespa Super sport (1966)

     

    Dòng xe này ra đời năm 1966 và được xem là đời sau của Standard và đời trước của Sprint. Vẫn giữ dáng con ong truyền thống của hãng Vespa tuy nhiên nó được thay đổi thiết kế từ tròn sang vuông những chi tiết bên ngoài như cốp, vè, một ít nơi đầu đèn (Super) hoặc toàn bộ đèn (Sprint). Đồng thời phần máy cũng được nâng cấp bộ lửa và một ít nơi hộp số và bộ truyền động giúp xe vận hành trơn tru. Super còn được gọi với tên gọi khác là “siêu ong” vì nó có những đặc điểm về hình dáng cá tính, góc cạnh ... thế là lô xế VBC, VLB của dòng 150 ra lò.

    Luận về Super so với Standard, Super cũng dùng bánh 8 inh thấp nhỏ (khoái cái vụ này bởi cái body có phần khiêm tốn của mình) xong nước chạy thì khỏi phải bàn, lành hơn hẳn.

    9. Vespa 90 Super Sprint (1966)

    90 SS, giống như Vespa 50, là một trong những mẫu xe được săn lùng nhiều nhất và được cho là món đồ của những nhà sưu tập thực sự.

    Đây là phiên bản kết hợp giữa Vespa 50/90cc và phiên bản 125cc. Vespa cổ Super Sprint 90 giữ nguyên vị trí giữa phần yên và phần trục lái. Điều này tạo cảm giác thoải mái cho người điều khiển. Dung tích xe Vespa cổ Super Sprint 90 là 90cc, tốc độ tối đa là 93 km/h.

    10. Vespa cổ Sprint 150 (1965)

     

    Năm 1963, Piaggio trình làng mẫu xe mới, đó là GL150. Đây là mẫu xe được đánh giá là 1 trong những xe đẹp nhất của hãng Piaggio. Nhưng GL thì liên quan gì đến Ping? Xin thưa là có đấy. Xe GL, số máy bắt đầu là VLA, sau đó đến Vespa Sprint là VLB. Đầu đèn như nhau, kính đèn như nhau, bánh xe như nhau. Một số cải tiển về động cơ giúp GL mạnh hơn standard150, và Sprint thì mạnh và êm hơn nữa. 

    Những năm 70 của thế kỉ trước, nếu sở hữu một chiếc Vespa Sprint 150 chẳng khác nào một chiếc xe hơi thời bây giờ bởi giá trị của nó rất lớn, bằng nửa căn nhà mặt tiền lúc đó.

    Đời xe này qua Việt Nam fổ biến các dòng mang số máy 04, 05. Các bác thợ xe gọi dòng này là EH. Bẵng đi 1 thời gian, xe Sprint máy 07, 08 lại dc nhập về. Một đời xe đặc biệt của súp rin là Sprint, số máy 09, dành cho thị trường mỹ. Dòng xe này hiện nay khó kiếm xe gin vì nhập về ít, và dân ta hồi đó cũng không thích “nâng cấp”. Đặc biệt là do đời xe này dùng xăng riêng nhớt riêng, bình xăng lớn nhìn như PX, có lỗ đổ nhớt. Phía dưới khoá xăng có chỗ thăm nhớt xem nhớt khô hay ướt. Bây giờ kiếm dc con này cũng fải mệt mỏi chứ chẳng chơi, không hiểu đi đứng thế nào lại lạc về Việt Nam mấy chú.

    Đời xe Vespa Sprint cuối cùng được nhập theo đường chính thức là Sprint EP. Dân ta phân biệt Sprint EP bằng cách đếm số máy, cứ 7 số là EP. Đời Sprint EP cuối cùng mang số máy bắt đầu bằng 016, đây cũng là đời xe được chuộng nhất, đắt nhất và được dân chơi săn lùng nhiều nhất. Máy xe được cải tiến vượt bậc bằng bộ xy lanh 3 cửa hút, giúp xe chạy bốc nhưng ít tốn nhiên liệu. Tiếng nổ của xe rất ấm, nghe “pịch…pịch…pịch…”. Nếu xe còn bộ xi lanh gin, bô gin thì tiếng nổ nghe khác hẳn. Một âm thanh thể hiện “đẳng cấp”. Chính vì thế không biết bao nhiêu con tăng đã được upgraded thành Ping. Thậm chí acma, mini cũng mang lên đời thành Ping.

    Hãy ngồi thử lên 1 chiếc Vespa Sprint “nguyên bản” mà xem. Yên xe vững chãi, bề thế. Cảm giác vặn ga rất êm tay. Xe lao đi rất ngọt. Ở vận tốc 90km/h xe rất đầm, không rung bần bật như tăng da. Và quan trọng hơn hết, khi bạn cưỡi một chiếc sprint, tôi chắc chắc bạn sẽ thấy tâm hồn thư thái, quên hết chuyện vợ vừa cằn nhằn, sếp mới la hay chuyện bị một chú nào đó spam trên mạng. Tôi đảm bảo với các cô gái, hầu hết chàng trai đi sprint “nguyên bản” là đẹp trai, đàng hoàng, lịch lãm, có cá tính, đa tình nhưng không sở khanh.

     

    11. Vespa 125 Primavera

    Được ra mắt vào năm 1967 và được kế thừa tinh hoa của những đàn anh đi trước. Dáng vuông vức góc cạnh làm say đắm những người yêu Vespa tại Việt Nam. 

    Với thiết kế khung xe dài hơn, tạo cho người lái một cảm giác dễ điều khiển hơn, người ngồi sau có dáng ngồi thoải mái hơn. Ngoài ra với thiết kế động cơ được nâng cấp giúp người lái dễ vận hành và lướt vô cùng êm.

    12. Lambretta

    Tên gọi "Lambretta" xuất phát từ con sông nhỏ Lambro ở Milan chảy gần nhà máy. Hãng Innocenti bắt đầu sản xuất scooter Lambretta năm 1947, đối thủ với Vespa.

    Kĩ sư hàng không Corradino D"Ascanio được Ferdinando Innocenti yêu cầu thiết kế một phương tiện di chuyển đơn giản, mạnh, và giá cả tốt nhất có thể và nó phải phù hợp cho tất cả mọi người.

    D"Ascanio đã thiết kế trên một khung đòn, thay đổi số ở tay cầm, và động cơ gắn trực tiếp vào bánh sau giúp người lái khô sạch so với các xe mô tô có phần trước mở. Thiết kế vùng đặt chân rộng nhằm phục vụ cho giới nữ vì việc mặc váy. 

    Phuộc trước giống như thiết bị hạ cánh của máy bay, cho phép đổi bánh dễ dàng. Hệ thống truyền dẫn bên trong theo kiểu ăn khớp thay cho việc sử dụng sên xe để tránh tình trạng bùn đất, dầu mỡ. 

    Sau hơn 1 năm sản xuất, chiếc Lambretta đời 1947 có một chỗ ngồi nệm cho người đi kèm hoặc một khoang chứa đồ. 

    Lambretta cũng được phép sản xuất ở Argentina, Brazil, Chile, Ấn Độ và Tây Ban Nha, đôi khi dưới tên khác nhưng luôn luôn với thiết kế dễ nhận ra.

    Năm 1960, nhu cầu mô tô scooter sụt giảm vì xe hơi cỡ nhỏ đã phổ biến và Lambretta bắt đầu khó khăn tài chính. Cuối cùng Innocenti/Lambretta được bán cho BLMC (British Leyland Motor Corporation). Sau đó hãng BLMC đã cho Automobile Products of India (API) bắt đầu lắp ráp scooter Lambretta được chế tạo tại Ấn Độ. 

    Năm 1972, công ty nhà nước Scooters India Ltd. (SIL) đặt trụ sở tại Lucknow, Uttar Pradesh, mua toàn bộ quyền sản xuất của dòng Innocenti Lambretta cuối cùng, GP150. Được cải tiến thêm với hệ thống đánh lửa điện dung (CDI) của Nhật Bản và hệ thống giảm xóc trước.

    Model đầu tiên được giới thiệu là Vijay Delux/DL. Sau đó Vijay được cải tiến và được bán với tên Vijay Super. 

    Năm 2003 Scooters India cấp phép cho Khurana Group USA LLC sản xuất và phân phối ở Hoa Kỳ dưới nhãn hiệu Lambretta. Lần ra mắt đầu tiên vào năm 2008 được đổi nhãn mác gồm DUE50 49 cc, UNO50 49 cc và UNO150 150 cc.

    Hiện vẫn còn các câu lạc bộ người dùng scooter Lambretta ở khắp châu Âu và Anh. Các scooter Lambretta cũng ngày càng tăng giá do tính quý hiếm và nhu cầu tăng. Một chiếc LI 150 series 2 chuẩn ở tình trạng tốt được bán với giá trên £3,000 ($5,950), còn các model hiếm hơn như TV200 được bán với giá đến £12,000 ($23,750).

    Giống như Vespas vào lúc đó, Lambrettas có 3 hoặc 4 số, và động cơ 2 thì có dung tích từ 49 cc đến 198 cc.

    Khác với cấu trúc một khung sườn duy nhất làm từ tấm thép của Vespa, Lambretta sử dụng bộ khung ống cứng rắn hơn, mặc dù các dòng "J" sản xuất từ 1964 đến 1971 có cấu trúc đơn thân. Model A và model B chỉ có ở dạng "mở". Model D có bộ giảm xóc sau dạng thanh xoắn.

     

    -------
    - Về mua xe cũ, xe zin:
     
    Có ý cho rằng: Nhiều xe zin mà phụ tùng ráp nối vào rồi nói xe mình zin - nhưng nói thật xe zin mà phụ tùng zin lai tạp thì gọi là xe dựng, đã là xe dựng dù có đẹp đến mấy cũng không có giá trị xe cổ và giá trị lịch sử, mua đồ về ráp gọi là xe dựng không phải là xe cổ. Chơi xe giấy tờ chính ngạch là điều quan trọng, là zin nguyên con, phụ tùng theo xe từ ngày sản xuất, kể cả phụ tùng máy cũng theo xe.

    --------------

    - Mua xe hãy chọn xe phù hợp với túi tiền:

    Hãy đặt ra câu hỏi trước “xe Vespa cổ giá bao nhiêu?” và lựa chọn xe phù hợp với khả năng tài chính của bạn. Tùy thuộc vào từng dòng xe, độ zin (nguyên bản) và tình trạng xe thì mỗi chiếc xe Vespa sẽ có mức giá khác nhau. Chi phí hợp lý để mua một chiếc xe Vespa cổ hiện nay dao động từ 15 – 50 triệu đồng, với số tiền này, bạn đã có thể sở hữu một chiếc xe Vespa cổ ngon lành rồi.

    Nếu bạn không đủ tiền thì đừng nên ham đồ rẻ nhé. Vì dòng xe cũ có tuổi thọ hơn 50 năm nếu quá rẻ cũng đi kèm với những rủi ro về hỏng hóc, chi phí mà bạn phải bỏ ra sửa chữa, thay thế linh kiện, phụ tùng, có khi nhiều hơn. Quan trọng là các dòng xe rẻ có các bộ phận thường không đồng bộ, ráp nối lai tạp, tính ổn định thấp.

    ---------

    - Cách kiểm tra xe trước khi mua để đảm bảo xe lành:

    Khi đã xác định rõ dòng xe để mua và có mức tài chính phù hợp, thì đã đến lúc bắt tay vào giai đoạn quan trọng nhất là kiểm tra xe để xem xét chiếc xe đó có xứng đáng với khoản tiền mà chúng ta cần bỏ ra hay không. 

    1. Hãy tìm kiếm trên fb, net, hội nhóm, bạn bè ... để tìm và chọn lựa một nơi mua xe Vespa cổ có uy tín và chất lượng gần nơi bạn sống sẽ giảm thiểu được ít nhiều rủi ro.

    2. Đa số xe đã làm lại đồng, phần khung (do đã quá cũ) như: đập lại khung, gò nắn về form mẫu ban đầu, hàn sườn, giè, các mép nồi khung sườn, phần cốp, bình xăng lớn, đặc biệt là chú ý kỹ phần dưới thân xe (chỗ để gắn chân chống) đảm bảo thân xe ổn định, liền khối, không bị mục gỉ, “mối mọt”. Cốp phải được lắp vừa vặn với xe, không rung lắc.Tiếp theo, bạn cần kiểm tra cổ phốt xem có bị rơ không. Kiểm tra phần tay lái và đầu đèn để biết được độ ổn định của chúng.

    Dựng chống đứng và quan sát xe (trong vòng 3m) theo hướng cả trước và sau xem xe có bị nghiêng, lệch hay mất cân đối hay không. Kiểm tra yên xe, chú ý phần xương dưới yên không bị mất dây lò xo, hay bị rỉ sét. Ngồi lên yên nhúng thử để kiểm tra tính đàn hồi của lò xo yên.

    3. Hãy bình tĩnh, cẩn thận, chậm rãi kiểm tra từng chi tiết trên xe, không bỏ qua bất kỳ chi tiết nào.

    4. Một chiếc xe Vespa cổ dù đẹp đến đâu đi nữa nhưng nếu cứ chạy được vài bữa mà hư ... thì nghĩa là bạn đã có thất bại.

    Quan sát: Hãy chậm rãi dựng xe, nổ máy, tăng giảm ga để nghe tiếng máy nổ, tăng ga chậm để nghe tiếng máy “rít” lên tiếng nổ phải giòn, tròn đều từng tiếng không bị rồ, thả hết ga để xe nổ ở trạng thái garanti máy không có những tiếng kêu bất thường. Tiếp theo, bạn bóp chặt côn và hơi tăng ga một chút, nếu tiếng kêu “lọc cọc” hoặc xuất hiện tiếng “hú” từ động cơ phát ra là bát côn đã bị mòn, các lá thép đập vào mâm côn tạo nên tiếng hú.

    Kiểm tra các phụ tùng khác theo xeBánh xe bao gồm vành (niềng), lốp và các bộ phận liên quan. Dựng chân chống giữa, cầm lốp trước quay thật mạnh và quan sát độ “đảo” của vành, nếu vành bị đảo thì chứng tỏ đã bị thay thế hoặc va chạm làm méo mó hoặc cũng có thể lốp lắp không chuẩn.

    Sau đó bạn ngồi lên xe, dùng 2 tay ghi đông ấn mạnh xuống phía trước để kiểm tra giảm xóc trước, nếu là giảm xóc còn tốt thì bạn sẽ nhấn khá êm ái và không phát ra bất cứ tiếng kêu nào.

    Tiếp theo, bạn trả về số 0, cầm bánh sau lắc mạnh sang hai bên xem có bị rơ không, nếu bị rơ quá chứng tỏ bi trong có vấn đề.

    Bên cạnh đó các phụ kiện khác như phanh trước, sau, còi, đèn, nút bấm tắt máy, đèn hậu, dzoăng cao su, chỉ chân, bọ sàn, ống xả, nắp bình xăng… cũng cần được kiểm tra kỹ lưỡng.

    Chạy thử: Ngồi ngay ngắn, bóp chặt côn, vào số 1 tăng ga chạy, nếu xe vọt nhanh mà không ì, máy không rồ bất thường là được, tiếp tục vào số 2, 3, 4, việc chuyển số phải dễ dàng, xe không bị khựng hoặc giật khi sang số (trường hợp sang số đúng), trong quá trình di chuyển nếu là máy tốt thì ở dải tốc độ >40km/h xe chạy rất êm, tiếng máy không kêu “pạch pạch” như lúc nổ máy, xe không rung lắc. Trong điều kiện thử nghiệm, nếu có thể bạn thử thả 2 tay trong 2-3 giây, nếu xe bị lệch hướng đi nghĩa là khung sườn không chuẩn. Tiếp theo, bạn chạy ở số 4 tốc độ khoảng 40km/h rồi bóp hết côn để xe trôi tự do, nếu máy xe bị tắt chứng tỏ phần điện ma vít có vần đề.

    Dừng xe: dừng xe, chờ máy nguội, bạn mở cốp bên phải ra sẽ thấy cụm động cơ. Nếu có thể, bạn mở bình xăng con (chế hòa khí) ra để kiểm tra tay quay hút nhiên liệu, đảm bảo tay biên phải khít, trơn và nhẵn. Bạn nhìn phần đuôi xe phía sau động cơ, nếu có nhiều nhớt chảy ra chứng tỏ đã bị hở cổ hút. Tiếp theo bạn nhìn hệ thống điện và bánh đà, những chiếc Vespa cổ nguyên bản chạy điện ma vít đơn giản, không có bất cứ thiết bị điện tử nào cả, chỉ có cuộn điện, ma vít, mô bin (cục tăng áp cho bugi) và hệ thống dây.

    Số khung, số máy: Một chiếc xe Vespa cổ tốt trước hết khung sườn phải đồng bộ, do đó bạn cần kiểm tra số khung và số máy, số khung nằm ở phía dưới cốp trái, số máy, nằm dưới cùng lốc máy gần chỗ để gắn dây côn và mâm côn, bạn ghi lại 2 thông số này. Nếu 2 thông số này đều cho ra một kết quả thì máy và khung là của cùng một xe (ở đây không xét đến yếu tố đã bị làm giả lại số khung số máy).

     

     

    Việc lựa chọn đúng sẽ giúp ta có được một chiếc xe Vespa cổ tốt, sẽ không mất thêm chi phí để sửa chữa cũng như thay thế các linh kiện. Chúc bạn may mắn.
     
     
    Trung Hậu (TH)
    --------------------
    Xem thêm:
     

     

    Ngày đăng: 21-06-2023 325 lượt xem