• CHƠI ĐĨA THAN CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU – ÂM THANH MỘC

    Khác với những dàn âm thanh hiện đại, nguồn âm analog từ đĩa than vẫn luôn yêu cầu sự chau chuốt và tỉ mỉ vốn có trong cách sử dụng nó. Việc tiếp cận và khai thác chất âm chân thực, tự nhiên đầy mộc mạc từ nguồn âm hoài cổ này là điều không mấy dễ dàng với phần lớn những người yêu nhạc hiện đại.

    Từ chiếc máy dịch điện tín, Thomas Edison đã phát triển thành hệ thống ghi âm và phát âm theo cùng một nguyên lý và cho ra đời chiếc máy quay đĩa đầu tiên trên thế giới vào năm 1877. 

    Với chiếc kính phóng đại, bức ảnh sau, cho độc giả hình dung chính xác làm sao để mâm đĩa than lại có thể tái tạo âm thanh analog chính xác đến thế.

     

    Tùy thuộc vào độ biến thiên của tín hiệu âm thanh mà máy ghi tạo nên rãnh soi trên bản master và sau đó được in hàng loạt lên đĩa nhựa (vinyl). Ở máy quay đĩa (đọc đĩa), người ta xử lý âm thanh theo chiều ngược lại, tức là chuyển hóa các xung động cơ học ở đầu kim xuống rãnh này thành tín hiệu âm thanh loại nhỏ rồi được khuếch đại lên qua bộ phono và ampli rồi tới loa đến tai người nghe.

    Bắt đầu quá trình này là một đầu kim (stylus) chạy trên các rãnh đĩa nhỏ xíu không giống nhau, giao động giữa đầu kim và rãnh đĩa tạo nên âm thanh của bản nhạc. Nếu vặn nhỏ loa hết cỡ, và ghé tai vào mặt đĩa khi kim đang chạy, có thể nghe thấy tiếng nhạc phát ra ngay ở đầu kim. Một chiếc kính phóng đại đã ghi lại toàn bộ quá trình trên để độc giả có thể tham khảo dưới dạng một bức ảnh động, giải mã những bí ẩn đằng sau thứ âm thanh huyền hoặc của những mâm đĩa than mang lại tới người chơi máy, nghe nhạc mỗi ngày.

    A - Kiến thức cơ bản dành cho người mới chơi đầu đĩa than

    Trong khi việc nghe nhạc bằng nguồn âm thanh số đang ngày càng trở nên hiện đại, đơn giản và tiện dụng, thì ngược lại, nguồn âm analog từ đĩa than vẫn luôn yêu cầu sự chau chuốt và tỉ mỉ vốn có trong cách sử dụng nó. Việc tiếp cận và khai thác chất âm chân thực, tự nhiên đầy mộc mạc từ nguồn âm hoài cổ này là điều không mấy dễ dàng với phần lớn những người yêu nhạc hiện đại. Qua bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về những thành phần cơ bản của một hệ thống mâm đĩa than chuẩn mực.

    Không khí "lùng tìm" những chiếc đĩa than cũ, những bản ghi âm trong hoài niệm cũng là một nguồn cảm hứng đặc biệt với người mê chơi đĩa than.

    Tuần tự các bước, từ mở hộp đĩa, vệ sinh đĩa, kiểm tra kim, quay mâm, chỉnh tạ, nhấc đặt cần và chỉnh âm thanh... gần giống với một "nghi thức" dành cho kẻ nhàn rỗi. Xem ra là một giải pháp tìm lại sự thăng bằng, "chậm lại" trong thế giới vội vàng.

    Âm thanh của những bản nhạc phát ra từ đĩa than truyền tải tính "mộc" của giọng ca, sự tinh tế của các nhạc cụ.

    Điều đó kết hợp cùng sự quan sát chuyển động của kim đọc xoay tròn vào tâm mặt đĩa mang lại xúc cảm thật và mộc, hướng đến sự tinh tế. Không gian âm nhạc mà chiếc máy hát đĩa than mang lại cũng có thể làm người nghe đĩa than chìm đắm sâu hơn trong thời gian.

     

    Hoài niệm và chất âm khác biệt có lẽ là hai trong số những lý do kéo nhiều người quay về với đĩa than. Việc chuẩn bị các bước để nghe một bản nhạc bằng máy hát đĩa than cũng khiến người nghe nhạc bị kéo vào một sự chú tâm nhất định, khiến mọi thứ như chậm lại, và định tâm hơn.

     

    Và đó cũng là một xu thế tất yếu tìm kiếm điểm cân bằng trong điều kiện nhạc số làm cho mọi thứ đang có cảm giác dễ dãi, mau qua.

     

    Kiến thức cơ bản dành cho người mới chơi đầu đĩa than

     

    Một người chơi chia sẻ quan điểm: "Khi người ta có thể mua những chiếc máy và dàn âm thanh nghe đĩa hàng tỉ đồng để trong nhà, hay thích đấu giá sở hữu những đĩa nhạc quý hiếm, thì cần quay lại với bản chất của vấn đề: đầu tư cho cái lỗ tai (âm hay) hay chạy theo những thiết bị đắt tiền?".

     

    Ở góc nhìn khác, đồng tiền đi đôi với chất lượng, khi level của bạn tăng lên, có thể độ thẩm âm của tai bạn nghe cần sâu hút hơn nữa thì mới "phê", khi đó bạn có thể cần những dàn đắt tiền hơn. Còn nếu người chơi có tiền nhưng lại mù mờ về môn “nghệ thuật” này nếu bung tiền mà chưa am hiểu thì sẽ thật sự đáng tiếc. 

    Kế đến là cách dùng, dùng đúng và set-up đúng ngay từ đầu không chỉ giúp bạn bảo quản tốt thiết bị mà còn giữ cho bộ sưu tập của mình “thọ” hơn.

    Để có thể thiết lập được một hệ thống âm thanh analog từ đĩa vinyl (đĩa than), đầu tiên chúng ta cần có 2 thiết bị cơ bản cấu thành bộ nguồn phát bao gồm mâm đĩa than và phono-box. Trong đó thì mâm đĩa than sẽ đóng vai trò đọc dữ liệu âm thanh được ghi trên đĩa vinyl (đĩa than) và phono-box sẽ có nhiệm vụ khuếch đại tín hiệu âm thanh thu được trước khi gửi tới pre-amplifer.

    B - Hiểu về cấu tạo dàn máy đĩa than

    Mâm đĩa than có cấu cạo tương đối phức tạp với những thành phần cơ bản như sau: thân máy chính, thớt đĩa quay, hệ thống motor, chuyển động và điều tốc, tay cần, và kim đĩa than.

    1. Cụm kim (cartridge) đĩa than: 

    Mũi kim (stylus) là thành phần trực tiếp tiếp xúc với đĩa than và thu lại tín hiệu dao động thông qua việc chuyển động trên rãnh ghi của đĩa. Những dao động thu được ở mũi kim sẽ được dẫn truyền đến thành phần kế tiếp là một nam châm động hoặc một cuộn dây động rồi sau đó mới tới phono-stage.

    Cấu tạo của cartridge bao gồm mũi kim, nam châm hoặc cuộn dây.

    Tùy thuộc vào thiết kế của cụm kim (cartridge) là sử dụng nam châm động (MM) hay sử dụng các cuộn dây động (MC) -> mà hệ thống âm thanh của bạn sẽ cần có một phono-stage tương thích với tín hiệu thu được từ mâm đĩa than. Tất nhiên là cũng có những mẫu phono-stage hỗ trợ cả 2 loại MM và MC đang được bày bán trên thị trường để đáp ứng nhu cầu linh động của các người yêu âm nhạc hoài cổ.

    Ưu nhược điểm của MC và MM: 

    - Đầu kim MM với khả năng dễ dàng thay đổi và độ bền cao hơn so với MC. Cường độ dòng điện cũng cao hơn so với các MC do đó to mồm hơn (high output).

    - Còn đầu MC đắt hơn, đầu kim dùng loại kim cương có kích thước nhỏ hơn, chế tác khó khăn hơn, không thay thế được, mong manh dễ vỡ hơn và cường độ dòng điện cũng nhỏ hơn so với kim MM, vì thế cần đến một transformer hoặc một mạch phono pre-amplifier riêng cho MC để tăng cường độ dòng điện lên để phù hợp với phono-stage. Kim MC do có đầu kim nhỏ và trục cantilever mảnh khảnh nên ít bị cộng hưởng, phản hồi nhanh với các đường khía trên rãnh đĩa và ít bị vấp bụi hơn nên thành ra khi nghe tiếng thường sạch sẽ, tĩnh và trong trẻo hơn so với kim MM.

    Về nguyên tắc hoạt động của kim MM và MC thì từ trường biến thiên tạo ra từ nam châm và các vòng coil nhỏ sẽ tạo ra các tín hiệu dòng điện có cường độ nhỏ biến thiên. Cường độ dòng điện sẽ được khuếch đại và truyền đến ampli để phát ra loa.

    Các kim MC low-output (thường đắt lè lưỡi) thì bạn cần phải có thêm Step-up transformer, đây là một thiết bị khuếch đại dùng 2 cục biến thế và nó khuếch đại tín hiệu theo tỉ lệ vòng dây, do biến thế là một thiết bị thụ động hoạt động nhờ từ trường nên noise gần như là không có.

    Step-up transformer của Lundahl dùng 2 cục LL1931ag, lõi permalloy, quấn dây bạc nguyên chất

    Phonostage của Thomas Mayer dùng EC8020 - một trong những bóng gain cao mà noise rất thấp, và rất đắt.

     

    Một số mạch MC trong phonostage cũng có thể chỉnh gain để không dùng step-up cho tiết kiệm nhưng thường trong mấy con phonostage bình dân trở xuống. 

    Vì kim MC cần tỉ lệ khuếch đại lớn 1:20 có khi 1:30 và 1:40 nên việc dùng linh kiện khuếch đại chủ động sẽ có noise floor lớn, điều này không thể chấp nhận được nên ít có hãng lớn nào đi theo hướng này. Việc lựa chọn step-up transformer phụ thuộc vào trở kháng và voltage output của kim MC nên không phải cứ cây kim đắt gắn với con step-up đắt đỏ là nghe hay, có khi phối hợp trở kháng sai thì một là mất treble, hai là mất bass.

     

    2. Việc giữ cho đầu kim không bị trượt khỏi các rãnh ghi của đĩa được đảm nhiệm bởi tay cần (tone-arm). 

    Tone-arm là nơi chúng ta gắn kim lên. Tay cần có thể được làm từ nhiều vật liệu với hình dạng, màu sắc và khối lượng khác nhau, tuy nhiên luôn phải đảm bảo không tạo ra một sức nặng quá lớn lên mũi kim để tránh làm hư hỏng các bản ghi đĩa vinyl. Ở điểm này thì những người sử dụng đĩa than lâu năm thường chuộng những thiết kế tay cầm cho phép người dùng tự điều chỉnh áp lực lên mũi kim nhằm mục đích tối ưu hiệu quả sử dụng.

    Tonearm gồm đối trọng (cục tạ counter weight), bộ phận anti-skating chống trượt, và nhiều cơ chế di chuyển khác nhau: unipivot, gimbal, bearing. Chất liệu tonearm tốt thường bằng đồng thau hoặc titanium nitride vì chúng rất nhẹ và chống cộng hưởng tốt, khi chơi nhạc bass nhiều và sâu không bị rung.

    3. Thớt (mâm quay) đĩa than

    Mâm quay đĩa than (turntable) là gồm platter (đế đặt đĩa) được nối với một cây trụ (shaft) nằm trong một ổ xoay, trụ và đế xoay nằm trên một bạc đạn (bearing) gắn dưới đáy trụ, hai thành phần này sẽ xoay nhờ vào motor hoặc dây cu-roa (belt). Đây là 3 thành phần chính của một cái mâm vinyl.

    Mâm quay đĩa than (turntable) thường làm bằng nhôm, hoặc đồng nguyên khối để không bị cộng hưởng và có trọng lượng nặng từ 3-5kg để ổn định, chống rung. Turntable cần phải cân bằng để đế đặt đĩa (platter) và cây trụ (shaft) không bị mất cân bằng trọng lực, nghiêng qua một bên khi xoay, về lâu dài dễ làm hỏng dây cu-roa (belt) và làm mòn bạc đạn (bearing).

    Motor xài về lâu dài cũng cần phải được tra dầu mỡ để bảo dưỡng, không sẽ bị khô, bị rít. Một số mâm turntable tốt thường sẽ có chân chống rung điều chỉnh chiều cao.

    Đĩa than sẽ được đặt và quay trên một thớt đĩa tròn (platter). Thớt đĩa này cũng có thể được làm từ nhiều vật liệu khác nhau như acrylic, MDF, kim loại hay thậm chí là thủy tinh. Bạn có thể sử dụng thêm miếng lót trước khi đặt đĩa vinyl lên để đĩa không bị trượt đi trong quá trình quay.

    4. Mô tơ

    Thành phần cuối cùng của mâm đĩa than là hệ thống chuyển động quay. Có 2 thiết kế dành cho hệ thống này là direct-drive và belt-drive. Trong đó thì kiểu thiết kế thứ 2 được sử dụng phổ biến hơn với một động cơ quay tách biệt khỏi mâm đĩa và truyền động thông qua một đai cao su.

    Việc truyền động qua dây cua-roa sẽ giảm thiểu độ rung khi quay của mô-tơ tác động lên mâm vốn gây ảnh hưởng tới chất lượng âm thanh. Đặc biệt để chống ồn và nâng cao chất lượng âm thanh, một số hãng sản xuất đầu đĩa cao cấp còn dùng một máy bơm không khí gọi là air compressor, thổi ra một luồng khí nén thật mạnh để làm quay mâm đĩa theo nguyên lý của động cơ máy bay phản lực. Với những đầu đĩa được truyền động theo nguyên lý này, độ ồn gần như được triệt tiêu hoàn toàn, do đó tỷ số tín hiệu trên tạp âm được nâng cao, âm thanh đọc ra rất hoàn hảo.

    Để cân chỉnh tốc độ quay của đĩa, đôi khi các mâm đĩa còn có thêm bộ điều tốc và thường hỗ trợ các nấc cơ bản là 33, 45, và 78 vòng/phút. Nếu muốn có được một mâm đĩa than sở hữu chất lượng thực sự cao cấp thì bạn có thể mua các thành phần rời rạc và thực hiện quá trình lắp ráp và cân chỉnh thủ công. Ưu điểm của lựa chọn này chính là việc bạn có thể nâng cấp từng bộ phận của mâm đĩa nhằm đạt được chất lượng như mong muốn tại mỗi thời điểm nâng cấp.

     

    C- Chuẩn bị dàn máy

    Các máy nghe đĩa than công nghệ ngày nay, dễ tích hợp với các thiết bị số khác, thích ứng với các loại loa, amply phổ biến, có cả bluetooth. Một số mâm đĩa than (như của Denon, Teac) còn có cả chức năng chép nhạc từ đĩa sang file số với chất lượng khá ổn, giúp người nghe có thể lưu trữ những bản ghi âm hiếm. 

    Chỉ cần 2-4 triệu đồng, người nghe nhạc đã có thể sở hữu một đầu đọc đĩa than second-hand (xài rồi), và nếu nới hầu bao một chút có thể "đập hộp" một chiếc mâm đĩa than mới ở phân khúc dành cho người mới chơi, trên dưới 10 triệu đồng. 

    Việc sở hữu một máy đĩa than đến bây giờ không phải là quá khó. Đó cũng là điều kiện mở đường cho thú chơi đĩa than quay lại.

    Ngày nay, với công nghệ hiện đại, các hãng nổi danh về âm thanh đã đưa công nghệ hiện đại vào những chiếc đầu đĩa than truyền thống. Các dòng sản phẩm đa dạng, cho phân khúc mới chơi (dưới 20 triệu đồng) với tính năng đơn giản, ít cầu kỳ. Các hãng cũng có sản phẩm đầu đọc phân khúc cao dành cho người "sành chơi" với giá lên đến tiền tỉ.

    Loại phổ thông: Denon, Dual, Pioneer, Rega, Sansui, Technics...

    Loại chất lượng cao: Audio Note, Basis Audio, Clearaudio, Forsell, Micro Seiki, Oracle, Sumiko, Thorens, VPI,…

    Nhưng vấn đề lớn nhất của dân nghe đĩa than không phải ở chỗ sắm một chiếc máy nghe đĩa, mà là chi phí đầu tư nguồn đĩa và các phụ kiện bảo trì.

    Giá một chiếc đĩa than cũ (xài rồi) trung bình 200.000 đồng, trong khi đĩa than mới giá từ 700.000 đến 1,5 triệu đồng. Có những bản ghi âm đặc biệt giá có thể cao hơn tùy vào độ hiếm và chất lượng. Đôi khi phải đi truy lùng những bản quý hiếm này.

    Ngoài ra, dân lùng đĩa than cũ cũng rỉ tai nhau về những điểm bán đĩa xài rồi.

    D- Chuẩn bị đĩa, các loại đĩa than

    Đĩa than (tiếng Anh là gramophonephonographvinyl, thậm chí còn được gọi tắt là record) lưu trữ dạng đĩa chất liệu Polyvinyl clorua (trước đây là sơn cánh kiến) và được ghi theo từng rãnh với độ dập nổi khác nhau.

    Các đường rãnh được đọc từ vòng lớn nhất cho tới tâm của chiếc đĩa. Đĩa than thường được phân loại theo đường kính, đo bằng đơn vị inch (12", 10", 7"), tốc độ quay (16⅔, 33⅓, 45, 78 vòng/phút) và độ dài tương ứng dung lượng:

    LP – long playing 33⅓ vòng/phút, 

    SP – 78 vòng/phút đĩa đơn, 

    - EP – 12" extended play, 33 hoặc 45 vòng/phút).

    ngoài ra còn theo chất lượng âm thanh (high-fidelity, orthophonic, full-range, v.v.) và số lượng kênh âm thanh (mono, stereo, quad, v.v.).

    Hầu hết những người sưu tầm và chơi đĩa đều hiểu định dạng và tốc độ của 3 loại đĩa này. Chúng được làm bằng vật liệu khác nhau và ghi với tốc độ khác nhau.

    1. Đĩa than 78v xưa được ghi với tốc độ 78 vòng/phút, ở Việt Nam còn được gọi là đĩa đá. Chúng được thực hiện khoảng từ 1898 tới cuối năm 1950, những nhà sưu tầm đĩa thường gọi là đĩa 78. Được làm bằng vật liệu giòn sử dụng nhựa shellac (vì vậy tên chúng còn được gọi là đĩa shellac). (shellac ở Việt Nam thường gọi là nhựa cánh kiến). 

    Đĩa 78 vòng có nhiều kích thước khác nhau, nhiều nhất là đường kính 25 cm và 30 cm (10 và 12 inch). Thời lượng của bản ghi 78 RPM là khoảng ba đến năm phút mỗi mặt đĩa, tùy thuộc vào kích thước đĩa: 

    Đĩa 12“: khoảng 4 đến 5 phút. 

    Đĩa 10“: khoảng 3 phút.

    Loại này thịnh hành vào những năm 1950, nhưng đã lui dần khỏi thị trường vào năm 1955.

    2. Đĩa nhựa 33 vòng 12 inch, LP 33t 12 inch. 

    Đĩa LP: gọi tắt là LP đầu của hai chữ cái Long Play nghĩa là (chơi dài). Công suất ban đầu 23 phút mỗi bên, sau tăng thêm vài phút, lâu hơn có thể với mức tín hiệu rất thấp. LP là phương tiện lưu trữ âm thanh định dạng analog, định dạng đĩa nhựa (vinyl) đặc trưng với tốc độ 33 1⁄3 vòng / phút, 12 hoặc 10 inch (30- hoặc đường kính 25 cm) và sử dụng thông số kỹ thuật rãnh “microgroove”. Được giới thiệu bởi Columbia vào năm 1948.

    Lợi thế đĩa LP phù hợp với nhạc cổ điển vì thời gian phát liên tục kéo dài, nó cũng cho phép một bộ sưu tập 10 hoặc nhiều đĩa nhạc pop được đưa vào một đĩa.

    Các đĩa nhựa (vinyl) có thể bị trầy xước hoặc cong vênh nếu được lưu trữ không đúng cách nhưng nếu chúng không tiếp xúc với nhiệt độ cao, xử lý bất cẩn hoặc bị hỏng, bản ghi vinyl có khả năng tồn tại trong nhiều thế kỷ.

    3. Đĩa nhựa 45 vòng, vinyl 45 rpm.

    Đạt được thời gian chơi tối đa 7½ phút mỗi mặt đĩa với giá thành rẻ hơn vì giảm chu vi rộng của các rãnh đĩa. Mỗi đĩa thường chứa từ 3 đến 6 bản nhạc ngoại. 

    Những đĩa đơn 7 inch thường có các lỗ nhỏ ở trung tâm đĩa giống như đĩa LP, nhưng một số đĩa phần trung tâm có thể bị đục lỗ to hơn (khoảng bằng đồng xu) để sử dụng cho máy hát đĩa tự động. Một số máy hát đĩa tự động xưa trong máy đã gắn sẵn cục chuyển tiếp (adapter) cho đĩa 7 inch, sau này các máy chạy cơ hoặc bán tự động thường phải sử dụng cục chuyển tiếp rời nếu không có cục chuyển tiếp đĩa hát sẽ đặt không đúng tâm của đĩa nên sẽ không chơi được.

    Doanh số của của loại đĩa này vượt qua kỷ lục đĩa 78 vòng / phút vào năm 1958. Đến thập niên 1980, các đĩa nhựa Vinyl 7 inch đã bị cạnh tranh bởi băng cassette, đĩa CD và sau đó là số lượng phát hành bị giảm xuống.

    Hiện nay, tuy nhạc số hóa phát triển mạnh mẽ nhưng tại Việt Nam và trên thế giới vẫn còn những nhà chơi nhạc và sưu tầm nhạc vẫn đang tìm kiếm cho mình những đĩa nhạc 45 vòng. Khi thể loại nhạc Boléro đang được yêu thích như hiện nay, thì những đĩa nhựa 45 vòng nhạc Boléro xưa của những năm 1960 và những năm 1970 nó vẫn là thứ mà người sưu tầm và chơi nhạc vẫn còn phải kiếm tìm.

    E- Thưởng thức một bản nhạc

    Việc thiết lập mâm đĩa cũng có những yếu tố kĩ thuật cần được biệt lưu lý.

    B1 - chọn loại đĩa cần nghe, 33 hay 45 .... Lưu ý quan trọng đó là những chiếc đĩa than luôn cần được giữ sạch sẽ và bảo quản cẩn thận. Sự xuất hiện của bụi và các chất bám bẩn sẽ trực tiếp tạo ra những âm thanh ngoài ý muốn trong bản nhạc. Người dùng có thể sử dụng các dung dịch vệ sinh đĩa than cùng bản chải mềm hoặc vải mềm để làm sạch bề mặt đĩa.

    B2 - Đặt đĩa lên mâm đĩa cần được đặt cân đối, chắc chắn và ổn định tuyệt tối trên một mặt phẳng.

    B3 - Bạn lựa chọn các mức tốc độ quay 33 hay 45v/p ... thông qua bộ điều tốc là một lẫy gạt ở ngay tay cần.

    B4 - Kế đến thì việc lắp đặt và cân chỉnh cánh tay cần, phải đảm bảo để cánh tay cần luôn có phương song song với mặt đĩa và tác động lên mũi kim một áp lực vừa đủ. Kim đọc đĩa từ rìa ngoài vào trong theo dạng xoắn ốc.

    Lưu ý: Thông thường, nhà sản xuất sẽ cung cấp công cụ đo đạc và những thông số cụ thể cho việc hiệu chỉnh áp lực mũi kim. Yếu tố này đặc biệt quan trọng bởi nếu áp lực quá nặng sẽ khiến âm thanh bị tối và đục, áp lực quá nhẹ lại làm cho âm thanh trở nên mỏng và nghèo chi tiết. Tuy nhiên việc này sẽ yêu cầu bạn cần phải có rất nhiều kinh nghiệm và đã từng trải qua thời gian dài gắn bó với nguồn nhạc hoài cổ này.

    B5 - Thưởng thức âm thanh

    Kỹ thuật ghi - đọc bằng đĩa than thuần tuý là kỹ thuật analog, do đó âm thanh đạt được độ trung thực cao, dân chơi gọi là tiếng "mộc". Âm thanh của đĩa than có những nét đặc trưng riêng khác biệt với kỹ thuật digital (số).

    Khi nghe một bộ dàn chạy đĩa than loại tốt, người ta thấy âm thanh có độ nổi, vị trí các nhạc cụ chơi trong dàn nhạc hiện lên rất rõ ràng, giọng hát của ca sĩ ngọt ngào và truyền cảm... Chính vì lý do này mà hiện nay trên thế giới vẫn còn rất nhiều người say mê sưu tầm và thưởng thức đĩa than. Đặc biệt là những bạn yêu nhạc cổ điển, nhạc Jazz - Blue và các loại nhạc cụ acoustic...

    Với những người chơi hi-fi sành điệu, hiện vẫn sở hữu một số lượng đĩa than lớn thì việc thưởng thức âm thanh Analog thuần tuý qua đĩa than vẫn là một thú vui không gì sánh nổi.

    Một vài lưu ý

    - Đĩa than rất khó bảo quản, dễ cong vênh bởi nhiệt độ cao, rất dễ bị trầy xước và bám bụi. Những vết xước và hạt bụi bám trên mặt đĩa sẽ ma sát với đầu kim tạo nên tiếng lạo xạo hoặc nổ lộp bộp làm cho chất lượng âm thanh bị giảm đi rất nhiều. Muốn tránh hiện tượng này, cần bảo quản đĩa thật cẩn thận ở những nơi nhiệt độ vừa phải, không quá 35oC, đĩa phải được xếp theo chiều thẳng đứng, khi lấy đĩa ra, không cầm tay vào mặt đĩa chỉ nên cầm vào mép hoặc tâm đĩa và mỗi khi nghe xong phải bỏ đĩa ngay vào túi nylon, túi bìa hoặc hộp kín để tránh bám bụi.

    - Loại đầu kim MM có mức tín hiệu ra lớn hơn loại MC hàng chục lần, do đó khi nối máy vào đường phono ở ampli, bạn cần đấu cho đúng để đảm bảo chất lượng âm thanh và độ khuếch đại cần thiết. Bộ khuếch đại tín hiệu phono là bộ khuếch đại có độ nhạy rất cao, tín hiệu từ cartridge lại có biên độ rất nhỏ, để tránh tiếng ù 50 Hz gây nhiễu, cần chú ý nối dây tiếp mát từ máy quay đĩa vào cọc mát trên ampli thật tốt, nếu cần thiết phải làm một dây nối đất chung cho cả hệ thống âm thanh.

    Thú chơi đĩa than đòi hỏi người chơi phải cầu kỳ và rất kỹ tính. Để chơi đĩa than đúng điệu, dân chơi đĩa than thứ thiệt phải tự trang bị cho mình nhiều món phụ tùng như chổi carbon để chải bụi trên đĩa, bình xịt dung dịch chống tĩnh điện (antistatic), súng thổi bụi bằng khí nén, chổi và dung dịch đặc biệt để làm sạch đầu kim đĩa. Đĩa thường được bảo quản cẩn thận trong tủ kính để tránh bụi, hơi ẩm và nhiệt độ cao làm cong vênh.

    - Để bắt đầu, người chơi đĩa bật hệ thống ampli lên trước khoảng 5-10 phút để hâm nóng, sau đó thận trọng lấy đĩa từ trong vỏ ra và nhẹ nhàng đặt lên mâm quay, cho máy chạy và sau chừng nửa phút khi tốc độ quay đã ổn định mới yên tâm thưởng thức.

    - Nghe nhạc từ đĩa than, dân chơi trên thế giới thường sử dụng ampli điện tử để làm máy khuếch đại. Sự phối hợp giữa chất mộc mạc của đĩa than với âm sắc ngọt ngào truyền cảm của đồ bóng đèn tạo ra một thế giới âm thanh giàu nhạc tính và hoàn toàn khác với âm thanh digital. Những loại ampli chạy đèn đốt trực tiếp như 2A3, 300B, 211 được giới sành chơi cho là tuyệt đỉnh để phối hợp với đĩa than.

     

    F- Tạm kết

    Chiếc đĩa than đầu tiên đã ra đời ngót 100 năm nhưng cho đến tận hôm nay vẫn được giới chơi nhạc đam mê, bất chấp sự ra đời của hàng loạt công nghệ mới. Vẻ đẹp độc đáo cùng âm thanh "mộc" là bí quyết cuốn hút của những chiếc đĩa than.

    Về nguyên lý, việc ghi âm vào đĩa than không khác nhiều so với nguyên lý ghi âm ban đầu của Edison phát minh ra vào năm 1877. Năm 1887, Emile Berliner (Mỹ) đã sáng chế ra chiếc máy quay đĩa đầu tiên theo nguyên lý này. Để nâng cao chất lượng âm thanh, công nghệ ghi âm trên quy mô công nghiệp đã được cải tiến không ngừng, từ những bản ghi đầu tiên với kỹ thuật ghi âm mono 78 vòng/phút, cho đến những chiếc đĩa đạt tiêu chuẩn hi-fi long play 33 vòng/phút là một bước tiến đáng kể. Trong lĩnh vực chế tạo đĩa phải kể đến tên những hãng ghi âm có nhiều đóng góp lớn như: RCAVictor, EMI (Mỹ), Decca Reccord (Anh), Deuts Gramophon (Đức)...

    Cùng với sự phục sinh của các ampli đèn điện tử và loa độ nhạy cao, giới chơi hi-fi ở Châu Âu, Châu Mỹ và đặc biệt là Nhật bản lại có khuynh hướng quay trở lại sử dụng đĩa than. Đây thực sự không phải là một trào lưu hoài cổ, mà sau nhiều năm sử dụng CD, một số bạn yêu nhạc cho rằng đĩa than vẫn mang lại cho người nghe những âm thanh sinh động mà đầu đọc CD chất lượng khá thậm chí chất lượng cao vẫn không thể có được.

    Đến đây chắc các bạn cũng có thể hiểu được cơ chế căn bản của việc phát nhạc qua đĩa than, toàn bộ analog mà không có được sự ảnh hưởng bởi các thành phần digital. Tuy nhiên việc để setup một mâm turntable là điều đòi hỏi kiến thức và sự tỉ mỉ đến từng chi tiết, và các bạn cũng có thể hiểu được tại sao các chiếc kim cartridge nhỏ bé như vậy nhưng lại có giá khá cao và được bảo quản cực kỳ kỹ càng. Bài viết này vẫn còn nhiều thiếu sót, hy vọng nhiêu đây cũng tạm đủ để mọi người hình dung ra cách thức hoạt động của đĩa vinyls rồi.

    Trung Hậu (AudioPsycho, techlandaudio, nghenhin, diathan)

    Xem thêm:

    Thú sưu tập đồng hồ cổ ODO - bản hùng ca của đồng hồ Pháp.

    Âm thanh đĩa than có thật sự hay hơn CD ?

    Kiến thức cơ bản cho người chơi băng cối

    Ngày đăng: 21-08-2020 7,222 lượt xem