• MÁY LOA KÈN CỔ - QUA MÀN BỤI THỜI GIAN

    Hơn một thế kỷ đã trôi qua kể từ khi chiếc máy hát “kỳ diệu” đầu tiên xuất hiện, máy loa kèn (gramophone) vẫn còn là một biểu tượng huy hoàng của nghệ thuật và thẩm mỹ của nhân loại.

    Đã có thời những chiếc máy loa kèn, hay máy quay đĩa than (gramophone) được xem như món đồ xa xỉ và chỉ có giới nhà giàu mới sở hữu được. Trải qua nhiều thăng trầm thời gian, những phát minh mới như dĩa nhựa, băng cối, băng cát-sét, đĩa CD, MP3… thì những chiếc máy hát loa kèn tưởng như đã lùi vào quên lãng. Tuy nhiên, ở nhiều ngóc ngách trên hành tinh này, những kẻ đam mê âm thanh cổ và luôn hoài niệm về những nét đẹp hào hoa, vẫn âm thầm tàng trữ những chiếc máy hát tuyệt đẹp này.

    Chiếc máy hát của ông cha chúng ta
     
    Tại Việt Nam, những chiếc máy quay đĩa than đầu tiên xuất hiện vào những năm 20 của thế kỷ trước do người Pháp mang đến. Giá trị của chúng thời đó tương đương với cả một gia tài, dẫu có lúc tán gia bại sản vì thời cuộc vần vũ, họ vẫn cố giấu và gìn giữ cho bằng được chiếc máy hát đó.
     
    Thuở thiếu niên, tôi đã từng rất nhiều lần tưởng tượng ra hình ảnh chiếc máy quay đĩa đó, hình ảnh một người đàn ông nằm bất động trong căn nhà tiêu điều và được cứu rỗi bằng âm nhạc.
     
    Ngày sắp mất, lúc nằm trên chiếc giường tồi tàn ở căn nhà cấp 4 lụp xụp, ông luôn muốn bạn bè hay con cháu mở những đĩa nhạc bằng chiếc máy hát cũ để ngay đầu giường. Lúc lên dây thiều cho chiếc máy hát kỷ niệm đó, ông không cầm được nước mắt. Tiếng lịch xịch của mâm quay đưa chiếc đĩa than chuyển động như đóng băng thời gian lại, khi chiếc kim sắt hạ xuống mặt đĩa và âm nhạc cất lên, trong khóe mắt lạc thần của ông như vẫn còn ánh lên nét hào hoa và khát vọng một thời. Thật buồn là ngay khi ông nhắm mắt, con cháu ông đã mang bán ngay chiếc máy hát đó như một thứ đồ ve chai...
     
    Tôi đã từng mơ lớn lên mình cũng sẽ sở hữu một chiếc máy hát như thế. Những ký ức về một thời hào hoa của những “người đã khuất” cùng những khu phố cổ điêu tàn nuôi tôi lớn lên như vậy.
     
    Đồ tốt ngày càng hiếm

    Sau 1975, hầu hết những món đồ xa xỉ này đã trở thành đồng nát, đĩa hát bị vứt đi hoặc để lót lồng chim. Những món đồ nhôm, nhựa tiện sử dụng, tiện lợi về kinh tế đã thay thế hầu hết đồ gỗ, đồ đồng và cả những tạo vật hào hoa một thời. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, máy hát loa kèn đã dần xuất hiện trở lại, ít nhất là như thú sưu tầm hoặc đồ trưng bày.

    Sau này lớn lên, làm ra kinh tế, những đứa trẻ từng bị ám ảnh như tôi bắt đầu tìm mua những thứ đã mơ ước hoặc bị “mất đi” từ hồi nhỏ như gramophone, ti-vi cửa lùa, ngựa gỗ, radio cổ, đĩa nhựa… Thực ra, hầu hết người chơi loa kèn đều có điểm chung: yêu âm nhạc và yêu những màu sắc văn hóa cổ điển. Cũng có người sẵn tiền chơi đồ cổ, cái gì cổ cũng mua thì không nói.

    Chiếc máy hát loa kèn đầu tiên tôi mua được là trên ebay, loa màu vàng đồng rất đẹp. Từ đó, tôi lao vào tìm kiếm những cỗ máy vi diệu đó. Cổ vật là thế này: đồng nát thì nhiều nhưng đồ đẹp vẫn chạy tốt thì hiếm.

    Sau khi trải nghiệm quá nhiều những cỗ máy cà khổ rỉ sét rên rỉ những thanh âm nhão nhoét, một lần tôi nài nỉ mua lại được từ một nhà sưu tầm chiếc máy hát rất độc. Lần đầu tiên thấy nó, tôi đã biết mình sẽ ân hận cả đời nếu không tìm cách… mua cho bằng được.

    EDISON Standard Phonograph

    Thân máy là gỗ dày được chạm nổi tinh tế, chiếc loa được tạo hình như khẩu đại bác đúc bằng đồng đặc vì đó là một phiên bản hạn chế được sản xuất những năm 1920 tại Anh để tưởng niệm chiến tranh. Trên thế giới có lẽ chỉ còn lại vài chiếc và tôi tự hào vì chiếc của mình còn nguyên bản chưa sứt mẻ gì, âm thanh của nó đủ lớn để cho một khán phòng khiêu vũ.

    Tôi tin rằng nó có linh hồn. Những món tạo vật tuyệt đẹp mang theo cả hồn phách thời đại và hồn vía của những chủ nhân cũ. Khó khăn duy nhất là tuần sau tôi cưới vợ! Cuối cùng tôi nói với vợ rằng thay vì làm tiệc độc thân, tôi sẽ mua chiếc máy hát này!

    Nghiệp chơi loa kèn cũng chông gai vì đồ “sâu tuổi” càng ngày càng hiếm, đĩa than cũng vĩnh viễn dừng sản xuất. Thường thì có máy hát cũng chỉ mua được mấy cái đĩa than “đồng nát” để nghe, phải có cơ duyên mới mua được hàng đẹp, chất lượng tốt.

    Hàng nhái giả cổ

    Máy hát nhái Trung Quốc làm mới mỏng tang để trưng bày, hay tệ hơn là radio/CD giả loa kèn khiến những kẻ duy mỹ thêm đau lòng. Tuy nhiên bất chấp khó khăn, thú chơi này dễ ghiền, người ta thường tự “tăng liều” bằng cách săn lùng những chiếc máy quay đĩa độc và tất nhiên là mắc tiền hơn.

    Kinh nghiệm cho người mới nhập cuộc

    Dân sưu tầm máy quay đĩa than ở Việt Nam thường là những nhà trí thức và những người đam mê nghệ thuật. Có hai dạng người thích chơi và tìm hiểu về các loại máy quay đĩa than là dân chơi chuyên nghiệp và nghiệp dư. Tiền chỉ là một phần vì nếu không có đam mê thì không thể cảm và hiểu giá trị của những chiếc máy hát này.
     
    Âm thanh do Gramophone phát ra không thể trong vắt như CD, nó thuần túy tái hiện, rền rĩ và đôi khi lẫn cả tiếng xèn xẹt do kim sắt chà vào đĩa. Tuy nhiên, nếu là kẻ hoài cổ và mê phim đen trắng, bạn sẽ như bị lôi ngược về quá khứ, cảm giác như đang nghe chính danh ca Vera Lynn đang hát trong một khán phòng nhỏ dã chiến nơi chiến địa dọc biên giới Liên Xô.
     

     
    Đó là những thanh âm mang theo linh hồn của thời gian. Nó kỳ diệu lắm vì phải tỉ mẩn lên dây cót, khi âm thanh vang lên, bạn sẽ đứa trẻ tò mò tại sao cái máy không hề cắm điện này lại hát được như thế. Hơn hết, đó là những tác phẩm nghệ thuật, càng sâu tuổi thì càng chạm khắc cầu kỳ, tinh tế.
     
    VICTOR II PHONOGRAPH 1905-1910
     
    Lời khuyên dành cho người mới chơi
     
    Nếu chỉ để trưng bày chơi chơi cho đẹp nhà, bạn nên mua những chiếc Gramophone làm mới, nguyên bản chạy cơ lên dây thiều, kiểu dáng đẹp nhưng chất âm, chất gỗ và mỹ thuật không đẹp như ngày xưa.
     
    Còn để nghe và sưu tầm, nên mua đồ cổ, nếu không đủ hiểu biết về mặt hàng này, bạn không nên tự mình ra những khu bán đồ cổ để mua máy quay đĩa vì bạn sẽ bị chém đẹp và mua phải đồ dỏm. Những người buôn hàng này thường mua lốc máy được sản xuất mới từ nước ngoài, tự chế tạo thùng gỗ, loa kèn... sau đó làm cũ đi để bán với giá đồ cổ. Máy hát cổ thực sự ở những khu này thực chất đều được đẩy đi cho những nguồn mua hời từ lâu. Còn lại là máy hát đồng nát vừa xấu vừa không nghe được.
     
    Máy hát mới rất đẹp có thể mua trên ebay, amazon... với từ khóa Gramophone, trong đó bao gồm cả máy làm mới và máy cổ. Nếu bạn muốn chơi máy hát cổ hơn cả Gramophone (máy hát ống do ông Edison chế tác) thì bạn tìm với từ khóa Phonograph.
     
     
    Máy hát đĩa than trong nước còn sót lại phần nhiều đã hư hại, không hơn đồ ve chai là bao nhiêu. Nếu muốn chơi đồ đẹp, nguyên bản, bạn nên tìm mua ở những trang web uy tín của châu Âu hoặc săn trên ebay, amazon có khá nhiều, chất lượng thì tùy duyên may. Mức giá dao động từ vài trăm đến vài chục nghìn đô-la Mỹ. Nếu chỉ để trang trí nhà, bạn có thể mua đồ mới làm lại theo nguyên mẫu, giá rẻ chỉ vài trăm đô-la Mỹ và tất nhiên nó không thể sánh với những kiệt tác xưa về mọi mặt. Nhiều người săn hàng ở Lê Công Kiều, dễ mua phải những chiếc máy hát được làm lại (thùng, kèn, máy nhập mới Ấn độ), giả cổ với giá khá cao.
     
    Muốn sưu tầm máy cổ, trước tiên cần tìm hiểu và tham khảo xem thương hiệu nào, model nào phù hợp với sở thích, mấy ở cot, âm còn to rõ, hay xột xoẹt ... (Nói thế cho oai chứ chỉ cần là cổ xịn và còn hát thì nên hốt ngay). Hầu hết, đều nghiêng về thương hiệu “chó ngửi kèn” huyền thoại (His master’s Voice) của Victor Talking Machine Company. Các thương hiệu khác như Pathé, Thoren… cũng được ưa chuộng. Về kiểu dáng, được ưa chuộng nhất là loa kèn, kế đến là dạng tủ gỗ, chân đế và va-li. Những hàng siêu độc sản xuất riêng cho giới quý tộc châu Âu thì càng có giá trị cao.
     
    Bên cạnh những chiếc máy hát, đĩa than cũng là sản phẩm được tìm tòi, sưu tầm khá nhiều. Giá của những chiếc đĩa than cũng vô vàn kiểu. Từ vài trăm ngàn, cho đến những chiếc đĩa mà chủ nhân không bao giờ bán. Những người chơi máy quay đĩa thường tìm đến những hội quán của riêng mình để chia sẻ về sở thích cá nhân. Ngoài ra, họ thường trao đổi với nhau qua những diễn đàn lớn như Mạng nghe nhìn Việt Nam (Vietnam Audiovisual network), phomuaban.com, chodoxua.net, xomco.vn... Để sở hữu những lô đĩa than quý, bạn nên lùng mua trên ebay và amazon với từ khóa Gramophone hoặc Gramophone record.
     
    Tại Việt Nam, những chiếc đĩa than được sản xuất đa phần là cổ nhạc, tuồng, cải lương và một số ít tân nhạc - loại này cực kỳ hiếm vì đa phần đã hư hết. Đĩa than nhạc ngoại đa phần đều do người Pháp mang đến còn sót lại sau chiến tranh và những người đi du học mang về, các nhà buôn cũng không đánh nhiều loại hàng này nữa vì sự tiện lợi của dĩa nhựa (máy hát chạy bằng điện). Đầu thập niên 1960, hầu hết các chương trình nhạc mới đều được ghi âm trên đĩa nhựa và băng cối. Từ đó đến nay, Gramophone bị mai một dần đi... Nó chính thức trở thành đồ cổ.
     
    Dĩa nhựa (LP) thì vẫn còn những nhà máy sản xuất mới do nhu cầu của thị trường hi-end.
     
    Nhu cầu trang trí
     
     
    Bộ sưu tập độc đáo này không chỉ phục vụ thú chơi mà còn giúp tạo nên một nét đặc biệt cho quán cà phê “Bốn mùa” tại đồng tháp.
     
     
    Hiện nay, chụp hình theo phong cách vintage rất được ưa chuộng, máy hát loa kèn là điểm nhấn trong trang trí studio chụp ảnh cho không gian thêm sang trọng, cổ kính.
     
     
    Sảnh chờ hay phòng khách trong khách sạn cao cấp sử dụng máy hát loa kèn trang trí nội thất theo phong cách Hoàng Gia. Máy hát kiểu cổ có thể phát nhạc như một hệ thống âm thanh hiện đại trong khoảng không của một phòng khách hơn 100m2.
     
    Tổ nghiệp Thomas Edison
     
    Nguyên lý hoạt động của máy quay đĩa được ghi nhận vào năm 1877 do nhà phát minh Edison công bố. Bằng cách quấn các lá thiếc quanh ống trụ và một mũi kim dao động theo các rung động của âm thanh tạo ra các đường rãnh có độ sâu khác nhau, ông đã ghi lại được bài hát Mary had a little lamb. Edison sử dụng một cây kim và màng rung để tái hiện bản thu âm đó. Vào tháng 5 năm 1889, lần đầu tiên "máy hát phòng khách" được giới thiệu ra với công chúng rộng rãi ở San Francisco (Mỹ). Edison bắt đầu sản xuất hàng loạt các máy hát ống quay hình trụ tại nhà máy của mình. Cột mốc lịch sử của ngành thu âm là năm 1894, công ty máy hát American Gramophone và Columbia sát nhập làm một và hình thành nên công ty thu âm Columbia (Columbia Record Company). Trong lúc đó, công ty sản xuất máy hát của Berliner cũng bắt đầu đưa ra thụ trường loại đĩa một mặt đường kính 7inch, tốc độ 70 vòng/phút. Cả hai loại máy hát ống quay hình trụ và máy hát đĩa đều được vận hành từ cơ quay tay, dùng bàn đạp, lò xo…
     
    Năm 1913, máy hát ống quay hình trụ không còn được tiếp tục sản xuất. Trước thế chiến 1, nhạc khiêu vũ được ưa chuộng khắp nơi. Nắm bắt nhu cầu này, Edison thiết kế cho loại đĩa dày có rãnh điều chỉnh theo phương thẳng đứng, lên dây thiều tốc độ quay 80 vòng/phút. Các nhà sản xuất khác cũng ồ ạt sản xuất đĩa hát với đủ thể loại âm nhạc thời thượng từ hòa tấu, vocals, Jazz… Khi chiến tranh Thế giới thứ nhất kết thúc, ngành công nghiệp sản xuất đĩa hát bắt đầu bước vào thời hoàng kim.
     

    Nguyễn Hậu

    Ngày đăng: 21-01-2022 1,642 lượt xem