• DOANH NGHIỆP CHUYỂN GIAO QUYỀN LỰC - LÀM GÌ VỚI NHỮNG “CÔNG THẦN”?

    Họ là những người làm việc lâu năm trong tổ chức, công ty; có người tham gia ngay từ lúc đầu, có người vào sau chút ít, nhưng hầu hết là tham gia rất lâu và dần dần đảm nhiệm những vị trí chủ chốt trong công ty sau nhiều năm làm việc.

    Những năm trở lại đây, nhiều cuộc chuyển giao quyền lực đã diễn ra, đặc biệt là ở các công ty gia đình. Khi thế hệ F1 quyết định lui về hậu phương thì cũng là lúc thế hệ F2 phải xông xáo ra mặt trận.

    Tuổi đời non trẻ, kinh nghiệm thương trường chưa nhiều, thế hệ lãnh đạo trẻ không chỉ phải học hỏi các bậc tiền bối về mặt chuyên môn mà còn phải học cách ứng xử trong các mối quan hệ.

    Thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp đang ngày càng trẻ hóa. Sự năng động, nhiệt huyết, dám đổi mới của lớp trẻ là thế mạnh, nhưng đôi khi cũng tạo ra mâu thuẫn với dàn nhân sự cấp dưới lớn tuổi hơn.

    Chủ tịch một ngân hàng chia sẻ, anh từng bị rơi vào những tình huống khó xử khi buộc phải ra quyết định, trong khi những nhân viên cấp dưới đáng tuổi cha chú mình có ý kiến không thuận.

    “Làm sao để các vị tiền bối hiểu được mục đích cao nhất của mình trong xử lý những xung đột nội bộ, mà vẫn đảm bảo tình đoàn kết, có trên có dưới, quả là điều không dễ”, anh chia sẻ.

    Câu chuyện tướng trẻ Trương Đình Anh của FPT được nhắc đến như một ví dụ.

    Được học hành bài bản tại nước ngoài, sau khi tốt nghiệp, con trai của chủ tịch doanh nghiệp trở về nước và đảm nhận ghế phó tổng giám đốc công ty. Cha anh đã tạo dựng được cơ nghiệp với quy mô hàng chục công ty đang hoạt động tại Việt Nam.

    Doanh nhân trẻ đảm nhận việc điều hành tập đoàn. Trong doanh nghiệp có rất nhiều công thần, những người đã theo chủ tịch công ty từ những ngày đầu thành lập. Trước đây, cha anh vốn cả nể, họ lại có công nên tuy chỉ giữ các chức danh như chánh văn phòng, chủ tịch công đoàn, họ đều có quyền lực rất lớn, áp đặt nhiều lề thói hoạt động của doanh nghiệp lâu nay.

    Vị doanh nhân trẻ muốn thay đổi, áp dụng các công cụ hiện đại về quản trị doanh nghiệp như thẻ điểm cân bằng, hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp… Những công cụ này được áp dụng yêu cầu doanh nghiệp phải thay đổi rất nhiều cung cách làm việc, chế độ báo cáo, từ vị trí chủ tịch đến nhân viên các bộ phận trong công ty… Đặc biệt sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu thất thoát, tham nhũng…

    Bị ảnh hưởng quyền lợi, nhiều vị công thần phản đối với lý do, hoặc cho họ nghỉ việc, hoặc họ vẫn duy trì cách làm việc cũ vì không thể cập nhật các công cụ mới. Họ gây áp lực với chủ tịch công ty và bóng gió về câu chuyện “trảm tướng “.

    Dù rất buồn, nhưng vị phó tổng giám đốc cho biết, anh sẽ cố gắng thuyết phục cha và tìm giải pháp để làm sao các vị tiền bối hiểu được mục đích của mình trong các quyết định thay đổi, hóa giải được những xung đột nội bộ, mà vẫn đảm bảo tình đoàn kết, có trên có dưới tại công ty.

    Mệnh lệnh, nhưng phải nhẹ nhàng, thuyết phục

    Lời khuyên của các chuyên gia Khoa Quản trị kinh doanh (FSB), Đại học FPT là nhà lãnh đạo trẻ cần khéo léo, tế nhị trong cư xử; tránh dùng mệnh lệnh và ảnh hưởng của người cha để áp đặt gây tổn thương. Tổ chức các khóa tham quan mô hình thành công của những doanh nghiệp đi trước, thuyết phục bằng các bản kế hoạch có con số chi tiết để chứng minh tính hiệu quả của việc áp dụng các công cụ quản trị hiện đại… chính là kinh nghiệm thành công được áp dụng.

    Trong quản lý nhân sự, các CEO trẻ cần yếu tố “nhân hòa” mới mong có “địa lợi”.

    Quan điểm được ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCP Tasco chia sẻ con người là yếu tố quyết định dẫn đến thành công của doanh nghiệp, quan trọng hơn rất nhiều yếu tố vốn hay công nghệ.

    Tập hợp và huy động được cả đội ngũ, trong đó có kinh nghiệm của người lớn tuổi và sức sáng tạo, bứt phá của lớp trẻ chính là yêu cầu mà vị chủ tịch này đặt ra cho các CEO của Công ty.

    Nữ tổng giám đốc một Công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch, khách sạn cho biết, hai thế hệ lớn lên trong môi trường khác nhau, trưởng thành khác nhau, trải qua các giai đoạn học tập và ứng dụng công nghệ trong công việc hay trong cuộc sống khác nhau, thì quan điểm và hành động khác nhau là tất yếu.

    Đơn cử, như cô không thích họp hành, chủ yếu làm việc trao đổi qua email, điện thoại, tuy nhiên, nhiều quản lý trong doanh nghiệp lại có thói quen họp hành, trực tiếp gặp gỡ trao đổi, như thời cha cô còn lãnh đạo doanh nghiệp. Vậy là thời gian đầu cô cũng phải thích nghi, sau đó giảm dần bằng cách trang bị các phương tiện công nghệ thông tin hiện đại cho đội ngũ quản lý và tổ chức một số khóa đào tạo nội bộ. 

    Cho đến "Đền bù, giải tỏa"

    Quan điểm được ông Nguyễn Hữu Long, sáng lập Group PTDNV chia sẻ:

    Khi công ty phát triển đến quy mô lớn hơn vài chục lần, hàng trăm lần so với những năm đầu, nhiều người trong số họ cũng chịu khó học hỏi nâng cao trình độ để áp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý.

    Tuy vậy, cũng có nhiều công thần cứ say sưa với "lịch sử hào hùng" xa xưa, mải mê tự hào với công trạng cũ, quyết tâm ăn bám quá khứ (và ăn mày dĩ vãng), không chịu học hỏi, thay đổi để vươn lên, đáp ứng yêu cầu công việc. Họ ngày càng bảo thủ, trì trệ, lạc hậu, mà lại luôn là "kỳ đà cản mũi", gây khó khăn cho người mới, nhân tố mới, những người đem đến luồng sinh khí mới cho công ty.

    Họ kết bè, kết cánh, kêu gọi tẩy chay, bất hợp tác, làm khó để những người mới nản lòng mà ra đi. Họ làm vậy không chỉ với một vài người mới, mà hầu như với tất cả những người mới. Họ muốn tổ chức, công ty mãi là vùng ao tù, nước đọng, cũ kỹ, mờ mịt (như trong hình), miễn sao lợi ích cá nhân của họ đạt mức cao nhất.

    Bạn phải dùng nhiều cách để thay đổi họ, từ thuyết phục, giải thích, chứng minh cho họ thấy sự thay đổi là cần thiết, và sự tham gia của những người mới là cần thiết khi công ty ngày càng phát triển. Từ nhẹ nhàng đến kiên quyết, từ mềm mỏng đến cứng rắn, từ động viên đến gây áp lực bằng chỉ tiêu, KPIs...

    Khi đã hết cách, hết thuốc, thì cách duy nhất là "đền bù, giải tỏa" để tạo môi trường năng động, đổi mới, hiệu quả cho công ty.

    Và những quyết định “đền bù, giải tỏa” mà bạn đưa ra trong tư cách doanh chủ, CEO, quản lý cấp cao đối với những "công thần hết thuốc chữa", dù khó khăn, nhưng nếu quyết đoán và có sự chuẩn bị kỹ, sẽ đem lại những thay đổi tích cực để tạo nên những kết quả đột phá.

    ---------------------

    * PS: Lời khuyên muôn thuở của tôi đối với những nhà quản lý chuyên nghiệp vẫn là:

    - Quyết định tốt nhất là một quyết định đúng.
    - Quyết định tốt thứ nhì là một quyết định sai.
    - Quyết định tệ nhất là không dám quyết gì cả.

    Chúc bạn thành công!

    Long Nguyen Huu - Group PTDNV

     

    Emanvn TH

    Ngày đăng: 16-03-2019 1,015 lượt xem