• KHOẢNG TRỐNG KIẾN THỨC SINH VIÊN IT VÀ LẬP TRÌNH VIÊN

    Nguyên nhân cơ bản nhất là kiến thức được dạy trong trường không bao giờ đủ. Có một khoảng trống lớn về kiến thức giữa sinh viên IT mới ra trường và một lập trình viên “thực thụ”.

     

    Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu và tìm cách lấp đầy khoảng trống này nhé.

    Những thứ các bạn sinh viên thiếu bao gồm:

    • Kĩ năng cứng
    • Kĩ năng xin việc
    • Kĩ năng mềm

     

    Kĩ năng cứng

    Những kĩ năng cứng này không có gì quá cao siêu như thuật toán, data mining, IoT, … mà chỉ là những thứ đơn giản như sau:

    • Source Control: Thay vì viết code theo kiểu “thân ai nấy lo”, các công ty sử dụng Source Control để quản lý toàn bộ source. Hai source control phổ biến nhất là Git và SVN (Một số công ty dùng TFS của Microsoft).

    Các bạn có thể tự tìm hiểu về Git, SVN rất dễ dàng bằng cách google git tutorial.

    • Quy trình làm việc: Hiện nay, đa phần các công ty áp dụng qui trình Scrum, dựa trên các nguyên lý Agile. Thay vì đợi vào công ty mới học, các bạn có thể lên Scrum Training để tự học thông qua các video rất bổ ích.

    Hoặc trong sách Code Dạo Ký Sự cũng có 2 bài viết rất cụ thể về Scrum và Agile.

    • Cách đọc và viết code: Khi đi làm, phần lớn công việc của bạn sẽ là bảo trì dự án, viết thêm chức năng nên kĩ năng đọc code là hết sức quan trọng. Ngoài ra, ta bắt buộc phải viết code rõ ràng, dễ đọc dễ hiểu dễ bảo trì. Những điều này không thể học được ngày một ngày hai, mà phải trải qua quá trình rèn luyện.

    Các bạn có thể tìm đọc thử Clean Code để tìm hiểu thế nào là code sạch.

    • Framework: Trường đại học chỉ dạy cho bạn những kiến thức cơ bản. Nhưng bản thân các công ty lại yêu cầu sinh viên phải có kiến thức, kinh nghiệm về framework. Do đó, đừng chỉ mải mê học ngôn ngữ mà hãy chọn framework nào hay ho để học nhé.
    • Tiếng Anh: Yếu ngoại ngữ sẽ làm bạn vụt mất rất nhiều cơ hội, vì tiếng Anh khá quan trọng trong ngành IT. Bạn cần tiếng Anh để đọc hiểu tài liệu, tự học, giao tiếp trao đổi với khách hàng. Mức lương cho các lập trình viên giỏi tiếng Anh dĩ nhiên cũng sẽ nhỉnh hơn nhé.

     

    Kĩ năng xin việc

    Có kĩ năng tốt nhưng thiếu kĩ năng xin việc thì dĩ nhiên là bạn cũng sẽ… thất nghiệp. Các kĩ năng xin việc cơ bản cũng khá đơn giản:

    • Tìm hiểu thị trường: Mình đã nhiều lần nghe câu hỏi “Học ngôn ngữ lập trình gì bây giờ? Muốn biết câu hỏi này, bạn cần đọc các mẫu thống kê của itviec, vietnamwork để biết ngôn ngữ/công nghệ gì đang hot nhất (Gợi ý nhé, JavaScript giờ đang hot lắm đấy)
    • Định giá bản thân: Muốn biết mức lương mà mình xứng đáng được nhận là bao nhiêu, đầu tiên các bạn cần xác định những kiến thức mình biết và số năm kinh nghiệm. Sau đó, lên những trang như itviec, vietnamwork để tham khảo mức lương trung bình cho vị trí đó là bao nhiêu nhé.
    • Viết CV và Trả lời phỏng vấn: CV là thứ giúp nhà tuyển dụng biết về bạn, giúp bạn vào vòng phỏng vấn. Để biết cách viết CV cho chuẩn, cách chuẩn bị và trả lời phỏng vấn, hãy xem lại series Muôn nẻo đường tìm việc trên blog nhé.

     

    Kĩ năng mềm

    Nếu kĩ năng cứng, kĩ năng xin việc quyết định chuyện bạn có việc làm hay không; kĩ năng mềm sẽ quyết định khả năng sống sót với nghề, khả năng thăng tiến của bạn.

    • Tự học: Kiến thức trong ngành IT liên tục thay đổi. Các công nghệ mới liên tục lỗi thời, nếu không biết cách tự cập nhật kiến thức cho bản thân, bạn sẽ dễ trở nên lỗi thời và lạc hậu, khó cạnh tranh lại với lớp trẻ.
    • Làm việc nhóm: Không ai code một mình! Trong phần lớn các dự án, bạn phải làm việc chung với đồng đội, với tester, với cấp trên. Để làm việc nhóm tốt, bạn cần kĩ năng giao tiếp, trình bày, giải quyết xung đột, những kĩ năng này sẽ rất cần thiết khi bạn muốn tiến lên những vị trí cao hơn.
    • Xây dựng tiếng tăm và quan hệ: Biết cách xây dựng tiếng tăm, bạn sẽ nhận được sự nể trọng của đồng nghiệp cũng như cấp trên. Biết cách xây dựng quan hệ, bạn sẽ mở ra được rất nhiều những cơ hội mới (Bản thân mình có được việc làm ở Aswigphòng IT của Lancaster cũng làm nhờ bạn bè giới thiệu).
    • Chia sẻ kiến thức: Chia sẻ kiến thức mang lại cho bạn rất nhiều lợi ích: Củng cố lại kiến thức, mở rộng mối quan hệ, xây dựng thương hiệu cá nhân. Hãy cùng tìm hiểu thêm về lợi ích của việc viết blog nhé.

     

    Hi vọng qua bài viết này, các bạn sinh viên có thể nhận ra được những lỗ hổng kiến thức của mình, đồng thời tự tìm hiểu và lấp đầy những khoảng trống này nhé.

     

    Emanvn | Phạm Huy Hoàng

    Ngày đăng: 19-12-2017 1,108 lượt xem