• CẦN CÁI NHÌN BÌNH TĨNH CHO NGÀNH BÁN LẺ VIỆT NAM

    Các doanh nghiệp bán lẻ chiếm ít nhất trên 50% tổng số doanh nghiệp Việt và đang sử dụng gần 3 triệu lao động...

     

    Đó là kết quả khảo sát trong tháng 3-4/2016 trên phạm vi toàn quốc của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, với mẫu khảo sát 1.500 và phản hồi của 100 doanh nghiệp, trong đó 75% là doanh nghiệp 100% vốn tư nhân trong nước.

    Cho thấy vai trò quan trọng của ngành bán lẻ trong nền kinh tế với con số các doanh nghiệp bán lẻ chiếm ít nhất trên 50% tổng số doanh nghiệp Việt và đang sử dụng gần 3 triệu lao động.

    Tính lũy kế tới cuối năm 2015, đã có 1.735 dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa mô tô - xe máy.

    Vậy có hay không nguy cơ ngành bán lẻ bị thôn tính?

    Bà Loan - Chủ tịch hiệp hội cho biết, trong số 12 mô hình bán lẻ thông dụng hiện nay, doanh nghiệp đặt kỳ vọng nhiều nhất vào các mô hình bán lẻ hiện đại (gần 94% doanh nghiệp cho rằng bán lẻ online có triển vọng, 91% với mô hình siêu thị tổng hợp, 88% cho trung tâm mua sắm, 83% cho các siêu thị chuyên doanh, 79% cho các cửa hàng tiện ích).

    Một số mô hình bán lẻ hiện đại mới du nhập vào Việt Nam trong một vài năm gần đây, tuy chưa thực sự phổ biến nhưng cũng được các doanh nghiệp đánh giá triển vọng khá cao (ví dụ 71% đánh giá bán lẻ qua truyền hình là có triển vọng, 46% cho hình thức bán lẻ qua catalogue, điện thoại, thư...). 

    Các mô hình bán lẻ truyền thống như chợ truyền thống hay các hình thức bán lẻ siêu nhỏ - di động (bán rong) được đánh giá là ít có triển vọng hơn. Mặc dù vậy, cũng có tới 47% doanh nghiệp đánh giá chợ truyền thống tiếp tục là mô hình bán lẻ quan trọng trong thời gian tới, cửa hàng tạp hóa là 55%... 

    Nhìn vào các mô hình bán lẻ mà doanh nghiệp đánh giá là có triển vọng nhất, nhóm nghiên cứu cho rằng cơ hội dành cho các nhà bán lẻ nước ngoài là rất lớn: 2 mô hình được đánh giá có triển vọng nhất - siêu thị tổng hợp và trung tâm mua sắm - hiện đang là thế mạnh của các nhà bán lẻ nước ngoài. 

    Tuy vậy, cơ hội dành cho các nhà bán lẻ Việt Nam thậm chí còn lớn hơn nhiều. Vì ngoài hai mô hình có triển vọng nhất mà các nhà bán lẻ nội địa vẫn đang có thị phần đáng kể, trong tất cả các mô hình bán lẻ còn lại, đặc biệt là các mô hình bán lẻ có triển vọng trong tốp đầu, thị phần hiện đều thuộc về các nhà bán lẻ Việt Nam là chủ yếu. Các mô hình bán lẻ truyền thống thì hoàn toàn thuộc về các cơ sở kinh doanh bán lẻ cá thể Việt Nam. 

    Bà Trang cũng nêu thông tin mà theo bà là thú vị, đó là kết quả điều tra cũng khẳng định suy đoán này với việc đa số (50-70%) các doanh nghiệp được hỏi khẳng định sự tự tin nhất định trong cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài phần lớn các mô hình bán lẻ, đặc biệt là các mô hình truyền thống. 

    Và ở tất cả các trường hợp, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ (3-10%) các doanh nghiệp đánh giá rằng nhà bán lẻ Việt Nam hoàn toàn bất lợi trong cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài. 

    Do đó, có thể thấy, tương lai ngành bán lẻ thuộc về cả các doanh nghiệp nội địa và FDI, ở tất cả các mô hình bán lẻ.

     

    Nguyên Vũ

    Ngày đăng: 26-07-2018 886 lượt xem